Vừa rồi, tôi có liên hệ với một chị founder của hãng “Dầu Neem nguyên chất” để hỏi một số sản phẩm trị ve, chống muỗi thuần tự nhiên cho những người thân quen trong gia đình. Dù giờ đây chị chuyển hướng sang nông nghiệp nhiều hơn, chứ không điều chế sản phẩm dành cho thú cưng hoặc nhu cầu thường nhật nữa.
Bất chợt có việc cần tôi nghĩ ngay đến nhãn hàng của chị. Bởi nếu nói về tốt, thì tôi biết có nhiều nhãn hàng tốt, cũng xuất phát từ tinh chất cây neem, hàng Mỹ cũng có, hàng Nhật cũng có, cả ở Việt Nam thì các nhà sản xuất tinh dầu neem không thiếu. Cây neem vốn là một cây thuốc quý, là đặc sản trong nông nghiệp, là khắc tinh của các loài bọ trĩ, ve, sâu, rệp trong vườn, kể cả muỗi, kiến trong nhà, lại có tính an toàn rất cao so với các loại thuốc bảo vệ thực vật. Bây giờ người ta đang hướng đến nông nghiệp sạch mà. Nhưng nếu chọn giữa nhiều cái tốt, thì tôi thích cái tốt được xây dựng từ bên trong hơn.
Tôi có thêm những hiểu biết về cây neem và đặc tính tốt của nó, cũng nhờ vào khoảng thời gian cộng tác viết bài cho chị. Quá trình làm việc cùng nhau, nhìn thấy tâm huyết của chị, tôi rất nể phục. Chính chị là người truyền cảm hứng để tôi viết bằng cái tâm chứ không phải rập khuôn công thức SEO (tuy điều đó là cần thiết để bán hàng). Sau này, chị và anh founder làm chung đã tách riêng, vì mỗi người có cái tâm và cái tầm khác nhau, không thể đi chung hướng. Một người muốn phát triển dựa trên cốt lõi, còn người kia chỉ muốn làm sao thu lợi về càng nhiều càng tốt chứ không quan tâm đến phát triển bền vững. Do đó, để chọn mua một sản phẩm về Neem, tôi sẽ liên hệ chị này, chứ không phải anh kia, hoặc bất cứ nhãn hàng nào quảng cáo nhan nhản trên mạng, dù về chất lượng có thể chúng ngang ngửa nhau.
Chuyện cũng chỉ có vậy nhưng làm tôi ngẫm nghĩ sâu xa hơn đến công việc của mình.
Tất nhiên, khi đi làm, đạt đến vị trí là team leader thì suy nghĩ cũng không còn trẻ con như ngày xưa. Ngoài việc làm sao để mình có mức thu nhập cao hơn, làm sao để công việc của riêng cá nhân mình trôi chảy và tiến bộ hơn, thì việc mong muốn cho công ty phát triển bền vững cũng là một mưu cầu không nhỏ. Bởi nếu công ty có bền vững thì bản thân mỗi người mới có chỗ để làm việc, có chỗ để tiến lên.
Vậy nhưng không phải ai cũng yêu thích những điều mình đang làm. Đa phần ở tầng lớp nhân viên (không phải người sáng lập hoặc người đi với công ty ngay từ những bước đầu tiên) thì thật khó để yêu cầu họ phải yêu công việc hay quý công ty, vì họ chủ yếu đi làm vì mưu sinh. Họ cũng chưa thể nhận ra được tầm quan trọng của việc giúp đỡ cho công ty phát triển bền vững bởi những lợi ích lâu dài của nó chắc gì đã thuộc về họ. Do vậy, để có được sự yêu mến và tha thiết với công ty, lãnh đạo thường phải là người truyền lửa, rồi sau đó phải giúp họ giữ lửa, bằng cả tinh thần lẫn vật chất. Khi nhân viên đã yêu thích công ty, thì lợi ích của nó còn hơn rất nhiều lần so với việc bạn cứ ra rả quảng cáo cho người ngoài.
