Tại sao ta hay gọi người kia là một nửa của mình, yêu bao nhiêu là đủ, và những thứ linh tinh về tình yêu

Viết bởi Cô Đào vào 2019-07-31
Chủ đề:

Untitled.png

Mình khởi đầu tình yêu bằng cách đọc cuốn sách “Mình nói gì khi nói về hạnh phúc” của chị Rosie Nguyễn*. Mình sẽ không nói về nội dung cuốn sách mà chỉ kể về những trải nghiệm và suy tư của mình trong hành trình yêu.

Mình hay suy nghĩ vẩn vơ và đôi khi một trong những suy nghĩ đó trở thành đề tài để chúng mình bàn luận, để mình có ý tưởng viết, hoặc để suy tư nhiều hơn về nó. Và một trong những suy nghĩ vẩn vơ ấy là: Tại sao chúng ta gọi người kia là một nửa của mình?

Chúng ta được sinh ra đầy đủ, nguyên vẹn và được nhận đầy ắp tình yêu thương của bố mẹ, người thân. Chúng ta lớn lên và cũng tự làm đầy chính mình bằng những trải nghiệm cả thể chất lẫn tinh thần. Đó quả thực là một cuộc sống viên mãn, tương đối hạnh phúc đối với mình. Mình lấy làm tiếc cho những ai không có những yếu tố kể trên. Và chính chị Rosie cũng viết rằng, chúng ta nên làm cho mình hạnh phúc trước khi muốn trao đi hạnh phúc. Rồi đến một ngày, chúng ta gặp được người làm cho trái tim mình rung động, ta yêu người ấy, ta muốn làm cho người ấy hạnh phúc, ta muốn trao đi những niềm vui, ta muốn cùng san sẻ những nỗi buồn và ta gọi người ấy là một nửa của mình.

Mình chợt nghĩ đến điều này khi mới bắt đầu yêu. Vốn cuộc sống tinh thần của mình trước khi gặp người ấy đã khá đủ đầy. Mình đã trải nghiệm qua nhiều cung bậc cảm xúc, rồi mình trưởng thành hơn với những cảm xúc ấy, nào là yêu, ghét, thù hận, ghen tuông, sân si rồi cả vui vẻ, tươi mới, hồi phục và bình an. Vậy thì sao mình phải cần có một nửa để lấp đầy khoảng trống còn lại, và thực ra là không có khoảng trống cho lắm.

Untitled.png

Thật ra, mỗi người chúng là nên là “một” chứ không phải một nửa. Và rồi khi yêu nhau, chúng ta dùng một nửa của chính mình để tương tác, để trao đổi, để hoà hợp với người kia. Khi yêu ai cũng muốn yêu bằng cả tâm hồn và thể xác của mình, chứ chẳng ai mà giữ lại một nửa để làm gì. Nhưng sau khi đọc cuốn “Mình nói gì khi nói về hạnh phúc” và cùng với những trải nghiệm của bản thân, mình cảm thấy ta nên dùng một nửa để yêu, để phối hợp với nửa kia của mình. Một nửa còn lại ta vẫn giữ để bồi đắp thêm cho nó, để nuôi nấng nó, vì ta. Một nửa còn lại của ta chính là dành cho gia đình, công việc, bạn bè, các mối quan hệ, các sở thích cá nhân, đam mê, lẽ sống, vân vân và vân vân… Để lỡ một lúc nào đó tình yêu đi mất, ta vẫn còn một nửa chính mình để mà bồi đắp, xây dựng lại, như gốc rễ của một cái cây vẫn có thể tưới nước, bón phân và làm cho nó hồi sinh.

Tình yêu thì không bao nhiêu là đủ. Có những tấm gương về tình yêu hi sinh quên thân mình, đó là những tấm gương như mẹ Teresa Calcutta, như những vị thánh hay những ân nhân của thế giới đã hi sinh lợi ích cá nhân mà giúp đỡ cho biết bao người… Những tình yêu thật vĩ đại. Có người nói, yêu là phải hi sinh như vậy. Có người lại nói, yêu là khi cả hai đều có lợi mà chẳng ai phải hi sinh. Tuỳ vào cách chúng ta chọn lựa. Bởi vì mọi sự hi sinh trên đời này đều đáng giá cả. Và trong một cách hiểu khác, hi sinh cũng có khi không phải là mất mát, mà là đạt được món quà lớn hơn những gì mà chúng ta có thể thấy được. Nhưng mình nghĩ điều quan trọng trong tình yêu là khi làm bất kỳ điều gì, chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc và thực sự mong muốn. Mẹ Teresa, các vị ân nhân, những vị thánh,… có lẽ họ đều cảm thấy hạnh phúc khi được hi sinh và chẳng thấy chuyện đó có gì to tát cả.  Đó là lý do vì sao phe “không thích hi sinh” không thể hiểu được vì sao “phe hi sinh” lại điên cuồng như thế trong tình yêu. Vì một khi đã yêu, thì bao nhiêu là đủ chỉ có người trong cuộc mới biết được. Yêu là liều thuốc mà mỗi người tự kê đơn cho mình.

Quay lại những con người bình thường như tụi mình, thì yêu và được yêu đã là một món quà. Chúng ta có thể không cần quá hi sinh, hoặc cũng có thể hi sinh vì cảm thấy đó là hạnh phúc. Chúng ta cũng có thể yêu hết 100% chẳng dành lại chút gì, hoặc cũng có thể học cách yêu bản thân và yêu người kia cùng một lúc. Nhưng dù gì đi nữa, chúng ta vẫn gọi người kia là một nửa của mình, bởi vì chúng ta đã trao đi cho họ một nửa, một nửa của nhiệt huyết, của gốc rễ bên trong, của những mầm sống, của khát vọng, mơ mộng và tự do…

Bởi thế nên Hàn Mặc Tử mới viết:

“Người đi, một nửa hồn tôi mất, Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.”

Nhưng chúng ta đừng để một nửa hồn của mình hoá dại khờ như Hàn Mặc Tử, mà cũng sẽ giữ lại một nửa cho riêng mình, phòng khi cần dùng tới hoặc khi cần cho đi thêm nữa thì ta luôn có dồi dào để cho đi. Và nhiệm vụ của chúng ta trong suốt cuộc đời này là hãy tự lấp đầy “một nửa” bên trong của mình để dành khi cần thiết.

Còn chuyện yêu đương thì vẫn mãi thiết tha.

Untitled.png

Ta cũng chẳng thể tưởng tượng được nếu vắng người thì ta có còn ta…  :)

*À, giới thiệu nhỏ nhẹ chút xíu: Cuốn “Mình nói gì khi nói về hạnh phúc” là một cuốn đáng đọc lắm đó.