Tôi sinh ra và lớn lên trong một đất nước mà pháp luật và xã hội còn nhiều khe hở. Một nơi mà khái niệm về công lý, quyền lợi, sự bình đẳng trước pháp luật vẫn còn xa xỉ với phần đông người dân.
Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã quen với những bất công được xem là điều hiển nhiên. Đã quen với cảnh luật pháp bị bẻ cong nếu có tiền, có quan hệ. Đã quen với một xã hội nơi người ta dè dặt khi đặt câu hỏi, e ngại khi thắc mắc về những bất cập đang hiện hữu từng ngày.
Chính vì vậy, khi được tiếp xúc với hệ thống pháp luật ở những quốc gia phát triển, khi tìm hiểu về lịch sử hình thành và tiến hóa của nền lập pháp phương Tây, tôi đã không khỏi ngưỡng mộ. Ở đó, pháp luật không phải sản phẩm của một vài cái đầu quyền lực ban hành xuống. Nó là kết tinh của hàng trăm năm tranh luận, phản tư, phê phán và cải cách. Là sản phẩm của những Plato, Aristotle, Hobbes, Locke, Rousseau, Kant… những con người đã không ngừng đặt câu hỏi về trật tự xã hội, về công bằng, về mối quan hệ giữa quyền lực và đạo đức.
Tôi nhận ra rằng, nơi nào biết trân trọng sự phản biện, nơi nào có những bộ óc dám suy tư sâu sắc về bản chất sự vật, nơi đó xã hội sẽ dần tiến bộ. Không phải ngẫu nhiên mà nền dân chủ, pháp quyền bền vững thường xuất hiện ở những vùng đất đã sản sinh ra các nhà triết học lớn.
Sự phát triển không chỉ cần tài nguyên, tiền bạc hay công nghệ. Nó cần những con người biết ngồi lại suy nghĩ, biết nghi ngờ những điều tưởng chừng như hiển nhiên, biết phản biện cái sai, và quan trọng hơn hết, biết khát khao đi tìm cái đúng.
Khi tôi nhìn lại hành trình phát triển của các nền pháp luật vững mạnh, tôi hiểu rằng: xã hội không thể lớn mạnh nếu thiếu những linh hồn luôn đau đáu với câu hỏi:
“Xã hội nên và phải trở thành như thế nào?”
Và chính từ những suy tư bền bỉ ấy, những cuộc tranh luận tưởng chừng mệt mỏi ấy, nhân loại mới dần bước ra khỏi bóng tối, tiến về phía ánh sáng của tự do, của công lý, của nhân phẩm.
Khi tôi bắt đầu bước chân vào thế giới của Luật, mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ. Tôi nhận ra rằng, trước đây, mình chỉ biết đến Luật như những điều khoản khô khan được viết ra trong sách vở hay văn bản pháp lý. Nhưng Luật, thực chất, lại bắt nguồn từ những câu hỏi rất sâu sắc về đúng và sai, về đạo đức và luân lý – những câu hỏi mà con người đã trăn trở từ hàng ngàn năm.
Tôi học được rằng, trước khi có những bộ luật thành văn, con người đã sống với một thứ được gọi là ethics và morals. Ethics – đạo đức – là những nguyên tắc hướng dẫn hành vi dựa trên lý trí và giá trị cộng đồng. Morals – luân lý – lại là những niềm tin sâu sắc hơn, hình thành từ văn hóa, tôn giáo, truyền thống.
Từ những nền tảng đó, các triết gia bắt đầu suy nghĩ: Luật là gì? Luật nên là gì?
Có người như Aquinas tin vào Natural Law – rằng Luật là sự phản ánh của trật tự tự nhiên, của lý trí thần thánh. Có người như Austin và sau này là Hart cho rằng Legal Positivism mới đúng: Luật không nhất thiết phải đạo đức, Luật chỉ cần được ban hành đúng quy trình, bởi một thực thể có quyền lực hợp pháp.
Tôi học được rằng, ngay cả những triết gia vĩ đại cũng không ngừng tranh luận với nhau. Có những người phê bình chủ nghĩa tự do, nói rằng tự do cá nhân đôi khi bị thần thánh hóa đến mức bỏ qua những bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội. Họ chỉ ra rằng bình đẳng hình thức (formal equality) trên giấy tờ là chưa đủ, vì trong thực tế, nhiều nhóm người thiểu số vẫn không thể tiếp cận quyền lợi đó một cách công bằng.
Tôi cũng học được rằng, không có một chân lý tuyệt đối nào trong Luật. Mỗi trường phái – từ Natural Law Theory, Legal Positivism, Critical Legal Studies, cho đến những phong trào mới hơn như Feminist Legal Theory, Ecological Jurisprudence – đều đưa ra những cách nhìn riêng biệt về vai trò của Luật trong đời sống con người.
Và tôi dần hiểu rằng: Luật pháp hiện đại không phải là một hệ thống bất biến. Nó là một dòng chảy. Một cuộc đối thoại liên tục giữa các thế hệ, giữa các nền văn hóa, giữa các hệ giá trị.
Ngày nay, trong thế giới hiện đại, chúng ta tiếp cận Luật với nhiều lăng kính:
- Lăng kính của chủ nghĩa tự do: coi trọng tự do cá nhân nhưng cũng nhận ra giới hạn của nó,
- Lăng kính của công bằng thực chất: nhìn sâu vào hoàn cảnh xã hội để đảm bảo rằng công lý không chỉ nằm trên lý thuyết,
- Lăng kính của quyền lực và diễn ngôn: hiểu rằng Luật vừa phản ánh, vừa định hình mối quan hệ quyền lực trong xã hội.
Và tôi biết rằng, hành trình học về Luật – cũng như hành trình học về xã hội và con người – sẽ không bao giờ kết thúc. Mỗi lần học thêm một điều mới, tôi lại thấy lòng mình rộng mở thêm một chút. Mỗi lần nhìn lại nơi mình sinh ra và lớn lên, tôi lại càng thấm thía hơn: một xã hội chỉ thực sự tiến bộ khi ở đó, con người dám đối thoại với chính mình và với người khác (kể cả những người bất đồng quan điểm) về công lý, đạo đức và quyền lực.