This Too Shall Pass và Chủ Nghĩa Khắc Kỷ

Viết bởi Ông Già Coder EB vào 2022-04-30
Chủ đề:

Untitled.png

Mới đây, mình đã xăm hình xăm thứ 2, sau hình đầu tiên là một hình xăm couple với vợ mình vài năm trước (lúc hai đứa mới yêu nhau). Mình không ham thích việc xăm hình nhưng vẫn ấp ủ có trên cánh tay một dòng chữ hay một biểu tượng nào đó, mang hàm ý luôn nhắc nhở mình sống trọn vẹn hơn, tốt hơn. Tìm mãi nhưng không có nhiều biểu tượng hay hình ảnh nào mang nhiều ý nghĩa với mình. Rồi một hôm ngẫu hứng, nhân ngày lễ giỗ tổ, mình nhờ vợ giới thiệu chỗ xăm hình thì sau đó được biết, lịch đã kín tận một tuần tiếp theo. Mình đã quyết định xăm vào cánh tay dòng chữ “THIS TOO SHALL PASS”. Không phải ý nghĩ bộc phát mà mình thực sự rất muốn khắc cốt ghi tâm câu danh ngôn này. Chuyện rằng…

Hai năm qua, ngoài công việc lập trình để mưu sinh thì mình chủ yếu là vùi đầu vào các quyển sách, bài viết về kinh tế, tài chính, đầu tư chứng khoán, bám sát diễn biến thị trường… Xen kẽ là các quyển tiểu thuyết để thư giãn. Trùng hợp là hai năm 2020, 2021, mình cũng đọc được 2 quyển sách về Chủ Nghĩa Khắc Kỷ vì được promote và xuất bản bởi 2 pages mà mình hay theo dõi trên Facebook là Quyển Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - William B.Irvine (Nhóm Tâm Lý Học Tội Phạm) và Quyển Seneca - Những bức thư đạo đức - Chủ nghĩa Khắc Kỷ trong Đời Sống (Nhóm Spiderum). Thực sự rung động và cảm thấy may mắn vì đây có lẽ là thứ mà mình đã tìm kiếm bấy lâu, một triết lý sống ứng với nhân sinh quan của mình. Cũng phải nói thêm, do nhiều cơ duyên, mà mình đã đọc nhiều quyển tự lực (self-help), rồi sau đó là tôn giáo (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo), tâm linh (các quyển của Nguyên Phong), thiền hành (các quyển của thầy Thích Nhất Hạnh), cũng thử đọc một vài quyển sách về Triết học phương Tây (của Plato), kể ra cũng thu lượm, nhặt nhạnh mỗi chỗ một ít và tạo nên con người mình hôm nay. Nhưng thực sự vẫn cảm thấy thiếu một chút gì đó, một chủ nghĩa, một triết lý sống nhất quán mà mình cảm thấy phù hợp với cá nhân mình, và bản thân có thể toàn tâm toàn ý theo đuổi, đào sâu, chui rèn, thực tập mỗi ngày. Nhiều người sẽ phù hợp hơn với một tôn giáo, hay với một trường phái tâm linh, với thiền hành, hay đơn giản hơn với một thuyết tự lực nào đó (như lực hấp dẫn hay nghiệp của năng đoạn kim cương), phúc thay những ai sớm tìm được lẽ sống của họ. Nhưng cá nhân mình tin là mọi cánh cửa đều dẫn đến một ngôi nhà chung.

Quay lại với câu “THIS TOO SHALL PASS” và lý do tại sao mình lại chọn xăm câu này để luôn nhắc nhở bản thân và hàm ý sâu xa của nó. Nguồn gốc của nó, tuy không xuất phát từ các triết gia khắc kỷ, nhưng lại phản ánh được một trong nhiều triết lý của chủ nghĩa này. Theo mình tìm hiểu, thì THIS TOO SHALL PASS vốn là một câu ngạn ngữ Ba Tư این نیز بگذرد, nhưng được biết đến nhiều nhất khi được Abraham Lincoln trích dẫn trong một bài nói của ông, kể về câu chuyện truyền kỳ dưới đây:

