Đến Osaka với trái tim trần trụi

Viết bởi Cô Đào vào 2023-08-09
Chủ đề:
Đi

IMG_3525-copy.jpg

Mình đến Osaka vào một ngày hè oi bức. Ai mà lựa chọn đi Nhật vào tháng 7 và tháng 8 thì hãy chuẩn bị tinh thần là cái nóng ở đây khó chịu như miền Trung Việt Nam vậy. Nó cực kỳ thiếu ẩm, không hề có chút gió, và mặt trời thì đến 7 giờ tối mới lặn.  Mặc dù ngày mình vừa đáp đến sân bay Kansai thì có vài cơn mưa làm dịu cái nóng rồi, nhưng mình ở đó đến tận hai tháng, hưởng trọn mùa hè của Nhật rồi rời đi thi mùa thu vừa chớm, thiệt là…

Mình chẳng chuẩn bị hành trang gì ngoài dăm ba câu chào hỏi tiếng Nhật rất sơ đẳng mà một người không học hành gì, chỉ cần lên youtube nghe đi nghe lại cũng thuộc. Vì chỉ ở Nhật có hai tháng nên mình xem như đó là chuyến đi tiền trạm, sau khi sinh con thì mình sẽ quay lại ở lâu dài. Ban đầu tụi mình ở thành phố Osaka thuộc phủ Osaka (大阪府), sau đó thì chuyển đến thành phố Yao nơi có nhiều người Việt sinh sống. Phủ (府) ở Nhật tương đương với tỉnh thành ở Việt Nam.

Mình đã trải nghiệm gì ở Osaka trong hai tháng hè nắng nóng ấy? Chắc cũng tạm tạm, từ du lịch đến ẩm thực, từ giao thông đến dịch vụ công, và một số quy tắc sống trong đời thường như cách phân loại rác, cách đi tàu, ăn mặc nơi công cộng. Bây giờ nhìn lại thấy mình thật trần trụi, đến Nhật với một trái tim không biết sợ là gì, với vốn tiếng Nhật lõm bõm và một cái đầu còn ngu ngơ dốt nát chẳng hiểu gì về văn hoá Nhật (vì vốn dĩ mình bị ám ảnh với việc học tiếng Nhật từ thời đại học nên ghét lây văn hoá Nhật và chẳng có cảm hứng gì để tìm hiểu xem nó hay dở chỗ nào). Vậy mà hai tháng ấy làm cho mình có cảm tình với Nhật Bản hơn, hay nói đúng hơn là cảm tình với cái nơi mình đặt chân đến đầu tiên - Osaka.

Không biết những nơi khác ở Nhật thế nào nhưng Osaka làm mình khiếp vía vì quá nhiều quạ. Tự dưng đang đứng ở ban công nhà thì thấy một con bay sát tới rồi đậu ở ban công nhà đối diện làm mình hết hồn. Chiều chiều nghe tiếng quạ kêu quác quác thật đáng sợ. Mình nhớ trong mấy câu chuyện cổ tích thì nơi đâu có người chết nơi đó quạ thường hay xuất hiện. Vậy mà ở Osaka quạ đủng đỉnh đi dạo trong công viên, đậu trên những cành cây, rình mò cướp đồ ăn từ những loài chim khác. Ở quen rồi thì thấy bình thường, còn với người mới đến như mình (lúc ấy lại đang mang thai) thì thật khiếp vía. Có lần đi du lịch đến Kobe Nunobiki Herb Gardens - một vườn bách thảo nằm trên một ngọn đồi ở Kobe, tụi mình dừng ăn trưa ở quán ăn trên tầng cao nhất của ngọn đồi. Quạ ở đó bay phườn phượt ngang qua ngang lại rồi đậu trên mấy cành cây gần nhà hàng, chờ chực. Chồng mình giải thích: tụi nó đang chờ người ta ăn hết để bâu lại rỉa đó.  Mình còn chứng kiến thấy quạ giành giật đồ ăn với những loài chim khác nữa. Vậy mà người Nhật không tìm cách xua đuổi hay săn bắt tụi quạ này, có khi mình còn thấy vài người đem đồ ăn ra công viên cho chúng. Mình nghĩ bụng không biết họ yêu thương động vật hay tôn trọng tự nhiên, chứ quạ là mình không yêu nổi rồi đó. Sẵn tiện nói về động vật, mình xen ngang để kể về con mương nhỏ gần nhà ở Yao, nơi có đàn cá mập trùi trụi bơi qua bơi lại mỗi ngày. Mình cũng không rõ là loại cá gì nhưng chúng rất đông và ngày càng đông lên vì đã không có ai thèm bắt, người ta lại còn thả bánh mì, ngũ cốc xuống cho chúng ăn. Mỗi khi đi ngang khu vực này mình thấy chình ình một cái biển bằng tiếng Việt: cấm đánh bắt cá. Hự, buồn quá vì người ta ám chỉ chúng mình đó. Chuyện về động vật ở Nhật mình chỉ trải nghiệm tới đây thôi.

