Con ếch thoát khỏi đáy giếng

Viết bởi Cô Đào vào 2020-07-04
Chủ đề:

Untitled.png

Nhắc tới khái niệm “con ếch” và “đáy giếng” thì chắc mọi người đều hiểu nói đến điều gì.

Trước tiên, muốn thoát khỏi “cái giếng” của sự ngu dốt, tụt hậu, thì bản thân phải biết mình đang mắc kẹt trong cái giếng đã.

Mình thuộc thế hệ cuối 8x đầu 9x, thời điểm giao thoa giữa những thứ cũ kỹ chậm lụt và thời đại công nghệ, mạng xã hội. Năm 2007 lần đầu tiên mình tiếp cận với những thiết bị để thuyết trình ở trường đại học: màn hình, máy chiếu, microphone (có dây và sau đó là không dây). Năm đó cũng là năm mình bắt đầu sử dụng internet nhiều hơn để phục vụ cho việc tìm kiếm tài liệu học tập. Cũng là năm mình biết cách tải nhạc từ internet lưu vào usb và chép qua chiếc máy đĩa nghe nhạc được ba tặng. Tất cả những thứ liên quan đến công nghệ, mạng mẽo, đều rất xa lạ với một con nhỏ học sinh cấp ba miền núi vừa mới thi đậu vào đại học như mình. Vốn nhà cũng nghèo cho nên dù những thứ máy móc ấy xuất hiện vào khoảng mình học lớp 10, thì mình cũng không có điều kiện được tiếp cận.

Năm 2009 lần đầu tiên mình lập tài khoản Facebook, khi mà ở Việt Nam rất nhiều người trẻ vẫn còn đam mê chơi blog Yahoo 360 và vẫn còn tám chuyện với nhau qua Yahoo chat kèm những tiếng buzz quen thuộc. Nguyên do mình là một trong những người đầu tiên chơi Facebook vào thời điểm đó, là mình may mắn ở cùng nhà với một chị đi du học Ấn Độ mới về, chị ấy sau này cũng là giáo viên dạy trong khoa mình. Ấn Độ là một đất nước nổi tiếng phát triển công nghệ, phần mềm mà. Chị ấy đã xúi mình lập tài khoản facebook đi, khi ấy mình cũng chẳng biết mình lập để làm gì, vì khi ấy mình vẫn còn đang nuôi một cái blog rất diễm tình bên Yahoo 360. Nhưng chị bảo lập Facebook để giao lưu với tụi nước ngoài đi vì tụi ấy toàn chơi Facebook thôi. Vì ham hố được giao lưu với bạn bè quốc tế nên mình cũng đã lập một cái.

Năm 2010, sinh viên năm 3 sắp ra trường, mình nhận ra tầm quan trọng của việc học các kỹ năng văn phòng để phục vụ cho công việc khi ra trường (dù không biết mình sẽ làm gì). Cho nên mình đã đăng ký một khóa học kỹ năng quản trị văn phòng. Các môn học thực sự rất hữu ích, thiết thực, đã giúp mình tự tin hơn khi đi phỏng vấn xin việc, cũng như tự tin hơn khi bước vào môi trường làm việc. Cũng trong năm đó, ba mẹ đầu tư cho mình học 2 khóa tiếng Anh giao tiếp ở Apollo - một trung tâm danh tiếng và mắc tiền ở Sài Gòn. Ba mẹ không có nhiều tiền, nhưng ba mẹ biết những đầu tư đó là tốt và xứng đáng, cho nên đã không tiếc tiền đầu tư cho sự học của mình. Mình rất biết ơn cuộc đời vì đã đưa đẩy cho mình gặp được những người có giá trị, và được phát triển theo hướng tốt.

Với tính ưa mày mò tìm hiểu, mình cũng hay vọc thử các phần mềm chỉnh sửa ảnh, chỉnh sửa video. Có lần mình thức cả đêm để đợi render một cái video tặng nhóm bạn, bằng chiếc máy tính cấu hình core i3 mà ở thời đó với mình đã là ngon lành lắm rồi. Video khá nặng với nhiều hình ảnh kỷ niệm của nhóm, mất 2 tiếng đồng hồ để xuất file.  Hồi đó mình cũng lọ mọ làm theo hướng dẫn trên mạng rồi crack phần mềm chỉnh sửa video, để nó không bị dính watermark, làm xong thì xuất ra đĩa CD mua 10 ngàn một cái, tặng cho mỗi người trong nhóm bạn mình.

Hồi đó mình còn mày mò lập cả kênh youtube để đăng chiếc video đó lên, ngoài ra còn đăng cả những clip mình tập đàn, hoặc clip hát hò chèn hình cây cỏ giấu mặt…

Tính ưa mày mò là một tính cực tốt cho sự phát triển. Rất tiếc càng ngày mình lại càng ít mày mò đi vì lười và vì cảm thấy đã đủ hiểu biết. Và chính cái tư tưởng nghĩ rằng mình đã đủ hiểu biết, thì nó khiến mình hiểu biết ngày một ít hơn.

Con ếch, nếu không nhận ra nó đang ngồi ở đáy giếng, và không mong muốn thoát khỏi đáy giếng, thì cả đời nó cũng chỉ ở đó mãi.

Mình nhận ra chính nền tảng về tính mày mò, các khóa học để chuẩn bị cho con đường tương lai, sự chuẩn bị về mọi phương diện mà mình nghĩ là tốt cho sự nghiệp… đã giúp ích cho mình rất nhiều trong quá trình làm việc sau này.

