Lost in Translation - khi ta nói một thứ ngôn ngữ cô đơn

Viết bởi Cô Đào vào 2021-02-20
Chủ đề:

Untitled.png

Bảo một người tâm trạng đang yêu xem bộ phim về chủ đề cô đơn thật không phải lúc chút nào. Vậy mà ông Phát E.B đã gợi ý cho mình xem phim này vào một chiều thứ Bảy cô độc không có ai bên cạnh và ổng thì ở Nhật chưa được hồi hương nữa.

Nhưng rồi mình nghĩ lại thì trong cuộc đời sẽ có rất nhiều khoảnh khắc mà người ta cảm thấy cô đơn, ngay cả khi đang yêu. May mắn là mình không có nhiều khoảnh khắc như vậy nhưng mình hiểu, bên trong mỗi người luôn có một căn phòng trống dành riêng cho chính bản thân, để ngồi đó mà mơ màng chiêm nghiệm, gặm nhấm lấy những thứ rất riêng tư mà chẳng ai có thể bước vào.

Lost in Translation lấy bối cảnh ở Tokyo. Đạo diễn phim là Sofia Coppola, và tình cờ mình tìm hiểu thì biết chồng cô đạo diễn này lại là Spike Jonze - đạo diễn bộ phim Her (2013) mà mình và Phát E.B cùng xem chung vào năm ngoái. Hai vợ chồng nhà đạo diễn này sao thích làm phim về nỗi cô đơn nhỉ.

Untitled.png

Về nội dung phim thì mình không kể dài dòng ở đây vì google đã có nhen. Nhưng mình thích đi sâu vào phân tích cảm nhận vì phim này có nhiều cái buồn cười lắm.

Mình thấy tựa đề “Lost in Translation” rất ý nghĩa. Ở khía cạnh thực tế thì đúng là Harris (Bill Murray) và Charlotte (Scarlett Johansson) đang bị lạc lối giữa Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, nơi chẳng người bản xứ nào thèm dùng tiếng Anh cho đúng kiểu để giao tiếp với người ngoại quốc cả. Dù thời gian của bộ phim là vào năm 2003 đi nữa thì nó cũng không khác thực tế năm 2021 cho lắm, vì người yêu mình cũng xác nhận rằng anh phải vật lộn khi gọi món ở nhà hàng như thế nào, hay là dù có đi khám bệnh ở bệnh viện quốc tế thì người ta vẫn xổ tiếng Nhật với mình mà không cần biết mình có hiểu hay không. Điều này diễn ra y chang trong phim làm hai tụi mình cười xỉu.

(Lúc này người hướng dẫn ở bệnh viện cứ nói thao thao bất tuyệt không cần biết 2 vị nước ngoài này có hiểu không :))

Một vài phân cảnh làm mình cảm thấy thực sự “lost in translation” là khi ông Harris đi quay quảng cáo với tay đạo diễn người Nhật, ông đạo diễn nói ra rả tiếng Nhật môt tràng dài nhưng bà thông dịch viên chỉ dịch lại 1 câu ngắn ngủn cho Harris hiểu ý chính. Rồi khi ông được mời đến quay một chương trình thực tế ở Nhật, thì anh MC dẫn chương trình làm khùng làm điên gì các thứ, để Harris đứng đực mặt ra và chỉ được hiểu đại khái mình cần phải làm gì thông qua vài câu chuyển ngữ của cô thông dịch viên cũng rất mơ hồ luôn.

Về phần Charlotte, cô sinh viên mới tốt nghiệp, đã có chồng và đi theo chồng trong chuyến công tác của anh ta, nhưng trong lúc chồng phải làm việc bận rộn thì cô không biết làm gì ở Tokyo phồn hoa này. Hàng ngày cô lang thang thăm thú chỗ này chỗ kia nhưng nơi đâu họ cũng chỉ nói tiếng Nhật, rất ít khi cô được nghe chào bằng thứ tiếng Anh lịch sự dành cho du khách. Cô đi thăm đền chùa, rồi vô tình đi ngang qua nơi dạy nghệ thuật cắm hoa (ikebana), đi trên đường phố, hay gọi rượu ở quầy bar… đâu đâu cũng lao xao một thứ tiếng mà mình không quen thuộc.

