Hãy biết ơn vì được sửa sai

Viết bởi Cô Đào vào 2020-05-22
Chủ đề:

Untitled.png

Năm 22 tuổi, chân ướt chân ráo ra trường và xin việc vào một công ty cũng có tên tuổi của Nhật. Trước khi ra trường thì mình thực tập tại một công ty Singapore chuyên về mảng cho thuê văn phòng ảo. Không biết phải do may mắn hay do nỗ lực mà từ lúc ra trường đến nay mình toàn đi làm tại những công ty có quy mô vừa và lớn (ở cấp độ đa quốc gia). Vậy nên cũng có cơ hội được học hỏi và mở mang đầu óc.

Mình vẫn nhớ nhất là công ty đầu tiên lúc vừa ra trường, được nhận vào làm với mức lương cũng khá so với thời điểm đó, thời điểm mà các bạn của mình đang khủng hoảng vì kiếm việc. Phải nói thêm là giai đoạn 2011-2012 là lúc mà số lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh tế tài chính rất đông. Do 4 năm trước đó khối ngành này bùng nổ nhu cầu tuyển dụng, nên học sinh phổ thông tụi mình đua nhau thi vào kinh tế -  tài chính, nhưng đến khi ra trường thì lứa sinh viên cách đó 4 năm lại chênh vênh vì nhu cầu nhân sự lúc bấy giờ đã thay đổi. Mình là đứa học nhóm ngành xã hội, là một ngành không được ưa chuộng cho lắm vào thời điểm thi đại học nhưng lúc ra trường thì lại khác. Bốn năm đủ làm mọi chuyện thay đổi. Với vốn tiếng Anh cũng kha khá, cộng với sự chuẩn bị kỹ càng từ khâu viết CV cho đến phỏng vấn, và nền tảng kiến thức xã hội từ trường nên mình cũng rất tự tin khi bước vào công việc. Thế rồi, đời tát mình một cái làm bừng tỉnh.

Chị cấp trên khó tính.

Mình còn nhớ mãi người sếp đầu tiên, vì là đầu tiên nên cái gì cũng mang đậm dấu ấn. Chị ấy tên Mai. Chị ấy cũng chính là người phỏng vấn mình. Chị ấy có nụ cười rất tươi nhưng nụ cười ấy không phản ánh tất cả. Chị ấy được nhân viên tụi mình đặt cho nickname “mama tổng quản” vì chị lo tất cả mọi thứ từ đối nội đến đối ngoại của công ty, và sau này thì chị tập trung hơn cho mảng customer service.

Chị ấy là một người cực kỳ khó tính. Có thể là người sếp khó tính nhất từ trước đến giờ mà mình từng làm việc chung. Ngoại trừ nụ cười quốc dân thân thiện của chỉ, bởi vì tính chất công việc phải thường xuyên gặp khách hàng nên chị đã luyện được nụ cười đó. Đó là một nụ cười mà khi nhìn vào người đối diện sẽ cảm thấy ấm áp, tin cậy và dễ dàng mở lòng tâm sự. Còn lại những thứ khác từ chị đều khiến mình nể sợ.

Văn hóa công sở là một thách thức với sinh viên mới ra trường

Vì là công ty Nhật nên văn hóa là phải đi làm sớm 15 phút. Khi đến công ty mọi người phải chào nhau buổi sáng và phải luôn nở nụ cười trên môi. Nhân viên đang ngồi làm việc nhưng thấy sếp tổng người Nhật bước vào thì cả văn phòng đều lên tiếng chào. Đồng phục luôn gọn gàng, không xộc xệch. Đồ cá nhân sẽ để trong tủ locker chứ không để ở bàn làm việc. Nói chuyện trong văn phòng với âm lượng nhỏ chứ không được to tiếng… Và rất nhiều quy tắc bất hành văn khác.

Chị Mai là người quản lý cấp cao, cách lớp nhân viên tụi mình đến 2 cấp quản lý nữa. Tuy rất nhiều việc bận rộn nhưng chị sẽ vẫn để ý và nhìn thấy được những điều bất ổn nho nhỏ trong công ty. Kiểu như mọi thứ nó đã vào guồng và cứ thế mà chạy, kể cả điều đó thuộc về văn hóa và tính cách. Khi cái guồng máy đó tự dưng khựng lại một vài giây, hay là có một thứ gì dư thừa, hoặc một lỗ hổng, thì chị Mai nhìn thấy ngay và sẽ chỉnh sửa liền. Chị Mai có  lẽ thuộc tuýp người cầu toàn.

Và tất nhiên một đứa nhân viên mới cứng như mình thì chẳng thể nào tránh được sai sót, cho dù sau đó mình được điều đi làm việc ở chi nhánh, nhưng cũng không khỏi sự quan sát của chị từ xa. Mình “được” chị nhắc nhở và sửa sai rất nhiều. Lúc này đây khi viết những dòng này, mình cảm thấy nên dùng từ “được” hơn là từ “bị”, nhưng có lẽ thời điểm đó, mình cảm thấy phiền lòng rất nhiều. Phiền lòng là bởi vì, mình cảm thấy mình kém cỏi. Phiền lòng là vì người sếp của mình sao cứ soi mói nhắc nhở mình từng chút như thế. Phiền lòng là bởi vì mình bị cái guồng máy (mà lúc ấy mình cho là cứng nhắc) của chị sếp áp lên cái tinh thần thích tự do của mình.

Viết email phải đúng chuẩn, không được tự do thêm những câu mà mình thích vào email, dù mình nghĩ nó hay.

Trả lời điện thoại phải có câu chào và câu kết đúng chuẩn.

Nhập dữ liệu vào hệ thống không được sai sót dù một lỗi nhỏ.

Không bao giờ được nói những từ ngữ tiêu cực với khách hàng dù là mình đúng họ sai.

…vân vân…

Và rồi, tất cả những bài học khi mới bước chân vào đời ấy đã theo mình suốt năm tháng. Sau này mình nhận ra chính nhờ cái guồng máy tiêu chuẩn của chị Mai, đã gò mình thành một người nhân viên mẫu mực, đúng đắn, có trách nhiệm, có sự cẩn thận và tỉ mỉ cần thiết để hoàn thành công việc một cách tốt nhất ở những công ty sau này mà mình làm việc. Mình cũng hiểu vì sao mình phải làm điều A như chị ấy bảo, chứ không phải là điều B như mình nghĩ.

Mình thấy biết ơn những bài học đầu đời ấy. Và tất nhiên, sau này mình còn học thêm nhiều bài học khác, ở những công ty khác.

Vậy nên, việc một người đi làm mà được cấp trên nhắc nhở, sửa sai thì phải thực sự tiếp thu vì đó là lợi ích cho chính bản thân mình. Dù cho bạn có ghét thái độ của người đó như thế nào, nhưng hãy nhìn vào giá trị thực tế mà bạn gặt hái được từ họ. Bởi nếu họ không còn nhắc nhở, sửa sai cho mình nữa, hoặc họ cảm thấy bạn không có thái độ tiếp thu, cầu thị, lắng nghe và thay đổi… thì bạn biết mình đã hết hạn sử dụng rồi đó. Và điều đó tất nhiên cũng chẳng tốt đẹp cho tương lai của bạn lắm đâu.