Tiếp theo là chuyện ăn uống, đáng lẽ chuyện này phải nói đầu tiên cho phấn khởi nè. Mình không phải kiểu food traveler, đi du lịch để ăn, và cũng không thích khám phá mấy món lạ miệng đâu. Với mình thì ẩm thực Nhật hoàn toàn không nằm trong danh sách ưa thích. Nhưng mà nhập gia tuỳ tục. Kể ra thì trong hai tháng ở Osaka,  vợ chồng mình cũng có nhiều dịp đi ăn ngoài. Mỗi lần đi ăn mình toàn quy ra tiền Việt coi hết bao nhiêu, lẩm nhẩm nhân chia với tỉ giá khi ấy là 180, mới thấy ôi đi ăn ngoài thiệt là đắt đỏ. Mỗi lần ăn uống sương sương cũng tốn khoảng 150-200 ngàn một người gồm cả nước uống. Bình thường không cần trải nghiệm ẩm thực gì quá cao siêu thì ghé mấy cửa tiệm bình dân như Sukiya, Katsuya, hay Matsuya và chọn một phần cơm teishoku khoảng 500 yên (tương đương 90 ngàn) là đủ no, mấy chỗ này thì nước lọc miễn phí. Teishoku là kiểu cơm theo set, và có rất nhiều loại khác nhau với mức giá khác nhau, tuỳ mình bước vào quán bình dân hay quán xịn xò. Đang viết bài này thì sẵn tiện mình tìm hiểu thêm về Teishoku ở trang wa-magazine xem sao nhé.

Một phần teishoku (定食) ở nhà hàng xịn xịn trong khu du lịch có giá khoảng 1000 yên (khoảng 180 ngàn đồng), phần này mình không nhớ chính xác nhưng chắc nó thuộc loại Tempura Teishoku

Một phần “cơm bình dân” 定食 500 yên ở cửa tiệm 松屋, trung tâm Osaka

Ở Nhật mà không ăn sushi thì thật là thiếu sót nhưng mà mình lại không ăn được đồ sống, nên có vài lần đến tiệm sushi chỉ ăn tempura (天ぷら) và karaage (唐揚げ) thôi. Tempura thì quá nổi tiếng rồi, còn karaage lần đầu tiên mình ăn thì là gà rán nhưng sau đó mới biết món này có thể dùng thịt gà, thịt heo hoặc cá tẩm bột chiên sâu. Nhưng vì ấn tượng ban đầu nên nếu mà ai rủ ăn karaage không, thì mình chỉ tưởng tượng nó là gà rán thôi. Bộ ba đồ chiên ở Nhật người ta hay nhắc tới là Tempura, Karaage và Furai. Mình cũng chưa phân biệt được sự khác nhau của mấy món chiên này chỉ biết là nó khác biệt ở lớp bột và cách sử dụng dầu chiên. Trong 3 loại thì mình vẫn thích nhất là tempura vì lớp bột mỏng giòn và không có cảm giác ớn ngấy mùi dầu mỡ.

