Làm freelancer giúp tôi "lớn lên" như thế nào

Viết bởi Cô Đào vào 2019-11-12
Chủ đề:

Untitled.png

Tôi không phải một đứa chuyên làm freelance. Tôi chỉ có kinh nghiệm khoảng chừng một năm rưỡi tổng cộng vừa làm freelance toàn phần, vừa làm freelance bán phần, tức những khi rảnh rỗi. Nhưng bởi cái tính hay suy ngẫm và quan sát, nên sau một thời gian, tôi cảm thấy mình học được nhiều thứ từ công việc freelance, và hơn nữa là hiểu thêm về cách mà mỗi người nhìn nhận về đồng tiền như thế nào.

Khoảng những năm 2012, 2013, tôi có những giai đoạn thất nghiệp đến phát chán, có lúc thất nghiệp liền 4 tháng trời, xui xẻo toàn phỏng vấn vào những công ty kém chất lượng so với tiêu chuẩn của mình, thế nên cứ chấp nhận ế chứ không vơ đại để rồi chia tay sớm. Cũng có khi lầm, vào làm thử 2-3 tháng ở công ty nọ kia, rồi học được bài học kinh nghiệm, rồi chia tay. Vậy nên giai đoạn đó tôi đi kiếm công việc freelance để có thu nhập. Sau này khi có công việc giờ giấc ổn định, tôi cũng tìm những công việc tay trái khác để kiếm thêm tiền.

Và đúng thế đấy, tôi làm freelance chủ yếu là vì tiền, chứ chẳng phải ham hố hay đam mê gì cả.

Giai đoạn khủng hoảng nhất khi mà những công việc freelance là nguồn kiếm sống chính của tôi. Tôi rà soát hết tất cả tin tuyển dụng, mỗi ngày lướt web tôi đọc hàng trăm tin tuyển dụng đến nỗi thuộc lòng format tuyển dụng của họ và thậm chí có lúc tôi còn muốn thử học nghề nhân sự xem sao, nhưng sau đó thì dẹp tư tưởng đó qua một bên vì tôi nghĩ nghề nhân sự là một nghề đòi hỏi kiến thức tổng hợp ghê gớm lắm, không phải chỉ biết soạn thảo ba cái tin tuyển dụng, rồi phỏng vấn ứng viên là xong. Mà lúc đó tôi còn quá non và xanh. (À sau này thì ngành nhân sự được chuyên môn hoá hơn, và chia ra một nhánh khác là headhunting, cho nên hồi đó nếu tôi chọn đi theo nghề nhân sự thì có vẻ bây giờ sẽ phải làm việc nhiều với con người, đối nội nhiều hơn và không nhất thiết phải liên quan gì đến kinh nghiệm đọc hàng trăm mẫu tuyển dụng của tôi thưở xưa nữa) :P

Quay lại vấn đề chính. Để tìm được một công việc freelance phù hợp, tôi dùng bộ lọc tự động của não sau khi đọc hàng trăm thông tin trên mạng, biết được những yêu cầu của phía tuyển dụng và biết là nó khớp với thế mạnh (nhất) của mình khi đó. Tôi mạnh dạn gửi email đến một chỗ chuyên về biên dịch. Dù hồi đó vốn tiếng Anh của tôi cũng không phải cao cấp gì nhưng tôi tự tin về vốn liếng ngôn ngữ mà mình tích luỹ sau bao năm đọc sách, tự tin về cách dùng từ và sắp đặt ngôn ngữ trong tiếng Việt, cũng như tự tin về vốn chính tả của mình. Hồi đó trẻ mà, tự tin tôi có thừa (nhưng càng ngày càng đi nhiều học nhiều thì nó giảm lại rồi).

