Học Cách Học (P2) - Dùng Pomodoro để đập tan trì hoãn

Viết bởi Ông Già Coder EB vào 2020-03-22
Chủ đề:

Untitled.png

Trước đây, mình từng đọc qua về kỹ thuật Pomodoro ở một vài quyển sách, các bài blog nhưng thực sự chưa nắm rõ Pomodoro về bản chất, nên dù đã thử thực hành đôi lần nhưng không thấy hiệu quả. Cho đến khi, mình đọc quyển Learning How to Learn của Barbara Oakley và phát hiện mình đã hiểu sai nhiều chỗ. Bài viết này, mình xin tổng hợp lại về kỹ thuật Pomodoro, chương 3 của quyển Learning How to Learn này.

Quyển Learning How To Learn - Barbara Oakley, được dịch và xuất bản ở Việt Nam với tên Học Cách Học, là quyển sách được viết dành cho các em học sinh, sinh viên để hiểu thêm về cách bộ não hoạt động và áp dụng một số biện pháp thiết thực để cải thiện hiệu quả học tập. Ngôn từ trong sách khá vui nhộn vì dành cho đối tượng các bạn trẻ nhưng điều đó không có nghĩa là quyển sách này không dành cho chúng ta, những người trưởng thành, đã ra trường và đi làm. Bạn có thể tìm được nhiều điều hữu ích trong quyển sách nhỏ này, bởi vì việc học là việc cả đời mà.

Learning How to Learn

Sự trì hoãn

Sự trì hoãn có nghĩa là để việc đó làm sau. Vấn đề nằm ở đây, nếu trì hoãn, bạn thường không còn đủ thời gian, và điều đó cản trở con đường học tập hiệu quả. Ngoài ra, việc trì hoãn còn khiến bạn bị mất năng lượng để lo lắng về việc bạn định làm. Tại sao con người lại hay trì hoãn? Khi mới chỉ nghĩ về một điều không thích, điều đó đã kích hoạt một trung tâm kiểm soát cơn đau trong não gọi là thùy đảo. Chính điều này có thể gây ra trì hoãn (Tại sao bạn lại làm điều mình không muốn chứ?). Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu nhiệm vụ bạn từng không muốn làm, cơn đau biến mất sau khoảng 20 phút. Phần thùy đảo dịu đi khi bạn bắt đầu nhiệm vụ né tránh lúc trước. Do đó, lời khuyên là, hãy cứ bắt đầu đi.

Kỹ thuật Pomodoro

Pomodoro Technique

Là một kỹ thuật đơn giản và hiệu quả, được ra bởi bởi Francesco Cirillo trong những năm 1980, nhằm giúp những người có tính trì hoãn vượt qua sức ì của họ. Áp dụng kỹ thuật này rất dễ, bạn chỉ cần nắm được phần hồn của kỹ thuật này, cùng với việc trang bị cho bản thân một thiết bị hẹn giờ là có thể bắt đầu ngay. Bạn có thể sử dụng đồng hồ hẹn giờ, thiết bị bấm giờ Pomodoro chuyên dụng. Nhưng với mình, vì phải làm việc thường xuyên trên máy tính nên cài đặt một ứng dụng Pomodoro trên máy tính hay di động thì có tiện dụng hơn cả. Mình đang sử dụng app Focus Timer trên MacOS, còn trên iOS/Android thì app Forest khá phổ biến (Gamification hóa kĩ thuật Pomodoro).

Kỹ thuật Pomodoro hoạt động như sau:

  1. Tắt mọi thứ gây sao lãng - ti vi, điện thoại, các thông báo của các ứng dụng điện thoại, tin nhắn, email, các trang web, mạng xã hội, … Bất kì thứ gì cản trở khả năng tập trung của bạn. Nếu công việc của bạn đòi hỏi phải thường xuyên kiểm tra email hoặc tin nhắn, điện thoại từ người khác, bạn có thể tham khảo một số nguyên tắc trong How to Stay Focused If You’re Assigned to Multiple Projects at Once. Nếu có điệu kiện, hãy cân nhắc mua một chiếc tai nghe chặn tiếng ồn (Noise Cancelling Earphone/Headphone), hoặc loại bịt tai giá rẻ nhưng hiệu quả tương tự.

