Tản mạn về lì xì ngày Tết

Viết bởi Cô Đào vào 2022-02-04
Chủ đề:

Untitled.png

Bài viết này mang theo những câu chuyện và quan điểm cá nhân nên có thể không phù hợp với đa số, xin không nhận những bình luận mỉa mai tiêu cực.

Mình đã trải qua 32 cái tết, kể từ thuở còn nhỏ xíu chẳng biết tiền là gì cho đến lúc hiểu được giá trị của tiền, cần tiền và quý tiền như bây giờ. Nếu ai đó nói rằng: trẻ nhỏ đứa nào chẳng thích lì xì, mình nghĩ đó chỉ là thiên kiến của họ mà thôi. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn nguồn gốc và ý nghĩa của lì xì, trên mạng có vô số bài viết để chúng ta tìm đọc, ví dụ như bài này mình lấy từ trang laodong.vn.

Tục lệ lì xì đầu năm mới đã có từ thời xa xưa, xuất xứ từ Trung Quốc. Tương truyền, có một con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình.

Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng cũng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ phải bỏ chạy.

Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh và hành động đó chính là lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.

Và phong tục này lan sang các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc như Việt Nam và các nước Đông Nam Á:

Theo phong tục của người Việt cứ vào sáng mùng Một Tết, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để dùng cơm và chúc nhau những lời chúc tốt đẹp, sau đó cùng nhau đi đến từng gia đình để chúc Tết.

Trong ngày này bố mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu chúc thọ bố mẹ, ông bà, bạn bè, những người thân thiết mừng tuổi cho nhau.

Khi con cháu họ hàng cũng như con cháu bạn bè, nếu còn nhỏ tuổi, đến nhà đều được chủ nhà cho tiền mừng tuổi, nhiều ít tùy tình tuỳ cảnh. Ngược lại, khách cũng mừng tuổi cho con cháu còn nhỏ của chủ nhà.

Mình còn nhớ lúc nhỏ, vào mỗi dịp Tết có khách đến nhà chơi, mẹ mình chỉ cho mình ra chào hỏi rồi vào phòng chứ không đứng chườn mặt ra đó chờ lì xì, vì đối với mẹ, con nhà có giáo dục thì không nên làm những việc thiếu tinh tế như vậy. Tuy rằng sau đó các vị khách của ba mẹ mình đều kêu chúng mình ra để họ lì xì may mắn đầu năm mới. Bởi trong quan điểm của những người lớn, lì xì để mang đến niềm vui cho trẻ con, để duy trì mối quan hệ thân ái giữa đôi bên gia đình và cũng là đem đến phước lành cho chính họ nữa. Với quan điểm như vậy nên cứ nhà nào có trẻ nhỏ thì chắc chắn sẽ được lì xì. Khi đó mình cũng không mở bao lì xì ra ngay trước mặt khách mà sẽ đem vào và gửi cho mẹ (như một điều tất nhiên). Gia đình mình khi ấy cũng khó khăn nên chị em chúng mình không giữ tiền lì xì để tiêu riêng mà đều gửi lại cho ba mẹ, cũng không có tư tưởng sẽ đòi lại vào một ngày nào đó (như cư dân mạng ngày nay hay đùa cợt nhau).

Khi đã lớn hơn, tức là vào những năm cấp 3 hay đại học, mình đã hiểu hơn giá trị của tiền bạc và cần tiền tiêu vặt, nhưng cũng theo thói quen tụi mình vẫn gửi lại tiền lì xì cho ba mẹ, vì mình hiểu ba mẹ cũng phải chi ra một khoản tương tự để lì xì đáp lễ. Tất nhiên, ba mẹ cũng cho tụi mình tiền tiêu vặt sau đó.

Trẻ con có mong ngóng tiền lì xì hay không, theo mình thực ra đều do định hướng giáo dục của gia đình. Nếu một đứa trẻ có cha mẹ giáo dục kỹ lưỡng, chúng sẽ biết rằng chúng không nên đánh giá, bình luận về số tiền nhận được bên trong chiếc phong bì đỏ may mắn ấy. Dù có là bao nhiêu cũng đáng quý cả. Và tất nhiên, lịch sự nhất vẫn không nên mở bao lì xì ngay trước mặt người đã lì xì cho mình. Còn trẻ con ở một gia đình tinh tế hơn thì càng không nên có thái độ nhắc nhở hối thúc người khác phải trao lì xì. Và khi được nhận lì xì nên tỏ một thái độ vui mừng, cảm ơn và đáp lại bằng những câu chúc tết ý nghĩa chứ không chỉ quan tâm đến bao lì xì mà chụp giựt như một kẻ háu đói.

