Con gái nghịch ngợm

Viết bởi Cô Đào vào 2018-07-25
Chủ đề:

Untitled.png

“Tuổi thơ ơi một ngày khôn lớn

Là cuộc đời tôi nhớ trong mơ

Quê hương ơi một lần nức nở

Là cả đời tôi viết vào thơ…”

Ngày xưa, nó tự hào vì mảnh vườn nhà nó chẳng thiếu thứ cây trái gì. So với bước chân nhỏ bé của nó thì mảnh đất mà gia đình nó làm ăn sinh sống phải nói là rất rộng. Nó chẳng hiểu sào là gì, ha là gì. Chỉ nghe lỏm ba nói chuyện với khách khứa bảo là miếng đất này diện tích hai sào rưỡi. Người ta cứ trầm trồ khen mảnh đất tốt, nhiều người còn ngỏ ý muốn mua nhưng ba nó nhất quyết không bán, có lẽ vì mảnh đất đã gắn bó rất nhiều với đời sống tâm hồn của cả gia đình. Như thế thì hai chị em nó mới có cơ hội thỏa sức khám phá, tìm tòi, nghịch ngợm trong phạm vi các điều khoản của “bộ luật” mang tên Ba, suốt quãng thời thơ ấu. Nó vẫn còn nhớ như in xung quanh ngôi nhà nhỏ năm mươi sáu mét vuông ba đã trồng rất nhiều loại cây. Trước hiên là đôi ba gốc ổi, mận và vài gốc đu đủ, xa xa là bụi mía đỏ ngọt lịm sum suê cho hai chị em có thứ vặt hái hàng ngày. Đằng sau nhà là khu vực phơi phóng của mẹ cũng có dăm ba gốc na, bụi trúc xen lẫn những tán lá chùm ruột xanh om. Từ khu vực quanh nhà đi xa hơn mấy chục bước chân mới đến hai cái ao nuôi cá với nào là cá tra, rô phi, trắm cỏ, cá lóc, cá trê… mà chính ngay đây đã nảy sinh một mối tình đầy thơ mộng, ghi dấu ấn và làm thay đổi tâm hồn nó trong nhiều năm sau nữa. Trải đều khắp vườn là những luống rau xanh mơn mởn mà ba mẹ đã vun trồng chăm sóc, tưới nước, bón phân để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Bao quanh mảnh vườn là hàng cau đung đưa trong gió, nguồn cảm hứng văn chương của nó suốt những năm trung học.

Chẳng hiểu thế nào mà những mảnh ký ức cứ ùa về ở mỗi góc vườn. Nó đã tự nhủ không miêu tả quá cầu kỳ hoa mỹ về khu vườn ấy nhưng cứ mỗi khi nhắc đến là nó lại cảm thấy thân thương, cứ muốn nhớ về mãi thôi. Thế là ai cũng biết khu vườn nhà nó có những gì rồi đấy. Không thể tả được sự sung sướng của hai chị em nó khi được sống ở một nơi gần gũi với thiên nhiên như vậy. Ngày ấy, lũ bạn cùng lớp đứa nào cũng khát khao nhà chúng nó có được mảnh vườn rộng, đẹp như thế. Cho nên nó vừa cảm thấy tự hào, vừa cảm thấy có quyền nghịch phá cho thỏa thích, kiểu như chọc thèm chúng bạn; cả những đứa trẻ trong xóm mỗi lần đi ngang qua cũng không khỏi ngước nhìn hai chị em nó đang đu đưa trên cành cây, ẩn hiện trong tán lá mận một cách thèm thuồng.

Nào có  ai cấm con gái thì không được nghịch phá, bắt con gái thì phải nhẹ nhàng dịu dàng đâu nhỉ. Mặc dù nó từ khi sinh ra đã được mẹ giáo dục để trở thành một đứa con gái hiền dịu, nhưng điều ấy chẳng thấm gì vào đầu nó cả. Rồi từ từ khi nào nó lớn nó tập cũng chưa muộn mà. Nó vẫn thấy chị Dãi trong xóm lớn hơn nó ba tuổi mà còn cục cằn thô lỗ đấy thôi, chỉ khi nói chuyện con trai thì chị ấy lại biến đổi thành hiền lành ngay tức khắc. Thưở ấy tất cả suy nghĩ của nó cũng chỉ để ngụy biện cho những trò nghịch phá điên rồ của hai chị em. Nó nghĩ rồi ngày nào đó, nó cũng tự khắc trở nên thục nữ được thôi, nhưng lúc này thì cần phải chơi, cần phải nghịch cho đã vào.

