Muốn phát triển tổ chức, mỗi cá nhân nên làm xuất sắc nhiệm vụ của mình

Viết bởi Cô Đào vào 2020-06-12
Chủ đề:

Untitled.png

Đã trải qua biết bao nhiêu công việc và đi làm ở những công ty to nhỏ khác nhau, tiếp cận  những phương pháp tổ chức khác nhau, nói chuyện với những nhà lãnh đạo công ty khác nhau, và rồi dù ở bất cứ nơi nào, tôi cũng được nhìn nhận như một người hay góp ý, hay nêu ý kiến… Đôi lúc rơi vào tình huống bị hiểu nhầm, đôi lúc ảnh hưởng đến thiện cảm của cấp trên dành cho mình, tôi vẫn thẳng thắn thể hiện quan điểm. Với tôi, có những người thường góp ý một cách chân thành và nhiệt tình thì công ty mới có thể phát triển. Cái tầm của nhà quản lý là ở chỗ, nhìn nhận đâu là những ý kiến sáng dạ, có tính thực tiễn cao, đâu là những ý kiến nên xem xét áp dụng ngay, đâu là những ý kiến cần để dành chờ lúc thích hợp. Người quản lý phải có trách nhiệm chọn lọc, hơn nữa cũng thể hiện thái độ lắng nghe và chú tâm đến những góp ý chân thành này.

Ý kiến thì có nhiều kiểu. Có khi chỉ là những phát kiến nho nhỏ của một cá nhân nào đó nhằm chỉnh sửa những thiếu sót trong lúc làm việc. Có khi lại mang tính phổ quát nhằm cải cách cả một hệ thống công ty. Ý kiến nào cũng đáng trân trọng, vì bản thân người nghĩ và đưa ra ý kiến, họ đã phải can đảm bộc lộ và yêu quý công ty nhường nào thì mới quan tâm suy nghĩ. Nhưng, không phải ý kiến nào cũng đem ra để thảo luận và đưa vào thực hiện được, như đã nói ở trên, phải xem xét đến tính ứng dụng của nó.

Trong khoảng 10 năm đi làm của mình, tôi cũng đã vấp phải nhiều sai lầm. Từ lúc chỉ là một thực tập sinh không ai biết tên, làm việc cho một công ty Singapore về mảng cho thuê văn phòng ảo (dịch vụ này hồi ấy mới khởi phát chưa được nhiều người biết đến), tôi cũng mạnh dạn đưa ra vài ý kiến đóng góp cho mảng tiếp thị của công ty. Là một thực tập sinh, quyền hạn của tôi chỉ dừng ở việc gửi email đến khách hàng thông báo về các gói dịch vụ của công ty. Một dạng email hết sức cơ bản và đơn giản. Thời ấy không mấy ai chú trọng đến việc quảng bá hình ảnh công ty. Họ bảo tôi dùng email cá nhân để gửi đi. Cũng may, email cá nhân của tôi cũng khá lịch sự, tên email chuyên chính, có chữ ký và thông tin đầy đủ nơi tôi làm việc. Tôi nhận ra việc mà mình đang làm thật như muối bỏ bể. Khách hàng  nhận được một thư điện tử từ email cá nhân thì họ sẽ cảm thấy như thế nào, họ sẽ chẳng nhận biết được công ty ấy là ai, chẳng có tính chuyên nghiệp tí nào. Tôi đã vô tư nêu lên lời nhận xét của mình về việc đó, ngay giữa bàn làm việc, nơi các chị nhân viên lớn tuổi hơn đang ngồi xem tin tức trên mạng. Và chẳng ai quan tâm. Tôi không đủ tự tin để gặp trực tiếp giám đốc, để rồi sự góp ý của tôi trôi vào hư không, cho đến khi tôi hết kỳ thực tập tại đó thì tôi vẫn có một linh cảm rằng công ty này rồi sẽ chẳng ra sao, chẳng đi đến đâu nếu cứ với thái độ làm việc kiểu thế. Tôi nhận ra mình sai khi không dám thẳng thắn góp ý với vị giám đốc, nếu ông ấy công tâm nhìn nhận, có thể vấn đề sẽ thay đổi, mọi thứ sẽ được mở ra chính nhờ sự phát hiện của tôi, có thể công ty ấy sẽ phát triển tốt hơn. Nếu không, cũng chẳng sao, tôi đã làm hết bổn phận và dùng hết chân tình của mình trong hai tháng thực tập ngắn ngủi, để cảm thấy bản thân mình ít ra cũng làm được điều gì đó tốt đẹp hơn là cứ gửi đi những email trống rỗng vô vị.