Ban đầu tôi dự định xin làm biên dịch từ Anh sang Việt thôi, nhưng sau thì có gì làm nấy. Vả lại thời ấy, những nhà biên dịch chuyên nghiệp bao giờ cũng cần những cộng tác viên dịch thô cho họ, đặc biệt là những cuốn sách thuộc kiểu “chicken soup”. Thế là tôi cũng có được một công việc cộng tác viên biên dịch theo thời vụ. Nghĩa là tôi làm việc dựa trên đầu sách. Họ có thể giao cho tôi một hoặc hai ba cuốn sách cùng lúc, tuỳ tôi sắp xếp thời gian để hoàn thành đúng hạn. Phải nói nhờ tính chất công việc biên dịch ấy mà tôi được đọc qua cơ số các thể loại sách self-help, khiến bây giờ, tôi ớn đến nỗi sẽ không bao giờ mua bất kì quyển self-help nào để đọc nữa cả. Tôi thâu tóm tất cả kiến thức trong quá trình làm biên dịch rồi. Đây quả thực là một nghề rất hay ho.

Nếu freelancer là nguồn thu nhập chính, chúng ta phải học cách quản lý thời gian, và đó là điều khó nhất với tôi khi ấy. Tôi chưa học được cách kỷ luật bản thân, và đến tận bây giờ vẫn vậy. Hồi đó tôi ở trọ cùng với 5 người khác. Vì tôi thuộc dạng rảnh rang nhất nhà, nên mọi người giao cho tôi công việc nấu ăn. Tôi thì ok được thôi, vì tôi cũng không thích ăn đồ người khác nấu nếu không hợp khẩu vị. Thế là mỗi sáng tôi thức dậy sớm để ra chợ ở gần nhà, mua thực phẩm tươi sống về sơ chế và ướp, đợi đến gần trưa thì nấu, tôi ăn bữa trưa một mình, đôi khi ăn cùng một vài đứa em hôm ấy nghỉ học. Phần đồ ướp còn lại thì tôi để trong tủ lạnh đợi đến chiều mọi người đi làm về đông đủ thì nấu. Ăn sáng xong, chuẩn bị dây dưa các thứ, đến tận 10 giờ mới bắt đầu ngồi vào bàn để làm việc. Thế nhưng tôi có bao giờ làm việc được khi ngồi ở nhà thoải mái như thế, mặc dù ý thức được đó là công việc kiếm tiền chính của mình, nhưng một suy nghĩ âm thầm cản trở tôi, đó là: ui giời, mình còn cả ngày mà, mình còn nhiều thời gian. Vậy là tôi mơ màng vài chút, tôi suy nghĩ mông lung vài chút mới thật sự chuyên tâm vào làm việc. Đôi khi lật được vài trang sách gặp chỗ bí thì tôi lên mạng để tìm hiểu về những thuật ngữ mới, vô tình lại la cà trên đó hết thời gian.

Cả những người xung quanh tôi nữa, có lẽ họ nghĩ làm freelance thì thoải mái, thì không phải mặc đồ công sở ngồi chỉnh tề như họ, cho nên họ thích nhờ tôi cái gì thì nhờ, thích kêu réo tôi lúc nào thì kêu. Rốt cuộc cả một ngày, năng suất làm việc của tôi chẳng đến đâu. Tôi phải làm bù vào ban đêm. Hoá ra cả 24 tiếng đồng hồ tôi đều dành cho công việc, ngoại trừ lúc ăn, ngủ và vệ sinh thôi.

Untitled.png

Phải mất cả tháng đầu tiên tôi mới thích nghi được với phong cách freelance và dần đi vào giờ giấc ổn định, có thời gian thư thái để gặp bạn bè sau giờ làm các kiểu. Nhưng, thu nhập của tôi rất bèo. Có thể vì tôi còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm, nhưng cũng có thể tôi bị bóc lột. Ngày ấy những người làm freelance không nhiều, và nó không trở nên một cái nghề như hiện nay. Ngày nay có rất nhiều người làm việc xuyên quốc gia mà không cần phải đến công ty, không cần ký hợp đồng và mua bảo hiểm lao động, nhưng họ có chuyên môn và công ty ấy cần chuyên môn của họ, cho nên thu nhập của họ rất cao. Còn hồi tôi mới ra trường, freelance thực chất là một công việc phụ giúp cho người khác, không có chuyên môn cũng như không có tinh thần nâng cấp bản thân, đúng nghĩa là việc làm thêm vì chẳng ai sống nổi nếu làm freelance vào thuở ấy.

