Bạn bỏ ra 1 tháng 3-4 triệu cho việc học tiếng Anh ở một trung tâm tốt, xịn, hay và học thấy tiến bộ, có đáng không? Đáng chớ. Đâu phải ai bỏ tiền ra cũng có đúng cái mình cần và đạt đúng kết quả mình mong muốn.
Nhưng có người lại không cần tốn một xu nào cho việc học tiếng Anh mà vẫn giỏi, vì sao?
Vì cái việc để giỏi một thứ gì đó, nó bao gồm nhiều yếu tố:
Đầu tiên: bản thân bạn. Bạn có sẵn sàng không? Bạn có sẵn sàng dành mỗi ngày 1 tiếng đều đặn, dù mưa gió, dù nhiều lời mời gọi vui chơi, dù bận rộn… cho việc học tiếng Anh hay không?
Thứ hai: cũng là bản thân bạn. Bạn có luôn khao khát muốn giỏi tiếng Anh và luôn tìm những người có sở thích tiếng Anh để giao lưu, luôn mò mẫm những nơi người ta có chương trình tiếng Anh để tìm tới, bạn có chịu khó chạy ra công viên, bưu điện để gặp gỡ giao lưu dù chỉ 1 câu với người nước ngoài, để nhận ra mình còn dở như thế nào, để thấy xấu hổ và về cố gắng thêm?
Thứ ba: lúc này mới đến môi trường và phương pháp học.
- Tất nhiên, một người sinh ra và lớn lên ở Mỹ sẽ tự động nói tiếng Anh được mà không cần bất cứ sự nỗ lực nào. Đó là môi trường. Còn mình, không có môi trường hoàn hảo như thế thì mình phải tự tạo. Rất nhiều bạn du học sinh đi học nhưng chỉ tụ tập giao lưu với cộng đồng người Việt nhiều hơn thì vốn tiếng Anh vẫn không bằng một người ở trong nước nhưng suốt ngày đi chơi, làm việc và giao lưu với người nước ngoài.
- Môi trường không tự nhiên ở ngay xung quanh bạn. Bạn sẽ phải chủ động tìm tới, kết bạn, chủ động dặn nhau phải nói tiếng Anh, quy định phải dành bao nhiêu thời gian trong ngày cho cái môi trường này. Vì mình không sống ở Mỹ mà là ở một quốc gia xem tiếng Anh như ngoại ngữ, do đó, có được môi trường cũng khó chứ. Nhưng khó không có nghĩa là không thể làm được. Vẫn có rất nhiều câu lạc bộ tiếng Anh, vẫn có rất nhiều chương trình dạy miễn phí, những nơi có người nước ngoài tình nguyện dạy rất nhiệt tình. Vấn đề chỉ là: tìm ra và tham gia.
- Còn về phương pháp học: thật ra không có một chuẩn mực cho bất cứ ai. Thầy cô này đối với người này là hay, đối với người khác là dở. Chẳng qua do họ chưa dạy đúng cái mình đang thiếu, đang cần. Chỉ có bạn mới biết mình đang thiếu gì, cần gì. Bạn có thể tham khảo cách học của người khác, kinh nghiệm của người khác, nhưng chỉ khi bạn thực hiện thì mới biết nó có phù hợp với mình hay không.
- Bạn cần nghe tốt, người ta khuyên hãy nghe chép chính tả thì khả năng nghe sẽ nâng cao. Nhưng bạn chỉ mới là beginner, nghe 1 câu bình thường còn không được thì sao mà chép chính tả? Vậy thì hãy tìm những video chậm, dành cho beginner và cũng thực hành chép chính tả. Hoặc có thể xem những video có subtitle để quen dần với nhịp độ và ngữ điệu, rồi mình tắt đi, mình tập chép chính tả (nếu bạn vẫn muốn dùng cách này). Hãy nghe lời khuyên của những người đi trước, nhưng không nhất thiết phải vận dụng hết, mà chỉ áp dụng những phần nào thích hợp với mình, tự đúc kết nên cách học của mình.
- Bạn cần nói giỏi. Người ta bảo hãy luyện tập trước gương, hãy thu âm giọng nói, hãy đi gặp gỡ giao lưu nhiều. Nhưng mà bạn gặp vấn đề với hết thảy các điều trên, thì phải bắt đầu từ đâu? Vậy thì hãy làm theo cách mà mình cảm thấy thoải mái, miễn sao không chệch khỏi mục tiêu của mình. Ví dụ bạn có thể nhẩm theo và bắt chước khi người ta nói, bạn có thể học thuộc lòng 1 bài hát tiếng Anh và tự hát ở nhà (nếu bạn không dám hát cho ai nghe). Bạn có thể đi theo những người khác và chỉ ngồi nghe họ nói thôi rồi ghi chú lại và về nhà tự nhẩm theo. Cách học hơi tự kỷ như vậy thực ra không tốt lắm, nhưng nó giúp bạn đến với tiếng Anh từ điều mình thích, từ cái làm mình thoải mái trước đã. Cho đến khi bạn nuôi dưỡng cái niềm yêu thích đó lớn hơn, khi nó đủ lớn thì bạn sẽ dám làm những điều mà trước đây bạn tưởng mình không thể.
