Tôi bị burnout (than thở chút thôi)

Viết bởi Cô Đào vào 2020-12-22
Chủ đề:

Untitled.png

Vào thời điểm cuối năm tràn đầy không khí lễ hội, thời điểm để nghỉ ngơi thư giãn và điểm lại một năm đã qua, với tràn đầy hi vọng và sức sống để chào đón một năm mới đến, với nhiều hứng khởi và mong muốn cho những gì tốt đẹp hơn sẽ xảy đến, nhưng với riêng tôi, tôi phải thừa nhận rằng mình đã bị burnout.

Trên báo người ta viết thế này về hội chứng burnout:

Áp lực đè nặng luôn là nỗi trăn trở của người trẻ thuộc thế hệ Millennials, đặc biệt là khi vừa bước vào đời, đối mặt với mối lo công việc, mối ưu tư cuộc sống, và kỳ vọng gia đình. Đó cũng chính là tiền đề thổi bùng hội chứng burnout và đẩy người trẻ vào tình trạng kiệt sức.

“Burnout” là tình trạng không còn động lực để tiếp tục cố gắng, đặc biệt là khi những cố gắng trong quá khứ đã không đem lại kết quả như mong muốn. - Định nghĩa của nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberge.

Tôi tự nhận mình không phải người yêu công việc đến mức bỏ hết gia đình hay thời gian của bản thân. Nhưng đối với tôi, đã đi làm thì phải thật trách nhiệm, phải thật toàn tâm toàn ý làm cho công việc hiệu quả, có thành tựu. Giờ nào làm ra làm, giờ nào chơi ra chơi. Cho nên những người xung quanh tôi ai cũng thấy rõ ràng tách bạch giữa một Tôi ở bên ngoài (ca hát, vẽ vời, nấu ăn, đắm chìm trong những sở thích cá nhân) và một Tôi trong công ty (nghiêm túc, chỉn chu, có phần cầu toàn và khó tính).

Tất nhiên khi đi làm ai cũng có áp lực, có người họ thích áp lực và đối diện với áp lực một cách thoải mái, chủ động. Nhưng cũng có người bị áp lực đè nén trong thế bị động, dẫn đến làm việc kém hiệu quả và nảy sinh nhiều bất mãn. Bản thân tôi không thích áp lực, tôi thích một công việc vui vẻ, có tính sáng tạo, có tính nghệ thuật vì dường như bộ não tôi được thiết kế cho việc đó. Nhưng bao năm đi làm thuê đã không cho tôi được môi trường làm việc lý tưởng như mong muốn, thế là tôi đành phải học thích nghi, rồi dần dần, tôi chịu được những loại áp lực từ công việc, ví dụ như khách hàng khó tính, deadline dí sát, việc gấp, việc lắt nhắt gây xao nhãng mất tập trung, những tình huống trớ trêu cần phải xử lý linh hoạt ngay, những trắc trở nảy sinh trong quá trình làm việc…

Tôi đã chịu được áp lực, đáp ứng được yêu cầu cao của công việc, mài dũa kỹ năng của mình mỗi ngày để đổi lại, tôi cũng mang trong lòng một kỳ vọng rằng mình sẽ được đền đáp xứng đáng. Ngoài kỳ vọng ở công việc, mức lương, tôi còn kỳ vọng rằng cuộc sống mình sẽ tốt đẹp khi tôi đã dành hết tâm huyết của mình để sống chan hoà với nhân loại.

Mọi chuyện trên đời, nếu mức độ đạt được thấp hơn kỳ vọng sẽ luôn sinh ra tâm lý ngờ vực, chán nản, buông xuôi. Tâm lý đó là lẽ đương nhiên. Và đến một mức độ dữ dội, người ta bị burnout, như chính tôi lúc này. Tôi không cần ai khuyên nhủ, thôi cố lên, mọi thứ sẽ có kết quả, lúc này không được thì cứ cố gắng lúc khác sẽ được bla bla… Những lời khuyên này quá thừa thãi với một người ưa đọc nhiều đạo lý như tôi. Tôi biết chứ, thắng không kiêu bại không nản. Cho dù mức đãi ngộ không tương xứng với nỗ lực của mình, thì thứ nhất mình thử nhìn lại: có phải mình bị ảo tưởng về nỗ lực của mình hay không, mình có đánh giá quá cao sự cống hiến của bản thân hay không? Thứ hai, mình hãy tiếp tục cố gắng và hi vọng thành quả tốt đẹp sẽ đến lúc nào đó. Đó là những phương pháp mà tôi nghĩ sẽ khiến bản thân sống tích cực hơn.

Trên báo họ cũng có những lời khuyên sau:

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bạn gặp phải hội chứng “cháy sạch” là do khối lượng công việc quá nhiều. Vậy nên, biết ưu tiên những việc quan trọng và khẩn cấp, sắp xếp lại những công việc của bản thân và nói lời từ chối khi cần là điều đầu tiên bạn có thể làm để tránh áp lực công việc đè nặng -> Tôi cũng đang gặp tình trạng tương tự. Sẽ áp dụng phương pháp này.

Nguyên nhân thứ hai khiến “burnout” xuất hiện trong công việc của bạn chính là sự cầu toàn. Cuộc sống không có gì là “hoàn hảo”, và trong công việc cũng thế. Vì vậy, đừng quá khắt khe với bản thân mình. -> Cũng chính là tính cách của tôi, và cũng chính tính cách này khiến cho công việc của tôi được suôn sẻ tốt đẹp. Nhưng nó vô tình tạo áp lực cho tôi. Tôi sẽ cân nhắc giảm bớt tính cầu toàn của mình.

Thiếu kiểm soát bản thân cũng là một nguyên nhân khác của burnout. Thiếu kiểm soát bản thân là khi bạn thấy cuộc sống của mình đang bị người khác kiểm soát, ví dụ như bạn cứ luôn phải làm theo những gì người khác muốn. Hãy bình tĩnh và tự hỏi “bản thân mình có thể thay đổi việc này như thế nào”, và nêu ra những ý kiến về cách xử lý công việc của riêng mình. -> Tôi cũng dễ bị tác động và chi phối bởi ngoại cảnh, nhưng đây là tính cách bên ngoài chứ không hẳn trong công việc. Tôi cũng thường giận bản thân vì tính yếu đuối này của mình. Nhiều lần lên quyết tâm không mềm lòng, không dễ bị thuyết phục, nhưng sau đó vẫn mắc phải. Tôi cần tập trung hơn để cải thiện điểm này của mình.

Untitled.png

Dù có chút hiểu biết như vậy nhưng vẫn không làm tôi có thể tống khứ được burn-out, nó đang xảy ra và tôi đã nhận biết nó. Tôi cần để cho nó có thời gian để lắng dần.

Thôi mặc kệ ai nghĩ gì, trước hết tôi tự cảm thấy năm nay tôi đã sống quá tốt, quá nhiệt tình, quá nỗ lực. Tôi phải tự khen thưởng cho mình. Tôi phải tự cân bằng lấy chính mình.

Tôi xứng đáng có một kỳ nghỉ Giáng Sinh và Năm Mới thật vui vẻ!

Untitled.png