Ngày trước, khi còn làm việc gần khu vực nhà thờ Đức Bà, tan làm thỉnh thoảng tôi đi gặp trò chuyện với một cô bạn làm ở tập đoàn Novaland, trong mảng truyền thông nội bộ. Tập đoàn này dành hẳn ra một phòng ban chuyên lo chăm sóc các vấn đề nội bộ. Không có nghĩa chỉ là cơm ăn nước uống hay đời sống tinh thần vui chơi các kiểu, đó chỉ là râu ria. Phần quan trọng là làm sao cho nhân viên yêu thích công ty, tự hào với nơi mà họ làm việc, tự hào về sếp của họ. Mỗi nhân viên như thế, sẽ là một tình nguyện viên marketer cho công ty tâm huyết và hiệu quả hơn gấp trăm lần một tấm biển quảng cáo ngoài trời hay một bài viết đăng trên báo, nơi mà người ta luôn hoài nghi về tính chân thật của nó.
Cô bạn tôi là nhân viên ở phòng ban đó. Mỗi lần gặp bạn, tôi đều được nghe về những kế hoạch làm sao để xây dựng, vun đắp cho công ty. Dù nhiều lần tôi thấy bạn cũng rã rời vì làm việc quá giờ, hoặc đôi khi đói bụng vì ăn trưa trễ, nhưng tôi vẫn nhìn thấy nhiệt huyết đang ngời ngời bừng sáng bên trong bạn. Bạn yêu công việc, yêu cái chức năng mà phòng ban của bạn đang hoạt động, bạn yêu những thứ mình tạo ra vì nó có giá trị.
Sau này tôi cũng biết Novaland có nhiều chuyện lùm xùm, cũng không phải là một công ty đầy mẫu mực và tuyệt vời để người ta noi gương, giám đốc thì cũng có người này người kia, nhân viên cũng vậy. Chẳng có công ty hay tổ chức nào trên đời là hoàn hảo. Một tập đoàn càng lớn, bộ máy càng khổng lồ và cồng kềnh, càng nhiều phòng ban, càng nhiều con người, thì càng phức tạp. Tuy vậy, cái mà tôi học được từ cô bạn mình, đó là cái tinh thần yêu quý nơi mình làm việc, mà không phải công ty nào cũng dễ dàng truyền cho nhân viên của họ.
Nói đi cũng phải nói lại. Làm sao mà cô bạn tôi có được tình yêu với công việc, niềm tự hào với công ty. Hay là làm sao tôi, một người cộng tác viên chỉ làm việc với chị founder kia vỏn vẹn có 3 tháng, mà sau này vẫn cứ nhớ về những sản phẩm tốt của chị.
Đó là đặc điểm của truyền thông nội bộ.
Muốn bán được hàng, hãy bán cho nhân viên của bạn trước. Nhân viên mà không có niềm tin vào công ty, vào sản phẩm, vào người đứng đầu tổ chức, thì làm sao khách hàng có thể tin được.
Giữa thời buổi cạnh tranh, dần dần ai cũng nhận ra nên đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt, sản phẩm chất lượng, mọi thứ đều quy về bên trong, chứ không sồn sồn ồn ã xô bồ vẻ bề ngoài nữa. Biết là vậy, nhưng làm thì khó.
Mà đâu phải bạn không tốt. Sản phẩm bạn vẫn tốt, công ty bạn vẫn trên đà thay đổi và phát triển. Nhưng để lựa chọn giữa tốt, và tốt thật sự, tôi nghĩ khách hàng hay cả nhân viên đều đủ nhạy cảm để nhận ra, dù cho ranh giới giữa hai điều đó thật mong manh, mong manh như chính cảm xúc của chúng ta.
Ngày hôm nay, người ta có thể nhận thấy bạn tốt, mà hôm sau quay ngoắt đi một cái, bạn chỉ cần thiếu cái tâm một chút, người ta đã nhận ra bạn chẳng tốt thật sự. Để rồi họ đi tìm chân lý đó ở một nơi có nhiều tâm huyết hơn bạn một chút.
Truyền thông nội bộ là một cuộc cải cách tư tưởng rất lâu, rất dài, và đôi khi tưởng như vô nghĩa. Nhưng miễn bạn đủ kiên trì với nó, thành quả sẽ rất ngọt ngào.
Đừng che mắt thiên hạ bằng điều tốt. Hãy tốt thật sự.