Sushi ở Nhật chia làm nhiều phân khúc, cũng giống sushi được bán ở siêu thị Aeon và sushi được bán trong nhà hàng Hokkaido ở Sài Gòn vậy đó. Ăn một bữa sushi cho ra trò ở Nhật còn đắt hơn so với đi ăn ở Hokkaido Sài Gòn. Thỉnh thoảng tụi mình cũng mua mấy miếng sushi cuộn cơm trong siêu thị về ăn cho đỡ ghiền.

Nhìn tận mắt sushi tại một quán ở khu Amanohashidate xem có khác biệt với sushi ở nhà hàng tại Việt Nam không nè

Không phải lúc nào ăn ngoài thì tụi mình đều ăn món Nhật. Chồng mình giỏi tra google nên hay tìm ra mấy quán ăn đặc sản các nước, nào là Ấn Độ, Ý, Hoa, Hàn, Thái, Việt và đi ăn thử. Các món nước ngoài khi du nhập vô Nhật hình như không còn giữ nguyên bản, phần vì để phù hợp khẩu vị người bản địa, phần vì chắc là không có đủ nguyên liệu. Chắc chắn bánh mì thịt ở Nhật không thể ngon bằng bánh mì ở Việt Nam rồi, và mì spagetti cũng chẳng thể giống như ở Ý. Riêng món Hoa ở Nhật thì chắc là theo một nhánh người Hoa đại lục nào đó chứ không phải Hoa Quảng Đông hay Tiều Châu như ở Sài Gòn.

Untitled.png

Untitled.png

Untitled.png

Một số món không phải đồ Nhật mà tụi mình từng ăn

Người Nhật họ chuộng vị nguyên bản và không thích dùng chất điều vị để đánh lừa vị giác. Ví dụ như súp miso, một loại súp được làm từ đậu nành, gạo, lúa mạch rồi trải qua giai đoạn lên men cùng với muối và nấm kōjikin - thì nó thiên về vị mặn nhiều hơn. Mình tưởng tượng một hoàn cảnh thú vị là khi người Nhật sang Việt Nam và ăn canh chua ở miền Tây, chắc họ sẽ tưởng đó là món tráng miệng vì quá ngọt đối với họ. Còn khi người miền Tây sang Nhật và ăn thử mì Ramen, họ sẽ tưởng quả thận của họ sắp hư đến nơi. Mình là một người Việt ăn uống thiên về khẩu vị miền trung chứ không quá hảo ngọt, nhưng khi nếm thử nước dùng mì Ramen thì mình quyết định chỉ ăn phần cái thôi. Sau mình hỏi một người bạn cũng sống ở Osaka thì bạn ấy nói, người Nhật họ rất hiếm khi nêm bột ngọt, ăn ở quán còn thấy vị vừa vặn chứ phụ nữ Nhật nấu ăn tại nhà thì chỉ thấy vị mặn mà thôi (là vị mặn chứ không phải món ăn bị mặn nha). Ừ thì Ajinomoto có nguồn gốc từ Nhật nhưng mà họ sản xuất cho thế giới dùng, họ không dùng. Họ chuộng vị ngọt nguyên bản từ rau củ, từ cá bào, rong biển, nước hầm xương. Mà mấy vị ngọt này làm sao điều vị và lấn át vị mặn của muối được. Nói vậy chứ khi nấu đồ ăn dặm cho con mình cũng học cách người Nhật nấu nước dashi, như một cách để tạo vị ngọt cho món ăn, miễn đừng cho thêm muối thì vị dễ chịu lắm.