Ngoài những lúc bù đầu vào biên dịch, tôi cũng tìm kiếm thêm những hoạt động khác để tham gia, cho mình bớt ù lì đi. Trong quá trình tham gia như vậy thì tôi tìm được những công việc thời vụ lẻ tẻ, như là đi làm hướng dẫn viên cho đoàn khách nước ngoài tổ chức team building tại Việt Nam. Tôi chỉ việc đứng một chỗ, hướng dẫn quy chế trò chơi cho họ, công việc chỉ kéo dài trong một đến hai ngày và nhận tiền tươi vào cuối ngày. Có lúc thì tôi gặp được những khách tây ba lô trong công viên, trò chuyện giao lưu và tôi tình nguyện giúp họ khám phá Sài Gòn, nhưng vì sự nhiệt tình nên cuối cùng tôi cũng nhận được thù lao, dao động khoảng 100 đến 200 ngàn, nhưng thù lao ý nghĩa nhất của tôi khi ấy là được trau dồi khả năng nói tiếng Anh của mình.

Sau này khi đã có một công việc ổn định thì việc làm freelance đối với tôi không quá nặng về tiền nữa, nhưng vẫn cần được trả công xứng đáng. Lúc này tôi đã là người có kinh nghiệm, có kỹ năng và với đầu óc cầu tiến muốn học hỏi thêm, thì dù cho đó là công việc freelance kiếm tiền xài chơi, tôi vẫn nghiêm túc với nó.

Công việc freelance của tôi bắt đầu đa dạng hơn, từ viết lách đến dạy thêm tiếng Anh. Làm thêm cũng là một cách để tôi học hỏi trau dồi bản thân, và để lấp những khoảng thời gian trống vô bổ ngoài công việc chính. Với việc viết lách, bản thân tôi có năng khiếu nên cũng khá dễ dàng, tuy nhiên tôi cần có hứng thú và tôi thích được viết về những chủ đề mà mình có cùng sự quan tâm, vì như thế thì tôi dễ tiếp thu và nghiên cứu học hỏi để nâng cao kỹ năng hơn nữa. Nhưng cái nghề viết cũng rất bèo, đôi khi có những đề tài tôi đặt thật nhiều tâm huyết để tìm tòi, cố gắng viết thật hay, nhưng nó lại không đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp, cụ thể ở đây là doanh số. Tôi không ưa các bài viết SEO với nhiều công cụ đo lường và những từ khoá để bán hàng, do đó tôi chọn những doanh nghiệp đang muốn xây dựng thương hiệu với nhiều tâm huyết, các bài viết chú trọng vào branding và educating khách hàng… Để phục vụ cho việc viết lách, tôi phải tự học thêm về PR, marketing, về các công cụ chỉnh sửa ảnh, cái gì có liên quan nảy sinh trong quá trình làm việc tôi đều học, vừa để bản thân khá lên vừa phục vụ cho công việc freelance tuy nghèo nàn nhưng nhiều giá trị đối với mình.

