Cách đây khoảng 8 năm, khi đi phỏng vấn xin việc, mình rất tự tin khoe với nhà tuyển dụng rằng mình là một người năng động và đồng thời rất giỏi multi-task (tức có khả năng giải quyết cùng lúc nhiều việc). Cụm từ đó xuất hiện mãi trong CV xin việc của mình cho đến tận cách đây 3 năm. Mình vẫn chưa thấy gì lấn cấn ở chuyện multi-task trong những công việc cũ, mà còn thấy như vậy là rất giỏi, khi mình vừa một lúc có thể nghe điện thoại mà vẫn gõ máy tính, vừa nhập số liệu báo cáo mà vừa ngồi nghe kế hoạch marketing, vừa tiếp khách này mà vẫn lắng nghe phàn nàn của khách nọ khi đứng ở quầy tiếp tân… Và mình tưởng rằng một lúc có thể lắng nghe và giải quyết hết từng ấy chuyện là một năng lực đặc biệt.
Cho đến khi mình bắt đầu công việc hiện tại cách đây 3 năm. Một công việc mà khi thì có quá nhiều nhiệm vụ xuất hiện cùng lúc dồn dập, khi thì lại trong thời gian chuẩn bị chậm rãi. Mình bị đẩy vào thế phải thích nghi với cả hai trạng thái đó, lúc thì việc ngập đầu, lúc lại thư thái để ngồi suy nghĩ lập kế hoạch tiếp theo. Rồi mình nhận ra, multi-task thực ra không hề tốt. Bạn cũng thấy nếu một chiếc điện thoại cùng lúc mở nhiều ứng dụng quá sẽ làm nó nóng máy và giựt lag như thế nào rồi đó. Nếu khoe mình có khả năng multi-task, chẳng khác nào nói rằng mình không có độ tập trung cao trong công việc. Vì bộ não trong cùng một lúc chỉ có thể tiếp nhận 1 đến 2 thông tin và khi thực sự tập trung cho một nhiệm vụ, nó khó có thể tiếp nhận một thông tin hay nhiệm vụ khác, cho đến khi nhiệm vụ này hoàn thành tốt đẹp.
Mình cũng vừa đọc xong một bài viết về việc sống chậm đăng ở trang Vietcetera.
Sống chậm giúp bạn ưu tiên tập trung vào cảm xúc, hành vi, hưởng thụ những giá trị tinh thần, và sự kết nối của bản thân bạn với vạn vật xung quanh.
Ban đầu nhiều người sẽ e dè vì thấy chữ “chậm” trong đó. “Liệu chậm lại có tốn thời gian hơn rồi tụt hậu không?” — tôi từng tự vấn bản thân, và sau này chính tôi cũng nhận được câu hỏi như vậy từ người khác mỗi khi đề cập đến chủ đề này. Câu trả lời sau một thời gian tìm hiểu và trải nghiệm là “không”, bởi vì sống chậm không phải là lề mề.
Mình nhận ra bản chất của multi-task cũng chính là sống nhanh sống vội, chưa làm xong cái này đã muốn ôm đồm cái khác, muốn thể hiện khả năng linh hoạt của bản thân và không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì. Chính guồng sống như vậy khi áp dụng vào công việc cũng khiến mình đôi khi rất mệt mỏi vì cứ cố gắng để hoàn thành nhiều việc trong một lúc, để tiết kiệm thời gian, hoặc để clear up (dọn sạch) hết các nhiệm vụ đang vướng mắc mà sự tồn tại của nó làm mình khó chịu.
Trong thời đại này, khi con người cần có không gian, thời gian để phát triển bản thân chín chắn, hài hoà hơn, thì sống chậm có lẽ là một lối sống cần luyện tập. Đối với công việc, sống chậm nghĩa là biết cách sắp xếp, phân bổ thời gian, biết thứ nào là ưu tiên cần phải làm trước, thứ nào có thể làm sau, rồi tập trung hoàn thành từng thứ một. Mình nhận thấy khi thực sự tập trung, mình có thể giải quyết công việc một cách hiệu quả hơn, cái đó gọi là phương pháp “deep work” mà nhiều nhà quản lý vẫn cố gắng áp dụng khi họ bắt đầu được thăng chức, bắt đầu bước vô một lịch trình làm việc bận rộn chi chít mỗi ngày.
Có lẽ multi-task đã lỗi thời. Các kỹ năng trong công việc cũng như cuộc sống cần phải upgrade theo thời đại. Do đó, rất bình thường khi ngày xưa bạn cầm một chiếc CV khoe khoang đủ thứ kỹ năng nhưng bây giờ chiếc CV ấy đã lỗi thời và bạn hầu như phải chỉnh sửa lại hết mục kỹ năng của mình vì bạn đã học được những thứ tiến bộ hơn, hợp thời hơn. Và quan trọng là, nó thực sự giúp cho cuộc sống của bạn đơn giản mà vẫn chất lượng.