Ta khác gì một con robot?

Viết bởi Cô Đào vào 2021-07-27
Chủ đề:

Untitled.png

Một vài thập kỷ nữa, biết đâu những công việc mà chúng ta đang làm sẽ được thay thế bởi robot. Những cỗ máy AI nó thông minh bằng một trăm người cộng lại, nó có thể làm những công việc của một trăm người cộng lại. Robot được lập trình để hiểu khách hàng hơn ai hết, cũng có thể xử lý mọi việc rất suôn sẻ tốt đẹp và đạt kết quả mỹ mãn.

Nhưng tôi suy nghĩ mãi, điều gì làm cho con người chúng ta khác biệt và có lợi thế cạnh tranh để giữ được công việc của mình. Những ngày đầu mới ra trường, tôi đi làm để bị sai vặt, lúc ấy tôi chẳng khác gì một con robot cả, tôi là một cái máy học (learning machine). Ai sai gì tôi làm nấy, ai kêu làm A thì tôi làm A, kêu làm B thì tôi làm B. Tôi làm những gì cấp trên sai bảo và học từ những điều đó. Chúng ta bản chất cũng là một máy học vì trong quá trình phát triển, chúng ta sai rồi sửa, tránh lặp lại lỗi sai đó và học được một cái gì từ nó. Chúng ta xây dựng kỹ năng của mình, lanh lợi hơn, thông minh hơn nhờ việc học và luyện tập.

Sau này, kỹ năng của tôi dần phát triển hơn và tôi không chỉ đơn giản là làm theo những gì người khác yêu cầu nữa. Tôi dần đúc kết ra một phương pháp của riêng mình, cách khiến cho mình làm việc tối ưu hơn, gọn gàng không rườm rà mà vẫn đạt hiệu quả cao. Điều gì giúp cho tôi rennovate (nâng cấp) mình như vậy.

“tôi không chỉ đơn giản là làm theo những gì người khác yêu cầu nữa”

Tôi cần nhận ra bản chất của vấn đề. Tôi cần hiểu mục đích của việc tôi làm, để làm gì, có lợi ích gì, làm theo kiểu X thì tốt hơn làm theo kiểu Y chỗ nào, vì sao phải chọn X mà không phải Y.

Đó là điều phân biệt con người chúng ta với robot. Robot chúng chỉ biết làm theo lập trình mà chẳng cần suy nghĩ tại sao chúng phải làm điều đó, chúng làm điều X thì có tốt hơn điều Y hay không… Chúng không cần phải suy nghĩ gì cả vì con người chúng ta đã lập trình để chúng làm như vậy, làm những điều mà con người nghĩ là tối ưu nhất vào thời điểm đó.

Nhưng con người, chúng ta là sinh vật sáng tạo. Chúng ta khi đã làm tốt một việc rồi lại muốn nó tốt hơn nữa, nghĩ ra nhiều cách để tối ưu hơn nữa và không ngừng cải tiến. Nhưng cho dù có sáng tạo đến đâu, con người phải khởi nguồn từ việc hiểu rõ bản chất và mục đích của vấn đề. Nếu không hiểu rõ vì sao ta cần làm như vậy, ta sẽ không có tự tin phát triển nó.

Lấy ví dụ một câu chuyện của bản thân:

Mẹ thường nhắc tôi khi nấu canh bằng bếp hồng ngoại, lúc vừa bỏ rau vào thì tắt bếp đi. Tôi thường không để tâm lời dạy đó của mẹ, thường hay quên và cứ để nó sôi ùng ục lên rồi mới tắt bếp. Nồi canh để trên bếp một lúc thì mới múc ra tô. Khi múc ra tô thì rau đã úa vàng không còn được tươi ngon nữa. Đến sau này tôi hiểu vì sao mình cần tắt bếp khi vừa bỏ rau vào. Là bởi vì bếp hồng ngoại vẫn còn nóng một lúc lâu sau khi tắt bếp, đến lúc đó rau vừa chín tới rất xanh và ngon. Điều đó cũng giúp tiết kiệm điện hơn nữa. Khi hiểu bản chất vấn đề như vậy, những lần sau đó tôi luôn nhớ làm theo lời mẹ dặn và không quên nữa. Thậm chí tôi còn chủ động đo xem với từng loại thực phẩm khác nhau thì nên tắt bếp vào lúc nào cho hợp lý. Đó là sáng tạo dựa trên những thứ mình đã hiểu rõ.

Con người sẽ luôn khác robot ở chỗ chúng ta hiểu rõ bản chất của từng hành động, để khi có một sự biến thiên từ ngoại cảnh, chúng ta linh hoạt xử lý mà không cần đợi ai lập trình cho. Con người cũng là sinh vật có cảm xúc. Nếu ta dùng robot đứng ở quầy làm cashier, ta lập trình rằng tờ tiền rách góc thì máy phải từ chối. Robot sẽ làm y như thế và nó không thể nhận biết được người khách hàng đứng trước quầy tính tiền là một người nghèo khổ, trong tay họ chỉ có mỗi một đồng tiền rách (trừ phi cả việc này cũng nằm trong lập trình). Là con người chúng ta sẽ biết xử lý với trường hợp như vậy bằng sự đồng cảm, bằng lòng trắc ẩn chứ không phải bằng những quy định được lập trình.

Trong công việc nếu cứ giao việc cho cấp dưới, bảo làm đi, nhưng không giúp cho họ hiểu được họ làm điều đó với ý nghĩa gì, họ sẽ chỉ làm như một con robot vô cảm. Khi thiếu vắng cảm xúc trong công việc thì đến một lúc bộ não của họ chỉ có thể làm những việc được sai khiến mà không thể tư duy được nữa. Chỉ cần khác đi một tí, họ sẽ không biết xử lý, cũng không thể tự nghĩ ra phương án mà sẽ liên tục làm phiền cấp trên bằng những câu hỏi ngu ngơ. Chi bằng, hãy giúp cho người khác hiểu vì sao họ cần làm như vậy, lần sau họ tự rút ra bài học và phương pháp làm việc riêng, chủ động và linh hoạt hơn, có thể tự tin đưa ra những quyết định bởi chính họ mà không rập khuôn theo công thức đã được dọn sẵn.

Để có được sự linh hoạt xử lý trước những vấn đề muôn hình vạn trạng của cuộc sống, chúng ta trước hết phải hiểu được bản chất của vấn đề, chúng ta hiểu được điều mình làm có ý nghĩa gì, có mục đích gì. Khi đã hiểu, ta mới uyển chuyển vận dụng và sáng tạo nhiều hơn được. Con người khác với robot là ở chỗ đó.