"Cái cười của thánh nhân" - Chừng nào ta có thể nhìn đời u mặc

Viết bởi Cô Đào vào 2020-02-15
Chủ đề:

Untitled.png

Jésus đang giảng đạo giữa đám đông… Bỗng có nhiều nhà trí thức và tu sĩ lôi đến một dâm phụ bắt tại trận. Sau khi ném người đàn bà tội lỗi ấy giữa đám đông, họ nói với Jésus:- Thưa ông, mụ gian phụ này đã bị bắt quả tang trong khi phạm tội. Theo luật Moise, thì phải bị ném đá. Vậy ông nghĩ thế nào?Jésus không nói gì cả, lấy ngón tay viết trên cát: Bọn giả dối!Nhưng bọn ấy cứ chất vấn mãi… Jésus, không thể làm thinh được nữa bèn ngước mặt lên, nói:- Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng làm tội lỗi có quyền ném viên đá đầu tiên!Khi nghe lời phán ấy, dân chúng bắt đầu tản lần từng người một. Sau cùng chỉ còn có Jésus và người đàn bà tội lỗi giữa công trường mà thôi.Jésus bèn hỏi người đàn bà:- Những kẻ tố cáo đi đâu cả rồi? Không một ai lên án ngươi cả sao?Người đàn bà thưa:- Không ạ!Jésus nói:- Ta cũng vậy! Thôi về đi.

Trên đây là một câu chuyện trong Kinh Thánh, cũng được tác giả Nguyễn Duy Cần đưa vào làm thí dụ cho định nghĩa u mặc mà ông đã phân tích ở những trang đầu cuốn sách.

Vậy u mặc là gì?

Mình xin trích dẫn một đoạn bình luận như sau từ trang nhatkychucuoi :

Người ta học cười chứ không học khóc. Ngay từ thuở lọt lòng mẹ người ta đã biết khóc rồi. Rồi sau đó, trong suốt cuộc đời mình, nếu không theo nghiệp diễn xuất, người ta khóc tự nhiên, bản năng.

U mặc là gì? Là cái cười, nhưng không phải cái cười đơn giản, thuần túy, hiểu cho đơn giản, nó là Cái Cười Của Thánh Nhân. Quả thật u mặc là cái cười mà ta chỉ có thể nói hiểu hay không hiểu, chứ không thể nào giải thích được. Bởi nó là cái cười trong những giọt nước mắt, khi đã trông thấy vạn vật muôn trùng trong cả không gian và thời gian, để hiểu một sự trong hiện tại, mà bật cười chua xót.

Nền văn chương u-mặc vốn hiện diện trong tâm thức của bất cứ dân tộc nào, dù tản mạn hay tập trung. Hai chữ u-mặc là do người Trung Hoa dịch từ chữ humour của người Anh. Tự điển Larousse có định nghĩa về hai chữ đó diễn ý như sau: “Hình thái trí tuệ che dấu trong dáng vẻ nghiêm túc, một sự trào lộng cay độc, một tình huống phi lý hay đáng phì cười”.

Lâm Ngữ Đường, người mà trí thức Trung Hoa tặng cho danh hiệu “u mặc đại sư” có nói: “U mặc là một phần rất quan trọng của nhân sinh, cho nên khi mà nền văn hóa của một quốc gia đã đến một trình độ khá cao rồi ắt phải có một nền văn hóa u mặc.

Untitled.png

Nghệ sĩ trong giới văn hài khi đến một trình độ nhất định, đều hiểu được rằng: hài chính ra có nguồn gốc từ bi; những mảng miếng gây cười thâm thúy và lắng đọng nhất, có ngẫm lại bao nhiêu lần vẫn thấy buồn cười, và càng ngẫm càng thấy ý nghĩa sâu sắc, hóa ra lại từ những tình huống hết sức tréo ngoe trắc trở trong cuộc đời.

Quay trở lại câu chuyện ngụ ngôn phía trên, có thể chúng ta chẳng thấy điều gì đáng buồn cười ở đây cả. Đúng vậy, vì ẩn chứa trong câu chuyện không phải ý nghĩa về một sự hài hước, mà chính là một sự thấu hiểu đến tận cùng bản chất của cuộc sống.

Người ta thường quan niệm rằng người đạo đức là người rất ghét người tội lỗi.

Càng ghét tội lỗi bao nhiêu càng tỏ ra mình đạo đức bấy nhiêu. Dân chúng tin rằng Jésus là người đạo đức rất cao, phen này mụ gái dâm loàn kia phải một phen điêu đứng

Bất ngờ thay, Jésus lại bênh vực dâm phụ bằng cách không lên án, còn trở lại lên án tất cả: Ai chưa từng tội lỗi, được quyền ném viên đá đầu tiên

Trong bài văn không thấy nói ai là người đầu tiên đã bỏ ra đi, nhưng chắc chắn những kẻ đầu tiên đã bỏ ra đi là những cụ già, nhất là những cụ già đầu bạc như thúng bông, thứ đến là những nhà trí thức tài cao học rộng, rồi các vị tu sĩ đạo mạo nghiêm trang mà trước đây đã hằn học lên án tử hình người đàn bà dâm dật này…

Nguyễn Duy Cần có viết:

Vậy nên, u mặc này, với những người có đầu óc thiển cận tầm thường như chúng ta, thật khó để đạt được. Vốn ban đầu mình tìm đến cuốn sách này để tìm ra một sự ngạo nghễ khinh đời, sống riêng cho yên vui của bản thân, nhưng không, mình đã nhầm. Để có được u mặc, bản thân mình phải là người chiêm nghiệm ra lẽ đời, phải thấu hiểu đạo lý làm người, để rồi từ đó nhìn sự việc với cái nhìn bao dung, khái quát hơn và từ đó dễ bỏ qua những điều nhỏ nhặt vụn vặt mà con người ai cũng có thể mắc phải. Con người ai cũng có tội lỗi, ai cũng mắc sai lầm, vậy hà cớ chi mình “cười người hôm trước hôm sau người cười” mà chi. Qua mỗi sự việc, chúng ta chỉ nên ngẫm, hiểu, để rút kinh nghiệm cho bản thân mình, phải chăng đó chính là cái u mặc rất văn minh giúp ta có thể trải qua những hờn giận oan khiên cả những nỗi bi đát một cách trầm tĩnh hơn.

Phần đầu cuốn sách là những phân tích của cụ Nguyễn Duy Cần về u mặc. Phần sau đó là những mẩu chuyện từ đông tây kim cổ để chúng ta đọc, tăng hiểu biết, và tăng tính u mặc của riêng mình.

Theo mình, cuốn sách này nên đọc lúc đã có một số trải nghiệm nhất định về cảm xúc và những hỉ nộ ái ố của cuộc đời thì sẽ cảm  nhận được nhiều hơn.