Ở Nhật hai tháng mình đã quen thuộc với mùi nước tương của Nhật, rồi mùi súp miso, mùi thịt nướng yakiniku kiểu Nhật từ những nhà hàng xóm thoang thoảng bay qua. Trừ những lúc cuối tuần đi ăn ngoài thì mình cũng trổ tài nấu nướng tại gia với mấy món Việt quen thuộc, với gia vị quen thuộc là nước mắm, xì dầu điều vị, bột ngọt, đường, hành, tỏi, tiêu…, mấy thứ này làm sao mà thiếu được nhỉ. Cọng hành ở Nhật to tổ chảng, mua một nhánh hành về cất tủ lạnh ăn cả tuần. Hành củ và nước mắm thì mình đi mua ở mấy cửa tiệm đồ Việt. À còn mì gói nữa, ông bạn share nhà với vợ chồng mình chỉ ghiền mì gói của Việt Nam nên trong vali sang Nhật lúc nào cũng một khoang mì gói, trong khi tụi mình đang sống ở xứ sở của mì gói. Ngày ngày mình nấu ăn, kho cá kho thịt nêm nước mắm, đối chọi với mùi nước tương, miso, rong biển của nhà hàng xóm. Một cuộc chiến âm thầm mà thú vị. Mình có nghe một đứa bạn học về văn hoá nói vậy nè, ta có thể ngửi thấy mùi cà ri từ những người Ấn Độ, ngửi thấy mùi phô-mát từ người Mỹ, mà không bao giờ ngửi được mùi nước mắm từ mồ hôi của chính mình. Chắc người Nhật ngửi được mùi nước mắm toát ra là định vị được ngay nguồn gốc của mình từ đâu rồi nhỉ. Mấy nước Đông Nam Á cũng dùng nước mắm nhưng có ai dùng nhiều cho bằng người Việt mình đâu chứ.

Một tô mì Udon mà mình nấu theo kiểu Việt, chỉ dùng sợi mì Udon, còn cách nêm nếm, hầm xương, phi hành tỏi, ăn cùng với tương ớt là y chang như ở Việt Nam

Tiếp theo là chuyện đi bộ ở Nhật. Ở Việt Nam mình cứ tưởng mình là đứa ghét đi bộ, vì làm gì có điều kiện để đi bộ trên đường phố. Qua Nhật mình buộc phải đi bộ và khi người ta phải làm điều gì đó hàng ngày, người ta cũng dần dần tận hưởng nó, vì chống cự chả được gì. Mình xem app trên điện thoại thì trung bình một ngày đi khoảng 5000 bước chân. Những ngày cuối tuần hai vợ chồng đi chơi xa thì khoảng 20.000 bước chân. Ngày thường thì chỉ đi quanh quẩn khu nhà, ra công viên, đi siêu thị, hoặc cần đi công việc thì đi bộ ra ga tàu. Có những ga tàu rộng hàng ngàn mét vuông thì đi bộ trong ga cũng đủ mệt người. Chồng mình sang Nhật được khoảng hai tuần thì leo lên cân thấy giảm ngay 2kg, trong khi trước đó ở Việt Nam tìm mọi nỗ lực giảm cân không được. Việt Nam là cái xứ khó giảm cân, vì đồ ăn thức uống, vì điều kiện tập luyện. Ở Nhật, chẳng cần phải đặt mình vào trong một chế độ tập luyện gì cam go, chỉ cần đi bộ thôi. Mình còn chả thấy cái phòng gym nào quanh khu mình ở. Khi chuyển về thành phố Yao cũng trong phủ Osaka, ngay khu người Việt, thì mình có thấy một phòng gym mà chẳng nhộn nhịp như mấy phòng gym ở Sài Gòn đâu. Người Nhật còn tập luyện bằng cách leo núi. Những cái núi thoai thoải nhiều cây xanh gần thành phố mời gọi tất cả mọi người, vận động viên thì leo ở những cung đường hiểm trở hơn, người thường thì đi trên những bậc thang bằng đá đều tăm tắp lên tận đỉnh núi. Ai cũng có cơ hội được khoẻ mạnh mà không tốn tiền.

Con đường đi lên núi được xây xi măng hoặc lát đá kiểu như vậy. Và bạn thấy đó, không một cọng rác.