Từ lúc ra trường đến nay đa số mình làm việc văn phòng, thỉnh thoảng có đi làm các công việc bán hàng, marketing, dạy học, để tăng kỹ năng giao tiếp và để cho người nó khôn ra. Mà đã là việc văn phòng thì tần suất sử dụng máy tính là 80-90% và phải làm quen với đủ thứ các loại phần mềm, các bảng tính, văn bản, hệ thống vân vân và mây mây… Thú thực là từ khi bước chân đi làm  (năm 2011) cho đến nay, mình chẳng được ai training cho bài bản về cách sử dụng máy tính, cách viết email hay là lập một bảng tính excel như thế nào. Dù việc training đó là để phục vụ cho công ty một cách gần gũi nhất, thiết thực nhất, vì mỗi công ty sẽ có một hệ quy chiếu tiêu chuẩn khác nhau. Ai mà thèm cầm tay chỉ việc cho bạn nữa, khi bạn đã trải qua mười mấy năm ăn học chỉ để ra đời phục vụ cho công việc. Mình phải tự mày mò. Tự quan sát, tự học hỏi, tự nâng cấp.

Sự nhạy bén với công nghệ là điều cần thiết. Dù cho mình là một con nhỏ old-school suốt ngày chỉ thích viết lách trên giấy, thích gửi thư tay, thích làm ba cái thứ thủ công mất thời gian. Thế nhưng mình vẫn phải ý thức được rằng, việc trau dồi cho mình một khả năng nhạy bén với công nghệ là điều quan trọng trong thời đại 4.0 này. Ai mà không nhận thức được điều đó, sẽ là điều thiệt thòi cho họ.

Mình  không quá tự tin về sự hiểu biết các thứ công nghệ phần mềm, cũng không bảo rằng mình có nhiều kiến thức về các thứ đó. Nhưng mình nghĩ mình đủ thông minh và có tư duy mở (open-minded) để mà học hỏi khi cần thiết, hơn nữa, lại còn học hỏi rất nhanh. Đó gọi là sự nhạy bén trong công nghệ. Ngoài sự nhạy bén, một người làm việc chuyên nghiệp cần phải có một tố chất quan trọng nữa, đó là sự cầu toàn với bản thân.

Đó là những sự cầu toàn mà mình theo đuổi từ khi còn là sinh viên đại học, từ khi chập chững làm những bài tiểu luận đầu tiên, để từng bước thoát khỏi đáy giếng.

Mình biết ngay cả trong những người bạn cùng học với mình ngày xưa, đến giờ vẫn còn có người viết sai chính tả, vẫn còn có người không hiểu hết các ứng dụng mạng xã hội và vô tư chia sẻ những tin tức không được kiểm chứng… Mình biết ngay cả trong những công ty mình đã làm việc, vẫn có những người nhân viên chưa biết cách đọc hiểu những lỗi của máy photo, để tự có thể sửa nó mà không cần nhờ vả đến ai. Mình biết, có những người khi tiếp cận một phần mềm do công việc yêu cầu, vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng, luôn cảm thấy khó khăn để có thể sử dụng cho trơn tru linh hoạt.

Và ngay cả mình, đôi lúc gặp những vấn đề nan giải, cũng chưa biết cách áp dụng công nghệ sao cho hợp lý và giải quyết một cách nhanh gọn nhất.

Chính sự mày mò, nghiên cứu, không ngừng học hỏi mới đưa loài người đi đến văn minh ngày nay. Nhìn lại thì Facebook đã phát triển như thế nào, thương mại điện tử đã bứt phá như thế nào. So mình với cách đây mười năm trước thì đã khác như thế nào. Mình rõ ràng đã tụt hậu đi, khi là một trong những người Việt Nam đầu tiên lập tài khoản Facebook vào năm 2009 nhưng rồi lại không tận dụng tối đa những tiện ích của Facebook để có được lợi ích gì từ nó, so với những người đi sau mình nhưng giờ đây họ thành thạo các công cụ quảng cáo, bán hàng trên ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này.

Để thoát khỏi những cái đáy giếng cứ cản trở sự phát triển của mình, mình phải luôn học hỏi, không nên có suy nghĩ “như vậy là đủ”. Sự nhạy bén với công nghệ, với tiến bộ khoa học, với những ứng dụng tiên tiến để phục vụ cuộc sống con người, không phải ngày một ngày hai thì thay đổi được, mà phải qua một quá trình mày mò tìm kiếm.

Chỉ cần chịu bỏ thời gian và công sức cho quá trình đó, một ngày bạn sẽ nhận ra mình có thể linh hoạt trước mọi tình huống, mình có thể tự chủ làm và đưa ra quyết định cho cuộc đời của mình. Hay đơn giản hơn, sự nhạy bén và linh hoạt của bạn, đôi khi chỉ cần giúp cho bạn có thể tự mình lắp ghép được một chiếc tủ gỗ trong nhà, cài đặt được chương trình tivi, hay biết cách sử dụng chiếc máy ép sữa hạt trong gia đình, như vậy coi như là bạn đã có ích cho cuộc sống rồi.

Ếch thoát khỏi đáy giếng, không phải là thoát khỏi sự an toàn, buồn tẻ, mà quan trọng hơn, là còn cảm thấy mình có giá trị, và không chết thối rữa nơi cái đáy giếng u ngục ấy.