Đây là điều mà trước đây, khi thử thực hành Pomodoro thì mình lại thiếu sót và do đó, khiến việc thực hành Pomodoro của mình không hiệu quả.  Thực sự thì việc Stay Focus hay Deep Work là rất quan trọng trong thời đại này, vì vậy có rất nhiều bài viết, sách nói về những chủ đề này, bạn có thể tìm hiểu thêm từ các nguồn khác. (Cuốn Deep Work của Cal Newport)

2. Đặt hẹn giờ mỗi 25 phút - con số 25 phút này là con số được khuyến nghị, tuy nhiên, khi mới làm quen với Pomodoro hoặc khi bạn thấy bản thân mình dễ bị sao nhãng, bạn nên thử điều chỉnh một chu kỳ làm việc của Pomodoro từ 10~15 phút để quen dần.

3. Bắt tay tập trung cao nhất có thể vào nhiệm vụ - Hai mươi lăm phút không phải là dài. Bạn có thể làm được.

4. Sau một chu kỳ 25 phút, hãy tự thưởng cho bản thân bằng cách nghỉ ngơi, thả lỏng thực sự - xem một đoạn video hài hước, hoặc nghe bản nhạc yêu thích, tán gẫu với bạn bè, … trong khoảng 5 đến 10 phút. Phần thưởng là điều quan trọng nhất trong toàn bộ quy trình Pomodoro. Khi bạn mong ngóng nó, bộ não sẽ tập trung hơn.

  1. Toàn bộ quy trình này, bao gồm cả thời gian nghỉ được gọi là một vòng Pomodoro. Khi bạn thực hiện một Pomodoro, hãy quên đi việc hoàn thành nhiệm vụ. Bạn có thể hoàn thành bất kỳ việc gì đang làm. Nhưng đừng lo lắng nếu bạn không thể xong việc chỉ trong một vòng thực hiện Pomodoro. Chỉ cần làm việc chăm chỉ nhất trong 25 phút. Khi hết thời gian, hãy giải lao. Đắm chìm trong chế độ phân tán với phần thưởng đó. (Chế độ tập trung và chế độ phân tán của bộ não được phân tích trong chương 2 của quyển sách, bạn có thể tham khảo thêm)

Trước đây, mình hiểu Pomodoro là phải chia nhỏ công việc ra và hoàn thành từng phần trong mỗi vòng Pomodoro, nhưng vì tính chất công việc của mình thì 25~35 phút vốn khó thể giải quyết được phần việc nào, dần dà, dẫn đến tâm lý ngại thực hành Pomodoro của mình.

Vì tính chất mỗi công việc của mình khó thể hoàn thành trong 25 phút nên nếu đồng hồ đã điểm 25 phút mà mình vẫn muốn tiếp tục thì hãy cứ làm tiếp. Quan trọng là sau khi kết thúc, hãy tự thưởng cho mình.


Ý tưởng hay là khi giải lao, hãy làm điều khác hẳn với những gì bạn đang tập trung làm. Bạn nên để phần não đang tập trung được nghỉ ngơi. Nếu bạn đã ngồi trong suốt thời gian học thì khi giải lao, vận động cơ thể thường hiệu quả nhất.

Đừng đổi qua đổi lại giữa các nhiệm vụ khi đang thực hiện Pomodoro. Hãy chọn một nhiệm vụ và thực hiện cho đến khi chuông reo. (Tất nhiên, nếu đã hoàn thành nhiệm vụ khi đang sử dụng Pomodoro thì bạn có thể bắt đầu nhiệm vụ khác.)

Ý tưởng đa nhiệm là một sai lầm. Bạn chỉ có thể tập trung vào một thứ tại một thời điểm. Việc chuyển đổi giữa nhiệm vụ này và nhiệm vụ khác thường không hiệu quả và gây lãng phí năng lượng tinh thần. Why Multitasking doesn’t work

Nếu bạn vốn dĩ khá chủ động và thỉnh thoảng chỉ cần một cú huých để bắt tay vào việc, thì hãy thử thực hiện Pomodoro một hoặc hai lần trong ngày, khi bạn cần.  Trước đây thì mình cứ nghĩ là phải chia ngày làm việc 8 tiếng của mình thành hàng chục Pomodoro, điều này gây ra sự nghi ngại và mệt mỏi cho mình.

Đọc thêm: Học Cách Học (P1) - Một kỹ năng sống còn trong thời đại mới