Cái gì không biết thì ta Google

Viết bởi Cô Đào vào 2022-11-03
Chủ đề:

Untitled.png

Mình thuộc thế hế cuối 8x và nhà nghèo nên chỉ mới tiếp cận công nghệ một cách sơ khai nhất vào năm 17-18 tuổi, lúc được ba mẹ mua cho chiếc máy vi tính đầu tiên. Lúc đó Google không có lượng thông tin khổng lồ như bây giờ đâu. Cũng chưa biết thông tin nhiều thì lợi hay hại, nhưng chung quy cũng do cách ta sử dụng thôi.

Cái hành trình mò mẫm của mình ngẫm lại cũng đáng kể đó chứ. Mặc dù không làm nên trò trống gì cho đời nhưng giúp ích cho bản thân mình, tăng kỹ năng tự học tự mò, tự đối chiếu so sánh, tự đúc kết của mình và giúp cho cuộc sống, công việc của mình dễ dàng, tiết kiệm hơn nhiều.Hồi sinh viên mình mò cách crack mấy phần mềm làm video không bị dính wartermark (cá luôn là mí bạn phương Tây ko làm được vì hành động này đối với nước họ là vi phạm lợi ích). Nhưng thời sinh viên tụi mình ai cũng vậy phải ko mấy bạn 8x? :))

Rồi mình mò cách làm đĩa CD. Với cái máy tính cùi mía hồi đó, vừa chạy vừa rên như bà già, vậy mà mình làm được 10 cái CD chứa video kỷ niệm các hình ảnh, hoạt động thời sinh viên tặng cho nhóm mình. Nhớ hồi đó đĩa CD giá 10k một cái (tiền mua CD mình bắt nhóm đóng góp). Vì mình bỏ công mấy tiếng đồng hồ ngồi làm video và nguyên đêm nằm ngủ vật vờ chờ render video rồi.

Nhớ cái phần mềm làm video hồi đó tên là Proshow Gold phiên bản cũ, nhìn lúa lác lắm

Hồi nghe tin mp3 zing hổng cho nghe nhạc free nữa mà sẽ tính phí, mình cũng tranh thủ download cả trăm bài hát ưa thích và bỏ vô usb. Hồi đó chả biết Drive, Cloud là gì đâu, nên mình làm một số bài up ngược lên youtube để dành, chèn hình sến súa đồ vô. Mà cái tài khoản youtube đó mất rùi chứ không mai mốt kể lại cho con cháu nghe rồi xem mấy clip sến súa má nó từng làm chắc hài lắm. Cái tính ưa mày mò không chỉ dừng ở google và công nghệ. Mình còn mở cái loa mini ra sửa khi nó bị chập mạch gì đó, một bên nghe được, một bên điếc. Nói là sửa chứ mình cũng chỉ coi mạch dây bên kia thế nào rồi nối bên này cho giống thôi. Lắp lại nghe được vài bữa thì nó lại rè rè. Chắc hông phải do mình dỏm đâu mà do hàng Trung quốc trăm mấy một cái loa thì lấy đâu cho bền :))

Tiếp theo sau này mình mò để lắp ghép các đồ gia dụng như kệ sách, bàn ghế đóng sẵn, kệ treo đồ, giá vẽ… Đời sống ngày càng hiện đại và tiện lợi, mọi thứ đều có hướng dẫn rõ ràng nên mình cũng dễ thích nghi lắm. Hồi cấp 1 được cái học môn khoa học cũng điểm cao, mấy cái trò lắp ghép mình học cũng nhanh lắm, nên nhìn mô hình là mình biết làm theo liền. Mình mà cái gì thích thì sẽ tự mày mò học hỏi để khỏi tốn tiền cho mấy khoá học kỹ năng này kia. Thích chụp hình: mua máy về mò. Thích chỉnh sửa ảnh: tải app về mò. Hồi sinh viên mình tải mấy cái app sửa ảnh trên máy tính sến súa lắm, đủ thứ filter và chức năng màu mè kinh khủng, sau này app càng ngày càng hiện đại tinh tế hơn nhiều. Thích làm logo, thiết kế linh tinh: mò mẫm tìm ra Canva chân ái (app dành cho dân không có nền tảng gì về thiết kế vẫn xài được)… Chỉ có khoá học vẽ mình bỏ tiền ra đi học tại vì đúng là không biết mò từ đâu và mò ra làm sao. Những lĩnh vực mà mình hoàn toàn mù mờ thì phải cần đến người có chuyên môn, cần một mentor để đi theo chứ ko nên mò đại sẽ tốn công sức thời gian mà không đạt kết quả. Khi được chỉ dẫn bước đầu và thấy có khả năng thích nghi, mở rộng được thì sẽ tự mò tiếp.

