Một cách Tiết Kiệm khi sống tại Nhật

Viết bởi Ông Già Coder EB vào 2024-03-23
Chủ đề:
Ghi

Hàng loạt quyển sách tài chính cá nhân, khi đề cập đến chủ đề “Tiết Kiệm”, thường hay sử dụng một ví dụ quen thuộc, nói về thói quen uống một ly cà phê (Starbucks, …) mỗi ngày tiêu tốn của bạn bao nhiêu tiền bạc mỗi năm. Tác giả thường nêu rằng, nếu lấy số tiền đó đầu tư, cùng với hiệu ứng lãi kép, thì sau 15-20 năm sẽ trở thành một số tiền khổng lồ… Tôi phần nào đồng ý với lý thuyết này nhưng lại thấy không phù hợp với bản thân. Đơn cử như việc tôi nghiện cà phê, trung bình một ngày uống từ 1-2 ly, để tiết kiệm thì tôi pha và uống tại nhà thay vì mua tại quán và các cửa hàng tiện lợi, nhưng không thể hoàn toàn dứt bỏ cà phê được. Đối với tôi, việc tiết kiệm không phải là cứ cố hết sức thắt chặt chi tiêu, dè sẻn thái quá, sẵn sàng bỏ nhiều thời gian ra săn sale, săn đồ giảm giá, săn coupon, hoặc nhịn uống cà phê (hay thức uống bạn yêu thích), nhịn đi ăn hàng quán, … chỉ để hơn thua vài ba đồng bạc lẻ.
Tiết kiệm, trong mắt tôi, là một đức tính quý báu, nhưng cũng cần phải cân nhắc đến việc chăm sóc bản thân và tận hưởng cuộc sống. Không sai, tôi hoàn toàn ủng hộ việc tiết kiệm, nhưng quan điểm của tôi là thay vì tập trung quá mức vào việc giảm chi, hãy chú ý đến việc tăng thu nhập và phát triển bản thân. tôi thường xuyên tận dụng các đợt giảm giá cuối ngày tại siêu thị để mua thực phẩm tươi sống (20%, 30% thậm chí 半額 ~ 50%) như các mẹo tiết kiệm khi sinh sống Nhật được chia sẻ rộng rãi. Tuy nhiên, giờ đây, với gia đình và con cái, thời gian rảnh rỗi của tôi trở nên hạn chế, khiến tôi phải từ bỏ thói quen này.

Điều tôi nhấn mạnh bây giờ là phương pháp “Tiết Kiệm tự động” - chỉ đòi hỏi bạn bỏ ra một ít công sức để thiết lập ban đầu và sau đó để nó tự vận hành. Một cách làm phổ biến là tự động chuyển một phần tiền từ tài khoản nhận lương sang tài khoản tiết kiệm và đầu tư hàng tháng. Điều này yêu cầu bạn phải biết rõ mình và gia đình chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng và xây dựng một quỹ dự phòng đủ lớn cho những biến cố và những điều không thể tính trước được. Có nhiều cách để thiết lập ngân sách, từ quy tắc 6 chiếc hũ, quy tắc 50/30/20, cho đến Kakeibo với phương pháp sử dụng sổ để ghi chép chi tiêu và những chiếc phong bì để quản lý ngân sách của người Nhật, mà tôi đang thử nghiệm và sẽ chia sẻ trải nghiệm của tôi trong một bài viết khác.

431827479_1113790409765218_5499080696296120184_n.jpg

Gần đây, tôi đã bắt đầu sử dụng chức năng “Subscribe & Save“ của Amazon JP, và tôi thấy nó vô cùng hiệu quả (Amazon tại thị trường nhiều nước Âu Mỹ khác cũng có chức năng này. Riêng các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam thì tôi chưa thấy). Với cơ chế đặt mua định kỳ, tôi có thể tiết kiệm được khoảng 10-15% chi phí cho các sản phẩm hàng ngày như gạo, dầu ăn, và các loại dầu gội, sữa tắm, nước giặt… Qua việc phân tích nhu cầu cá nhân và gia đình, tôi chỉ cần thiết lập một lần và để Amazon tự động giao hàng định kỳ hàng tháng hoặc theo tần suất do tôi lựa chọn. Việc này giúp nhiều cho chính Amazon (và người bán) có được lượng khách hàng tiêu dùng đều đặn, còn người mua cũng được mua hàng với giá ưu đãi hơn. Chức năng Subscribe & Save của Amazon không chỉ giúp tôi tiết kiệm thời gian và công sức đi mua sắm, mà còn đảm bảo tôi luôn nhận được giá tốt nhất mà không cần lo lắng về việc so sánh giá cả hay chất lượng giữa các thương hiệu. Đầu tư một chút thời gian ban đầu để chọn lựa sản phẩm đã giúp tôi tiết kiệm không chỉ tiền bạc mà còn cả thời gian và công sức trong dài hạn. Đó cũng chính là lợi ích về lâu dài của phương pháp “Tiết Kiệm tự động”.

Subscribe & Save

Kết luận, dù tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng tiết kiệm, tôi không muốn dành phần lớn thời gian của mình để tìm kiếm những deal giá tốt hoặc cắt giảm mọi khoản chi tiêu một cách cực đoan. Đối với tôi, “Tiết kiệm tự động” là phương pháp lý tưởng trong quản lý tài chính cá nhân, bởi tôi tin rằng thời gian quý giá của chúng ta cũng là một dạng của sự giàu có.