Tại sao phải sống tối giản ở Nhật Bản

Viết bởi Cô Đào vào 2022-07-26
Chủ đề:

Untitled.png

Nói tới tối giản, khi ở Việt Nam mình nghĩ đơn giản mà, mình sẽ làm được thôi. Và mình nghĩ đó là một lối sống nên không nhất thiết phải ép mình, mà cứ để tự nhiên thoải mái sẽ áp dụng được. Nhưng khi ở Nhật thì không phải là việc chọn lựa có nên hay không, mà hoàn cảnh ở đây buộc mình phải tối giản. Lý do hết sức nhói lòng đó là, tiền phí để bỏ rất tốn kém và cách thức để bỏ một món đồ rất phức tạp, có khi chi phí để bỏ một món đồ bằng 1/3 giá trị món đồ đó.

Tụi mình sắp chuyển nhà, từ căn chung cư tốn kém ở khu trung tâm Osaka sang nhà nguyên căn ở khu Yao, với chi phí thuê nhà thấp hơn, nhưng chồng mình sẽ phải đi làm xa hơn. Bù lại thì anh ấy sẽ đi làm bằng tàu, và mất 20 phút đi bộ mỗi ngày để ra ga tàu. Vấn đề nan giải khi chuyển nhà là có nhiều món đồ đã hư, cũ, không thể sử dụng tiếp cần phải bỏ, như máy giặt, máy đun nước nóng, chiếu tatami, một số vật dụng linh tinh khác… mà muốn bỏ, thì phải xem xét thế nào để không vi phạm luật.

Ở Nhật đâu phải cứ muốn quăng rác là quăng. Khi đi chơi, uống một chai nước cũng phải giữ khư khư vỏ chai bên mình cho đến khi về nhà luôn. Đường phố ở Nhật hiếm khi trang bị thùng rác công cộng, mình tìm mỏi mắt chẳng thấy, thậm chí là ở khu mua sắm ăn uống sầm uất như Namba, Semba hay Tenjinbashi đi mỏi chân cũng chẳng thấy cái thùng rác nào. Ở Việt Nam mình cũng đã thấy ít người chịu khó cố gắng đi tìm thùng rác công cộng để quăng, họ cứ quăng túi bụi ra ngoài đường rồi có công nhân vệ sinh dọn. Nhưng ở đây, dù đã có ý thức tìm một cái thùng rác công cộng mà cũng không có, còn nếu vô ý thức quăng bừa thì thế nào cũng bị phạt. Vì thế kinh nghiệm mà chồng hay dặn mình là đi đâu cũng đem theo túi nilon để tự đựng rác của mình và đựng những món đồ mình cần mua. Vì ở Nhật khi đi mua đồ ở kombini hay siêu thị, nhân viên hỏi mình có cần túi đựng không, nếu mình gật đầu thì họ mới cho túi nilon và mỗi túi như vậy tính phí khoảng ¥2-5  (500-1.000 VND). Điều này nằm trong chính sách giảm lượng rác thải nhựa để bảo vệ môi trường của chính phủ Nhật áp dụng kể từ ngày 1/7/2020.

Về việc thải đồ khi dọn nhà, tụi mình cần phải phân loại thành từng mục. Nếu là những đồ điện cồng kềnh như tủ lạnh, máy giặt thì sẽ phải thuê một dịch vụ chuyên thu gom và vận chuyển đến bãi rác. Họ sẽ tính phí khoảng ¥3,000-4,000/món (từ 500 - 700k) tuỳ độ cồng kềnh. Ví dụ như tủ lạnh của mình nhỏ nhỏ thôi mà phí thu gom là hơn ¥3,000. Trong khi đi mua lại một cái tủ lạnh cũ thì giá chỉ khoảng hơn ¥10,000 (gấp 3 lần chi phí để thải nó). Cho nên nhiều người khi không ở Nhật nữa mà cần thanh lý đồ đạc, đa số họ lên các group đăng bán lại với giá rẻ, hoặc give away (cho không) luôn, chỉ cần người mua chịu chi phí vận chuyển là được.

