Nhất thể và Phân tách - từ sơ sinh đến khi nên người (1)

Viết bởi Cô Đào vào 2023-03-06
Chủ đề:

Untitled.png

Một cuốn sách quá sức hấp dẫn đối với người mê đọc mấy thể loại tâm lý như mình. Và nhất là nó đến đúng thời điểm: khi mình đang làm mẹ, đang nuôi một em bé sơ sinh và có thời gian quan sát con thật nhiều ở những tháng đầu đời.

Ở đây mình xin chép lại nhưng đoạn trích mà mình thấy hay, cần ghi nhớ, sau khi đọc hết cuốn sách, có những cảm nghiệm cộng với quá trình thực hành nuôi con, mình sẽ suy ngẫm và viết lời bình về cuốn sách ở một bài khác. Vì cuốn sách có quá nhiều đoạn hay, nên mình mạn phép được tích luỹ dần dần vào trong series bài viết này.

Dưới đây là phần trích dẫn lời nói đầu của dịch giả Nguyễn Bảo Trung, người dịch cuốn sách này. Chỉ với lời nói đầu thôi đã hết 43 trang, và đầy ắp những kiến thức quan trọng khái quát cho mình hiểu cuốn này đề cập đến những gì:

Trong cặp nhất thể và phân tách, mỗi trạng thái đều hàm chứa cả hai tiềm năng/nguy cơ đối lập: sự Sống và cái Chết. Trạng thái Nhất thế có thể là dấu hiệu cho sự gắn bó, hoà hợp, bổ sung, mở rộng, tức là gắn với sự sống - nhưng ở mặt kia của vấn đề, Nhất thể cũng có thể hàm chứa cảm thức về sự gò bó, kiểm soát, thao túng, mất tự chủ, lệ thuộc, tức là gắn với cảm giác chết chóc, thui chột cái tôi. Trạng thái Phân tách cũng như vậy, nó có thể là cơ hội để bản thân, học cách tự chủ và hứa hẹn những khám phá mới lạ về bản thân và về những thứ khác Tôi, tức là hứa hẹn sự sống - nhưng ngược lại Phân tách cũng có thể gây ra lo âu, sợ hãi, cô đơn, lẻ loi, không có sự gắn bó hoà hợp với người khác, cảm giác bị mất đi đối tượng yêu của mình - thứ là một phần thiết yếu của chính cảm thức cái tôi của mình, tức là sự chết.

Nếu cha mẹ quá bao bọc con trẻ, hễ chân con chạm đất là lau sạch, hễ con ngã vào bụi gai và tay bị gai đâm một chút đã xót xa và than trách, thì rất có thể là chúng ta đang lấy đi những cơ hội phát triển mang tính nguy cơ (take risk) nhỏ nhỏ như vậy để có thể phát triển lành mạnh. Không bậc cha mẹ nào yên lòng khi nhìn con chịu đau hoặc gặp khổ sở, cả về thể chất lẫn tâm lý, nhưng một liều lượng nhất định của sự đau và sự khổ luôn luôn cần, song hành cùng những thích thú và sung sướng; cũng như phân tách luôn cần song hành cùng nhất thể thì trẻ mới dần nên người được.

(…)

Kaplan tập trung chú ý vào một chủ đề phát triển đặc trưng và phổ quát ở trẻ sơ sinh bình thường: cảm thức về nhất thể giữa trẻ với mẹ, và cảm thức về sự phân tách dần khỏi mẹ. Đối với Kaplan, sự dao động của trẻ giữa hai trạng thái này là thứ quyết định nên tâm tính về sau của trẻ sẽ ra sao; và bà cũng không ngần ngại khi xác nhận rằng, lối sống của người trưởng thành, thậm chí đến cả những sinh hoạt văn hoá sâu sắc như niềm tin tôn giáo hoặc các xu hướng tư tưởng và hoạt động lớn lao khác trong cõi nhân sinh, cũng đều có thể xem như sự hoài niệm hoặc dư âm của trạng thái này - Nhất thể và Phân tách. Đây là hiện tượng vô cùng phổ biến và rất dễ quan sát, nhưng nó thường bị các bậc cha mẹ xem nhẹ và bỏ qua, không chịu quan sát và tìm cách hiểu về nó. Bà mẹ nuôi con nào cũng dễ dàng và quen việc cho con bú, như ông Piaget, để rút ra những kết luận sâu sắc. Bà mẹ và ông bố nuôi con nào cũng thường thấy có những lúc em bé nhà mình khó chịu tuồi người ra khỏi vòng tay cha mẹ để khám phá thế giới, những lúc khác bé lại gào khóc và khư khư nép vào lòng cha mẹ không chịu rời, nhưng ít ai nhận ra điều mà nhà Phân tâm học Erikson đã phát hiện ra và xác nhận cho chúng ta cách hiểu và giáo dục trẻ: vào thời kỳ một hai năm đầu đời, người chăm dạy trẻ phải có phản ứng và xử lý phù hợp thì trẻ mới dần có được sự tin tưởng vào người khác, vào thế giới, và gây dựng dần dần sự tự tin vào bản thân mình.

