Principles của Ray Dalio và chuyện Open-minded

Viết bởi Ông Già Coder EB vào 2020-06-07
Chủ đề:

Untitled.png

Mình đang tìm hiểu về kinh tế và tài chính, cơ duyên đưa đẩy mình xem clip “Cỗ máy kinh tế của chúng ta vận hành như thế nào?“ của Ray Dalio (về cách ông nghĩ, và có rất nhiều người đồng tình) - Nếu bạn quan tâm, mời bạn xem trên Youtube - https://www.youtube.com/watch?v=PHe0bXAIuk0.

Mình muốn nói là, nhờ coi clip này của ông, mà mình nhớ ra trước đây, có mua quyển Principles - Life & Work của ông trên Kindle. Quyển Principles được nhiều người khuyến đọc và hiện nằm trong top 10 best sellers của Amazon trong các tiểu mục: Business & Organizational Learning, Decision Making & Problem Solving, Business Management.

Nói thêm về Ray Dalio, ông không phải một tác giả làm giàu từ bán sách (ôi, mình có thiên kiến với những người viết sách dạy làm giàu, mở khóa học dạy làm giàu nhưng làm giàu từ sách và khóa học…). Ray Dalio là một tỷ phú tự thân, một ông trùm trong giới đầu tư tài chính và sáng lập, điều hành một trong những quỹ đầu tư phòng hộ (hedge fund) lớn nhất thế giới hiện nay. Những nguyên tắc mà ông viết trong sách được đúc rút từ chính cuộc đời của ông, một cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm và thử thách và qua sự phản tư và không ngừng cải tiến, thay đổi, để rồi Ray Dalio đã chia sẻ những gì ông học được trong quyển sách dày khoảng 600 trang này.

Đôi dòng giới thiệu về Ray Dalio và quyển sách Principles - Life & Work vậy chứ mình không dám review nhiều vì mình chỉ mới đọc được khoảng 30%. Mình được thôi thúc viết bài này khi đọc đến chương 3 - phần 2: Life Principles - Be Radically Open-Minded. Vừa đọc vừa cảm thấy tâm đắc lắm vì đó giờ, mình đã ngộ nhận bản thân mình hẳn là open-minded (tư duy mở) lắm, khi phỏng vấn tìm việc thì thỉnh thoảng hay nói open-minded là ưu điểm của bản thân. Mình sẽ giãy nảy lên nếu người nào nói mình không open-minded hay nói cách khác là narrow/close-minded (tư duy đóng, bảo thủ). Và mình cũng thấy rằng nhiều người xung quanh cũng có cùng ngộ nhận như mình, nên mình hy vọng bài viết đưa ra những quan điểm của Ray Dalio về Open-minded sẽ hữu ích cho bạn.

Ray Dalio bắt đầu chương này bằng việc đề cập đến hai rào cản lớn nhất của con người với việc ra quyết định tốt (Good decision making) là cái tôi “ego“ và điểm mù “blind spots“ - Bias, thiên kiến. Cùng nhau, chúng sẽ khiến bạn cảm thấy khó khăn khi cần suy xét vấn đề (của bạn, của tổ chức) một cách khách quan. Mà chính việc nhìn nhận một cách khách quan, một cách lý tính là yếu tố quan trọng nhất của việc ra quyết định tốt. Ego, cái tôi, là cơ chế phòng thủ thuộc về bản năng, được tự nhiên cài vào bản năng của con người - cái tôi khiến con người khó thể chấp nhận lỗi lầm và các nhược điểm của bản thân. Và khi bạn đối diện với việc ai đó không đồng ý với ý kiến của mình (hoặc chê trách/chỉ trích bạn), cái tôi thường kích hoạt cơ chế “flight or fight” - hoặc là chiến đấu chống lại, nhất quyết bảo vệ ý kiến của mình, hoặc là “bỏ chạy”. Nhiều người cũng lầm tưởng “flight” là open-minded, nhưng nhiều khi họ chỉ nói cho qua chuyện chứ không thực lòng tiếp nhận ý kiến của đối phương.

Bên cạnh cái tôi ego, thì điểm mù blind spot- những lối mòn trong cách bạn tư duy ngăn cản việc bạn nhìn nhận sự việc một cách chính xác và khách quan. Chúng ta thường nhìn sự vật theo lăng kính riêng của bản thân, và do đó, một cách tự nhiên, chúng ta không thể nhìn nhận, hiểu những gì chúng ta không thấy - hãy tưởng tượng việc bạn mô tả một màu sắc với người mù màu. Tệ hơn, mọi người, ai cũng đều có những điểm mù của riêng mình, nhưng chúng ta lại không nhận ra điểm mù của chính mình cũng như của người khác, và xu hướng thường thấy là mọi sự bất đồng đều dẫn đến tranh cãi (thay vì tranh luận và học hỏi lẫn nhau).