Rồi có những bạn trẻ liên hệ với tôi vì muốn học tiếng Anh giao tiếp. Có lẽ trong thời gian làm việc tại trung tâm tiếng Anh dưới tư cách một tư vấn viên, tôi đã truyền cảm hứng được cho nhiều người về cách học tiếng Anh dễ dàng, vui vẻ đầy hứng thú, không còn xem tiếng Anh là một chướng ngại vật nữa. Tuy tôi không có chuyên môn trong việc giảng dạy cũng không có bằng cấp ưu tú về tiếng Anh nhưng bản thân tôi là một ví dụ điển hình của việc “học mà như chơi”. Do đó, chọn trở thành một freelancer trong nghề dạy học, tôi chấp nhận mình sẽ phải thiếu sót và phải trau dồi rất nhiều, đó là thử thách nhưng đồng thời cũng là niềm cảm hứng. Tôi đầu tư công sức cho việc giảng dạy rất nhiều, mua nhiều sách nghiên cứu, xem nhiều video về cách dạy học của những thầy cô trên mạng, và đúc kết từ kinh nghiệm thực tế, tôi đã có cho mình một phương pháp riêng, một cá tính riêng trong nghề. Khi đủ thời gian dành cho điều gì, bạn sẽ trở nên đam mê nó. Và đúng là, tôi đến với các học sinh của mình bằng niềm đam mê thực sự. Đôi khi tôi giảm học phí, đôi khi tôi mua quà tặng, hoặc tôi đưa các em đi xem phim để kích hoạt sự hứng khởi. Tôi sẵn sàng trả lời mọi thắc mắc của các em 24/7, tôi đồng hành cùng các em trong việc học, tôi vừa là bạn vừa là thầy. Tôi khao khát mãnh liệt được thấy thành quả từ học sinh của mình.

Nếu làm thêm mà nhận được mức thù lao tương xứng với công sức mình bỏ ra thì quả thật hạnh phúc, nhưng không có nghĩa lúc nào thực tế cũng vậy. Cũng có lúc một số người đánh giá thấp năng lực của tôi, hoặc họ cố tình đánh giá thấp để hạ mức thù lao của tôi xuống. Tôi biết có một số công ty họ chưa đủ khả năng thuê một lao động toàn thời gian, phải lo các chi phí về nhân sự thật đau đầu, hoặc cũng có thể công việc đó chưa đủ tải để tốn kém một nhân sự, nên tốt hơn là cứ thuê freelancer cho tiết kiệm. Như vậy không có nghĩa freelancer làm việc kém hiệu quả hơn, mà chẳng qua chỉ là vấn đề kinh tế. Có thể những chủ lao động sẽ khá e dè với freelancer, sợ bị họ cheating, qua mặt, hoặc sợ họ làm không đáng đồng tiền mình bỏ ra, vì đôi bên có ràng buộc gì với nhau về mặt pháp luật đâu. Thế nhưng với quan điểm một người làm freelance cũng từng tiếp xúc với nhiều kiểu chủ lao động khác nhau, keo kiệt có, thoải mái có, thậm chí cả ngu si cũng có vì họ thực sự không biết mình làm có đúng hay không, và thậm chí mình còn phải chỉ ngược lại cho họ, thì tôi quan niệm rằng: mỗi một trải nghiệm đều đáng giá. Những đồng tiền được kiếm bằng con đường chân chính, đổ nhiều mồ hôi thì những đồng tiền đó sẽ sinh lợi rất nhiều. Có thể ban đầu chúng ta bị lừa, bị chèn ép, chúng ta phải làm nhiều hơn so với tiền công, hay là người chủ phải chi trả nhiều hơn so với kết quả của một freelance đem lại, thế nhưng bài học mà chúng ta nhận được sẽ lớn hơn, sau đó đổi lại thành quả cũng lớn hơn.

Người ta hay nói: dùng sai lầm để mua kinh nghiệm, dùng kinh nghiệm để mua tiền bạc, và tiền bạc lại dùng để sửa chữa sai lầm. Một người thành công là khi họ đã trải qua rất nhiều sai lầm, và họ có đủ tiền để nếu có sai lầm nó cũng chẳng ảnh hưởng lớn đến họ nữa.

Vậy nên dù gì đi nữa, tôi vẫn cảm thấy rất biết ơn những lúc khó khăn, những lúc bị đánh giá thấp, những lúc phải làm nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu… Dù sao đi nữa, tôi cũng đang đi trên một tiến trình đúng đắn đấy chứ, phải không?