Untitled.png

Bất lực với ngôn ngữ trên môi miệng không đáng sợ bằng bất lực ở ngôn ngữ tâm hồn. Khi cả Harris và Charlotte đều là hai người đã có gia đình, họ nói cùng thứ ngôn ngữ với người yêu thương của họ là tiếng Anh, nhưng bên trong mỗi người đều cảm thấy khó giải bày, cảm thấy cô đơn sâu thẳm và cần một sự giải thoát. Harris xem chuyến công tác của ông như một cuộc chạy trốn khỏi gia đình, khỏi người vợ tào khang dù đã sống qua những năm đầu hôn nhân rất tuyệt vời, nhưng giờ đây bà ấy chỉ chăm chăm lo cho con, lo cho những thứ vụn vặt trong gia đình mà quên mất vun vén tình cảm dành cho chồng mình. Dù hai người vẫn thường xuyên gọi điện cho nhau khi Harris ở Nhật, nhưng cuộc gọi cũng chỉ để bà hỏi ý kiến những chuyện linh tinh như màu của chiếc thảm trang trí phòng khách, hay những vấn đề xoay quanh con cái mà thôi. Harris không hẳn là hết yêu vợ thương con, nhưng bên trong ông có một nỗi trống trải, chán chường mà không gì có thể khoả lấp. Ông đi đến những câu lạc bộ khoả thân ở Nhật, nhìn những người phụ nữ đang múa cột nóng bỏng với đôi mắt vô cảm. Thứ ông cần không phải là tình yêu, cũng không phải tình dục, mà đôi khi chỉ là một ai đó hiểu được thứ ngôn ngữ kỳ lạ của riêng mình.

Untitled.png

Harris gặp Charlotte cũng trong tình trạng tương tự như vậy. Cô ở độ tuổi chông chênh của tuổi trẻ và không biết mình cần gì. Cô cảm thấy mình thật tầm thường, làm gì cũng dở, cô muốn trở thành nhà văn nhưng thấy ghét những câu chữ của mình, cô muốn thử chụp ảnh nhưng lại thấy ảnh mình chụp sao na ná những bạn trẻ ngoài kia, không có gì đặc biệt. Cô nhìn những người bạn làm ăn của chồng mình và cảm thấy họ cũng thật ngô nghê, khiếm khuyết. Ngôn ngữ tâm hồn của cô không có ai thấu hiểu.

Hai tâm hồn cô đơn ấy gặp nhau ở quầy bar sảnh khách sạn. Họ dần dần trở nên bầu bạn. Cũng chưa hẳn là họ hiểu nhau một cách trọn vẹn. Nhưng cái ngôn ngữ bất lực khiến họ câm nín bao lâu nay giờ đã được mở ra. Tâm hồn họ đã nói được rồi. Cảnh Harris kéo Charlotte chạy trốn khỏi quán bar vào buổi tối, chạy xuyên qua những con phố trong tâm trạng vui vẻ, rồi khi hai người nằm đối diện nhau trên giường để nói những câu chuyện về khủng hoảng tuổi trẻ, lúc này mình cảm thấy họ thực sự đã bập bẹ nói được ngôn ngữ của tiếng lòng. Cảnh họ cùng nhau đi hát karaoke cùng đám bạn người Nhật cũng cho thấy văn hoá karaoke của người Nhật, nơi mà những điều khó giải bày đều được thổ lộ qua những câu chữ trên màn hình. Nó vừa là ngôn ngữ mà mình thấu hiểu nhất, cũng lại là ngôn ngữ có thể thấu hiểu mình.

Untitled.png

Cả cảnh phim người ta cảm thấy Charlotte muốn nhấp nhổm ôm hôn Harris nhưng người đàn ông từng trải này đã không làm chuyện đó. Những cảnh quay mấp mé như vậy cũng làm người xem là mình, dù rất ghét mối quan hệ ngoài luồng và hiểu phim này không mang màu sắc nhục dục, cũng cảm thấy lấn cấn khó hiểu. Cuối cùng trên đường đi ra sân bay, Harris đã dừng xe và đuổi theo Charlotte để ôm cô và hôn môi chào tạm biệt cùng với những lời thì thầm mà chỉ họ nghe được. Đạo diễn không cho chúng ta biết họ thì thầm những gì, vì đó là ngôn ngữ riêng của họ. Có lẽ giữa hai người không phải tình bạn cũng không phải tình yêu này, có một thứ ngôn ngữ riêng chỉ họ hiểu với nhau. Chỉ vậy là đủ. Nụ hôn kết phim cho thấy ngôn ngữ riêng của họ đã được thốt lên, nó làm ta cảm thấy như hai người câm bây giờ đã nói được, nên ta mừng vì điều đó.

Untitled.png

Trên thế giới này có rất nhiều ngôn ngữ và ngôn ngữ nào cũng có một số lượng người cùng sử dụng, cùng nói cùng hát cùng hiểu. Những người khác ngôn ngữ muốn hiểu nhau thì họ thông dịch, và dù có thờ ơ với tiếng Anh như người Nhật, họ cũng tìm ra cách để hiểu và làm việc với nhau thật hiệu quả. Chỉ có một thứ ngôn ngữ thật khó hiểu và khó để chuyển dịch, đó là thứ ngôn ngữ của cô đơn.