Nhân ngày nhà giáo nói về "Ba"

Viết bởi Cô Đào vào 2016-10-26
Chủ đề:

Untitled.png

Ba như người thầy vĩ đại trong cuộc đời tôi.

Còn tôi lại là sản phẩm lỗi của ba.

Ba tôi tìm hiểu cái gì cũng tới nơi tới chốn, đọc nhiều, tìm hiểu kiến thức đủ thể loại, gần gần giống bách khoa toàn thư trong mắt tôi. Còn tôi, thích gì lên thì vùi đầu vào vài ba ngày là lại chuyển qua sở thích mới. Từ nhỏ quen tính ỷ lại, có ba để hỏi rồi nên cũng ít khi phải lên hỏi anh Google vì nhiều khi còn không chính xác và cặn kẽ bằng ba. Ví dụ tôi muốn hỏi, ba ơi Tào Tháo là ai, thì ba tôi không những cho tôi kiến thức về Tào Tháo mà còn kể thêm về thời Tam quốc nữa, cho tôi hiểu tới ngọn nguồn căn nguyên mới hả lòng hả dạ.

Còn trong cuộc sống, trong công việc và mối quan hệ, cứ về bẩm báo có thằng nọ thằng kia ức hiếp, có bà này bà kia chèn ép, có mụ kia con ghét giờ phải đấu trí làm sao… là ba bày binh bố trận cho như Xuân thu chiến quốc luôn, áp dụng Binh pháp Tôn Tử dữ dằn luôn.

Nói chung ba dạy tôi đủ thứ. Từ hồi hiểu tiếng người, í quên, từ hồi tôi bắt đầu hiểu chuyện, cỡ lớp 2 lớp 3 gì đó bắt đầu có nhận thức là ba bắt đầu “nhồi nhét” vào não tôi rất nhiều thứ hay ho bằng những câu chuyện rất dài, rất dài, từ văn chương đến nông nghiệp, từ hội họa đến chính trị… Ba dạy cho tôi trong cả lúc ba say lẫn lúc tỉnh.  Vì nhiều quá nên tôi chẳng thể nào nhớ hết, sau này ba hay cằn nhằn: ba đã nói điều này với con rồi. Ừ quả là có nói rồi nhưng con còn nhỏ quá có nhớ đâu. Sau này ra đời gặp chuyện mới thấy cần, lại quay về hỏi, lại bị ba cằn nhằn.

Ba nói tôi như sản phẩm lỗi, vì ba đã rất tâm huyết khi giáo dục tôi, mong cho tôi như tiểu thư có đầy đủ vẹn toàn cả đức, cả trí, cả nết, cả văn thơ tinh tú đến cầm kỳ bay bổng… Thế mà tôi thành ra đứa dở người dở nết thế này, thông minh có thừa nhưng ương bướng cũng số một, thành ra cũng chẳng làm nên chuyện gì.

Tôi thấy có nhiều đứa trẻ vị thành niên thường xấu hổ về cha mẹ của chúng, vì một lý do nào đó mà chúng nghĩ rằng ba mẹ chúng thua kém thiên hạ. Chúng hạn chế nói về gia đình của mình, chúng bày tỏ sự ngưỡng mộ với gia đình khác, cho rằng ba mẹ của bạn chúng mới cá tính hơn, hiểu biết hơn… Riêng tôi từ nhỏ đã không sợ trời sợ đất, chỉ sợ ba đánh đòn thôi. Ba tôi ngày xưa dở dang chuyện học, đi bộ đội rồi lấy vợ sinh con… Cả đời ba chưa làm chức nào lớn, lớn nhất chỉ là ông thầy dạy trung cấp. Cả đời ba chưa làm việc gì nhiều ăm ắp tiền, việc thành công nhất của ba là một người nông dân chăm cho đàn gia súc, lo cho mảnh vườn. Nhưng ba là cả bầu trời tuổi thơ của chị em chúng tôi. Ba dạy cho chúng tôi sự tự tin, nghèo không để ai khinh, mà nếu có giàu thì đừng để người ta ghét. Ba dạy chúng tôi rằng có kiến thức sẽ có tất cả. Mà tất cả đó KHÔNG PHẢI LÀ TIỀN. Đúng vậy, tất cả, đó là sự kết hợp của nhiều thứ tạo nên sự tôn trọng, chứ không phải tiền. Và mình cũng biết gặt lấy sự tôn trọng từ đúng người nữa mới được.

Ba tôi như ông thầy đồ trong xóm. Nhà ai có vợ đau bụng, con nổi sải cũng kêu ba tôi đến xem. Nhà ai cần làm giấy kiện tụng, cần làm đơn xin trợ cấp cũng gọi ba tôi đến bày biểu. Nhà ai cần soạn điếu văn, cần người cầm trịch đám cưới lễ hỏi cũng nhờ ba tôi đứng ra tổ chức. Bây giờ ba tôi còn kiêm cả việc cố vấn dạo, ai lập công ty làm ăn ra sao, thị trường thế nào cũng tới tận nhà uống trà bàn luận… (nói tới đây thì thở dài 1 tiếng, ba tui bao đồng quá)

Việc làng việc xóm thì giỏi nhưng bụt nhà không thiêng, nhà tôi vẫn thuộc dạng đủ ăn đủ mặc chứ cũng không khá giả gì. Ba tôi cứ phương châm: việc lợi mình hại người thì không làm, việc lợi người hại mình cũng không làm, việc hại người hại mình càng không làm, thì còn cái gì để làm nữa đâu. Thôi thì chấp nhận cuộc sống ung dung tự tại, chấp nhận cái hạnh phúc của thường dân.

Cứ vậy tôi lớn lên với những lời dạy của ba, những phương châm sống đạo đức, trượng nghĩa, hào sảng. Bây giờ ngẫm lại thì ba đúng là người thầy vĩ đại nhất của tôi. Có thể xã hội bây giờ coi trọng đồng tiền sẽ không nghĩ như ba con tôi nghĩ, sẽ không làm như ba con tôi làm, sẽ hất hàm cười khinh cái tư duy nho học, đạo học của ba tôi, có người còn chê bai bảo: cứ thế thì xã hội sao cạnh  tranh  phát triển được? Nhưng tôi dám tự tin nói với những người ấy: nếu anh đủ dũng cảm, mạnh mẽ thì anh hãy cứ giàu đi, giàu cho cương nghị, cho đạo đức, cho khảng khái vào. Nếu không, thì sống đạo đức có gì sai?

Mỗi chân lý đều có giá trị của nó. Ba tôi là người thầy dạy cho tôi những chân lý đầu tiên: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Trong khi người ta tranh nhau dạy con làm giàu, tìm mọi cách để dạy con mình mưu mô, kế hoạch, hơn thua với đời thì ba tôi dạy điều đầu tiên là sống tự chủ và cương trực.

Nếu ai đã từng đọc cuốn “Hai số phận”, thì mới hiểu được sự cạnh tranh công bằng, cương trực là như thế nào. Ba con tôi, chắc là những kẻ sĩ  ẩn cư, tìm an vui trong hòa bình, tìm hạnh phúc nơi thanh vắng.

Rồi đời mình cũng như mây trôi…