Bóc lột có phải là bản chất của chủ lao động, và bóc lột bao nhiêu là đủ?

Viết bởi Cô Đào vào 2020-12-18
Chủ đề:

Untitled.png

Để giải thích điều này, đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ khái niệm về giá trị thặng dư theo nguyên lý Mác - Lênin (ôi hồi xưa mình học giỏi môn Tư tưởng Mác-Lê lắm đó, mà giờ quên hết trơn rồi)

Mình xin trích dẫn từ bài viết này để giải thích cho giá trị thặng dư trong nền kinh tế: https://vncb.vn/thang-du-la-gi

Ví dụ: Một ông chủ của công ty A thuê nhân công B về làm việc và trả lương cho công nhân B là 50 nghìn/giờ. Nhưng trong một giờ đó công nhân B có thể tạo ra sản phẩm có giá trị 70 nghìn. Vậy số tiền 20 nghìn chênh lệch chính là thặng dư.

Có thể nói tư bản chủ nghĩa bóc lột công sức người lao động để tạo ra nhiều thặng dư hơn cho mình. Việc họ bóc lột công nhân càng nhiều thì giá trị thặng dư được tạo ra càng cao.

Nhiều người cho rằng việc gán cho các nhà tư bản “tội danh” bóc lột sức lao động có vẻ hơi bất công bởi lẽ họ là người có tiền bỏ ra đầu tư, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động thì họ cần được thu lại lợi nhuận. Hơn nữa, trong quá trình đầu tư sản xuất tồn tại rất nhiều rủi ro. Và nếu những rủi ro này xảy ra suy cho cùng người mất tiền và chịu lỗ là tư bản.

Ngoài ra thuế là một điều mà Mác chưa nhắc đến. Trong thời đại hiện nay bất cứ chủ kinh doanh nào cũng phải đóng thuế, cụ thể ở Việt Nam mức thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 25%. Số tiền đóng thuế sẽ chi ra từ giá trị thặng dư. Vậy cuối cùng, chủ doanh nghiệp không phải là người bỏ túi toàn bộ giá trị thặng dư.

Vậy bạn hãy tưởng tượng. Ví dụ quá trình sản xuất lao động là một chiếc bánh thật tròn trĩnh, trong đó 40% dành để trả cho các chi phí cố định như: cơ sở vật chất, điện nước, thuế, vốn lưu động; 30% dành để trả cho chi phí nhân công; 30% là lợi nhuận ròng chảy về túi của chủ doanh nghiệp và các cổ đông. Mọi người đều dốc sức làm việc để công ty phát triển và tăng trưởng đều đặn hàng năm. Cho rằng mỗi năm, nhân viên đều được xét tăng lương tối thiểu 10%, vậy thì doanh nghiệp phải cố gắng để có tổng tăng trưởng tối thiểu là 10% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu tăng lương cho nhân viên.

Untitled.png

Nếu tình hình kinh doanh của công ty tăng trưởng tốt hơn 10%, tất nhiên trong điều kiện các chi phí cố định không có gì thay đổi, mà sự tăng trưởng này là nhờ các yếu tố như: sự lãnh đạo tài tình của ban giám đốc, quản trị nhân lực hiệu quả, năng suất lao động cao, áp dụng các chính sách marketing phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến… Vậy chiếc bánh lao động kể trên sẽ được phình ra ở phần nào? Với chủ doanh nghiệp có tâm, số dư tăng trưởng đó sẽ được chia đều cho phần “chi phí nhân công” tức tiền lương của nhân viên, và “lợi nhuận ròng chảy về túi” theo tỉ lệ 5:5, hay thậm chí họ còn dành hẳn 7 hay 8 phần để nâng lương nhân viên, chỉ giữ lại 2-3 phần cho mình; vì họ hiểu được giá trị của việc khen thưởng và đãi ngộ tốt nó ảnh hưởng đến năng suất lao động trong tương lai như thế nào. Còn ở vế ngược lại, tự bạn sẽ hiểu ra vấn đề.

Trong những điều kiện khó khăn hơn ví dụ tình hình dịch bệnh Covid như năm nay, ảnh hưởng đến doanh thu của công ty, thì phần thua lỗ sẽ được khấu trừ vào miếng nào trong chiếc bánh trên? Là lợi nhuận ròng, hay là chi phí nhân công? Điều đó còn tùy thuộc vào sự sụt giảm doanh thu xảy ra dữ dội hay êm đềm, và cũng dựa vào cái tâm của chủ doanh nghiệp.

Khi mình nói về vấn đề bóc lột sức lao động với bạn tâm giao của mình, ảnh nói: thì bản chất của thặng dư trong xã hội hình thành nhờ bóc lột sức lao động mà. Có nghĩa nếu một nhân viên làm việc tạo ra giá trị là 10 thì mức lương nhận được chỉ khoảng 5-6 thôi. Như nguyên lý Mác - Lênin nói trên.

Việc tạo ra thặng dư mới làm cho nền kinh tế phát triển. Chứ nếu người ta cất công lên ý tưởng, thành lập doanh nghiệp, chịu những phí tổn, rủi ro, nhưng lại thu về zero thì tất nhiên đâu ai chịu đứng ra điều hành một doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho xã hội, mà đi làm thuê cho nhanh. Mà xã hội ai cũng làm thuê, không có những người liều mình đứng ra làm chủ, khởi nghiệp, xây dựng đế chế thì xã hội đó cũng kém phát triển. Nói chung, việc chủ lao động nhận nhiều hơn nhân viên là không có gì bàn cãi. Nhưng một xã hội công bằng, phát triển là thặng dư được chia sẻ cân đối, phù hợp. Anh ăn tôm hùm thì cũng để người khác được ăn con tôm đất. Ngược lại, khi thặng dư chảy về túi chủ lao động quá nhiều, tầng lớp nhân viên tuy tạo ra giá trị cao hơn sức lao động của họ nhưng nhận lại quá ít, sẽ làm nới rộng khoảng cách giàu nghèo, từ đó xảy ra nhiều mâu thuẫn, đấu tranh, bất ổn trong xã hội.

Túm lại trên đây là những hiểu biết sơ khai của mình về kinh tế học đủ để giải thích cho câu hỏi xưa nay: ủa sao đi làm dốc hết sức mà lương không đủ đền đáp gì hết. Giờ mình hiểu ra, bóc lột là bản chất của tư bản (ê mà đừng nghĩ những nước XHCN như Việt Nam thì nền kinh tế không vận hành theo lối tư bản nha). Phải có bóc lột thì mới có thặng dư, bóc lột càng nhiều thặng dư càng nhiều, tiền bạc của cải được tạo ra càng nhiều, tiêu dùng càng nhiều, rồi mọi thứ đều phình lên phình lên… (chưa biết khi nào thì nổ) =))

Nhưng, bóc lột đến mức nào thì đủ, hay là số tiền bóc lột đó anh có đem ra làm điều gì có ích ngược lại cho xã hội hay không? Điều đó mình không dám nói luôn, tại lòng tham của con người luôn vô tận mà. Biết đâu lúc mình làm chủ mình cũng vậy :))

Thôi coi như đứng ở góc độ một người đi làm công ăn lương, mình phải hiểu và chấp nhận sự thật theo hướng tích cực là: mình đang đóng góp cho sự giàu mạnh của đất nước rất nhiều. Lương bổng không phản ánh đúng năng lực của mình nha. Mà là thặng dư chảy về túi chủ lao động mới phản ánh đúng năng lực của mình. Ahihi.