Tâm sự của một leader

Viết bởi Cô Đào vào 2021-04-06
Chủ đề:

Untitled.png

Năm xưa tôi đi làm, tôi luôn mong đợi mình sẽ được làm việc với một người cấp trên có năng lực, một đồng nghiệp giỏi giang có nhiều điều hay để mình học hỏi. Bởi tôi biết khi ở gần người giỏi thì mình cũng sẽ tiến bộ nhiều.

Nay tôi cũng có được chút chức vị, là cấp trên của một số em và tôi lại mong rằng các em chịu khó học hỏi và dẹp cái tôi qua một bên để có thể học từ xung quanh và học từ cấp trên của mình.

Khi đi làm, cái tôi là thứ lớn nhất cản trở bước tiến của mọi người. Bạn bước vào một nơi nào đó với tâm thế mình giỏi, mình hiểu biết và nhanh nhẹn, bạn quá tự tin vào khả năng tiếp thu của mình, để rồi bạn không có được tư duy mở để tiếp nhận mọi thứ xảy đến, không nhìn được cái hay của người khác để học hỏi, lâu dần bạn cứ dậm chân tại chỗ như vậy và tụt hậu.

Khi tôi đi làm những năm đầu, là một nhân viên tôi hay quan sát xem cấp trên của mình cần những gì, tôi sẽ chủ động đưa ra ý kiến, giúp đỡ và hỗ trợ cho công việc được chỉn chu hơn. Giờ tôi mới biết có một định nghĩa dành cho nó, đó là: Managing Up. Ví dụ việc hôm nay làm được 8 thì ngày mai ráng hoàn thiện hơn để được 10. Thấy sếp bận bịu thì mình cáng đáng phụ. Thấy công việc nhiều thiếu sót thì mình nghĩ cách xem có thể thay đổi, cải tiến gì được không. Nếu bạn xông xáo và có năng lực giải quyết thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ thăng tiến. Tất nhiên không phải lúc nào mọi nỗ lực của mình cũng đạt được kết quả như ý, còn có yếu tố ngoại cảnh tác động. Nhưng khi đánh giá xuyên suốt quá trình làm việc của mình, tôi nhìn nhận xem mình đã cố gắng hết sức trong từng giai đoạn hay chưa. Ngoài ra tôi còn học lóm từ người khác, xem họ làm cái nào hay thì mình bắt chước và biến nó thành của mình. Một người có tính cách như vậy, không thành công ở nơi này thì sẽ có đất dụng võ ở nơi khác, nên bạn yên tâm rằng một con cá lớn sẽ được bơi ở biển lớn nơi phù hợp với nó thôi.

Khi trở thành một trưởng nhóm, quản lý khoảng 10 người, tôi luôn muốn thúc đẩy các bạn trong team phải làm việc chỉn chu hết mức có thể. Các bạn được ở gần những người cấp trên nhiều kinh nghiệm, đã xử lý qua nhiều tình huống rắc rối trong công việc, mà sao các bạn không quan sát học hỏi từ họ. Học từ cấp trên là gần nhất, dễ nhất (ở đây tôi không đề cập đến những cấp trên không có năng lực nhé). Riêng bản thân tôi khi trở thành một leader, tôi chẳng bao giờ giấu nghề hay cứng nhắc không tiếp nhận ý kiến của cấp dưới hay của đồng nghiệp. Tôi luôn mở lòng chia sẻ, tôi luôn cho các bạn thấy tôi làm những gì, giải quyết công việc ra sao, những chuyện rất nhỏ nhặt như đặt tên file name, cách trình bày một email gửi cho khách hàng, cách nhấc điện thoại lên và câu đầu tiên tôi chào khách hàng như thế nào, tôi đều đem mình ra làm mẫu cho các bạn. Vậy mà đôi khi tôi nhận thấy các bạn trẻ bây giờ cái tôi của họ lớn lắm, họ luôn cho là họ đúng, cách của họ hay, nhưng họ không nhận ra những người đi trước cũng đã kinh qua những chuyện đó và đã tìm ra một cách tối ưu nhất rồi. Vả lại họ cũng thiếu tính chia sẻ, cứ cắm đầu làm theo ý mình và cho là đã tốt rồi, khiến cho cấp trên không hiểu và tạo khoảng cách giữa mọi người trong công ty.

