Áo mới
Bao lâu rồi ba chưa mua cho bản thân ba tấm áo mới nào nhỉ? Cũng phải gần 5 năm rồi đấy, từ lúc ba phát bệnh nhồi máu cơ tim vào khoảng tháng 12/2014. Trước đó, khi ba còn mạnh khỏe, mỗi năm ba cũng chỉ ra chợ Soái Kình Lâm mua vải, rồi ra tiệm may quen, gần nhà, ba đặt may đôi ba bộ quần tây, áo sơ mi, và cũng không quên may thêm vài bộ cho tôi nữa.
Ba thuộc kiểu thường thấy ở những ông bố thế hệ chúng tôi, cần cù, chịu khó và luôn nghĩ đến và hy sinh hết cho gia đình, con cái. Còn tôi thì ngược lại, ngoài một số tính cách được thừa hưởng từ ba như tính cách hướng nội, coi trọng bạn bè ra thì tôi khác ba lắm, tôi ít khi nghĩ đến gia đình rồi không tiếc tiêu tiền cho bản thân: Ăn uống, các cuộc tụ tập, du lịch, các món đồ công nghệ, những khóa học ngắn hạn, dài hạn, mua sắm nữa, tuy ít thôi, nhưng quần áo, giày dép thì tôi không thiếu.
Rồi Ba bệnh, không còn sức lao động nữa, từ một người to khỏe, sau cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh thì sút cân rất nhiều, còn ốm hơn cả tôi. Cơn nhồi máu cơ tim cũng làm não bị thiếu dưỡng khí, nên đâm ra, một vùng trí nhớ của ba bị tổn thương, ba hay quên nhưng vẫn nhớ.
Nhưng ba được nghỉ ngơi. Hàng chục năm trời, vì để nuôi sống gia đình này, ba làm việc quần quật, không ngừng nghỉ, ngày nắng cũng như ngày mưa, từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi năm, ba chỉ nghỉ vào dịp tết, khi ngoài chợ, chẳng còn ai bán nữa, cũng chẳng có khách mua.
Khi gia đình chúng tôi đã quen dần với cuộc sống thì.
Má bệnh.
Một năm sau, má mất.
Đám tang má, ba nhớ nhớ quên quên.
Ngày thứ nhất, ba thức dậy, từ trên lầu bước xuống, nhìn cỗ quan giữa nhà, ba hỏi: “Ai đây?”.
Ngày thứ hai, ba thức dậy, vẫn hỏi: “Ai đây?” - Tôi nghe mà xót quá, ba không nhớ hay vì nỗi đau đó quá lớn nên không chấp nhận nỗi.
…
Trong suốt những năm ấy, tôi không nghĩ gì đến việc mua áo mới cho ba, mặc dù tôi vẫn tiếp tục tiêu tiền cho bản thân. Mua này, mua nọ.
Rồi tôi sang Nhật làm việc, chỉ để có những trải nghiệm mới. Để ba lại cho em gái chăm sóc.
Rồi tôi quen và yêu một cô gái, rồi tôi với cô gái ấy đã bàn nhau là độ tết này về Việt Nam, nhất định phải mua vải may cho ba một bộ đồ thiệt oách, định là năm sau để hai bên gia đình gặp nhau và làm quen.
Nhưng ba tôi không đợi được.
Ba mất, đột ngột, oan ức.
Tôi bay ngay về Việt Nam.
Gặp ba ở phòng chờ mổ tử thi. Người cởi trần, mặc độc chiếc quần đùi ba hay mặc.
Tôi vẫn chưa kịp mua áo mới cho ba lúc sinh thời.
Tôi và nàng ra chợ tìm mua một bộ đồ tươm tất để người ta thay cho ba.
Rốt cuộc, chúng tôi ghé An Phước, một hiệu quần áo cũng khá nổi trong đây, khá đắt. Chưa bao giờ ba dám mua cho bản thân mình một bộ đồ với mức giá như vậy, bởi người không dám tiêu tiền trong bản thân, bởi người sinh ra, lớn lên trong nghèo khó, hiểu được đồng tiền là mồ hôi, là nước mắt.
Tôi đã mua cho ba. Áo mới, tấm áo sẽ theo ba, mãi mãi.
Tôi…
Giày cũ
Đám tang người Hoa khá nhiều lễ nghi và tập tục. Trong đó, việc đưa vào cỗ quan của người mất những vật dụng cá nhân thường ngày của họ như quần áo, giày dép mà lúc còn sống, họ hay dùng. Tôi nhìn những tấm áo, đôi giày của ba thì không khỏi bùi ngùi. Vì đó toàn là của tôi ngày trước cả. Những năm gần đây, ba không có đồ mới nữa, mà quần tây, áo sơ mi ba mặc đều là dùng lại của tôi cả, bởi tôi cả thèm chóng chán nên nhiều món đồ tuy còn mới mà đã không muốn dùng đến nữa. Đôi giày Long Thành đấy cũng vậy, tính ra đôi giày đó cũng được 8~9 năm rồi đấy nhỉ? Dạo đấy, tôi mới đi làm được một thời gian, rồi cũng được mời dự đám cưới đồng nghiệp, tiệc công ty này nọ. Thế là tôi bỏ hơn 500.000 ngàn, con số cũng không ít thời điểm đó (nếu so với thu nhập của tôi lúc ấy), mua đôi giày da Long Thành ở cửa hàng gần chợ Lớn. Nhưng rồi, cũng mặc chẳng được mấy khi, tôi đã đổi sang một đôi giày lười, rồi sau này là nhiều đôi giày thể thao khác nữa. Đôi sau luôn mắc hơn đôi trước.
Còn ba thì…
Đôi giày bền và còn mới đến thế kia nhỉ? Tôi không nghĩ là tôi có thể dùng một món đồ lâu đến chừng ấy năm như ba tôi vậy. Tôi không nghĩ là tôi có thể hy sinh cho gia đình nhiều như ba vậy… Có phải vì tôi tiêu xài quá hoang phí nên tôi xứng nhận lấy nỗi mất mát này?
Tôi…