(…)

Thời sơ sinh, sự tương tác gắn kết với mẹ sẽ khiến trẻ hình thành dần cảm thức tin tưởng về người khác, về thế giới xung quanh, và về cái tôi đang dần hình thành của mình, nếu không trẻ sẽ phát sinh cảm giác bất an, không “tin tưởng” vào thế giới. Thực tế chúng ta biết, những ngày tháng mới ra đời trẻ vẫn chưa có cảm thức rõ rệt về chính cơ thể của mình, chưa có cơ sở để nhận thức về mẹ như là một tồn tại tách biệt với mình, và do đó chưa có điểm tựa để hình thành cảm nhận về cái tôi mang tính tâm lý. Đó là diễn trình phát sinh trong một năm đầu đời. Sang chặng từ một đến ba tuổi, trẻ sẽ dần cảm nhận về tính tự chủ / tin tưởng vào bản thân, nhận biết về sự tồn tại và các khả năng của cái Tôi phân tách khỏi mẹ - ngược lại, nếu diễn ra theo chiều hướng xấu, quá trình Phân tách diễn ra không ổn, trẻ sẽ không hình thành được cảm thức rõ rệt về cá tính riêng, không dám tin tưởng vào năng lực tự thân (autonomy), do đó phát sinh sự nghi ngờ và xấu hổ. Sang đến chặng ba đến sáu tuổi, tiếp nối những gì đã diễn ra ở chặng trước, trẻ sẽ trở nên dần sáng tạo và hào hứng khám phá thế giới rồi ngày càng tích cực và năng động hơn, nếu trước đó trẻ phát triển được tính tự chủ - ngược lại, nếu rơi vào nghi hoặc và xấu hổ, trẻ sẽ dần phát sinh cảm giác tội lỗi, vô dụng.

Hình thành Bản sắc hay Rối loạn: nỗi sợ hãi khi trở thành “Tôi”

Khác xa so với cảm nhận khi chúng ta đã trưởng thành, những em bé sơ sinh phải vượt qua những do dự và sợ hãi rất lớn mới dần tiến tới hình thành được cái Tôi của mình. Sự phân tách khỏi mẹ để đạt tới trạng thái một cái Tôi tách biệt là một điều không hề dễ dàng, đó là một trạng thái gây lo sợ, một trạng thái đau đớn về mặt tâm lý…

Thời gian cộng sinh với mẹ là quãng phát triển em bé xem mẹ như bộ lọc nhận thức của mình, mẹ như là cái tôi nối dài của chính bé, giúp bé không chỉ thoả mãn các nhu cầu sống cơ bản, mà quan trọng hơn là bé dần nhận thức được về chính mình nhờ phần “cái tôi nối dài” này. Những cảm thức trong trạng thái cộng sinh sẽ được tích nhập vào thế giới nội tâm của bé, và khi bé dần tách khỏi mẹ để hình thành cái tôi riêng của mình, những dấu vết người mẹ nội tâm sẽ in sâu mãi mãi trong kết cấu nhân cách của bé.

(…)

Nếu nhìn vào bức tranh thực hành tâm lý học / trị liệu tâm lý tại Hoa Kỳ trong nửa sau thế kỷ 20, chúng ta sẽ thấy, những mã bệnh tâm lý nổi bật nhất thường gắn với những rối loạn ái kỷ (Narcissistic Disorder) và các trạng thái rối loạn ranh giới (Borderline Disorders), rối loạn phổ tự kỷ (Autistic Spectrum Disorder). Dường như có sự liên quan nào đó giữa việc biến đổi cấu trúc gia đình và lối sống trong thời đại công nghiệp và công nghệ phát triển với những thực trạng rối nhiễu tâm lý này.

(…)

Chúng ta cần bận tâm tới những điều này, bởi xã hội Việt Nam hiện nay có rất nhiều điểm tương đồng lặp lại những gì mà xã hội Hoa Kỳ đã trải qua hơn nửa thế kỷ về trước. Việc làm mẹ chăm con bị xem nhẹ, đúng vào khoảng thời điểm hệ trọng nhất đời người: trong những năm đầu đời, chúng ta nỗ lực hết sức để điều phối cân bằng hai trạng thái - ham muốn được là nhất thể với mẹ mình - và ham muốn được phân tách ra để trở thành một cái tôi độc lập. Mọi vấn đề tâm lý, mọi nét tính cách, mọi “số phận” về sau này của chúng ta, đều có thể bắt nguồn từ các dấu vết trong thời kỳ này.

(…)

Mẹ được nhận thức như một phần gắn với chính mình, mẹ được nhận thức dưới dạng phân mảnh (như là bầu ngực, dưới dạng âm giọng, dưới dạng mùi cơ thể, dưới dạng ánh mắt khích lệ…) tất cả những vết ấn tượng đó đều là những phân mảnh giúp trẻ kết hợp với những yếu tố nhận thức khác nữa để dần kiến tạo nên nhận thức về cái tôi của chính mình, trong đó hàm chứa hình ảnh về người mẹ được nội tâm hoá. (…) Các nhà phân tâm thường mô hình hoá mối quan hệ đầu tiên giữa em bé và người mẹ theo cách này: Child - (m)Other. Người mẹ như là cầu nối, là hiện thân cho cảm thức về sau này của trẻ với những người khác, với xã hội, với mọi hình thái tồn tại khác mình.