Tuổi thơ của nó có gì thú vị? Nhiều lắm ấy chứ. Cái tuổi thơ sống động ấy có lẽ nên đứng ra đại diện cho tuổi thơ của những đứa trẻ sống ở ngoại ô, vừa gần thành phố nhưng vẫn còn phảng phất hương vị nông thôn. Những gì tạo nên tâm hồn nó cho đến ngày nay chính là nhờ vào tuổi thơ ấy. Rồi một ngày nào đó, dòng thời gian cuốn nó đi theo những bộn bề, lo toan, có lẽ nó sẽ tìm về những kỉ niệm ấy để khơi lại niềm tin yêu cuộc sống, tìm lại chút dư vị ngọt ngào cuối mùa yêu thương.

jbm_4169.jpg


Cứ xong giờ cơm trưa là đến giờ nghỉ ngơi bắt buộc đối với hai chị em. Thế mà nó vẫn trốn giấc ngủ trưa để khám phá.  Khung cảnh này có lẽ rất quen thuộc trong ký ức nhiều đứa trẻ đấy. Vì chỉ có khi người ta lớn, người ta mới cần lắm những giấc ngủ, trẻ con còn nhiều điều chưa biết về cuộc sống, thế thì tại sao phải ngủ làm gì.

Ba nó thì nằm trên chiếc ghế xếp, mắt lim dim, tay gác lên trán. Mẹ thì cắm cúi bên chiếc máy may gần cửa sổ hướng ra vườn. Sau giờ ăn, hai chị em leo lên giường rì rầm một chút, rồi giả vờ im ắng một chút, đợi cho tất cả đều yên lặng chỉ nghe thấy tiếng gà trưa văng vẳng xa xa, nó với nhỏ em mới leo tọt xuống, rất khẽ, len lỏi trong những ngóc ngách mà chạy một mạch ra vườn. Không hiểu chuyện gì khiến nó thích thú hơn, được chơi ngoài vườn mát mẻ trong trưa nắng hè hay cảm giác lì lợm lén lút pha lẫn chút hồi hộp của những trò tinh nghịch mà nó biết tỏng rằng, nếu những trò tinh nghịch ấy bị phát hiện thể nào cũng phải có một trận đòn roi. Dù sao thì cũng đã ra tới ngoài vườn, cứ thỏa thích chơi đùa rồi hẳn tính. Hai chị em ngồi ngay gốc cây sung bám rễ sâu tận dưới đáy ao, khua chân nhè nhẹ làm giật mình mấy con nòng nọc đang xúm xít tỉa tót gì đó dưới gốc dương xỉ; rồi hai đứa thi nhau ném đất xuống ao xem ai ném được xa hơn. Thế mà thú vị thật. Cái gốc sung này, từ khi mọc  lên cứng cáp, hai chị em cứ leo hoài leo mãi khiến cho thân cây dường như nghiêng hẳn xuống mặt nước, chút xíu nữa là thành chiếc cầu qua tới bờ bên kia. Nó còn có một tấm hình chụp với gốc sung già vào dịp tết, bên dưới là nhỏ em đang chơi với lũ kiến, tay chân lấm lem. Tấm hình với nụ cười toe khoe hàm răng sún của hai chị em đến bây giờ ba mẹ nó còn cất giữ kỹ trong cuốn album gia đình. Một thời gian sau đó khi nó đã lớn thì gốc sung cũng già cỗi, bạn thân của nó thuở ấu thơ đã nghiêng hẳn, chìm xuống ao, chia tay chị em nó với những trò chơi thi vị. Những thước phim quay chậm ấy khiến nó mỗi lần nhớ về là lại thấy bồi hồi khôn tả và đôi khi nó còn khóc vì da diết và vì biết rằng chẳng thể nào quay về thuở ấy được nữa.

