Ghi lại một số cảm nhận về ý nghĩa của bộ phim, liên hệ với thực tế cuộc sống sau khi xem xong:
- Nội chuyện đặt tên cho bộ phim này là The Talented Mr. Ripley (Tom Ripley) đã cho thấy tính châm biếm của tác giả. Tom là một kẻ có tài, tài năng đó như một kiểu bản năng, và chính anh ta cũng không biết cách sử dụng tài năng ấy vào việc gì, cho đến khi… nó được đặt vào trong hoàn cảnh khiến anh ta phạm tội.
- Tội lỗi cũng cần có hoàn cảnh và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, điều duy nhất phân biệt người tốt kẻ xấu, là chúng ta có đồng lõa với những điều kiện thuận lợi đó hay không.
- Những kẻ có tài năng sinh ra trong một hoàn cảnh thấp kém, nghèo hèn, mà lại không được giáo dục kỹ lưỡng về đạo đức, không được nhận đầy đủ sự yêu thương và hiểu rõ chính mình, họ sẽ luôn cảm thấy bất công và thấy mình không đáng phải chịu một cuộc sống hèn kém như vậy, tâm lý này sẽ đưa đẩy dẫn đến sự thèm khát, mưu cầu vinh hoa, dẫn đến dễ sa ngã và phạm tội. Trừ phi nền tảng đạo đức của họ thật sự vững chắc. Bởi vậy mới có câu: người có tài mà không có đức là người nguy hiểm nhất.
- Trực giác của phụ nữ luôn có độ chính xác rất cao, nhất là đối với người mà cô ấy yêu. Chỉ một thay đổi nhỏ mà người khác không nhận ra, nhưng với người phụ nữ, cũng đủ hiểu đã có điều gì được chôn giấu. Đó là trực giác của Marge khi thấy người yêu mình (Dickie quý tộc) bỗng dưng biến mất, và thay vào đó là những hành tung kỳ lạ của Tom Ripley (sau khi giết Dickie). Một vị hôn phu thề sẽ không bao giờ tháo nhẫn đính ước ra, dù cho anh ta có lăng nhăng thế nào, vậy mà giờ chiếc nhẫn ấy lại nằm ở chỗ của kẻ khác, là một dấu hiệu rõ ràng để Marge biết được có chuyện không bình thường đã xảy ra, dù cô không có bằng chứng để kết tội Tom, nhưng như vậy là hiểu. Trực giác của phụ nữ chính xác lắm.
- Nỗi bất hạnh lớn nhất của đời người là không được là chính mình. Đóng giả nhân dạng của Dickie - một thiếu gia con nhà quý tộc - và được hưởng những đặc quyền, sự tôn trọng, một cuộc sống xa hoa, thế nhưng liệu Tom có cảm thấy hạnh phúc? Bỏ qua sự thấp thỏm lo âu về tội ác (vì anh ta may mắn cuối cùng đã che giấu được nó một cách tài tình), thì điều mà Tom luôn đau khổ chính là, anh ta khao khát được yêu mến, khao khát được hiểu và được công nhận. Hành động giết Peter trong đoạn kết bộ phim mở ra nhiều trăn trở cho khán giả, làm cho bộ phim có một kết thúc mở để người ta phải suy nghĩ, rốt cuộc, điều gì đã khiến một anh chàng vui vẻ hiền lành như vậy trở thành tội phạm giết chết 3 mạng người? Khi Tom nhận ra Peter là người hiểu mình nhất, yêu quý mình và là người duy nhất nhìn thấy những cái tốt đẹp ở mình, tuy nhiên chính vì thế mà Peter cũng biết những bí mật tội lỗi ẩn giấu trong lòng mình, Tom giết Peter chính vì anh ấy đã hiểu mình quá rõ.
- Ai cũng vậy, khao khát được hiểu, khao khát được yêu, nhưng đồng thời cũng không muốn bị nhìn thấu tâm can. Hai thứ đó không thể song hành cùng nhau. Bên trong mỗi người đều có một chỗ mỏng manh yếu đuối dễ tổn thương nhất, và chẳng muốn bị ai đụng vào, dù đó là người hiểu mình nhất.
- Kẻ tội phạm Tom trong The Talented Mr. Ripley khiến người ta khiếp sợ vừa khó hiểu, nhưng đó cũng là hình ảnh phản chiếu của rất nhiều con người: những kẻ cô đơn, yếu đuối nhưng cũng đầy tham vọng, ganh tị, luôn chứa chấp sẵn mầm mống của tội ác, lấy lý do mình xứng đáng có một cuộc đời tốt hơn để giải thích cho hành động tàn nhẫn của bản thân, luôn mưu cầu tình yêu, luôn khao khát được hiểu nhưng lại sợ bị chạm vào bên trong sâu thẳm. Đó là một phần “con” của loài người chúng ta. Biết kìm hãm nó lại, chúng ta mới là người.
Phim tuy tập trung vào nhân vật Tom Ripley nhưng lại là ẩn dụ, phản ánh tất cả những dục vọng, tham sân si của con người. Tội phạm thì vốn dĩ trước đó cũng từng là một con người bình thường mà thôi. Thiên thần và ác quỷ, chỉ cách nhau một sợi tơ mỏng.
(A relaxing Sunday, watching movie together from distance, with Dương Vì Phát)