Untitled.png

Bằng cách thực tập tư duy cởi mở, bạn có thể loại bỏ hai rào cản này để đương đầu với thực tế hiệu quả hơn và cải thiện cuộc đời của bạn. Dĩ nhiên, để tạo thành thói quen này rất khó, bạn phải rất kiên trì thực tập và nó có thể mất đến 18 tháng để chuyển hóa. Vâng, một điểm nữa mà mình rất đồng tình với Ray Dalio, tổ cha mấy quyển self-help 21 ngày để hình thành một thói quen. Trong khuôn khổ bài viết này, mình xin trích đăng lại một số dấu hiệu để phân biệt giữa một người close-minded và một người open-minded và giải ảo một số ngộ nhận mà mình đang mắc phải. Hãy tìm đọc quyển sách này nếu bạn cảm thấy hứng thú nhé.

  1. Người close-minded không muốn ý kiến của họ bị thử thách. Họ thường cảm thấy nản lòng, giận dữ, có những phản ứng quá khích khi họ không thể khiến người khác đồng tình với họ thay vì cảm thấy tò mò tại sao người khác lại không đồng ý.
  2. Người close-minded thường quan tâm đến việc chứng minh bản thân mình đúng thay vì đặt ra các câu hỏi và học hỏi quan điểm của người khác hoặc tìm ra điều gì thực sự đúng. Xu hướng của người close-minded là tôi thắng, bạn thua, tôi đúng/bạn sai, etc… Người open-minded hiểu rằng luôn có khả năng (dù ít hay nhiều) rằng họ có thể đã sai, họ có điểm mù của riêng mình và cảm thấy đáng giá khi bỏ thời gian ra cân nhắc góc nhìn của người khác để chắc rằng họ không bỏ lỡ thứ gì đó hoặc tạo ra sai sót.
  3. Người close-minded thường hay đưa ra các câu khẳng định thay vì đặt câu hỏi.
  4. Người close-minded bỏ ra nhiều công sức để được hiểu thay vì để hiểu người khác. Khi có ai đó bất đồng với họ, họ có xu hướng cho là mình chưa được hiểu đúng và ra sức giải thích. Người open-minded luôn cảm thấy thôi thúc nhìn nhận sự việc theo lăng kính của đối phương.
  5. Người close-minded hay nói những thứ đại loại như “Tôi có thể sai… nhưng đây là ý kiến của tôi, …”. Đây là dấu hiệu khiến người close-minded ngộ nhận là họ nghĩ thoáng và cởi mở nhưng thay vì đặt câu hỏi để có nhiều input hơn thì họ đưa ra mệnh đề của mình. Người open-minded biết khi nào nên đưa ra chính kiến của mình và khi nào thì nên đặt câu hỏi.
  6. Người close-minded ngăn người khác nói lên ý kiến của mình. Người open-minded luôn chú trọng việc lắng nghe hơn là việc được nói, người open-minded khuyến khích người khác phát biểu góc nhìn của họ.
  7. Người open-minded có thể tiếp nhận suy nghĩ của người khác mà không làm mất khả năng suy nghĩ độc lập của mình - họ có thể giữ hai hoặc nhiều hơn những ý tưởng mâu thuẫn trong tâm trí của họ và dành thời gian suy xét chúng một cách đa chiều và tìm ra sự liên hệ giữa chúng.
  8. Người close-minded thiếu tính khiêm nhường thực sự. Người open-minded hiểu sự khiêm tốn là một đức tính cần thiết cho sự học hỏi và tiến bộ. Họ luôn sợ rằng mình sẽ sai, nhưng qua sự khiêm tốn và việc không ngừng học hỏi, họ nâng cao dần khả năng đưa ra quyết định đúng/nhìn nhận sự việc đúng.

Sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập đến việc phân biệt rõ giữa tư duy của một người open-minded với một người thiếu tự tin. Một người open-minded luôn nghĩ rằng mình có thể sai, điều đó xuất phát từ sự khiêm tốn và tinh thần trách nhiệm (self-accountable), do đó, họ không ngừng học hỏi.

Hãy cầu thị, mọi quyết định tai hại đều xuất phát từ những góc chết - unknown unknowns và từ tư duy “I’m right” của chúng ta.

Rather than thinking, “I’m right.” I started to ask my self, “How do I know I’m right?”Ray Dalio

bookmark