Dịch vụ công ở Nhật thực sự tuyệt vời, nó tưới mát tâm hồn đã quá tiều tuỵ, trăn trở, ám ảnh của mình vì trải nghiệm dịch vụ công trong nước. Dịch vụ công của Nhật tuyệt vời là vì họ đã xây dựng thành khung, bài bản, nghiêm chỉnh, người ta chỉ việc làm theo, không có nhưng. Vì là một cái khung nên cũng không thể linh hoạt kéo giãn hay có ngoại lệ, và vì thế cũng không có cơ hội cho hối lộ, tham nhũng. Đồng thời cũng không thể mềm dẻo với một số trường hợp cần mềm dẻo. Nhưng cần gì phải mềm dẻo nếu tất cả mọi người đều hiểu rõ và làm theo quy định. Lần đầu tiên đi làm dịch vụ công, mình được nhân viên ở đó cúi đầu chào. Lần đầu tiên mình được người ở bộ máy nhà nước dắt đi từ phòng này đến phòng kia, hướng dẫn thủ tục cặn kẽ, mặc dù mình không rành tiếng Nhật và phải có phiên dịch đi kèm. Có một chuyện hơi xấu hổ nhưng mình cũng kể luôn để thấy tinh thần của người Nhật như thế nào. Hôm đó mình đi làm thủ tục nhận sổ “mẹ và bé” để sau này nộp hồ sơ nhận tiền thai sản. Mình đi vào buồng vệ sinh. Thường thì các toilet ở Nhật kiểu hiện đại, có nhiều nút bấm mà toàn là tiếng Nhật. Ngoài các ký hiệu bằng hình ảnh thì có một số nút chả có hình gì. Mình định bấm nút xả bồn cầu, thì loạng quạng thế nào bấm nhầm vào nút SOS. Cả một tầng nhà bị báo động, mọi người hốt hoảng bên ngoài mà mình không hề hay biết gì. Vì bấm nhầm nên khi thấy nước không xả, mình đã bấm lại nút khác rồi tiếp tục ung dung rửa tay, rửa mặt, cả buổi trong đó. Khi bước ra mình hết hồn vì thấy mọi người đang vây quanh ở cửa nhà vệ sinh. Mình nhận thấy là họ rất lo lắng vì không biết chuyện gì đang xảy ra bên trong với một thai phụ bụng mang dạ chửa. Bạn phiên dịch tường thuật cho mình biết những gì xảy ra bên ngoài sau khi mình bấm nhầm cái nút SOS ấy. Bạn ấy còn kể là mọi người đang định tìm cách mở cửa thì mình bước ra. Mình ngại vô cùng và luôn miệng xin lỗi, gomennasai. Vậy mới thấy những con người trong đó họ làm việc với thái độ và tinh thần trách nhiệm như thế nào. Mình ước gì được bê nguyên cái dịch vụ công của Nhật đem về Việt Nam luôn.

Tuy nhiên, phí đỗ xe ở Nhật sẽ làm bạn phiền lòng đó. Khi đi bằng xe hơi đến mấy toà nhà hành chính, hay ngân hàng thì không được miễn phí gửi xe đâu. Một lần gửi xe có thể tốn khoảng 500 yên, tương đương 90.000 đồng trong giới hạn khoảng 2 tiếng đồng hồ, quá thời gian sẽ có mức khác. Có một vài cơ quan hành chính chia sẻ chi phí này với người dân, khi làm dịch vụ xong thì đến nhận một cái phiếu giảm tiền gửi xe và phải chìa ra khi đi qua cổng bảo vệ. Ở Nhật nếu đi xe hơi thì phí đường bộ cũng tốn kém khá nhiều nên những khi không cần thiết họ thường đi tàu cho tiết kiệm. Khi mình ngồi trên xe hơi của bạn phiên dịch (bạn ấy đến tận nhà chở mình đi làm dịch vụ), thì mình thấy bạn thường xuyên tra google xem lộ trình nào nhanh nhất và ít phải đi ngang các trạm thu phí nhất. Các trạm thu phí đều tự động, xe đi ngang không cần dừng lại trả tiền mà nó tự quẹt vào con chip gắn trong xe.