Trên đây chỉ là quan điểm riêng của mình vì từ nhỏ mình đã được dạy như thế, và mình cũng nghĩ đó là điều nên làm. Mình quan sát thấy những đứa trẻ từ 4 đến 10 tuổi là độ tuổi chỉ biết ăn học, mọi thứ liên quan đến tiền bạc đều được ba mẹ lo lắng, khi nhận được lì xì, nếu một đứa trẻ có chừng mực sẽ biết cảm ơn và không thực sự quan tâm đến mệnh giá bên trong. Cũng sẽ có những đứa trẻ con nhà làm ăn nên chúng đã biết đến tiền từ sớm, hiểu giá trị đồng tiền và cũng rất quý tiền. Tuy nhiên thái độ đúng đắn khi nhận được lì xì, đối với mình, vẫn là một thái độ đúng mực, trân trọng nhưng không quá khích, biết ơn mà không dè bĩu phân biệt đối với từng mệnh giá khác nhau.

Đó là nói về trẻ con. Còn đối với người trưởng thành, đã đi làm kiếm được tiền thì càng phải hiểu các quy tắc ứng xử cơ bản. Vậy mà có nhiều bạn trẻ đã tự lo được cho bản thân mà vẫn rất trông ngóng tiền lì xì. Mình biết đó là tâm lý háo hức nói chung. Ai mà chẳng thích có quà. Tuy nhiên khi đã hết tuổi trẻ con, thì có quà hay không có quà cũng chỉ làm tăng giảm niềm vui của chúng ta đôi chút chứ không thể vì chuyện đó mà chúng ta có cách cư xử không đúng mực, như nằng nặc đòi cho bằng được, hoặc tìm cách gợi ý, mỉa mai, bình luận về tiền lì xì của người khác cứ như tiền lì xì đó sánh ngang với nhân phẩm của họ vậy.

Tiền lì xì là điều may mắn mà người khác trao tặng với tấm lòng chân thành, đúng nghĩa là một món quà dành cho đầu năm mới mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là vật chất. Con cháu trao lì xì cho cha mẹ, ông bà với ý nghĩa gửi gắm những điều may mắn, thuận lợi, những lời chúc từ đáy lòng mình đến bậc sinh thành. Cha mẹ, người lớn tuổi hơn trao cho người nhỏ tuổi hơn với mong muốn gửi đến nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Nếu yêu thương nhau thì chúng ta đã thể hiện trong suốt một năm dài chứ không cứ phải đợi đến Tết để thể hiện. Nếu đong đếm tình yêu mến nhau dựa trên giá trị của những phong bao lì xì, thì hoá ra những người có điều kiện tài chính hơn mới là những người yêu thương người khác nhiều hơn hay sao?

Tết này mình lì xì cho những đứa trẻ nhỏ xíu trong gia đình mình mới nhận ra rằng, trẻ con chúng rất hồn nhiên và ngây thơ, chúng không mong cầu một tờ tiền có mệnh giá lớn, chúng thích bao lì xì thì đúng là cái bao lì xì đỏ đỏ thật sự. Chúng nhận lì xì và chúng cười tít mắt, chúng cảm ơn, rồi sau đó chúng giữ khư khư cái bao lì xì đỏ ấy, dù cái ruột bên trong đã bị ba mẹ rút ra mất tiêu rồi. Đó mới là niềm vui đích thực của trẻ con mà nhiều người lớn chúng ta đã đánh mất. Chúng ta đánh mất sự đơn sơ ấy kể từ khi chúng ta biết mưu cầu tiền bạc, biết mưu cầu lợi ích và chỉ nhìn nhận nhau qua giá trị vật chất, quên đi giá trị tinh thần.

Mình viết những dòng này không phải để lên án hay chỉ trích ai, mà mình mong rằng mỗi dịp tết về, dù cuộc đời có bĩ cực thái lai như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau giữ một tâm hồn đơn sơ để chúc phúc cho nhau, dù có hay không có lì xì.