Mình từng trải qua một thời sinh viên vùi đầu vào Game, thay vì học hành nghiêm túc. Khi ra trường thì dần thay đổi vì đọc khá nhiều sách self-help; rồi một cách tự nhiên, đến một mức độ trưởng thành nhất định, mình cảm thấy sách self-help không còn phù hợp với mình nữa. Mình dần tìm đến các tác phẩm của người xưa, của Nguyễn Hiến Lê, của Nguyễn Duy Cần, mình thích ngòi bút và văn phong của các cụ hơn là các tác giả đương thời.
Trong những quyển sách của cụ Nguyễn Duy Cần mà mình đã đọc, Tôi Tự Học là quyển đầu tiên mình đọc và cũng là quyển mình thích nhất. Nhờ cơ duyên với quyển sách này, cùng Khuyến Học của cụ Fukuzawa Yukichi, quyển Tự học - một nhu cầu của thời đại của cụ Nguyễn Hiến Lê, đã thôi thúc mình không ngừng học, và luôn đề cao việc học, thay vì sa vào những thú vui giải trí thông thường.
Mình xin trích đăng lại những đoạn tâm đắc của mình trong quyển sách này nhé.
Học vấn và thời gian - Đời sống ta có hạn mà sự học hỏi thì vô hạn - Điều mà ta biết rõ nhất là ta không biết gì cả.
Ta nên nhớ rằng, người ta có thể đọc sách rất nhiều, đi du lịch cùng khắp thế giới mà dốt nát vẫn hoàn dốt nát. Là tại sao? Đọc sách có nhiều cách. Nếu đọc sách chỉ để giết thời giờ, tìm vui thích hoặc để tìm quên lãng trong những lúc buồn chán ở trên toa xe hay đọc sách để tìm giấc ngủ thì đọc sách chẳng có lợi gì cho tinh thần cả. Đọc sách mà có lợi cho tinh thần là khi nào mình biết vận dụng tất cả năng lực và năng khiếu của mình, nhận thức được rõ ràng những ý kiến sâu thẳm của lòng mình đem ra so sánh với những ý kiến dị đồng của tác giả, biết sắp đặt lại những ký ức của mình, biết trầm ngâm suy nghĩ, biết làm việc có phương pháp, tóm lại, biết thảo luận và thông cảm với tác giả quyển sách mình đọc, đó là biết cách đọc sách đấy.
Du lịch cũng là một nguồn học hỏi, nhưng biết du lịch chỉ là thụ dụng, ví bằng chẳng biết quan sát, biết suy nghĩ thì dù có lê chân suốt đời khắp năm châu thế giới cũng chẳng ích gì. Sở dĩ du lịch đã giúp ích cho sự “đa văn quảng kiến” cho nhiều bậc văn hào trên thế giới như bằng chứng nơi những tập du ký của những đại văn hào H.de Keyserling, Aldous Huxley, R.Rolland, A.Gide… là vì những nhân vật ấy đã khéo biết quan sát, không phải cái bề ngoài của sự vật và con người mà là vì họ đã biết nhìn xem cái động cơ vô hình đã nhào nặn những sự kiện hữu hình dưới mắt họ kia. Sự du lịch của họ không có tính cách thụ động mà hoàn toàn hoạt động, nhưng không phải hoạt động nhọc nhằn và chán nản như một thí sinh dượt thi một cách đau khổ chán chường. Sự cố gắng trong vấn đề học hỏi rất có thể, trái ngược lại, là một cố gắng đầy hứng thú và hăng hái nhất đời - như sự cố gắng của nhà đánh vợt hay đá banh trong một cuộc tranh hùng nhiệt liệt, hào hứng và sung sướng. Ta lại cũng có thể so sánh sự cố gắng ấy như sự cố gắng của nhà thi sĩ khi nặn được một vần thơ, tuy vô cùng nhọc mệt nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.
Cố gắng mà được bền bỉ là nhờ có sự hứng thú làm hậu thuẫn.
Những điều kiện thuận tiện cho sự tự học
Tránh tản mát vì những xã giao tầm thường, phải biết bênh vực thời giờ quý báu của ta. Biết từ chối, đó là một sức mạnh của tâm hồn. Đừng sợ làm phật lòng kẻ khác bằng sự từ chối khéo léo: mình đã chẳng những làm lợi cho mình mà cũng không làm bận cho người.
Đời sống đơn giản: Sống đơn giản, đâu có nghĩa là sống nghèo khó trong cảnh muối dưa đạm bạc, sống thiếu tất cả tiện nghi và trở lại sống cái sống con người bán khai mộc mạc. Giao thiệp với đời là cần thiết cho sự rộng thấy, xa nghe. Người khôn ngoan biết hưởng thụ những khoái lạc của cuộc đời, phải biết ăn mặc đẹp, thưởng thức các mùi hương hoa, âm nhạc. Đó là người biết sống một cách đơn giản, biết phân biệt cái gì là chính, cái gì là phụ, cái gì là cứu cánh, cái gì là phương tiện.
Chỉ có những người tự đắc và nông nổi mới dám quả quyết: “Đời đục cả, một mình ta trong. Đời say cả, một mình ta tỉnh”. Tự mãn trong sự hiểu biết của mình và tin tưởng rằng không còn có gì phải suy xét lại nữa là tự hủy hoại con đường tiến thủ tinh thần ta rồi.