Có nhất thiết phải có đam mê?

Viết bởi Cô Đào vào 2020-06-17
Chủ đề:

Untitled.png

Dạo gần đây mình thấy có nhiều bạn trẻ (hơn mình) than thở rằng họ chưa tìm ra đam mê và họ cảm thấy chênh vênh vì ở tuổi này rồi mà chưa có định hướng muốn làm gì, nên làm gì để thành công. Tuy nhiên khi hỏi han và trò chuyện nhiều hơn thì hóa ra các bạn cũng đang có một công việc để kiếm tiền và vẫn có thể sống tốt nhờ vào công việc đó. Hoặc ít ra họ cũng không đến nỗi chông chênh như họ nghĩ, mà bởi vì họ tự so sánh mình với những người thành công (vững chãi) và rồi họ thấy mình chông chênh.

Vậy đam mê là gì, mà sao ai cũng đi tìm? Đam mê có phải là người yêu, là chồng, là vợ mà mình phải cưới nó không? Và đam mê có phải là điều mình thích hay không?

Làm thế nào để phân biệt giữa sở thích và đam mê?

Sở thích chỉ dừng lại ở việc: khi nào rảnh bạn mới nghĩ đến nó.

Nhưng đam mê thì bạn nghĩ đến nó mọi lúc và muốn làm mọi thứ vì nó như là bạn đang yêu vậy. Mà chính vì bạn luôn muốn nghĩ và làm về nó, bạn sẽ tìm hiểu nhiều hơn, dần dần bạn giỏi hơn, bạn trở nên chuyên gia trong lĩnh vực đam mê của mình. Không phải ai trong đời cũng có đam mê, có người có, có người suốt đời chẳng có đam mê nào. Nên đừng ép buộc bản thân phải tìm cho ra đam mê để mà sống vì nó.

Nhiều người ban đầu chỉ thích, rồi khi thích quá nhiều thì thành đam mê, và khi đam mê quá nhiều thì thành chuyên gia. Nhưng không có nghĩa bạn sẽ thành công với đam mê hoặc có thể làm giàu với đam mê.

Đôi khi đam mê không tỷ lệ thuận với năng lực của bạn và để có thể tồn tại thì bạn phải dẹp đam mê qua một bên và dùng năng lực vốn có của mình để mà sinh nhai.

Ví dụ một người rất đam mê xe cộ, anh ta dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu tìm hiểu về xe, loại xe nào, động cơ thế nào, giá cả bao nhiêu, thế mạnh là gì, sửa chữa ra sao… anh ta đều nắm trong lòng bàn tay. Có thể gọi anh ta là một chuyên gia về xe. Nhưng anh ta phải làm gì với những kiến thức đó, để mà kiếm ra tiền dựa trên đam mê thì còn tuỳ vào năng lực.

Nếu anh ta biết kết hợp đam mê với khả năng làm việc trong từng lĩnh vực, và làm việc hết mình, anh ta có khả năng sẽ giàu có.

Vậy nên có nhiều người nói: đam mê của tôi là kiếm tiền, làm công việc gì khó nhọc cũng được miễn đem lại nhiều tiền thì tôi đều yêu thích; thì đó cũng là một loại đam mê, hơn nữa lại còn trùng với mục đích kiếm sống nữa.

Nhưng có người bảo rằng, đam mê của tôi là sưu tập tem, các loại tem từ cổ chí kim, từ khắp các nước, tôi có thể dành hàng giờ ngồi sắp xếp các loại tem theo thời kỳ, tôi có thể lùng tới tận nơi bán tem để sưu tầm những loại độc lạ mà tôi chưa sở hữu… Thì cái đam mê này chỉ là một loại sở thích nâng cao, và nó tốn kém chứ không hề tạo ra tiền bạc cho bạn (trừ phi sau này bạn bán đi bộ sưu tập của mình).

Nhiều người cũng chẳng thèm tìm kiếm đam mê gì, cứ tiếp tục vùng vẫy với cuộc sống mưu sinh nhưng bỗng một hôm trên con đường mưu sinh thì đam mê chợt xuất hiện, hoặc một năng lực nào đó được khám phá ra… tích luỹ với kinh nghiệm sẵn có, thế là họ phát triển nó lên đến một mức độ có thể làm giàu từ đó. Những chuyện này đôi khi xảy ra rất trễ trong cuộc đời. Chỉ cần không ngừng học hỏi, không ngừng tìm kiếm là được.

Nói như vậy để những bạn trẻ đang hoang mang, băn khoăn lo lắng không biết mình nên sống vì đam mê hay sống vì cơm áo gạo tiền, hãy xem thử bạn có đam mê đủ để trở thành chuyên gia về nó không đã. Bởi trước hết, khi chưa có đam mê, người ta vẫn cần phải ăn, mặc, ở, thở, phải sống. Không có đam mê chẳng chết được đâu, không có những nhu cầu thiết yếu thì mới đi đời đấy.

Từ từ, hãy từ từ rồi đi kiếm đam mê. Và chờ cho nó xuất hiện đúng thời điểm. Đam mê cũng như người yêu vậy, rồi nó sẽ đến, và chúng ta cũng chưa chắc sẽ cưới nó, cho đến chừng nào chúng ta có khả năng lo cho cuộc sống của mình đã, hen.