Buổi trưa trốn ngủ hôm ấy đã làm nó nhớ suốt một đời. Sự thể là dưới ao ngay gần nơi gốc sung bám rễ có neo sẵn một cái ghe ba nó tự chế để lội ra hái bí bầu. Nó chẳng thấy ở đâu có một chiếc ghe như thế. Một chiếc thùng phuy bằng tôn ở giữa, xung quanh là các tấm gỗ được kết lại với nhau vô cùng chắc chắn, nửa trên của chiếc thùng phuy là để ngồi, nửa dưới ngập xuống nước, tấm gỗ như một chiếc phao trôi bềnh bồng trên mặt nước và còn có cả một thanh gỗ đẹp ba nó đẽo dùng để chèo ghe. Nó vô cùng hứng thú khi một lần ba đã đèo hai chị em trên chiếc ghe ấy cùng dạo ra ngoài ao, dưới giàn bầu bí mát rượi, ba vừa chèo lái vừa cắt dây, nó lấy trái bỏ vào giỏ. Nhưng ba chỉ cho nó trèo lên mỗi một lần đó. Ba dặn khi nào có ba thì mới được trèo ra, không được tự ý nghịch phá vì cái ghe rất dễ bị lật. Thế mà nó - khi ấy chỉ mới mười tuổi - cảm thấy ngồi lên chiếc ghe ấy lội ra ao cũng chẳng khó khăn gì. Chỉ việc trèo lên giữ cho mình cân bằng ngay chính giữa thùng phuy của chiếc ghe là được. Thế là buổi trưa hôm ấy, nó đã làm một điều điên rồ dành tặng cho tuổi thơ.

Nó bảo nhỏ em đứng trên bờ để canh chừng, nó một mình lội xuống rất thuần thục, ngồi yên vị trên cái thùng phuy. Gió xào xạc thổi thật dịu mát làm sao, nó cảm thấy rất hứng khởi đưa tay huơ huơ xuống nước làm mấy con cá rụt đầu bơi mất dạng. Nhỏ em lăng xăng chuẩn bị đào cho nó mấy con giun để làm mồi câu cá. Lần đầu tiên trong công cuộc trốn ngủ của nó cho đến lúc đó chưa bị phát hiện và chưa bị đòn. Nó khoái chí lắm. Tưởng tượng ra chiều nay mẹ sẽ phải ngạc nhiên khi hai chị em nó xách lên mấy con cá rô cho mẹ chiên xù và trái bầu để nấu canh, nó càng quyết tâm phải thực hiện cho bằng được việc câu cá, mà còn là câu cá với phong thái của những đại thi hào, ngồi trên một chiếc ghe nhỏ xinh, có thể sẽ tức cảnh sinh tình, sáng tác một đoạn thơ tứ tuyệt cũng nên. Ôi, ngẫm lại mới thấy trí óc của nó ngày đó mới ngây ngô làm sao, cả đứa em gái nhỏ  của nó cũng làm theo răm rắp cứ như thể chị  gái là chúa tể của vũ trụ.

Bỗng ùm một phát, nó đứng bật dậy làm cái ghe chao nghiêng, nó té ào xuống nước. Cố gắng bám lấy cái ghe nổi lềnh bềnh trên mặt ao nhưng tay nó vẫn không buông chiếc cần câu. Chiếc cần trĩu xuống vì có một con cá rô mắc kẹt. Cá cắn câu làm nó giật mình đứng phắt lên chẳng còn phân biệt mặt đất mặt nước là gì nữa. Nhỏ em nó hoảng quá kêu la om sòm, thế là chẳng cần phải kiểm tra lại trong phòng ngủ, ba mẹ nó cũng biết hai chị em nó đang nghịch phá ở chỗ nào, liền ba chân bốn cẳng chạy ra ngoài vườn.

