Công sở chuyện muôn thuở - để không còn đấu đá nội bộ

Viết bởi Cô Đào vào 2020-06-21
Chủ đề:

Untitled.png

Con người từ thuở khai hoang lập địa đã là một giống loài luôn lo xa, luôn mang trong mình một tư tưởng bi quan, bởi những phẩm chất này giúp loài người tồn tại hàng nghìn năm và phát triển cho đến tận bây giờ.

Tại sao tôi lại nhắc đến tính chất này để mở đầu bài viết chuyện công sở, chủ đề”đấu đá nội bộ”. Tính lo xa và bi quan của con người có liên quan gì hay không?

Theo livescience, tính lo xa thực ra lại có nhiều lợi ích. Trên hết là để con người có thể phòng hờ những điều không may bất ngờ xảy đến và tính toán trước phương án để đối phó, hoặc ngăn chặn nó ngay từ đầu. Nhưng đó là lợi hay hại thì còn phải bàn thêm về mục đích của việc lo xa nữa.

Tôi liền nghĩ đến bản chất việc đấu đá tranh giành lợi ích trong nội bộ một tổ chức, có lẽ nó cũng bắt nguồn từ tính cách lo xa này của loài người.

Trong một thế giới, một xã hội hay một tổ chức đáng mơ ước nơi mà tính công bằng được đẩy lên cao, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, hay nói theo thơ ca: “ta chỉ là chiếc lá, việc của mình là xanh” thì ai có bổn phận chức năng của người đó và họ cứ việc làm tròn bổn phận của mình rồi thì cuộc sống sẽ ổn định bình an, không có nguy cơ nào khiến họ phải mất việc hoặc bị sa thải hay là chậm tăng lương, hay đáng ghét hơn là bị một kẻ khác vượt mặt mình dù kẻ đó ít năng lực hơn… Tuy nhiên, đó chỉ là những lý tưởng không có thực.

Trong xã hội hiện đại, khi mà ai cũng có những năng lực đa dạng và chẳng thứ gì có thể duy trì sự độc đáo của nó trong một thời gian dài và ổn định, thứ gì cũng có thể thay thế được, thứ này tốt thì hôm sau lại mọc ra thứ khác tốt hơn. Những điều đó làm cho con người cảm thấy bất an. Và đặc biệt là ở trong những tổ chức không coi trọng sự công bằng (công bằng nó khác với bình đẳng nhé), thì con người ta càng cảm thấy phải gom góp cho mình nhiều lợi thế cạnh tranh nhất  có thể.

Giải thích thêm một chút về sự khác nhau giữa công bằng và bình đẳng. Bình đẳng là ai sinh ra thế nào thì cứ được gọi tên dán nhãn và được cư xử đúng như thế, được đặt trên một mặt phẳng bằng nhau. Vậy thì người nghèo hơn, hay yếu thế hơn từ lúc mới sinh ra sẽ vẫn cứ như thế mà phát triển theo con đường chật vật của họ.

Nhưng công bằng nghĩa là, những người có khó khăn, thấp kém hơn từ khi mới sinh ra, do hoàn cảnh gia đình, sẽ được tạo điều kiện để phát triển như những người khác trong xã hội. Được công nhận năng lực và nhận được kết quả ngang bằng với những người khác nếu anh ta nỗ lực, cố gắng, chứ không phải nhìn vào nhãn mác quy định anh ta từ vạch xuất phát.

Thử nhìn tấm hình bên dưới, một bên là bình đẳng, một bên là công bằng, thì bạn sẽ hiểu nhé.

Untitled.png

Vậy với bản chất luôn bất an, lo sợ cho vị trí của mình, cho tiền đồ sự nghiệp của mình, con người sẽ sinh ra một tính chất tiêu cực thường thấy, là sẽ đấu đá, đố kị và muốn đạp đổ người khác, muốn gom góp những lợi ích về bản thân nhiều nhất có thể.

Điều này, có xảy ra ở công sở hay không?

Xảy ra quá đi chứ, vì chốn công sở là nơi gắn liền với lợi ích vật chất nhiều nhất, là nơi người ta đến đó để lao động vì đồng tiền.

Đấu đá, sẽ tùy mỗi công việc và công ty, mà nó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau. Có khi rất rõ rệt nhưng có khi cũng rất tinh vi. Và đấu đá, nó thường xảy ra ở những người mà năng lực cạnh tranh của họ ngang ngửa nhau, hoặc họ nghĩ là họ ngang ngửa nhau (cái này hơi mỉa mai nhưng đúng là có những sự ảo tưởng như thế). Bởi một người biết rõ mình giỏi hơn và có lợi thế hơn người kia thì chẳng hơi đâu đi cạnh tranh với người thấp kém hơn mình. Hoặc một người tin rằng sự thành công của người khác là do nỗ lực thật sự, thì họ sẽ không đấu đá nữa mà chuyển qua phấn đấu, vì tin rằng cứ có năng lực thì sẽ được công nhận và được trả công xứng đáng chứ không cần phải hơn thua với kẻ khác làm gì.

