Giá trị thời gian của Tiền

Viết bởi Ông Già Coder EB vào 2020-11-14
Chủ đề:

Untitled.png

Đã lâu mình (E.B) không viết bài mới trên blog Dương Đào, kể từ bài viết giới thiệu về kênh Youtube Two Cents. Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục ngáng chân, chưa cho phép mình trở về đoàn tụ với người yêu, dù nhiều lần khấp khởi hy vọng về việc mở lại các chuyến bay thương mại từ Nhật về Việt Nam. Vì vậy, để thời gian kiên nhẫn chờ đợi một chuyến bay không trôi qua một cách lãng phí thì mình luôn cố gắng tận dụng thời gian trống để học thêm và nâng cấp bản thân mình. Vài tháng vừa qua, mình tiếp tục bận rộn với công việc lập trình trên công ty vào ban ngày, còn buổi tối sẽ dành ra đọc thêm sách, tham dự một số khóa học về tài chính cá nhân và các kênh đầu tư như là kênh đầu tư chứng khoán. Kết thúc một ngày luôn là giờ trò chuyện với người yêu qua video call. Không dừng lại ở việc học lý thuyết, mình cũng đã bắt đầu bỏ tiền ra đầu tư thật sự, các kênh mình lựa chọn với số vốn khiêm tốn của mình là vàng, vào chứng khoán, trái phiếu,… Vì khẩu vị rủi ro của mình là an toàn và thận trọng, nên tỉ trọng vào kênh chứng khoán của mình sẽ không cao, dù chứng khoán ở giai đoạn này tại Việt Nam đang có mức sinh lợi khá tốt. Dẫu có lúc được, lúc mất, nhưng quan trọng hơn là bản thân mình có thể học hỏi và đúc rút được nhiều điều trong quá trình thực chiến và giữ được bản thân, không sa đà lạc lối với tư duy đầu cơ ngắn hạn.

Quay lại chủ đề chính của bài viết này, mình xin giới thiệu một khái niệm cơ bản trong quản lý tài chính cá nhân, mà hẳn là nhiều bạn học về kinh tế, tài chính đều không xa lạ gì đó là khái niệm Giá trị thời gian của Tiền (Time Value of Money - TVM). Với một người ngoại đạo như mình, thì trước khi được biết đến Giá trị thời gian của đồng tiền, đã có nhiều hành xử sai lầm về tiền bạc trong quá khứ. Khái niệm này có thể hiểu nôm na là một đồng của hôm nay sẽ luôn giá trị hơn một đồng của 1 tháng sau, 3 tháng sau, hay một năm sau. Bởi vì một đồng tiền thông minh là một đồng tiền không bao giờ ngủ yên (Money never sleeps),  đưa vào lưu thông trong nền kinh tế để sinh sôi thêm. Đơn cử chỉ bằng việc gửi tiết kiệm ngân hàng - một kênh đầu tư có thể xem là Near-Risk Free tại Việt Nam ở thời điểm này - thì bạn đã nhận được một phần lợi suất (5 ~ 6%/năm) giúp tăng trưởng số tiền bạn sẽ nhận lại được trong tương lai. Bên cạnh việc đầu tư, hai yếu tố khiến giá trị đồng tiền của hiện tại lớn hơn tương lai còn phải kể đến lạm phát làm giảm sức mua của một đồng trong tương lại và rủi ro không nhận lại được một đồng (hoặc mất một phần). Bạn có thể đọc thêm về Giá trị thời gian của đồng tiền trên Vietnambiz hoặc Investopedia. Mình xin chia sẻ thêm việc hiểu về khái niệm này giúp mình thay đổi tư duy về tài chính như thế nào:

Hồi mới ra trường đi làm, mình còn khá ngây ngô về chuyện tiền nong nên kiếm được đồng lương nào là ngoài việc gửi gia đình một phần thì phần còn lại sớm muộn cũng tiêu hết, ăn uống, mua sắm, nhiều khi mới đến giữa tháng mà đã phải hóng lương về. Còn nhớ có lần, anh sếp phòng mình, sau khi đi tập gym cùng thì tiện thể rủ mình đi cửa hàng xe đạp gần đấy, trên đường Võ Thị Sáu để ngắm nghía và mua một chiếc cho ảnh. Phần mình, dù không có nhu cầu từ trước, nhưng xui khiến thế nào mà mình cũng mê mẩn rồi mua hẳn một chiếc xe đạp Giant hơn 10 triệu đồng, một số tiền không nhỏ với mình lúc bấy giờ, bằng đâu 2~3 tháng lương của mình khi đó. Vì vậy, mình đã phải mượn anh sếp thanh toán trước bằng thẻ tín dụng của sếp. Sẽ không có gì để đáng bàn nếu mình thanh toán nợ một cách nghiêm túc, vấn đề là sau đó mình lại chây lười trả chậm và nhỏ giọt, phải mất đến hơn 6 tháng mới trả góp dứt khoản nợ đó cho anh sếp. Khi ấy, mình chỉ nghĩ đơn giản là dù sao thì mình cũng sẽ trả từ từ cho hết mà, mình không có ý định quỵt nợ đâu nhưng mỗi khi nhận lương thì mình dùng để tiêu pha, ăn uống, tụ tập và chẳng dư được đồng nào. Giờ đây, nhìn lại, mình mới thấy việc đó là đã khiến người cho mình mượn tiền bị thiệt thòi mất rồi (vì anh sếp mình tốt bụng, không lấy lãi), số tiền hơn 10 triệu họ cho mình mượn có giá trị hơn số tiền 10 triệu mà họ nhận lại 6 tháng sau đó. Vậy nên, dù là thân hay sơ, khi mượn tiền, ít nhiều mình phải bù đắp lại một phần sự mất giá trị ấy cộng với phần bù rủi ro bằng một ít chênh lệch, ít nhất theo kịp lãi suất ngân hàng ở cùng kỳ hạn. Trừ trường hợp ngoại lệ là nguy cấp, số tiền vay ít và có thể trả lại sau một thời gian ngắn thì có thể du di bỏ qua. Các trường hợp khác, thì mình nghĩ điều hợp lý là nên đòi hỏi phải có một phần lợi tức để bù đắp. Bởi vì thời gian trả nợ càng kéo dài, số tiền cho vay càng lớn thì phần thiệt thòi mà người cho vay phải chịu, nếu họ không tính lãi suất, sẽ càng nhiều hơn. Đó cũng là bài học cơ bản mình học được và sẽ áp dụng cho cả việc mượn và cho mượn của chính bản thân hiện tại và sau này.

Tại sao một đồng trong ví bạn ngày hôm nay lại có giá trị nhiều hơn một đồng bạn nhận được vào ngày mai.

Ngoài ra, hiểu được về Giá trị thời gian của Tiền kết hợp với sức mạnh của lãi kép còn giúp mình nhận ra việc chi một khoản tiền lớn để mua sắm tiêu sản ở hiện tại sẽ khiến số tiền trong tương lai của mình bị mất một khoản lớn thậm chí gấp nhiều nhiều lần số tiền đã bỏ ra khi mua tiêu sản. Mình xin hẹn kể chi tiết cụ thể hơn trong một bài viết khác.