Học Cách Học (P1) - Một kỹ năng sống còn trong thời đại mới

Viết bởi Ông Già Coder EB vào 2020-03-20
Chủ đề:

Untitled.png

Hôm nay là ngày Xuân Phân (Spring Equinox - 春分) ở Nhật, một trong nhiều dịp quanh năm mà người lao động ở Nhật được nghỉ. Tuy nhiên, dù là một dịp cuối tuần 3 ngày nhưng mình lại không thể đi đâu chơi xa được vì đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Có đôi chút đáng tiếc vì dạo này thời tiết cũng mát mẻ, không còn quá lạnh như đương khi mùa đông và nhiều nơi thì hoa Sakura đã chớm nở. Do vậy, mình chỉ vác túi xách lên, đi dạo quanh những con đường vắng vẻ, công viên rợp mát cây xanh ở một khu vực không quá xa nhà, trong tầm mà mình có thể đi bộ đến. Trong thời gian ở công viên, thì mình đã đọc xong một quyển sách ngắn - Đọc Sách Thông Minh - một quyển cẩm nang bàn về việc đọc sách của anh Dương Trọng Tấn, được chia sẻ rộng rãi đế mọi người có thể tải về đọc miễn phí. Cẩm nang mỏng nhẹ này chủ yếu bàn về việc đọc sách thế nào cho hiệu quả và học được nhiều nhất từ sách. Lan man đến vậy thôi, mình xin kết thúc phần giới thiệu sách, cập nhật tình hình dịch bệnh, và kể về một buổi thư thả đọc sách ngoài công viên của mình ở đây.

Những năm gần đây, ngoài công việc và cuộc sống thì mình có ba mối bận tâm lớn: Việc HọcViệc Đọc và Đọc để Học. Nên những lúc thư nhàn thì mình luôn để tâm tìm đọc những bài viết, sách, khóa học về những chủ đề này. Riêng bài viết này, mình xin chỉ bàn về Việc Học. Việc học của chúng ta không nên chỉ gói gọn trong 12 năm đèn sách và vài năm cao đẳng, đại học. Mà thời đại ngày nay đòi hỏi việc học tập cả đời. Dù không mấy thiện cảm với anh Hoàng Nam Tiến (vì tư duy thực dụng của anh, vì anh xem lập trình viên như những công nhân, một ngày làm 8-12 tiếng … xin lỗi nếu tôi hiểu sai), nhưng mình phải đồng ý với anh là thời đại mà một người chỉ cần học một lần, rồi ra trường, kiếm một công việc và có thể ung dung sống suốt phần đời còn lại, ĐÃ QUA RỒI. Với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, nhiều ngành nghề hiện nay rồi sẽ mất đi, nhường chỗ cho những ngành nghề khác, với đòi hỏi người lao động phải tự trang bị cho mình một cơ số nền tảng kiến thức tân tiến, nhất định. Tương lai sắp đến - nếu không kể dịch bệnh có thể kéo lùi kinh tế lại vài năm rồi thúc đẩy sử chuyển dịch, tái cơ cấu nhanh hơn theo hướng tận dụng công nghệ, Robot nhiều hơn, vì các bạn biết đấy, Robot thì không sợ bị lây bệnh mà - Đó là một tương lai mà giá trị phần lớn được tạo ra từ sự tương tác của con người và khả năng phát minh và giải thích những thứ mà máy móc không thể. Vì vậy, con người cần trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức cần thiết để cạnh tranh trong thế giới mới, hoặc bị dạt ra ngoài lề (Nguyên văn trong một bài viết về Life-long learning - Why lifelong learning is the international passport to success - It must equip students with the right skills and knowledge to compete in a world ‘where value will be derived largely from human interaction and the ability to invent and interpret things that machines cannot’). Nhưng làm sao để bạn có thể thích ứng với sự dịch chuyển đấy, xin thưa, hãy trang bị cho mình tư duy Life-long Learning, việc học tập phải là việc cả đời. Life-long learning là tấm giấy thông hành để bạn mở cánh cửa vươn ra thế giới, trở thành một công dân toàn cầu. Nhưng vì thời gian của chúng ta có hạn, mỗi ngày chỉ có 24 giờ thôi nên điều tiên quyết là hãy HỌC CÁCH HỌC.

Cái duyên của mình với việc học cách học phải bắt đầu từ hồi sinh viên, được đọc quyển “Tôi Tài Giỏi và Bạn cũng thế”, rất thích chí và có động lực học tập được một thời gian. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, cũng vẫn ham chơi hơn ham học nên số mãi lận đận. Vài năm trước thì được may mắn vào làm việc ở TGM, đơn vị đã dịch và phát hành quyển Tôi Tài Giỏi ấy, được cộng hưởng từ những người xung quanh tinh thần ham học hỏi và thú vui đọc sách. Năm 2016 thì có tham gia học khóa Learning How To Learn trên Coursera nhưng chưa thực sự chuyên chú nên bỏ dở khóa học. Mãi đến dịp cận Tết năm nay, cùng cô người yêu lang thang dạo đường sách, vô tình thấy quyển Học Cách Học được nhóm của anh Dương Trọng Tấn (cũng là người viết quyển Đọc Sách Thông Minh phía trên) dịch và phát hành. Cầm lên thì mới nhận ra đây là phiên bản sách của khóa học trên Coursera của tác giả Barbara Oakley và Terrence Sejnowski, nên mình đã mua về rồi đọc ngấu nghiến khi trở về Nhật. Sau khi đọc xong sách, mình trở lại Coursera và hoàn thành luôn khóa học trực tuyến, và quyết định sẽ viết blog những điều (mình cho là) quý giá mà mình thu lượm được từ khóa học + quyển sách này. Việc này, trước tiên, là cho mình, vì chính việc phải tổng hợp rồi viết thành bài cụ thể cũng là một cách học vô cùng hiệu quả. Thứ đến, là cho người yêu - đóa hồng của mình, vì mình biết là khi mình viết ra và đăng trên Blog DuongDao.family thì cô ấy sẽ dành thời gian để đọc. Sau cùng là, cho những người hữu duyên.

Mời mọi người đón đọc trong những ngày tới.

Most people who we see as smart don’t get there suddenly or through magic. They just do the little things that are easily neglected by most people right. Over time, these little things add up.Not everyone is born a genius, but anyone can get smarter.

Xin tạm kết lại bằng việc mượn ba chữ vô cùng đắt giá của cụ Tây Hồ Phan Châu Trinh - “Chi Bằng Học

Vậy xin cùng nói lời chính cáo cùng người nước ta rằng: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”.Phan Châu Trinh

Tham khảo thêm bài viết Tản mạn về Tư Duy Cầu Tiến. Bởi mình nghĩ những người quan tâm đến việc học hỏi không ngừng hẳn là những người luôn cầu tiến, nhỉ?