Rồi khi đi làm, cái gì mình cũng mò chứ ko chờ đợi được chỉ, những cái lặt vặt í. Chủ động vẫn hơn. Riết rồi trong công ty, ai ko biết excel cũng kêu chị Vy, máy photocopy hư cũng kêu chị Vy, đa năng quá cũng khổ luôn. Nhưng mà sướng ở chỗ mình tự chủ động không bao giờ phiền đến ai, lại còn là người tiên phong nghĩ ra cái này cái kia và hướng mọi người theo phương pháp làm việc mà mình muốn. Người chủ động bao giờ cũng có lợi hơn hết á, các bạn cứ tin mình đi. Đi làm mình gặp các bạn trẻ hơn mình nhưng không hiểu sao các bạn thụ động quá, cái gì cũng đợi chỉ, đợi training từng bước, có nhiều thứ rất đơn giản luôn chỉ cần google sau đó check lại với senior nhưng mấy bạn vẫn không làm, hỏi từng chút và để mình phải chỉ từng chút một. Cái thời mình mới ra trường đi làm, mình cũng trải qua nhiều bỡ ngỡ nên mình hiểu tâm lý sợ sai, sợ bị trách khi tự ý hành động. Nhưng tự ý và chủ động tìm tòi nó khác nhau đó. Thực ra thông tin thời nay không thiếu như ngày xưa, mà ngược lại còn quá thừa mứa. Muốn làm cái gì đó thì chỉ cần động lực thôi, còn lại các kỹ năng khác chủ yếu dựa vào mò mẫm, tự học.

Các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm thường than: muốn mò cũng phải biết phải bơi vô chỗ nào để mò chứ lỡ sai thì sao?… ừ cũng đúng. Tại mình vốn tập mò từ những ngày đầu tiếp xúc công nghệ nên tự dưng “mò” trở thành một kỹ năng. Chứ đúng là muốn mò cho đúng chỗ, đỡ đi lang thang lạc lối trên cái cõi mạng vô chừng này quả là một kỹ năng cần phải trau dồi đó.

Đầu tiên phải mò thật nhiều. Mò nhiều nhưng chưa vội tin nhé. Sau khi thu thập nhiều nguồn thông tin thì để cho bộ não xử lý, phân tích, so sánh, lựa chọn cái phù hợp nhất, tốt nhất trong khả năng hiểu biết của mình. Tiếp theo thì thực hiện dựa trên những thông tin đã lựa chọn. Trong quá trình thực hiện thì liên tục đối chiếu, kiểm tra xem cách đó có tối ưu chưa, cần thay đổi hay lựa chọn cách thức khác hay không… Quá trình này tốn thời gian lắm nha! Nhưng trải qua quá trình này thì mình bắt đầu tích luỹ kinh nghiệm trong việc mò, sẽ biết được mò chỗ nào thì đúng hơn, nghe người nào nói thì đáng tin hơn, đọc nguồn thông tin nào thì chính xác hơn, và rút gọn dần hành trình tự mò tự học của bản thân.

Chốt lại là thời nay rất sướng, muốn thông tin gì là có, nhưng hãy chịu khó mò mẫm và học kỹ năng tra Google nhé!