Trận trốn ngủ ấy, nó chẳng bị quỳ, cũng chẳng bị đánh đòn. Chỉ nghe ba nó than: Trời đất ơi, chịu không nổi mấy đứa này, mẹ nó thì khóc lóc um sùm vì lo sợ cơn giận của ba sẽ gây ra một trận đòn long trời lở đất. Chỉ vậy thôi là nó đã cảm thấy tội lỗi của nó không có trời nào chịu thấu nữa rồi. Nó cứ gục mặt xuống lấm lét nhìn động thái của ba mẹ. Trong cái bộ luật 20 điều khoản của ba nó chưa có cái điều nào cấm nó không được lội ra ngoài ao cả. Chắc có lẽ từ buổi trưa hôm nay điều luật ấy sẽ được bổ sung vô nữa cũng nên, nó tự nhủ thầm.  Thế nhưng, ba mẹ đã ngồi lại nói chuyện với hai chị em nó, chẳng hề đòn roi, chẳng hề giận dữ làm nó cảm động đến phát khóc. Ba đã nhắc đi nhắc lại, không biết bơi mà ra ao hồ sông suối là rất nguy hiểm, ba còn khen nó giỏi vì câu được con cá rô, dặn nó khi nào muốn câu cá thì phải ngồi trên bờ, không được chèo ra ghe, không được mạo hiểm. Ba và cả mẹ nữa, căn dặn rất nhiều, khuyên nhủ rất nhiều nhưng chả hiểu sao nó chỉ lắng nghe mỗi lúc đó, cảm động mỗi lúc đó. Rồi sau đó nó vẫn lì, vẫn dại, vẫn ngông nghênh, chỉ có điều không dám liều lĩnh làm những việc được định nghĩa là nguy hiểm như chèo ghe ra ngoài ao câu cá nữa thôi.


Nhà nó có hai cây đu đủ phải nói là độc nhất vô nhị trong tất cả các khu vườn của thành phố. Đu đủ gì mà giống cây lùn, mập, trái to có màu xanh tim tím mọc thành chùm quanh ngọn cây. Có lẽ các nhà khoa học nên nghiên cứu ra một cái tên cho giống cây này để gọi cho thật kêu, chứ riêng nó thì chỉ biết rằng đó là cây đu đủ xấu nhất thế giới. Tuy nhiên, những thứ gì xấu xí thì không phải là không đáng yêu. Phải nói là hai chị em nó không có thứ gì trong vườn mà không đụng đến (ở đây muốn nói về chuyện cây đu đủ). Quanh năm trèo cây ổi, cây mận, trèo cây chùm ruột mãi cũng chán. Đến khi thấy cây đu đủ trước nhà có vẻ vững chãi, có thể leo lên được thì lại thêm một trò chơi mới bắt đầu từ nhỏ em nó, con nhỏ sinh trúng năm Thân nên leo trèo như khỉ.

Nó chưa kịp phát hiện ra sự thú vị của việc leo cây đu đủ thì em nó đã leo lên leo xuống thuần thục lắm rồi. Ban đầu phải nói là đu cây thì đúng hơn, vì đu đủ còn nhỏ và còn đứng thẳng như cây cau. Nhưng khi hai chị em đu miết về một phía thì cây bắt đầu có chiều hướng nghiêng nghiêng, cong cong như những hàng dừa ở miền Tây mà nó đã được xem trên ti vi vậy. Cây càng nghiêng thì nó leo càng dễ. Hai chị em còn thi nhau leo xem ai nhanh hơn. Ôi chao mỗi lần tuột từ trên cây xuống là mủ đu đủ dính đầy quần áo, hai chị em đầu tóc bù xù như hai con điên. Thế mà lại rất vui. Mỗi đứa chọn một cây leo lên tìm chỗ ngồi yên vị, rồi vặt một cành lá thật to, bắt đầu chiến đấu cho đến khi cành đu đủ xơ xác như rơm rạ. Đó là vào những buổi chiều, gió thổi vi vu, hương cỏ hoa thoang thoảng nhè nhẹ. Ba mẹ mải làm lụng ở khu vườn bên dưới trong khi hai chị em nó lại bắt đầu trận giả chiến oanh tạc trên cây đu đủ. Có đôi lúc nó cũng rủ vài đứa trẻ hàng xóm chạy sang chơi, nhưng chỉ để cổ vũ cho hai chị em thôi, chứ nhà nó chỉ có mỗi hai cây đu đủ, làm sao chia sẻ cho ai bây giờ.

