Nhật ký làm việc tại công ty di trú Úc

Viết bởi Cô Đào vào 2020-11-14
Chủ đề:

Untitled.png

Mình làm việc cho một công ty di trú khá nổi tiếng tại nước Úc, và cũng khá lớn tại Việt Nam nếu tính về chuyên môn. Ban đầu mình chỉ xin vào đây làm vì “hám fame”, thực sự xấu hổ mà nói là vậy. Chứ mình chẳng có đam mê, cũng chẳng biết mình cần gì thích gì. Mình thích đi làm ở những công ty to, hoành tráng, có tên tuổi, nổi danh, và lương lậu cũng ổn, thế là được.
Kể từ khi ra trường mình đã nhảy qua khoảng chừng 5-6 công ty to nhỏ. Những công ty to thì giữ chân mình lâu hơn chút xíu, mặc dù có nhiều bất cập và bất đồng đủ kiểu với nhân sự các cấp, nhưng vì luyến tiếc cái sự nghiệp mình đã gầy dựng và cũng vì luyến tiếc khi phải rời bỏ một công ty tiếng tăm. Nhưng đến độ tuổi 27 thì mình nghĩ, thôi làm ở đâu cũng vậy, ở trong chăn mới biết chăn có rận, công ty nào cũng có cái thối nát bên trong cả. Nên mình tìm một công ty ở trong mảng mà mình yêu thích, và cũng là mảng mình có sức cạnh tranh nhất, hợp với profile của mình nhất. Mình ứng tuyển vào làm trợ lý của công ty hiện tại.
Ban đầu ở vị trí trợ lý, công việc rất nhàm chán, mình chẳng có động lực hay một chút cầu tiến nào vì nghĩ, ôi làm trợ lý thì chính là osin cấp cao thôi chứ gì. Mình làm mấy  việc lặt vặt văn phòng,  pha trà nước, tiếp khách, đặt lịch hẹn cho sếp, viết bài cho facebook sếp, dịch thuật văn bản, soạn thảo các form mẫu linh tinh, làm tất cả những gì sếp yêu cầu.
Tiếp đến mình được giao cho follow khách hàng theo một quá trình lâu dài, hướng dẫn cho họ cách chuẩn bị cho một hồ sơ định cư. Những thứ này quả thật rất bình thường, không có gì kích thích mình cả. Cũng có đủ loại khẩu vị khách hàng khác nhau, dễ tính, khó tính, nóng tính, yêu cầu hạch sách… Nhưng kinh nghiệm 3-4 năm trời làm ở mảng chăm sóc khách hàng và 1 năm làm sale cũng đủ để mình vượt qua dễ dàng.
Thực sự mà nói, sau khi ra trường mình không có ý định muốn học thêm bằng cấp chứng chỉ gì nữa, vì đã quá mệt mỏi với việc học hành thi cử. Nhưng cái tính mình lại thích tự mày mò, tự nghiên cứu, nên sách nào mình cũng đọc mỗi ngành mình đều biết một chút. Mấy bạn bên marketing nói chuyện mình cũng hiểu. Mấy bạn bên kiến trúc nói chuyện mình cũng hiểu. Mấy bạn startup ngồi với nhau bàn bạc mình cũng góp vui. Mấy bạn quản trị nhân sự hay tuyển dụng nói gì mình cũng tham gia được hết. Nhưng mình chẳng có bằng cấp gì ngoài cái bằng đại học và suýt nữa là cái văn bằng 2 cử nhân Anh (nhưng do tính ghét thi cử, hoặc sợ thi cử, mà mình đã bỏ thi mấy môn quan trọng cuối kỳ, dẫn tới không có bằng tốt nghiệp).
Cái ngành của công ty mình đang làm nó lại rất đặc thù, nó là luật, đòi hỏi người nào muốn thăng tiến trong công việc đều phải có bằng về luật, mà không phải bằng luật Việt Nam, phải là bằng luật-di-trú Úc. Cụ thể nếu bạn đã là một thường trú nhân Úc, có một bằng đại học bất kỳ, sau đó học thêm về luật di trú Úc để được cấp mã số hoạt động, thì lúc đó bạn mới trở thành một người cố vấn luật di trú được tin cậy và mở rộng con đường nghề nghiệp trong ngành này. Một người tốt nghiệp ở trường luật tại Úc cũng không thể tùy tiện đi ra tư vấn về luật di trú Úc, bởi mảng di trú là một mảng chuyên biệt phải được cấp mã số MARA để hoạt động.
Tuy nhiên dưới sự hướng dẫn của sếp mình - một cố vấn cấp cao trong mảng di trú Úc, có mối quan hệ thân sơ với các bộ trưởng Úc - thì các nhân viên trong công ty miễn làm lâu đủ kinh nghiệm xử lý hồ sơ, có tinh thần học hỏi, cập nhật kiến thức, và làm việc dưới sự hướng dẫn giám sát của sếp, thì một ngày nào đó sẽ được thăng tiến trở thành Case manager.