Tôi vẫn hoan nghênh tinh thần sáng tạo, suy nghĩ ra những cách làm mới mẻ trong công việc, cải tiến công việc một cách tự động hoá và chuyên nghiệp hơn. Nhưng khoan hãy bàn sâu xa, những thứ đó sẽ không thể thành công nếu trong từng việc nhỏ nhặt bạn không thể hoàn thành một cách chuyên nghiệp. Bạn không biết cách cài đặt Google calendar vào điện thoại như thế nào để kiểm tra lịch làm việc hàng ngày của giám đốc. Bạn không biết là mình nên mute (tắt âm thanh) trọng một cuộc họp trực tuyến đông người. Bạn cũng không biết cách giải nén một tệp tin. Bạn không biết được những lỗi thông báo trong máy photo là gì, thậm chí khi máy hiện lên những hướng dẫn từng bước để tự sửa thì bạn cũng không hiểu… vân vân… Đó là những kỹ năng hết sức phổ thông luôn các bạn trẻ thời đại 4.0 à.

Một bạn nhân viên được phân công hỗ trợ tôi trong công việc hàng ngày, tôi đã để cho bạn vào xem Google drive của tôi để thấy cách tôi trình bày và sắp xếp giấy tờ, danh mục như thế nào. Thế nhưng 10 lần như chục thì bạn vẫn để các file giấy tờ dính vào nhau, không chia ra theo từng loại, bạn cũng không đặt tên file name theo một thứ tự thống nhất mà thích kiểu gì thì để tên kiểu đó. Các văn bản mẫu tôi đều đã soạn sẵn, chỉ mỗi lần thay đổi template bạn chỉ cần copy chuyển qua template mới, nhưng vẫn méo mó xẹo xọ. Vậy thì sao tôi có thể tin tưởng để giao cho bạn những công việc lớn hơn, để bạn được thể hiện năng lực tự quản và năng lực sáng tạo của mình.

Tôi không yêu cầu các bạn răm rắp làm theo cách của tôi, cũng không cho là cách của mình là hay nhất. Nhưng thực tình trong cái nghề mà có đến 80% là yếu tố hành chính thì bạn nên biết có những thứ người ta đã tối ưu rồi, chỉ có 20% không gian cho bạn sáng tạo thôi. Và nếu trong cái phần hành chính 80% kia nếu bạn có thể cải tiến tốt hơn, đẹp hơn, tiện hơn, bạn vẫn có quyền lên tiếng. Tôi đã từng là người lên tiếng như thế. Khi tôi bước vào một công ty đang ở giai đoạn cải cách, phải thay đổi tùm lum thứ. Tôi thấy cái này chưa được, cái kia chưa tốt, tôi dành thời gian ra nghiên cứu, soạn thảo, làm proposal đưa lên để sếp lớn hiểu ý mình… Tôi đã phải mất một thời gian để thuyết phục rằng cách của mình là tối ưu, sau đó được áp dụng thì tôi chỉnh sửa cho nó càng hoàn thiện hơn, để ngày hôm nay những người đến sau chỉ việc sử dụng mà không phải nghĩ nữa. Nhưng bạn vẫn có quyền nghĩ, vì biết đâu bạn có thể nghĩ ra cách tốt hơn của tôi trước đây rất nhiều. Mà trước hết, bạn hãy sử dụng cách của tôi một cách triệt để, xem thử nó có gì còn thiếu sót và chưa hiệu quả chứ, phải không?

Không phải khi người ta kết thúc đại học thì ta không phải học nữa. Mà ngay cả khi đi làm, ngay cả khi được thăng tiến, làm sếp, người ta vẫn phải luôn luôn học. Mà học trước hết từ những người xung quanh mình thì đỡ tốn kém biết bao.

Tôi chỉ mong các bạn trẻ sau này, khi đi làm nên tôn trọng cấp trên và học hỏi nhiều từ họ. Các bạn có giỏi đến đâu, thì đi trên một con đường đã được dọn dẹp cỏ, vẫn tốt hơn các bạn phải tự dẫm gai, khai phá rồi chịu đau đớn. Các bạn để dành năng lượng khai phá đó, để sáng tạo và tạo ra những khác biệt lớn lao mà không cần phải giẫm vào vết xe đổ của tiền nhân thì tốt hơn nhiều.