Làm trai phải lạ ở trên đời,
_Há để càn khôn tự chuyển dời._
_— Phan Bội Châu._
Lâu rồi, mình không chăm sóc blog của hai tụi mình, nay rảnh rang nên phủi bụi bằng đôi dòng vậy. Chẳng là dạo này, trong công ty, mình đang đảm nhận việc tìm hiểu rồi viết lại một phần của sản phẩm chính của công ty bằng công nghệ mới, hiện đại hơn. Mình là lập trình viên, và công nghệ mình tìm hiểu là React.js, thực ra thì nó không mới, cũng vài năm tuổi rồi, nhiều bạn trẻ nhanh nhạy mới ra trường chắc cũng rành nhiều về React.js rồi. Tuy nhiên, với mình, thì nó quả thật là rất mới, mình chưa có nhiều dịp tiếp xúc với nó trong môi trường công việc và mình rất hào hứng tìm hiểu React.js. Với quan niệm thông thường của đa số lập trình viên tại Việt Nam, thì ở cái tuổi 30 của mình, đã gọi là quá đát rồi. Nếu không lên đến cập bậc quản lý, không mở Startup thì chắc cũng chuyển nghề rồi. Nhưng quan điểm của mình là, cũng như nhiều lập trình viên giỏi trên thế giới, tuổi 30 không phải là điểm tới hạn của lập trình viên, tuổi tác không phải là chướng ngại với sự học hỏi, mà ở tư duy cầu tiến.
Không có gì sai trái khi bạn đã làm việc 8 tiếng, 10 tiếng trên công ty cả ngày nên bạn có nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, cà phê tán dóc, nhậu nhẹt mỗi tối khi đi làm về. Không sai khi bạn tranh thủ ngủ nướng mỗi dịp cuối tuần, cày phim, cày truyện, cày game, hay chỉ đơn giản là ngủ vùi rồi khi chán chê thì đi đâu đó hoặc bù khú cho khuây khỏa. Không sai, vì đó là lựa chon của mỗi cá nhân, vì bạn đã chọn làm người bình thường. Mình cũng vậy, mình cũng không còn ở độ tuổi dễ bị thôi miên bởi các quyển sách self-help, phải chạy theo thành công bằng mọi giá, chạy theo tiền bạc, chạy theo danh vọng, …
Mình không còn quá ngây thơ để tin vào dăm ba cái thuyết con người chỉ mới sử dụng được 1% tiềm lực của não bộ, và rằng tiềm năng của con người là không giới hạn, hay mọi người đều sở hữu sức mạnh phi thường bên trong. Trải qua nhiều chuyện, mình biết rằng mình chỉ là một người bình thường thôi, và mình hài lòng với điều đó. Nhưng bình thường không có nghĩa là mình chấp nhận sự tầm thường. Nếu chỉ sống an nhàn và thụ hưởng, chuộng những niềm vui thoáng qua (instant gratification) thì bạn sẽ không thể nào tận hưởng được niềm vui của việc cảm thấy bản thân tốt lên hơn mỗi ngày, làm sao biết đến mùi vị của sự sung sướng khi giải quyết được một vấn đề nan giải, của việc nhuần nhuyễn một kỹ năng mới, làm sao hiểu được tại sao người khác có thể quên ăn quên ngủ khi chú tâm làm một việc gì đó. Cuộc đời của bạn tẻ nhạt, sẽ tẻ nhạt lắm. Những bộ phim đã xem, những quyển truyện bạn đã đọc qua, rồi cũng sẽ trôi đi mà chẳng để lại một vết mờ nào, bởi vì bạn đang lãng phí thời gian của bạn khi tiêu thụ chúng thụ động.
Trong thế giới ngày càng cạnh tranh ngày này, thì sự học hỏi không ngừng và liên tục, là yếu tố then chốt để sống còn. Mình đã đọc nhiều bài viết cũng như một số quyển sách cảnh báo rằng công nghệ sẽ cướp đi rất nhiều việc làm ở tương lai gần. Mà chẳng cần đến Robot hay trí tuệ nhân tạo, những người lười biếng, ưa thụ hưởng, rốt cuộc rồi, cũng bị những lớp người trẻ hơn, đẩy ra bên lề xã hội. “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa, sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày” là vì vậy.
Các bạn trẻ, cũng như các bạn chưa già ơi, hãy trang bị cho mình tư duy cầu tiến và theo đuổi sự học thay vì lối sống hưởng thụ. Hãy cố gắng mỗi ngày, từng chút, từng chút một. Không thì, sẽ đến lúc bạn bị cái guồng máy này đào thải, cuộc đời khắc nghiệt lắm và chưa bao giờ thôi khắc nghiệt.
Xin mượn câu kết là một tựa sách của Robin Sharma, một tác giả sách self-help bán chạy, mặc dầu xét ra, mình không còn thích đọc thể loại sách này nữa.
Đời ngắn, Đừng ngủ dài