Ban  đầu mình không biết việc này. Mình vẫn làm tròn nhiệm vụ của một người trợ lý hết sức xuất sắc, dù cho những việc đó khá nhàm chán và không tạo hứng thú gì cho mình, nhưng mình có khả năng làm việc kiểu như mọi thứ đều dễ như trở bàn tay. Vậy nên chị quản lý đã chú ý và nhận ra năng lực đó trong mình, chị đưa mình lên làm team leader. Lúc ấy khá bất ngờ, và cũng có một số chuyện lùm xùm trong công ty, nên mình có cảm giác rằng những người khác không phục với quyết định ấy. Mình hiểu rằng họ chưa nhận ra ở mình có gì đặc biệt để được thăng chức, hoặc là họ nghĩ chẳng qua cái chức chỉ để hợp lý cho chuyện tăng lương định kỳ. Nếu nghĩ như thế thì ấu trĩ thật.
Cái chức team leader như khiến mình mọc thêm cánh. Mình thăng hoa hơn với công việc, và bắt đầu nhận những nhiệm vụ khó hơn, cần tư duy nhiều hơn là những công việc lặt vặt trước đây. Nhưng mình nghĩ, chính việc làm tốt những công việc lặt vặt nhỏ nhặt ấy mà mình mới có cơ hội tiến lên, mình mới có sự linh hoạt cũng như  kỹ năng tiến bộ hơn. Cho nên đừng xem thường bất cứ một công việc nhỏ nhặt nào, dù nó chán.
Nhớ lại thì ở 3 công ty gần nhất mình đi làm, chỉ trong chừng 3 đến 6 tháng mình đều được thăng chức, nhỏ nhất là team leader, lớn nhất là phó phòng. Mình nghĩ để có được lộ trình thăng tiến như thế với mình, bây giờ, ở bất cứ công ty nào, đều là điều có thể nắm được trong lòng bàn tay. Thăng lên cấp cao hơn nữa mới khó, vì có một số định kiến về bằng cấp mà những công ty Việt Nam vẫn chưa xóa bỏ được. Bởi thế mình mới rời bỏ những công ty đó.
Trở lại với tình hình hiện tại, thì sau một thời gian làm việc nỗ lực, tích lũy kinh nghiệm, cố gắng làm tốt và trau chuốt nhất từ những việc nhỏ, thì nay mình đã trở thành case manager như lộ trình thăng tiến của công ty. Dù mình không có bằng cấp về luật di trú Úc, nhưng dưới sự hướng dẫn của sếp và các cộng sự cấp cao trong công ty, cộng thêm kinh nghiệm tích lũy trong đa lĩnh vực, và tư duy sắc bén thì mình nghĩ mình có thể làm tốt trong cương vị này.
Làm một case manager không đơn giản là chỉ biết răm rắp làm hồ sơ theo một công thức có sẵn, cũng không nên chỉ dựa dẫm vào các tiền bối đi trước, mà phải tự mở rộng tìm hiểu kiến thức, rèn luyện tư duy để nghĩ ra hướng cho những khúc mắc của hồ sơ, hoặc có khả năng nhận định đón đầu trước những khó khăn để chuẩn bị tốt nhất có thể. Đây là điều làm mình cảm thấy rất hứng thú vì nó hợp với tính cách của mình. Bình thường khi đọc một cuốn sách, chỉ cần đọc đến một đoạn tâm đắc thì mình đã ngồi diễn giải, suy luận, phân tích về nó, đưa nó vào thực tế và thảo luận về nó thật sâu. Việc làm một case manager đã vô tình khiến cho tính cách này của mình được phát huy, và cũng làm cho mình cảm thấy tràn đầy hứng khởi trong công việc.
Từ chuyện vô tình chọn đại một công việc để làm, rồi đổ tâm huyết vào để làm thật tốt, giờ đây mình có thể nói là mình thích cái công việc này và sẽ học hỏi trau dồi nhiều hơn. Mặc dù nói về bằng cấp thì mình không đạt đủ điều kiện, vì biết bao giờ mình mới có thường trú Úc và một bằng đại học Úc để mà trở thành đại diện di trú (migration agent) đây. Nhưng mình tin với sự lao động nhiệt tình, đúng hướng, học hỏi không ngừng, mình cũng sẽ không khác người có bằng cấp gì cả.
Bằng cấp là một điều mà mình luôn nhức nhối khi nghĩ về nó, vì mình chẳng bao giờ đặt mục tiêu đạt được bằng cấp này chứng chỉ nọ, và cũng không nỗ lực chỉ để có được bằng cấp, ngoại trừ cái bằng đại học là phải hoàn thành cho xong. Cho nên khi đạt được thành tựu trong công việc mà không phải dựa vào bằng cấp, mình cho đó là một thành công đáng tự hào đối với cuộc đời mình.
Không quan trọng bạn học gì ở nhà trường, đoạn đường đi đến nghề nghiệp bạn sẽ còn phải học, học nữa, học mãi, và rồi nghề sẽ tìm đến với bạn như một lẽ tự nhiên nhất.

P.s: À mà mình kể bằng giọng yêu mến vậy thôi chứ mình vẫn hay nói xấu sếp và công ty lắm, vì chăn nào chả có rận đúng không, ngứa thì phải gãi thôi, gãi bớt ngứa rồi đắp tiếp vậy.

Untitled.png