Hôm nay mình tự dưng thèm xoài, nên đi dạo ra chợ gần nhà tìm mua. Có nhiều hàng trái cây từ rẻ đến mắc, từ xoàng xĩnh đến xịn xò. Mình tấp vào một hàng bán trái cây trông ngon mắt ngay trước mặt.
Mình chỉ vào kệ xoài cát nhìn vàng ươm trông thật ngon, hỏi cô bán hàng: xoài này bao nhiêu hả cô?
Cô trả lời: xoài đó 70k, bên cạnh 90k (bên cạnh nhìn ngon và trái to, màu đẹp hơn nữa).
Mình buột miệng: Ôi giá cao thế nhỉ!
Cô bán hàng bĩu môi: Xoài ngon thì phải cao là đúng rồi!
Mình cảm thấy hơi khó chịu không phải vì câu chữ cô nói, mà là ở thái độ. Thái độ của cô tỏ ra khinh miệt khi mình cảm thán về giá xoài. Mình có cảm tưởng cô không muốn bán cho mình khi mình cảm thán về giá như vậy.
Mình bỏ đi, và sang hàng khác của một chú nói tiếng miền Trung, chú nói chuyện dễ thương nên mình không cần hỏi nhiều nữa mà mua luôn 2 kg xoài.
Thực ra, khi mình cảm thán như vậy không hẳn là vì mình không muốn mua xoài ngon với giá cao, mà bản thân mình chỉ thấy nó cao hơn thường lệ mình hay mua. Bởi mình đạo xoài mà, mình rất hay ăn xoài cho nên có những lúc vào mùa, hầu như tuần nào mình cũng ăn xoài. Những lúc ấy giá xoài chỉ chừng 35 - 40k/kg. Hôm nay đã là giữa tháng 7, đã vào cuối mùa cho nên xoài tăng giá cũng là lẽ đương nhiên. Chẳng qua là mình bất giác đã quên đi ngày tháng, không ngờ là đã đến cuối mùa nhanh như vậy, nên mới buột miệng cảm thán theo thói quen thông thường đi chợ.
Giá mà cô bán hàng đon đả chào mời, giải thích rằng, à thì do cuối mùa nên giá xoài cao đấy em, thì mình vui vẻ chấp nhận và mua ngay. Chuyện gì đáng thì bỏ tiền mua chứ có phải keo kiệt gì.
Liên tưởng đến công việc mình đang làm cũng vậy. Thỉnh thoảng có những khách hàng cảm thán về chi phí mà công ty mình đưa ra. Với một người nhân viên luôn muốn bảo vệ cho công ty, chắc hẳn ai cũng muốn giải thích cho khách hiểu về giá trị sản phẩm, dịch vụ của công ty đem lại, xứng đáng với số tiền của khách bỏ ra. Có thể câu chữ của bạn vụng về, nhưng thái độ mới là quan trọng.
Làm sao chúng ta biết được khách hàng nào là tiềm năng để chào mời đon đả?
Không.
Khách hàng nào cũng tiềm năng hết, và điều đó phụ thuộc vào thái độ bán hàng.
Khách hàng có thể buông lời cảm thán về dịch vụ, về giá cả. Đó chỉ là biểu hiện bên ngoài. Nhưng chúng ta sẽ không biết được trong thân tâm họ có thực sự thích hay không.
- Có người buông câu nói hững hờ bởi thói quen mặc cả.
- Có người lại nhận xét theo tầm nhìn hạn hẹp của họ, bởi họ chưa nhận thức được giá cả thị trường (giống như mình chưa nhận thức được đã đến cuối mùa xoài)
- Có người vốn quen miệng chê bai trước khi hành động, suy nghĩ.
Cho nên, việc của chúng ta, những người muốn bán hàng, là phải cho họ có không gian, thời gian, và cảm xúc để họ quyết định. Chúng ta phải mang đến cho họ kiến thức, nhận thức về thị trường, về dịch vụ. Chúng ta phải là những người trainer để khách hàng hiểu được giá trị sản phẩm.
Đừng lên mặt thái độ kiểu: hàng xịn thì giá phải thế, dịch vụ 5 sao thì phải chịu. Khi bạn thể hiện thái độ đó, bạn không còn là 5 sao nữa.
Trên thế giới này, sự cạnh tranh diễn ra ngày càng khốc liệt. Núi cao còn có núi cao hơn. Còn nếu bạn nghĩ núi của mình đã đủ cao rồi và không chịu bồi đắp thêm, cứ dương dương tự đắc cho rằng ta hay thì cả thiên hạ này phải cần ta, thì một lúc nào đó người ta sẽ đạp lên đỉnh núi của bạn để mà tiến đến với những đỉnh núi cao hơn nữa.
Bà bán xoài có thể không hiểu gì về nghệ thuật bán hàng, bà ta chỉ bán theo cảm tính. Nhưng chúng ta thì không nên như vậy. Thái độ tốt là một kỹ năng cần rèn luyện để đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.