Một ngày nọ, Vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần thân tín của mình. Vua bèn nói với ông: “Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc nhẫn để đeo trong ngày lễ Sukkot và ta cho ông sáu tháng để tìm thấy chiếc nhẫn đó. “
Benaiah trả lời: “Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chiếc nhẫn ấy chắc phải có gì đặc biệt? “
Nhà Vua đáp: “Nó có những sức mạnh diệu kỳ. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó, sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn, nhìn vào nó sẽ thấy vui”. Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc nhẫn như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.
Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc nhẫn như thế.
Vào đêm trước ngày lễ Sukkot, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi “Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc nhẫn kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không? “. Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc nhẫn giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng rỡ một nụ cười.
Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mừng lễ hội Sukkot.
“Nào, ông bạn của ta, “ Vua Salomon nói, “Ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa? “. Tất cả những cận thần đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc nhẫn ra và nói: “Nó đây thưa đức vua”. Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc nhẫn đó khắc 3 chữ cái Do Thái cổ: gimel, zayin, yud,, là những chữ đầu của “Gam zeh ya’avor“ nghĩa là “Điều đó rồi cũng qua đi”.
Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó, ông cũng chỉ là cát bụi.

Vâng, một lời nhắn gửi chỉ vỏn vẹn bốn chữ nhưng bao hàm một bài học quý giá và luôn đúng trong đời người ngắn ngủi: Điều đó rồi cũng qua đi. Chúng ta không thể chọn hay kiểm soát được điều gì sẽ xảy đến với chúng ta: nơi và thời kỳ chúng ta được sinh ra hay những khó khăn mà cuộc sống sẽ thảy vào ngáng đường chúng ta. Nhưng chúng ta có thể chọn cách chúng ta đương đầu với mọi chuyện. Và điều này cũng sẽ qua đi, niềm vui lẫn nỗi buồn. Hạnh phúc, vui sướng, tự hào, sự thỏa mãn, ham muốn rồi cũng qua. Khổ đau, giận dữ, mất mát, đau đớn rồi cũng qua. Quyền lực, danh vọng cũng qua, tủi nhục cũng qua, và những người mình thân yêu, và cả bản thân mình nữa, một ngày nào đó cũng sẽ đi qua khỏi cuộc đời này. Mọi thứ đều sẽ qua.

Untitled.png

Tại sao có thể nói câu THIS TOO SHALL PASS gắn liền với chủ nghĩa Khắc Kỷ? Bởi vì chủ nghĩa Khắc Kỷ (cũng như Thiền - Mindfulness) dạy chúng ta về việc sống ở hiện tại, chấp nhận sự hữu hạn và mong manh của đời người, dạy chúng ta biết chấp nhận. Chủ nghĩa Khắc Kỷ không phải là nghiêm khắc với bản thân, hay với những người xung quanh mà hướng tới việc tiết chế ham muốn, chế ngự cơn giận dữ nội tại, can đảm đương đầu với khó khăn, nghịch cảnh, với bệnh tật và cái chết.

Một khi chúng ta đã thật sự chấp nhận cái chết mình như một sự thật không thể tránh khỏi của cuộc sống mong muốn được tất cả cũng vô nghĩa như việc khao khát có được một cơ thể cứng như kim cương hay có thể bay lượn như chim trời. Miễn là đủ vững tin vào thực tế rằng một số rủi ro nhất định là không thể tránh khỏi, chúng ta sẽ không còn cảm thấy phải lo lắng về chúng nữa. Chúng ta cũng sẽ không khao khát những thứ mà chúng ta đã chấp nhận là bất khả dĩ, miễn là chúng ta có thể thấy rõ rằng việc làm như vậy là hoàn toàn vô ích. Vì cái chết là một trong những thứ chắc chắn nhất trong cuộc sống, nên đối với những người khôn ngoan, nó nên là một trong những thứ mà họ ít sợ hãi nhất.

Mình cũng đang trên hành trình tìm hiểu sâu hơn về chủ nghĩa khắc kỷ, tu dưỡng và áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày của mình để theo đuổi mục tiêu sống đức hạnh. Mình sẽ viết thêm nhiều bài về hành trình này. Mọi người nếu quan tâm, có thể tìm đọc một số quyển sách về Chủ Nghĩa Khắc Kỷ: