Mèo ơi!

Viết bởi Cô Đào vào 2019-06-11
Chủ đề:

Untitled.png

Viết cho một người bạn thuở nhỏ, của Mùa yêu.

Ba mẹ nó là dân lao động. Ba nó là tài xế xe tải. Nó cùng tuổi với tôi nhưng to cao hơn, mạnh mẽ hơn, so với những đứa con gái trạc tuổi. Vậy mà lúc sinh ra nó chỉ nặng hai kí lô tám và bé xíu như một con mèo con nên từ đó đến nay người ta gọi nó là Mèo. Thực ra, tên nó là Trâm.

Ba mẹ tôi trong một chuyến đi mua mạt cưa đã gặp ba mẹ nó. Nhà nó vốn gần một cái xưởng mộc khá nổi tiếng. Vào thưở hàn vi thì đối với chúng tôi, tình cảm giữa những kẻ cơ hàn mới thật là đáng quý. Chúng tôi chẳng ngần ngại kết bạn với nhau và không hề mưu tính lợi lộc. Điều đó đưa hai gia đình ngày càng thân thiết và giúp đỡ nhau nhiều trong cuộc sống. Nhưng có lẽ tôi chưa hiểu ra rằng ba mẹ không muốn chúng tôi quá thân thiết với hai chị em nó. Vì đối với xã hội, chúng nó là những đứa vô giáo dục. Nó còn có một người chị, hơn tôi ba tuổi, hai chị em đều rất xinh đẹp. Nhưng quả thực, hai chị em nhà nó không hề có một đặc điểm nào của con nhà hiền lành. Tuy nhiên, vì là trẻ con nên chúng tôi bắt đầu kết bạn với nhau như những đứa trẻ con.

Chúng tôi đã được dạy dỗ để không bị nhiễm những thói hư tật xấu của lũ trẻ con hàng xóm, những trò chửi bới tục tĩu, những trò đánh nhau nắm tóc giật tai, trộm vặt và quấy phá. Tuy Mèo rất tốt nhưng nó là đứa trẻ hư hỏng. Từ nhỏ nó đã sống trong môi trường thiếu yên bình. Ngôi nhà từ đường của ông bà nội nó được chia năm sẻ bảy, cả ba thế hệ sống chen chúc và chỉ thấy mặt nhau ở cái hẻm ra vào. Tuy sống cách biệt mỗi gia đình một không gian riêng nhưng giữa họ vẫn có những lời ra tiếng vào gây mâu thuẫn liên miên ngày này qua tháng khác. Có lúc tôi ghé nhà nó chơi và thấy bác Năm của nó đang xắn quần, chống hai tay ngang hông, miệng chửi đổng qua nhà nó, chỉ thiếu điều băng qua hàng rào kẽm gai phơi phóng đủ loại áo quần để động thủ. Hình như nhà nó đổ nước thải chảy tràn qua sân nhà bác Năm ấy thì phải. Những chuyện xích mích như thế hầu như ngày nào cũng xảy ra.

Nó cũng thường xuyên bị ăn tát, ăn đấm của mẹ nó – một người phụ nữ phốp pháp và tay chân mồm miệng thường xuyên hoạt động. Mẹ nó chẳng bao giờ nói với nó dù chỉ một lời nhẹ nhàng. Ngay cả khi sai nó đi mua bánh mì, bà ta cũng quát lên, giọng nói như có gai và chỉ rặt hai tiếng “mày tao”.

Ba nó thường xuyên có những chuyến xe dài ngày và không tránh khỏi vướng vào tình một đêm. Có lúc những chuyện tình một đêm ấy đã kéo dài và biến thành tình một tháng, một năm, nhiều năm. Rất nhiều lần ba mẹ tôi phải đứng ra giải hòa những vụ ghen tuông đầy máu và nước mắt của gia đình nó. Vì nể ba mẹ tôi nên tất cả đôi khi lắng xuống, dịu êm. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Mọi chuyện bắt đầu nổ tung.

Khi nó đang dần dần lớn lên và thấu hiểu được hoàn cảnh gia đình thì lúc đó, cái gia đình đó cũng đang bắt đầu tan vỡ. Ba nó đã làm cho vài cô gái trẻ mang bầu và khóc lóc đòi cưới xin. Mẹ nó thường xuyên nổi cơn tam bành. Hai chị em nó còn là những tay sai đắc lực cho những âm mưu đánh ghen đầy tàn nhẫn. Gia đình nó suy sụp. Và không cần phải nói thì lúc đó, sự can thiệp của ba mẹ tôi chẳng có tác dụng gì. Chúng tôi buông xuôi và trở nên bàng quan trước họ. Nhất là ba mẹ tôi càng không muốn chúng tôi bị ảnh hưởng gì khi tiếp xúc với một xã hội thu nhỏ đầy tệ nạn như thế.

Mèo đã từng cứu tôi. Khi chúng tôi học lớp hai trong cùng một trường tiểu học. Chúng tôi thường hẹn nhau trước cổng trường để cùng đi về chung. Một lần, tôi bị một cậu bạn chạy vụt qua, giật lấy cặp rồi chuyền cho lũ con trai chạy nhảy vòng vòng trong sân. Đó là kiểu đùa giỡn mà chúng nó chỉ muốn mấy đứa con gái phải khóc thét lên, rượt đuổi hoặc ném đá, ném giày. Nhưng tôi giống như một cục đất làm cho chúng nó phát điên khi trò đùa ấy chẳng có tác dụng gì. Tôi biết, chỉ cần tôi về nhà tay không thì cũng làm cho ba tôi hăm hở lên dọa cho chúng nó vài trận ra hồn. Thế là tôi tay không đi về. Nhưng sự việc cũng chẳng cần đến ba tôi giải quyết. Mèo đã cho lũ con trai cùng lớp những cái tát như trời giáng. Chúng nó le lưỡi, xanh mặt và kể từ đó chẳng bao giờ dám động đến cục đất tôi.