- Bạn cần đọc hiểu thật nhanh: cách duy nhất chỉ là “đọc nhiều hơn”. Cũng vậy, bắt đầu từ những câu tiếng Anh đơn giản mà bạn thích, những câu nói về tình yêu, những câu thoại trong phim, những câu hát mà bạn tâm đắc. Hãy bắt đầu đọc những thứ bạn thích mà thôi. Bởi vì, ngay cả việc đọc sách tiếng Việt cũng là một khó khăn với bạn, thì tiếng Anh còn chán ngấy hơn nhiều. Khi bạn thành thạo những vấn đề mà bạn thích thì tự nhiên đến lúc đó bạn sẽ có nhu cầu tìm hiểu xa hơn. Hoặc nếu không thì cũng chẳng sao, vì ít nhất những điều mình thích, mình có thể đọc và hiểu nó bất cứ lúc nào.
- Bạn cần viết tốt. À cái này thì nó đòi hỏi cả việc đọc và viết cùng kết hợp. Người ta sẽ dễ bị ảnh hưởng với cái mà họ đọc. Khi đọc nhiều một thứ gì, người ta dễ có xu hướng viết theo như vậy. Tất nhiên, cơ bản thì bạn phải nắm chắc ngữ pháp cái đã. Tôi tin người Việt Nam mình thì khá tốt về ngữ pháp tiếng Anh. Mà cũng không quan trọng lắm đâu. Việc học ngôn ngữ là bắt chước. Bạn sẽ có xu hướng viết giống văn phong của những cái bạn thường đọc.
Và hãy viết nhiều lên, bắt đầu từ những câu đơn giản như: Hôm nay tôi buồn quá, người yêu bỏ tôi rồi. Bạn có thể viết nhật ký, hoặc ký sự một điều gì đó xảy ra trong cuộc sống. Nếu bạn viết và giấu nhẹm đi chỉ có mình bạn biết thì tôi nghĩ nó sẽ không đem lại lợi ích gì cho sự phát triển kỹ năng viết của bạn cả. Hãy nhờ ai đó góp ý, chỉnh sửa. Hãy gửi cho những trang dạy tiếng Anh online với những nhân viên nhiệt tình luôn giúp bạn sửa lỗi. Hoặc đơn giản, bạn chỉ cần google: “gian xảo tiếng Anh là gì” thì một loạt trang web sẽ giúp bạn. Vấn đề chính vẫn là bạn. Bạn có chịu tìm không.
Nếu chịu tìm, thì google cái gì cũng có. Chỉ có người yêu thì google không thể cung cấp thôi :))
Sau khi đọc hết những dòng trên, tôi tin bạn sẽ đưa ra được lựa chọn cho việc học tiếng Anh của mình. Nó cũng như cái bánh pizza 8 miếng. Siêng năng 4 miếng, môi trường 2 miếng, phương pháp 2 miếng.
Nếu bạn là người quá lười, hoặc tiếng Anh đích thị là kẻ thù của cuộc đời, bạn cần vin vào một nơi nào đó, một người nào đó thì mới học được. Tôi nghĩ bạn nên dành luôn 4 miếng pizza siêng năng đó đổi thành tiền bạc để đầu tư vô một nơi xứng đáng, gặp được người truyền cảm hứng và đập tan sự lười biếng của bạn.
Còn nếu bạn là người siêng năng chăm chỉ, thôi, tôi không cần nói nữa.
Tôi có một người bạn ở Thái Lan, bạn trò chuyện tiếng Anh với tôi khá tự tin và lưu loát. Tôi hỏi bạn đã dành bao nhiêu tiền học tiếng Anh và đi học ở chỗ nào. Tôi ngạc nhiên khi bạn nói rằng tự học, ở Thái Lan các trung tâm tiếng Anh không nhiều. Ngày ấy tôi thấy làm lạ. Nhưng nay, tôi đã hiểu, việc bỏ tiền ra học hay không bỏ tiền ra học, thực ra không phải là vấn đề. Vấn đề là ở con người.
Chúc các bạn một ngày nào đó sẽ nhìn lại cái quá khứ đầy hãi hùng của mình và nói: trời ơi, tiếng Anh dễ mà!