Tiền không mua được gì? - đọc và suy ngẫm (1)

Viết bởi Cô Đào vào 2021-08-05
Chủ đề:

Untitled.png

Mình đã hi vọng cuốn sách cho mình biết những thứ gì không mua được bằng tiền. Đó có phải sức khoẻ không? Hay thời gian? Hay một đặc quyền nào đó mà chỉ người được ban ơn mới có? Bị hấp dẫn bởi tựa sách và bởi những thôi thúc bảo vệ giá trị đạo đức, mình đã mua cuốn này ngay khi nhìn thấy nó trên Tiki. Tuy nhiên đọc được 2 chương đầu, mình mới vỡ ra rằng có rất nhiều thứ mua được bằng tiền mà chúng ta không thể ngờ được. Đọc hết chương 2 vẫn chưa thấy tác giả liệt kê những thứ gì mà tiền không mua được, tuy nhiên có nhiều điều phải suy ngẫm.

Michael Sandel đã đặt ra một câu hỏi về đạo đức quan trọng nhất của thời đại chúng ta: chuyện gì đang xảy ra với thế giới khi mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền? Làm sao chúng ta ngăn được các giá trị thị trường khỏi xâm nhập vào những lĩnh vực của đời sống - vốn không bị chi phối bởi các giá trị thị trường?

Mình không ngạc nhiên lắm khi tác giả kể ra hàng loạt những thứ có thể đổi chác bằng tiền, ví dụ như: dịch vụ xếp hàng thay, trả tiền để được tị nạn ở những nước lớn, trả tiền cho những phụ nữ nhiễm HIV để họ triệt sản, quyền sinh con trong bối cảnh các nhà kế hoạch hoá gia đình đưa ra chính sách hạn chế việc sinh con, quyền xả thải, quyền được săn bắn động vật sắp tuyệt chủng, quyền được chạy xe tốc độ cao, vân vân… Tác giả cũng đưa ra các ví dụ mà trong thực tế có thể chúng ta cũng từng chứng kiến: thưởng tiền cho học sinh khi chúng đọc thêm một cuốn sách, trả tiền thêm cho giáo viên nếu bạn đến đón con muộn, trả tiền khuyến khích con trẻ làm việc nhà… Chúng ta biết rằng, những chuyện đổi chác bằng tiền như thế vẫn luôn hiện hữu mà trước nay vốn dĩ chúng ta coi nó là một hình thức hối lộ, một điều gì đó vi phạm đạo đức hoặc ít ra chúng ta nhận ra là có gì đó không ổn.

Nhưng điều khiến mình ngạc nhiên là dưới sự chi phối của kinh tế thị trường, dần dần người ta công nhận sự đổi chác này, cảm thấy nó bình thường, lấy nó làm ranh giới để phân biệt kẻ giàu người nghèo mà không cảm thấy có vấn đề về đạo đức. Trong nền kinh tế thị trường, kẻ nào sẵn sàng bỏ tiền thì có thể có được mọi thứ. Làm sao người ta có thể bán quyền sinh con cho một người khác? Làm sao có thể cấp quyền cho ai đó chạy xe với tốc độ bao nhiêu tuỳ ý? Rồi thế giới này sẽ vô cảm đến thế nào nếu có một bàn tay hữu hình (tiền) xuất hiện và chi phối hết tất cả hoạt động, thậm chí là những hoạt động có bản chất nhân đạo.

Nền kinh tế thị trường đã đẩy mọi thứ đều trở nên có thể đổi chác và chúng ta - những người không có tiền để đổi chác - vẫn thường chửi thề khi đọc báo thấy những chuyện bất bình, về những người dùng tiền chạy án, dùng tiền để đổi trắng thay đen, dùng tiền để mua được quyền ưu tiên thứ gì đó chẳng hạn suất chích sớm vaccine ngừa Covid, hoặc chạy chọt cho con vào trường điểm, đầy rẫy sự bất công trong xã hội mà đạo đức không thể can gián được.

Thậm chí cái tư tưởng “có tiền là được” này đã len lỏi vào đầu óc của những người xung quanh mình, bạn bè mình. Ví dụ khi bàn về chuyện một công ty nọ phá rừng xây dự án, làm tổn hại môi trường và hệ sinh thái, bạn mình có ý bênh vực và nói rằng: họ làm vậy là để kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội, làm giàu cho quê hương. Mình không thể và không muốn phản biện lại những người có tư tưởng như thế bởi có lẽ cách hiểu về giá trị đạo đức của mỗi người là mỗi khác.

Michael Sandel đưa vấn đề này ra để chúng ta suy ngẫm về nó, chứ ông chưa kết luận điều gì đúng điều gì sai. Hai chương đầu của ông đầy những ví dụ thực tế và những câu hỏi xoáy sâu khiến chúng ta phải suy nghĩ, liệu làm như thế có nên hay không?

Ông cho rằng chúng ta nên có thái độ, cách nghĩ đúng đắn khi phân biệt giữa tiền phạt và tiền phí. Phạt thể hiện sự phản đối về mặt đạo đức, còn phí đơn giản là cái giá phải trả, không hàm ý phán xét gì về đạo đức.

Một bãi đỗ xe chuyên ưu tiên cho người khuyết tật sẽ ghi phiếu phạt những phương tiện không phải của người khuyết tật. Một anh nọ vì thấy chỗ này thuận tiện khi cần vào một cửa hàng mua sắm gần đó, anh ta chấp nhận trả phí phạt để đỗ xe vào đây, còn hơn là chạy lòng vòng tìm một bãi đỗ xe xa hơn. Anh ta xem đó là một loại phí cho sự thuận tiện của mình. Bản chất của việc phạt là để người ta nhận ra lỗi lầm và tránh vi phạm, nhưng với trường hợp này đã bị biến thành một loại phí. Nếu những người có tiền đều mua lấy sự thuận tiện bằng cách chấp nhận một khoảng phí phạt như vậy, thì ý nghĩa của bãi đỗ xe dành cho người khuyết tật không còn nữa, và ý nghĩa của việc phạt cũng không còn nữa. Luật pháp không phạt tiền ai đó chỉ vì duy nhất một mục đích là góp phần vào ngân sách công. Tiền phạt đi kèm với nó cần phải để lại một giá trị đạo đức, nếu không xã hội này sẽ đến lúc băng hoại.

Vậy thì, tiền bạc mua được gì, và không nên mua được những gì? Đợi mình đọc tiếp các chương sau, mình sẽ tiếp tục kể cho các bạn nghe.