Mèo, nhà nghèo, gia đình lục đục, thiếu thốn sự quan tâm của ba mẹ. Nhưng nó là một con người tình cảm. Nó không hay khóc. Nó chỉ cười. Buồn, nó cũng cười. Tức giận, nó nghiến răng và tay nắm một quả đấm. Nó chưa đủ lớn để hiểu rõ về sự đời. Chỉ thấy trong nó là một nỗi tủi thân và căm hờn đến tột độ. Nó càng không thèm suy nghĩ về hai chữ số phận. Chỉ biết sống vì người ta đã ban cho nó sự sống và là một sự sống tủi hổ từ khi lọt lòng. Và tôi hiểu rằng, khi trở thành bạn với Mèo, thì có sướng cùng chia, có nạn cùng chịu. Nó vừa thương tôi như một đứa em khù khờ, lại vừa rất tôn sùng tôi như một vị thánh. Đôi lúc, tôi thấy nó nhìn chị em chúng tôi và lén thở dài. Khi đó tôi mới lên mười, tôi chỉ hiểu nó qua lăng kính của một đứa trẻ chưa va vấp. Những tháng năm sau đó, khi nghĩ về nó, tôi lại càng hiểu thêm về cái gọi là số phận.

Đến năm cấp hai thì tôi chỉ nghe những thông tin về Mèo thông qua mấy bà bán bún ở đầu xóm. Mười ba tuổi, nó nghỉ học. Ba nó bỏ nhà theo gái và mẹ nó vẫn lồng lộn từng ngày. Hai chị em nó giúp việc ở cây xăng. Cây xăng trá hình.

Bẵng đi một thời gian tôi không nghe tin gì về nó nữa. Rồi lại nghe: nó đã trở thành ca-ve, một loại gái ăn sương cao cấp. Đôi khi mẹ nó vẫn còn liên lạc với chúng tôi và tự hào khoe những chiếc áo da hàng hiệu, khoe bộ móng tay sơn lòe loẹt, khoe hai đứa con gái đi làm nhiều tiền, giờ chẳng thiếu thứ gì. Bà ta cũng chẳng xấu hổ gì khi kể với chúng tôi rằng, Mèo nó đang muốn trả thù ba nó. Nó muốn ba nó phải nhục nhã khi nó ăn nằm với những ông xế đồng nghiệp của ba nó trong khi ông ta mèo mỡ với đám gà chỉ hơn nó vài ba tuổi.

Trong khi mẹ nó đang huyên thuyên, mẹ tôi mang vẻ mặt buồn bã chẳng nói gì. Tôi nấp sau cánh cửa nghe lén chuyện, lại nhớ về hình ảnh Mèo xông pha đối mặt với nguyên một lũ con trai để cứu tôi. Lúc đó chúng tôi đều là trẻ con. Nhưng hình như Mèo đã lớn…

Khi tôi kể chuyện này, thì Mèo đã chồng con. Chồng nó và mẹ nó đang trong tù vì tội buôn bán ma túy. Còn nó, cuộc đời sẽ đẩy nó về đâu nữa, tôi chẳng thể biết được. Nó bây giờ tàn nhẫn và cay nghiệt hơn rất nhiều. Cứ mỗi khi nghe tin về nó, tôi lại thấy chua xót, không chỉ cho nó mà còn cho những kiếp người được sinh ra giống nó, đầy đau thương…

Những kỉ niệm không hẳn bao giờ cũng đẹp. Đơn giản vì khi nó đã đi qua, người ta nhìn lại và tìm một mảnh kí ức sáng trong nào đó để chiếu rọi vào cuộc đời u tối ở thực tại, và họ cảm thấy rằng kỉ niệm nào cũng đẹp. Đẹp là bởi vì nó đã đi qua rồi, êm xuôi rồi và mang lại cảm giác bình yên trong lúc thực tại. Chứ cái quá khứ ấy, kỉ niệm ấy, nào có được gọi là bình yên?

Tôi vẫn nhớ những buổi trò chuyện thâu đêm của người lớn, còn lũ trẻ chúng tôi thì chạy giỡn, chơi cờ cá ngựa, chơi lô tô rồi bắt đầu trèo lên giường ngóng chuyện và ngủ thiếp đi lúc nào chẳng biết. Có những đêm hè ba tôi mang đàn ra trước hiên nhà phục vụ văn nghệ cho những buổi trà dư tửu hậu ấy. Xa xăm lẫn tiếng dế kêu, tiếng ếch ọp ẹp và tiếng thở phì phò của đàn heo trong chuồng. Trong những cung bậc cảm xúc đa chiều và chồng chất qua những thăng trầm của tuổi trẻ thì tôi vẫn mường tượng ra những buổi tối trời trong của thời niên thiếu và da diết nhớ thương.

Thương về một thời, tôi có một người bạn. Tên Mèo.