Với những vật dụng điện tử nhỏ, đồ gia dụng khác thì phải tham khảo chi phí ở trang web của từng thành phố và mua tem dán lên trước khi bỏ. Ví dụ như tụi mình đang tìm hiểu trang web của chính quyền Osaka về giá tem và phân loại rác theo bảng: https://www.city.osaka.lg.jp/kankyo/page/0000384507.html?fbclid=IwAR3qlY2zCkEtjFV518fgB_OLFg_4ytnwbjNOiCpLuSlyeXv4TOhwXrCxCA0#3. Xem cái bảng này cũng rối lắm, vì mình không rõ món đồ của mình thuộc phân loại nào, do tiếng Nhật còn kém. Ví dụ như cái chiếu tatami đã cũ rách của chồng mình, muốn bỏ thì mua loại tem ¥700 (khoảng 120k), nhưng nếu xếp nó vào một loại nệm mỏng có thể gấp được, thì tiền mua tem dán chỉ ¥200 thôi. Nếu mình dán không đúng loại tem thì người thu gom sẽ bỏ lại và họ sẽ thông báo cho mình biết là mình đã dán sai, cần phải dán thêm.

Sau khi biết được đồ dùng của mình là loại nào, phí mua tem là bao nhiêu, tụi mình cần phải đăng ký trước trên trang web của thành phố, để họ cho mình cái lịch sẽ thu gom rác, và một cái mã đăng ký. Sau đó mới đi mua tem ở cửa hàng tiện lợi dán vào những món đồ cần bỏ đi. Khi dán phải ghi mã số đăng ký. Hôm nay tụi mình mới hoàn tất bước đăng ký và phải đợi chừng 2 tuần nữa mới có lịch bỏ rác. Ôi thật nhiêu khê và không thân thiện với người dùng :)) (user-unfriendly quá à)

Đây là trang để đăng ký trước khi bỏ rác

Untitled.png

Đây là mẫu tem của thành phố Osaka

Bởi vậy không sống tối giản sao được. Nếu thứ gì cũng muốn mua nhưng rồi sau đó không cần dùng đến nữa, thì việc đau đầu nhất là phải tìm nơi xử lý, thu gom, phải tốn tiền để thải chúng chứ đâu đơn giản quăng ra bãi rác trước nhà là xong. Mà mình thì cái máu thích nghệ thuật, thích đồ đẹp nữa chứ. Hồi ở Việt Nam mình khoái mua những món đồ trang trí cho gia đình. Nhưng nghĩ đến chuyện sau này nếu không ở Nhật nữa mà phải lo thanh lý đồ đạc mới được về, nếu không sẽ bị phạt, mình buộc phải cố gắng hạn chế mua sắm hết mức.  Cái gì đã mua thì nhắm xài cho lâu, sử dụng triệt để và không nên mua vì nổi hứng bất chợt. Khi mua phải nhắm đến sau này nếu bỏ chúng thì sẽ tốn bao nhiêu tiền, hoặc có thể tìm người cho lại được hay không. Trên các group cộng đồng dân cư tại Osaka, mình thấy mọi người rao bán, hoặc give away cũng khá nhiều. Khi tụi mình qua xem nhà mới ở Yao, hai bạn chủ cũ bên đó cũng sẵn sàng cho mình mấy cái kệ đựng chén bát, máy giặt, và bán lại máy lạnh giá rẻ cho tụi mình. Bởi họ mà mang đi thì cồng kềnh, tốn chi phí rất nhiều, mà cũng là những thứ tụi mình đang cần.

Mình mới sang Nhật được 2 tuần, còn chồng mình thì ở đây tổng cộng 3 năm (trừ 1 năm đi về Việt Nam do dịch Covid), những quy định ở Nhật thì chồng mình đã quen rồi, còn mình thì cảm thấy quá mới mẻ, dù trước đó đã được nghe chồng kể nhiều. Nhưng trực tiếp tìm hiểu để thích nghi với cuộc sống ở đây quả thật là tốn nhiều thời gian công sức. Mình còn mới đọc một bài viết về việc mua xe đạp ở Nhật, nó cũng nhiêu khê không kém gì chuyện bỏ rác.

Đúng là nước Nhật, một đất nước có quá nhiều quy định, luật lệ nhằm giúp con người ta sống có ý thức hơn, văn minh hơn. Nhưng cũng mệt thiệt, hen.

Các bạn theo dõi blog để đọc thêm các bài viết về hành trình khám phá cuộc sống Nhật của gia đình Dương Đào nhé!