Đấu đá sẽ xảy ra ở nơi không được nhìn nhận công bằng, không được tạo điều kiện cho họ phát triển và thể hiện năng lực. Đấu đá cũng sẽ được thể hiện ở những người thiếu tự tin vào bản thân, bởi họ nghĩ họ không có khả năng cố gắng hơn nữa để gặt lấy điều mà người giỏi hơn đang sở hữu, nên họ tìm cách đi lên không-bằng-năng-lực. Từ đó sinh ra đấu đá, cạnh tranh ngầm, tìm cách dìm hàng đối thủ, người mà họ cho là nguy cơ đối với tiền đồ của họ.

Tuy nhiên việc đấu đá sẽ không đến từ những con người có thực lực, hoặc có điều kiện kinh tế vượt bậc hơn người khác, những người có sự tự tin rằng, nếu tổ chức này không nhìn nhận năng lực của họ thì họ sẽ tìm đến tổ chức khác nơi họ có thể tỏa sáng.

Vậy để triệt tiêu sự đấu đá, thì đơn giản phải xử lý được từ 2 phía.

Thứ nhất về phía cá nhân. Những con người luôn rèn luyện đạo đức, chính trực, có sự nỗ lực vươn lên và không ngừng học hỏi trau dồi bản thân. Thì những người này chẳng có nhu cầu phải đấu đá với ai, mà nếu ai có muốn đấu đá với họ thì họ cũng chẳng ngán. Còn những cá nhân yếu kém mà lại không thể hiện tinh thần phấn đấu, thì dần dà sẽ nảy sinh tâm lý bất an và muốn đấu đá để bảo vệ cái vòng an toàn của mình.

Đấu đá ở đây không phải cứ thể hiện sự công kích ra bên ngoài mà chỉ là ngấm ngầm, tạo tiếng xấu cho những người giỏi hơn mình, hạ bệ họ sau lưng, chơi chiêu, nâng mình lên không được thì tìm cách hạ người khác xuống. Đó là chiêu đấu đá của những kẻ kém năng lực. Còn những kẻ tinh vi hơn, họ tuy cũng có năng lực làm việc nhưng lại muốn phát triển đột phá, họ muốn đi tắt đón đầu, nên dùng những chiêu đấu đá như nịnh bợ cấp trên, thị uy với cấp dưới, thể hiện, khoe mẽ… Nói chung có rất nhiều kiểu. Nếu nhìn vào sâu xa bản chất từng hành động, cứ nghĩ họ xấu đơn thuần, nhưng thực ra là xấu có mục đích. Không khó giải thích rằng đó là bản chất của tất cả loài người, bản chất bất an và lo xa, nhưng nếu không trau dồi sự bản lĩnh của bản thân để mình mạnh mẽ hơn, linh hoạt hơn trước mọi hoàn cảnh thì bất an sẽ luôn luôn đeo bám, khiến cho họ có những hành động phòng ngừa thủ đoạn như vậy.

Thứ hai về phía tổ chức, xã hội. Phải tạo điều kiện để mọi người được phát triển như nhau, phải đánh giá công bằng các cá nhân trong tổ chức, minh bạch quy trình đánh giá để tạo được niềm tin về thưởng - phạt, chưa cần đến cấp trên đánh giá, chính nhân viên khi nhìn vào quy trình đó cũng đã tự nhìn nhận được năng lực của mình.

Một nơi mà có đến 9 người giỏi, chỉ một người dở, thì người dở ấy sẽ phải tự khắc tiến bộ. Nhưng một nơi chỉ có 1 người giỏi, còn lại là dở, vừa dở lại vừa không cầu tiến, muốn ít nhọc công mà đạt được kết quả, thì nơi đó chắc hẳn sẽ có đấu đá. Để triệt tiêu việc đấu đá (ngầm hoặc công khai) như vậy, chỉ có một cách duy nhất là khiến cho tất cả những “con ngựa” này phải chạy nước đại, tức giao cho những công việc khó, đòi hỏi phải tăng kỹ năng, tăng kiến thức, chứ không còn thời gian để suy nghĩ cách đấu đá nhau nữa.

Untitled.png

Trên đây là suy nghĩ của một team leader lâu năm, từ 2016 đến nay, trải qua 3 công ty, nơi nào cũng được thăng chức sau khoảng 6 tháng làm việc. Làm team leader lâu năm như thế thì cũng nhìn nhận ra kha khá vấn đề, hi vọng giúp ích thêm cho tổ chức.