Người Nhật họ theo thần đạo nên rất ít nhà thờ Công giáo cho người theo đạo Thiên Chúa như mình. Lúc ở thành phố Osaka thì tụi mình phải lội bộ khoảng 20 phút mới đến được nhà thờ. Vào cái tháng nóng gay gắt ấy, bạn tưởng tượng coi một bà bầu phải lội bộ 20 phút, mặc dù cũng có nhiều đoạn những toà nhà cao tầng che mát, nhưng cái nóng mùa hè ở Nhật kinh khủng lắm, nó rút cạn năng lượng con người. May mà đến nhà thờ thì có điều hoà. Ở Nhật mùa hè, chỉ cần nhìn thấy một miếng dưa hấu thì mình thèm rỏ dãi và dù đắt xắt ra miếng mình cũng phải ăn cho thoả cơn khát. Không biết vì địa lý, cách trồng trọt khó khăn như thế nào mà dưa hấu ở Nhật đắt ngang ngửa mấy loại trái cây xịn xò khác.

Một miếng dưa hấu (khoảng 1/6 quả dưa) mà có giá hơn 500 yên sau thuế. Trời ơi nó bằng một phần cơm teishoku luôn.

Khi còn ở thành phố Osaka chưa chuyển qua thành phố Yao, máy giặt nhà mình bị hư nên mình có cơ hội trải nghiệm dịch vụ giặt đồ tự động ở Nhật - Kuriningu (クリーニング)  hay có khi gọi là coin laundry (コインランドリー). Bước vào tiệm, cửa tự động mở ra, máy lạnh mát rượi. Có một kệ để dép ngay cửa ra vào để khách hàng thay dép đi trong tiệm. Sau đó mình sẽ cân túi đồ cần giặt của mình xem có nằm trong số ký cho phép không. Thường là mình đã ước lượng trước ở nhà để không bị quá quy định, thật ra cũng không có ai giám sát, camera cũng không soi kỹ được nên có lố vài lạng cũng không sao. Nếu bị quá số ký thì máy giặt không tải được thôi chứ cũng không vấn đề gì. Nhưng ở đây nêu cao tinh thần trung thực. Sau khi cân xong thì bỏ đồ vào máy giặt, bỏ 3 đồng 100 yên vào rồi đóng nắp. Treo túi đựng đồ của mình trước máy giặt để nhớ cái máy của mình và để người khác biết máy đang bận. Mình chọn loại máy giặt thường và có cung cấp sẵn nước giặt cho đơn giản. Vì muốn chọn loại cửa trước và input nước giặt như mình muốn thì phải thao tác phức tạp hơn và giá tiền mắc hơn. Bạn có thắc mắc là 3 đồng 100 yên ở đâu ra có sẵn? Mình phải chuẩn bị trước, hoặc trong trường hợp không có xu lẻ thì trong cửa tiệm có sẵn máy đổi xu luôn, nhưng mình ngại dùng vì tiếng Nhật kém. Thời gian máy giặt tầm 50 phút, nếu không bận gì thì mình có thể ngồi đợi. Trong cửa tiệm có tivi, sách báo, wifi miễn phí và điều hoà thật mát mẻ. Mình thường đem sách vở ra đây ngồi vừa học vừa ngắm người qua lại.