Cái thời kỳ ấy sao mà thơ dại và hồn nhiên làm sao. Chẳng biết bao giờ nó lại có dịp trèo đu đủ để nhớ lại kỉ niệm ngày xưa thân thương ấy nữa. Bởi một ngày nọ, cây đu đủ bỗng dưng bị bật gốc. Có lẽ là do quá già yếu, hay vì chị em nó leo trèo quá nhiều, mà cây đu đủ đã không thể trụ nổi dưới cơn mưa dữ dội của mùa mưa năm ấy. Thế là một trò chơi đã cống hiến và hi sinh cho tuổi thơ, để rồi lưu lại trong ký ức nó về một miền ăm ắp niềm vui, một miền kỉ niệm.


Hồi đó, nghe có vẻ xa xôi, nhưng rõ là lúc ấy quê mùa lắm. Người ta vẫn thường trang trí cổng tân hôn bằng lá dừa. Bạn có thể quay trở lại vào những năm 96 97,  những tấm ảnh cưới miền quê bao giờ cũng thấp thoáng hình ảnh tàu lá dừa. Ngay cả cái xóm nơi nó ở, một nơi chẳng có vẻ gì là “dừa” cho lắm, cao nguyên mà, nhưng người ta vẫn có thói quen và sở thích, cũng là trào lưu là kết hoa và những vật dụng trang trí cho lễ cưới với lá dừa.

Vườn nhà nó sở hữu cả một hàng dừa nghiêng nghiêng. Duy nhất cái xóm nhỏ đó, có mỗi chị em nhà nó được uống nước dừa mỗi chiều hè oi ả, được lăn lộn trên đống tàu dừa ba nó chặt xuống để bán cho những nhà làm đám cưới. Cứ đến mùa cưới là ba nó vất vả trèo lên cây dừa chặt hàng loạt tàu rồi vác vào chất đống trong sân. Nó vẫn còn nhớ như in hình ảnh ba ôm chặt thân cây, từ từ bám lấy, trèo lên tới đỉnh, rồi từ đó những tàu lá dừa rơi xuống từng phát một, cả những trái dừa tròn trùng trục nữa. Sau khi ba chặt xong, nhiệm vụ của hai chị em là kéo những tàu dừa ấy vào để trước sân. Hơi nặng một tí, nhưng với cái óc suy nghĩ non trẻ của nó thì đó là một trò chơi. Nó bảo em nó ngồi xuống tàu dừa để nó kéo đi, nhỏ em thích chí cười khanh khách. Rồi đến lượt nó ngồi xuống làm khách cho em kéo đi, cứ thế hai chị em nó kéo lê tàu dừa đến nơi. Tàu dừa rách bươm. Và tất nhiên là ba nó còn mải trên cây, chẳng thể nào thấy được. Ôi những đứa trẻ non dại. Bây giờ nó đã lớn và ngồi tưởng tượng lại khoảng thời gian ấy, nó không thể không trách mình, hồi đó, nó mà phụ giúp ba mẹ đàng hoàng thì đâu có để ba mẹ nó phải khổ đến thế. Thế là tất cả những tàu dừa mà chị em nó kéo vào, chẳng cái nào trông đẹp mắt, tất nhiên là cũng chẳng thể bán cho ai để làm cổng hoa đám cưới được nữa. Cũng may gia đình nó không kiếm sống bằng nghề bán tàu dừa, nếu không chắc phải nhịn đói mọt răng. Nó cũng không hiểu tại sao mà tuổi thơ của nó lại vui đến thế, vui lắm, với những trò nghịch phá mà chỉ có chị em nó mới nghĩ ra, rồi ăn đòn, rồi những trận khóc, những trận cười, những lúc nghèo khổ, những lúc sung sướng. Nó chỉ muốn những ký ức tuổi thơ đó hình thành nên một cái gối ôm, hay một viên đá cuội, để nó mãi ôm, nắm trong tay, nâng niu, trân trọng. Nhưng lại là một khối trong tâm trí, chỉ cần nghĩ đến là có thể hồi tưởng lại ngay, hạnh phúc lắm. Dù sao đi nữa, tuổi thơ mãi là một điều đẹp, tuyệt vời.


caroline-hernandez-315551-unsplash.jpg