Untitled.png

Tôi rời công ty ấy và bắt đầu hành trình làm  một quý cô công sở vào năm 2011. Sau đó lại chuyển việc thêm vài lần nữa, đến những công ty khác có quy mô lớn hơn. Qua mỗi công việc, tôi lại rút ra cho bản thân mình những kinh nghiệm không chỉ trong kỹ năng làm việc mà còn về cách cư xử, thái độ, nhất là đối với những lời góp ý, nên nói với ai, nói vào thời điểm nào, nói ở đâu và nói như thế nào để được lắng nghe và được thay đổi như mình mong muốn.

Có lẽ với những nhà lãnh đạo bên trên, họ có những tầm nhìn khác biệt với tầng lớp nhân viên bên dưới. Giữa hai tầng lớp luôn luôn có mâu thuẫn. Một bên sẽ nghĩ đến lợi ích chung, đến cái tổng thể, một bên sẽ nghĩ về những lợi ích cá nhân, những vấn đề gần gũi với công việc hàng ngày. Tôi cũng bắt đầu đọc nhiều sách hơn về quản trị nhân sự, về leadership, không phải có mưu cầu gì to lớn, mà để hiểu thêm vì sao họ lại hành xử như vậy. Và rồi tôi hiểu ra rằng, không phải họ không lắng nghe, mà chính là những ý kiến ấy chưa đủ sức mạnh để họ phải thay đổi, mỗi một thứ mắc xích trong tổ chức, nếu thay đổi, sẽ ảnh hưởng đến những thứ khác, nên họ cần cân nhắc. Hơn nữa, muốn thay đổi một điều gì, phải nhìn từ bên trên xuống chứ không phải nhìn từ bên dưới lên, phải nhìn trong một bức tranh tổng thể xem việc thay đổi sẽ đưa công ty đến hướng tích cực hơn hay chỉ có mất mát thua lỗ. Dần dà tôi hiểu ra những mấu chốt trong vấn đề quản lý công ty, các vấn đề về tiền lương, phúc lợi, rồi cả những vấn đề về tầm nhìn của lãnh đạo. Dần dà, tôi ít đi những ý kiến, bởi tôi biết những điều đó đến một lúc nào đó, sẽ được thay đổi, sẽ phải đi theo quy luật. Mà quy luật của phát triển là: hễ cái gì cứ đứng yên, tự nhiên nó sẽ thụt  lùi, chỉ có liên tục học hỏi, đổi mới thì chúng ta mới tiến về phía trước. Và tôi nghĩ, quá trình đó đang xảy ra từ từ, từng chút một ở mỗi tổ chức. Cái gì không tốt rồi cũng sẽ bị đào thải.

Cá nhân tôi nếu ở góc độ quản lý, tôi vẫn muốn được nghe ý kiến, muốn được biết quan điểm và góc nhìn của người khác như thế nào, có thể sẽ biết thêm được nhiều thứ thú vị vượt ngoài nhãn quang của mình. Còn nếu ở góc độ một nhân viên, tôi vẫn thích được tự do, thẳng thắn nêu lên ý kiến và được trân trọng ý kiến. Bởi vì khi còn nói tức là còn quan tâm. Thật chán làm sao nếu chúng ta đi làm duy nhất chỉ vì  tiền  nhưng vẫn không giàu, lại còn chẳng thể thỏa chí sáng tạo và tự do phát triển cá nhân. Ít ra, được tự do nói lên chính kiến và suy nghĩ của mình, được thỏa chí sáng tạo và vui vẻ cùng công việc cũng chính là một thành quả mà ta gặt hái cho bản thân mình trong suốt những năm tháng làm công ăn lương.

Bản thân tôi bây giờ cũng khá kiệm lời, vì cơ bản những điều tôi cần nói ra, thì sách báo, mạng internet, những người nhạy bén hơn, những người thấu hiểu hơn… họ đã nói ra rồi. Nếu cần thay đổi một thứ gì đó trong tổ chức, thì những nhà lãnh đạo họ cần ngồi lại với nhau, bàn về tầm nhìn, họ cần những nhà chiến lược thông thái hơn tôi rất nhiều. Sau đó,  từ những kế hoạch tổng thể, họ đem xuống từng phòng ban để thực thi, họ có người quản lý giám sát việc thực thi, họ có bộ phận chịu trách nhiệm lắng nghe phản hồi để xem việc thực thi có diễn tiến tốt đẹp hay không, cần chỉnh sửa chỗ nào, lúc ấy, những người như tôi và các nhân viên đang thực hiện công việc sẽ lên tiếng.

Vấn đề cốt lõi nhất của việc khiến cho tổ chức tốt hơn, đó chính là từng cá nhân của tổ chức ấy phải tốt hơn. Mỗi người phải cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, không những vậy mà ngày càng xuất sắc, cộng hưởng tất cả nhưng điều ấy lại, chúng ta sẽ có được một tổ chức phát triển đúng như mọi người mong muốn. Đó mới là sự phát triển bền vững.