Tất cả chúng ta đều đi làm vì "tiền"

Viết bởi Cô Đào vào 2020-11-25
Chủ đề:

Untitled.png

Tôi thực sự đã hết tuổi mộng mơ rồi. Bây giờ, mọi thứ đều phải gắn với một giá trị gì đó thì tôi mới thấy đáng để bỏ tâm huyết, bỏ thời gian công sức với nó. Những giá trị đó, trong một số khía cạnh, là tiền.

Ngày xưa tôi chẳng thích đọc sách self-help, một phần vì những giáo huấn trong đó tôi đã biết thừa. Này thì bạn cứ nỗ lực đi, bạn hãy trau dồi bản thân rồi thì sẽ đạt được thành quả. Không làm mà sao đòi có ăn. Bạn phải tử  tế trước rồi sẽ gặp tử tế. Để có được kinh nghiệm thì những năm đầu đi làm bạn phải bán sức trâu của mình, chấp nhận chịu bóc lột. Vân vân. Phe làm chủ và phe làm thuê luôn có những tư tưởng mâu thuẫn nhau.

Đa số những điều đó đúng chứ chẳng sai. Tất nhiên để đạt được giá trị gì đó đều phải đánh đổi. Nhưng tôi đã học ra được bài học rằng, cái níu chân mình ở lại một công ty chính là: tiền.

Đồng nghiệp thân thiện, môi trường đầy tính cạnh tranh, để làm gì? - Để có một tinh thần thoải mái mà làm việc. Thoải mái làm việc để năng suất cao, năng suất cao thì mới được công nhận, được công nhận thì sẽ được thăng tiến, được thăng tiến tương đương với lương thưởng cao lên.

Công ty tạo điều kiện cho nhân viên thể hiện năng lực, đóng góp ý kiến, có lộ trình phát triển, để làm gì? - Thì cũng để đạt được mức lương cao hơn, cuộc sống cá nhân mới được nâng cao hơn.

Tất nhiên những cái bước nền kia cũng có ý nghĩa của nó. Có thể làm cho ta cảm thấy tự hào, cảm thấy sung sướng, cảm thấy “ồ yeah mình làm được rồi”, cảm thấy vượt qua giới hạn của bản thân. Nhưng nếu tất cả những cảm xúc đó trôi qua, mà mức thu nhập vẫn đứng yên bất động. Liệu ta còn có động lực để bứt phá như thế nữa chăng?

Một phụ nữ sắp trở thành mẹ bỉm sữa, sẽ có mong muốn chọn một công việc giờ giấc ổn định, mức lương có thể thấp hơn những công ty đi sớm về khuya nhưng bù lại cô ấy có thời gian chăm sóc cho con cái, cho gia đình. Mức lương lúc này có thể không còn nằm ở ưu tiên số một, mà thay vào đó là giờ làm việc. Thế nhưng, nếu công sức cống hiến của cô đổ sông đổ biển, lợi dụng sự yếu thế của cô mà công ty chèn ép, trả lương thấp hơn so với năng lực, liệu cô có chấp nhận?

Một người đã có công việc kinh doanh riêng hái ra tiền, nhưng vẫn đi làm công ty để cân đối thu nhập, cũng như có môi trường để anh ta mài dũa kỹ năng của mình hơn. Nhưng nếu mức đãi ngộ ở công ty chẳng bõ bèn gì so với thời gian, cống hiến của anh ta, liệu anh sẽ tiếp tục làm ở đó?

Một cô sinh viên mới ra trường, cần một công việc để học hỏi và có mức thu nhập tự lo cho bản thân, không phải phụ thuộc vào bố mẹ. Cô ấy cố gắng rất nhiều để tiến bộ trong công việc, để có thể sánh ngang với các anh chị làm lâu năm. Nhưng vì cô ấy là người mới, nên mức lương chỉ nằm trong giới hạn quy định của công ty. Liệu điều đó có níu giữ cô ấy ở lại, hay cô sẽ nghỉ việc để đến với một công ty xứng đáng hơn.

Vậy đó. tất cả chúng ta đều đi làm vì tiền mà thôi. Kể cả những người dường có những mối quan tâm trước mắt quan trọng hơn tiền, thì ở mức độ nào đó, tiền vẫn cần được đáp ứng đủ và xứng đáng.

Sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả nếu người ta tạo ra môi trường làm việc hoà đồng, công ty đem lại nhiều hoạt động vui chơi giúp tinh thần thoải mái, sếp thân thiện và dường như am hiểu tâm lý nhân viên, nhưng cuối tháng con số chuyển vào tài khoản lại lèo tèo như lá mùa đông. Có thực mới vực được đạo. Đừng ảo tưởng rằng chúng ta có thể cứu thế giới hay làm cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, khi không có tiền. Cũng đừng ảo tưởng rằng  ta đang làm cho bản thân mình thanh cao hơn khi cống hiến mà không cần nhận lại gì.

Còn nếu có mục đích cao cả vĩ đại nào khác, hẳn nhiên là khi đã có đủ tiền.

p/s: tất nhiên kẻ lười biếng và không chịu trau dồi bản thân thì không được kể đến.