Untitled.png

Untitled.png

Đây là cửa tiệm mình hay ghé giặt đồ, cách nhà 3 phút đi bộ

Ở Nhật hai tháng mình đã đi tham quan được vài khu shopping street lớn ở trung tâm Osaka, đi du lịch được 4 điểm và đi dạo khu mua sắm sầm uất ở ga Umeda, là ga tàu lớn nhất Osaka. Giới trẻ ở đây ăn mặc kín đáo, mình chưa thấy ai mặc quần đùi ra đường. Nữ giới nếu mặc váy ngắn thì họ thường mang quần tất bên trong mặc dù trời nắng nóng. Khi ngồi trên tàu điện mọi người thường khép nép không để đụng chạm vào người khác, trừ phi những khung giờ cao điểm tàu quá đông. Nếu còn ghế trống nhiều, họ sẽ tránh chọn ghế ngay cạnh mình mà sẽ ngồi cách mình một ghế. Âm lượng trên tàu là cực kỳ nhỏ, nếu hai người nói chuyện với nhau thì ta chỉ nhìn thấy họ đang nói chứ không thể nghe được gì. Chồng mình cũng dặn phải tắt chuông điện thoại, và lướt facebook thì đeo tai nghe để không vô tình làm ồn trên tàu. Có một điều hơi thất vọng là mình cứ tưởng khi mình vác bụng bầu đi lên tàu thì người ta sẽ nhường ghế cho mình, nhưng không thấy chuyện đó, họ vẫn chen nhau phần ai nấy ngồi không để ý gì đến mình cả. Có khi mình định ngồi vô ghế dành riêng cho các đối tượng ưu tiên là người già, người khuyết tật, thai phụ và phụ nữ có con nhỏ, thì thấy người ta đã ngồi kín hết rồi. Nếu muốn họ nhường chắc mình phải nói gì đó, mà vì tiếng Nhật hạn chế nên thôi đành câm nín. Quyết tâm lần sau quay lại Nhật mình phải tự tin mạnh dạn hơn, sử dụng được tiếng Nhật trong những tình huống cần thiết, bởi vì…. không ai nói tiếng Anh cả.

Mặc dù người Nhật có biết tiếng Anh đi nữa, họ cũng không muốn nói tiếng Anh. Họ mặc định nói tiếng Nhật với tất cả du khách nước ngoài luôn. Có lần mình ở khách sạn kia cũng khá to, mình nghĩ chắc nhân viên khách sạn sẽ dùng tiếng Anh khi thấy mình là người nước ngoài, nhưng không. Mình phải ráng rặn ra cái tiếng Nhật dở ẹc của mình để giao tiếp với họ. Thỉnh thoảng mình nghe loáng thoáng họ dùng tiếng Anh nhưng không phải, đó chính là Katakana, những từ mượn tiếng Anh nên nghe có vẻ giống. Tuy nhiên khi mình học được nhiều Katakana thì mình bắt đầu what the hell, sao nghe như tiếng Anh mà không phải tiếng Anh vậy. Chekku auto là check out. Sumaho là smartphone. Coinraindori là coin laundry. Feisubukku là Facebook. Vi diệu chưa. Nhất là trong các menu đồ uống thì katakana bao la luôn, mình đọc và đoán nghĩa không kịp nên chỉ dùng chiêu “nhất dương chỉ” để gọi món rồi uống đại cái món mình gọi đó thôi. Nếu có thời gian thì dùng google lens để dịch nhưng mình đoán chắc google lens cũng không dịch được chính xác, vì đây là những từ mượn không hề có trong từ điển nên chắc dữ liệu của google cũng không đủ. Mà giới trẻ Nhật lại rất ưa thích dùng từ mượn kiểu này nha. Ví dụ slim thì đọc là surimu, diet thì đọc là daietto. Soft drink thì đọc sofuto dorinku. Trà sữa là miruku teii.

Tóm lại nếu muốn ở Nhật lâu dài, mình bắt buộc phải học tiếng Nhật. Dần dần mình cũng cảm thấy thiện cảm với nước Nhật, với văn hoá Nhật hơn vì khi càng tìm hiểu, mình biết được lý do vì sao người ta hành xử như vậy và tôn trọng cái khác biệt của họ. Trên các hội nhóm người Việt ở Nhật thỉnh thoảng người ta cũng hay phàn nàn về dịch vụ y tế, về sự phân biệt kỳ thị người nước ngoài, hoặc là những gã biến thái ở Nhật. Nhưng mình nghĩ đất nước nào cũng có cái đẹp cái xấu như vậy thôi, đã chấp nhận đi đến một miền văn hoá mới thì phải sẵn sàng chịu những tổn thương do sự khác biệt văn hoá, nhưng bù lại sẽ nhận được nhiều điều hay làm cho trái tim mình mở ra, trí óc mình mở ra. Đến Osaka với một trái tim trần trụi, bỏ qua một số khó khăn thì mình đã gặt hái được khá nhiều, thật đáng để đi lắm.