Có lẽ, cuộc sống càng hiện đại thì tết không còn vui nữa có phải không?
Với tôi, tết là cả một miền ký ức để mà nhớ.
Tôi xa gia đình từ năm 18 tuổi. Cái tuổi vẫn còn ngây thơ chưa biết cuộc đời là gì. Nhớ cái ngày đậu đại học, ba mẹ tiễn ra xe để vào thành phố, ngồi trên xe nhìn theo ba mẹ đứng vẫy tay mà nước mắt ướt hết cả áo. Không dám để lộ sự yếu đuối của mình nên lấy chiếc chăn trên xe che mặt lại.
Rồi từ đó, mỗi năm đều mong đến Tết để được về lại bên gia đình, nghe lại tiếng cười nói rổn rảng, nhắc lại những kỉ niệm thời ấu thơ.
Tết trong tôi là những ngày se lạnh, tất bật dọn dẹp trang trí nhà cửa. Những ngày giáp tết, mẹ tôi đi chợ hầu như ngày nào cũng xách một giỏ trĩu nặng về. Khoảng 24, 25 tết là ngày cả nhà tụ tập gói bánh chưng bánh tét. Hồi ông ngoại còn sống, ông chỉ tôi xếp từng cái lá, nặn nhân và biết cách vuốt sợi dây lạc để cột cái bánh chặt hơn. Trong nhà còn thi đua nhau xem ai gói đẹp nhất. Trẻ con thì đứa nào cũng đòi một cái bánh tét có dấu tích của mình. Mỗi người gói xong một chiếc bánh thì lấy dây buộc làm dấu để sau này nấu xong ăn xem có ngon không.
Ngày 30 tết là ngày tất bật nhất. Người lớn thì lo chuẩn bị phong bao lì xì, cắm hoa trong nhà, thu dọn lần cuối những thứ ngổn ngang, ủi quần áo tinh tươm sẵn sàng cho ngày mùng một mặc đi chúc tết, chuẩn bị sẵn bánh mứt, làm một mâm cỗ cuối năm… Tôi lấy làm lạ phong tục Việt Nam, tại sao càng hiện đại mà người ta vẫn tất bật đến tận 30 tết. Có lẽ điều đó mới làm nên tết chăng.
Ừ, có lẽ vậy. Năm nào cũng bảo rằng, thôi tết năm sau mình chuẩn bị đơn giản gọn lẹ thôi. Nhưng mà vẫn cứ thế, cái tất bật, cái bận rộn, cái nhốn nháo lao xao mới làm nên Tết.
Những ngày trong tết là những ngày để quây quần bên nhau. Ngày thì dành cho gia đình, ngày thì dành cho bà con, ngày thì dành cho bè bạn. Có thể vì những cuộc nhậu nhẹt say sưa đã làm cái Tết trở nên vô vị, và rồi người ta muốn bỏ Tết. Nhưng Tết đâu phải là thời gian như thế. Tết là dịp để những người xa nhau được về lại bên nhau, những người mà trong năm không có dịp gặp gỡ thì nay gặp lại hàn huyên, dành cho nhau những lời chúc và ước mơ cho năm mới. Tết là dịp để bày tỏ yêu thương. Nếu ta tận hưởng một cái Tết đúng nghĩa như thế, nếu bạn là người xa quê như tôi, thì có sống thêm vài chục năm nữa, Tết vẫn thân thương như thế mà.
Khi ông ngoại tôi mất, gia đình đón một cái tết thật buồn. Cứ thế, thời gian trôi đi, cuộc sống thay đổi, có những người trong gia đình đôi khi không có mặt trong ngày tết. Tự nhiên càng ngày chỉ càng mong ước đơn sơ rằng, năm nào cũng được tụ họp đủ mặt trong ngày Tết, Tết nào cũng thấy cha mẹ gia đình mình khỏe mạnh yên vui là hạnh phúc rồi. Đôi khi Tết là chỉ vậy thôi, là sự đủ đầy.
Nếu không còn tết nữa, bạn có buồn không?