Mộc - gỗ là một nguồn tài nguyên vô cùng giá trị. Người có kinh nghiệm sẽ biết nhìn ra gỗ quý, biết cách sử dụng, biết cách phân loại để đạt được hiệu quả tối ưu, sử dụng hết không để thừa thãi phần nào của một thân cây gỗ, từ rễ, thân, cành, lá. Một khúc gỗ bình thường, đưa vào tay người biết sử dụng cũng sẽ khiến cho nó trở nên hữu dụng. Ngược lại một khúc gỗ quý mà đưa vào tay anh thợ mộc xoàng xĩnh thì khúc gỗ đó cũng trở nên tầm thường.
Trong quy tắc quản trị có câu: Dụng nhân như dụng mộc, ắt là cũng để nói đến cái tài dùng người của bậc quản lý.
Trang Tử, nhà tư tưởng cổ đại Trung Hoa, được coi là một trong những “cao nhân” trong việc “biết” người. Phương pháp tìm hiểu con người của ông cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có tính triết lý và giá trị thực tiễn rất cao.
Những phương pháp Trang Tử sử dụng để hiểu người ngày nay được đúc kết thành “Đạo lý Trang Tử”. Các “đạo” này đó là:- Cho đi xa để xem lòng Trung- Cho ở gần để xem sự Cung kính- Sử dụng trong khó khăn để xem Khả năng- Hỏi trong gấp gáp để xem Trí tuệ- Khẩn cấp về thời gian để xem chữ Tín- Giao cho tiền tài để xem Nhân- Qua nguy khốn để xem Khí tiết- Cho uống rượu say để xem Thái độ- Cho xử lý phức tạp để xem Sắc thái- Xem tốt xấu mà biết sở trường sở đoản- Xem sự giao du để biết hiền tài
Những ai đọc Tam quốc chí cũng thấy được đây quả là một cuộc chiến giữa những tướng lĩnh có tài, kể cả tài quân sự và cả thuật dùng người, làm sao để quân sĩ trên dưới tâm phục khẩu phục, một lòng một dạ trung thành, lại phải làm sao để thu phục hiền sĩ trong thiên hạ về dưới trướng của mình, thì bách chiến bách thắng.
Mỗi người trong chúng ta đều có năng lực, sở trường, sở đoản khác nhau. Nếu không biết cách dùng người sẽ biến họ trở nên vô dụng, nhưng nếu biết cách sẽ phát huy được những mặt tốt và sinh lợi cho công ty rất nhiều. Nói thế để thấy, trong quản trị thì nhân sự là yếu tố cực kỳ quan trọng. Vốn dĩ có những công ty, tập đoàn đã dùng đến phân nửa nguồn vốn để phát triển con người, để tạo nền tảng vững chắc về sau.
Đa số các công ty mình từng làm việc qua, công ty thuần Việt có, đa quốc gia có, trách nhiệm hữu hạn có, mô hình khởi nghiệp cũng có. Hầu hết đều bị lơ là vấn đề nguồn lực nhân sự. Bởi nhìn chung thì cái quan trọng nhất vấn là vốn. Tiền, tiền, tiền. Có tiền cái đã rồi mới có năng lực phát triển mở rộng và quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân viên. Vì cái việc quan tâm này không chỉ nằm ở vài ba câu hỏi thăm là xong. Nó cần cả một phòng ban (tạm gọi là Ban đối nội) để chăm lo, nghiên cứu, tìm hiểu, tạo điều kiện phát triển. Cái ban này, đầu tiên phải đi từ khâu tuyển dụng, phải học cách tuyển dụng thật chuyên nghiệp, sâu sắc, để lựa chọn được nhân viên tốt ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhắm được người tài giỏi và đưa ra đề nghị hấp dẫn không cưỡng lại được, như cách mà Lưu Bị thu phục Gia Cát Lượng vậy. Ngày xưa người ta thu phục bằng nhân tâm chứ ngày nay, họ cần tiền, họ cần môi trường tiềm năng, họ cần nhìn rõ con đường tương lai. Có thực mới vực được đạo mà. Thậm chí những người họ chỉ muốn kiếm đại một công việc để làm chứ không quan tâm gì đến tiền đồ, nhưng nếu vào đúng môi trường tốt, họ vẫn có khả năng phát huy tối ưu. Tiếp đến cần quan tâm ở khâu đào tạo, rồi theo sát cả quá trình làm việc, nhìn nhận và đánh giá công bằng, chính xác, sau đó là khen thưởng và trách phạt đúng đắn, làm cho nhân viên tâm phục khẩu phục, vân vân và vân vân…
Nhưng xin thú thật rằng, chẳng có cá nhân một người quản lý nào rảnh rỗi thời gian mà ngồi quan sát từng nhân viên nhỏ bé trong công ty, chẳng có một người cấp trên nào mà không bị những lời ngon tiếng ngọt làm xuôi lòng, vì thật sự với cái văn hóa Việt Nam thì nghệ thuật uốn lưỡi khi nói chuyện cũng rất quan trọng, chưa biết em làm việc hiệu quả đến đâu, nhưng em cứ ngoan, là anh ưng. Rồi cũng chẳng có người quản lý nào rỗi việc cứ ngồi ngóng xem em nay tâm lý bất ổn thế nào, bị Tào Tháo rượt nên phải trốn trong toilet hàng giờ là thật hay quỷ kế. Tất cả những thứ lặt vặt, nhỏ nhặt ấy, cần có một ban bộ nghiên cứu và làm thành quy tắc ứng xử, đưa vào thực tế áp dụng phù hợp với văn hóa công ty mình. Có người theo sát quá trình phát triển của mỗi cá nhân trong công ty. Và chính cá nhân những người trong ban bộ đó cũng phải được học tập, đào tạo, trau dồi, đạt đến trình độ thấu hiểu cao, là những bậc thầy về nhân sự. Nếu muốn đạt được những điều đó, muốn xây dựng nên cái phòng ban đó thật thành công thì cần gì? Cần tiền.
Vậy nên mình mới nói, đa số các công ty mà tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh, sẽ khá lơ là trong việc này, mặc dù họ có nghĩ đến, có biết đến đấy, nhưng thôi, qua loa cái đã, vì mục đích to lớn hơn là doanh thu để có vốn mạnh, nếu không thì công ty sẽ chết yểu. Và dần dần, với tư duy khởi đầu là như vậy, cái lối mòn suy nghĩ ấy sẽ theo mãi đến sau này.
Thậm chí có những công ty đã giàu sụ vẫn chưa học được cách phát triển, chưa biết khơi gợi năng lực tiềm ẩn của nhân viên như thế nào vì cơ bản là người lãnh đạo chưa học được cách dụng nhân như dụng mộc kể trên, hoặc chưa biết đến tầm quan trọng của kỹ năng dụng nhân.
Chứ nếu hiểu, nếu muốn, thì thiếu gì cách.
Cách mình nói đến ở trên, dùng tiền, chỉ là một cách đơn giản và cơ bản nhất. Chứ nếu thực sự cần thiết, thì tất cả những người ở cấp quản lý đều tự mày mò nghiên cứu để cùng hướng đến một sự phát triển bền vững cho cả công ty. Có điều, việc này cần nhiều công sức và phải đồng bộ. Bộ máy quản lý có nhiều người, nhưng chỉ một người có tư duy khác biệt, những người còn lại đều tầm thường thì cũng khó thay đổi được gì.
Nói không đâu xa, mình đã từng ghé thăm “Nhà của thời thanh xuân”, một mô hình khởi nghiệp khá đơn giản ở Đà Lạt. Nói là đơn giản nhưng mình biết, trong bộ óc của nhà khởi nghiệp đã tính toán sẵn hết những con đường mà họ cần phải đi. Những lần đầu mình ghé thăm, đó chỉ là một ngôi nhà nhỏ có những bạn khiếm thính được tạo điều kiện để có công ăn việc làm, bán những sản phẩm do chính tay họ làm ra. Những vị khách ghé thăm không cảm thấy tính thương mại ở nơi này, và cả sau này cũng thế. Rồi sau đó, những dự án của Nhà thanh xuân phát triển hơn. Mình theo dõi và biết họ tuyển thêm những vị trí mới như marketing, truyền thông, contributor, hoặc volunteer. Điều làm mình ấn tượng ở đây không phải cách mà bạn chủ khởi nghiệp hoặc mô hình kinh doanh hoặc ý tưởng kinh doanh của bạn í, mà là cách mà các nhân viên ở đây nói về người chủ của mình, kể cả khi vắng mặt, như nói về một người bạn tâm giao mà họ rất đỗi mến yêu. Ở đâu có thể làm được điều đó. Ở đâu có thể khiến cho nhân viên làm việc thật sự tận tụy như đó chính là công ty của mình, có thể nói những lời tốt đẹp về ông chủ của mình, dành cho ông chủ sự tôn trọng mà vẫn gần gũi như bạn bè.
Dụng nhân như dụng mộc. Đó là điều mà tất cả những nhà quản lý nên học và thực hành nhuần nhuyễn trước khi bắt tay vào làm chuyện lớn. Bởi tất cả những chuyện lớn, đều bắt đầu bằng những điều hết sức bình thường nhỏ nhặt.