Trong tài chính cá nhân, một trong các khái niệm cơ bản cần nằm và phân biệt là Tài sản (Asset) và Tiêu sản (Liability), bạn không thể thành công về mặt tài chính, nếu như sở hữu quá nhiều tiêu sản thay vì tài sản. Mình lần đầu biết đến hai khái niệm này từ lúc đọc quyển Cha Giàu, Cha Nghèo của Robert Kiyosaki hồi 5 hay 6 năm trước. Dù quyển sách này với các kiến thức như Tài sản/Tiêu sản, Kim tứ đồ khi ấy cũng truyền cảm hứng cho mình, nhưng thú thật là mãi đến năm ngoái (2020), mình mới thực sự thay đổi tư duy tài chính và thói quen tiết kiệm/kiếm tiền/đầu tư/chi tiêu của mình. Mình nhận ra là những gì mình đã đọc nhiều năm trước là sự tích lũy dần và rồi một cái duyên nào đó (ví dụ như là dịch COVID, khủng hoảng kinh tế hay kế hoạch lập gia đình chẳng hạn)sẽ giúp mình “ngộ” và thực sự thay đổi. Theo Robert Kiyosaki, thì:
- Tài sản là những gì bạn bỏ tiền ra để sở hữu chúng, sau đó chúng mang tiền cho lại vào trong túi của bạn, và trong tương lai chúng sẽ giúp tiền của bạn sinh lời so với số mà bạn đã bỏ ra ban đầu.
- Tiêu sản là những gì bạn bỏ tiền để sở hữu chúng, sau đó bạn lại phải tiếp tục bỏ tiền ra để “nuôi” hoặc duy trì chúng.
- Người có tư duy giàu có thường mua và sở hữu nhiều tài sản nhằm đem lại nhiều giá trị tương lai cho mình (Tiền mặt, doanh nghiệp, chứng khoán, Bất động sản đầu tư/cho thuê, đầu tư tài chính, …).
“Người giàu mua tài sản, người trung lưu mua tiêu sản mà họ nghĩ là tài sản, người nghèo chỉ toàn chi phí” – Robert Kiyosaki
Lý thuyết thì đơn giản vậy thôi, nhưng lại rất dễ nhầm lẫn nếu không hiểu qua các ví dụ thực tế. Bởi lẽ có nhiều thứ bạn tưởng nó là tài sản nhưng thực ra lại là tiêu sản và ngược lại. Cũng có những thứ vừa là tài sản vừa là tiêu sản. Ví dụ như nhiều người hay cho rằng ngôi nhà là tài sản, thực ra theo cách nhìn của mình thì nó lại là tiêu sản. Nếu không kể chi phí điện, nước, internet… hàng tháng vì đó thuộc về nhóm chi phí sinh hoạt cơ bản thì còn có phí quản lý (nếu là căn hộ chung cư), ngôi nhà của bạn cũng sẽ hỏng hóc và hao mòn theo thời gian, đòi hỏi bạn phải bỏ chi phí ra sửa chữa và duy trì nó. Tuy nhiên, trong khi ngôi nhà của bạn là tiêu sản thì miếng đất mà ngôi nhà của bạn đang nằm trên đó lại là tài sản, bởi vì giá của nó, có thể tăng lên theo thời gian (trong bối cảnh bất động sản Việt Nam trong 10-20 năm qua cũng như trong 10-20 năm tới). Vì vậy, mình không phản đối việc nhiều người trẻ đều cố gắng tích cóp, thậm chi vay nợ để sở hữu một ngôi nhà cho mình và gia đình nhỏ của mình nhưng bạn cần phải biết phân biệt cái gì là tài sản, cái gì là tiêu sản để cân đối sao cho hài hòa: chi nhiều hơn cho tài sản, chi ít hơn cho tiêu sản.
Còn những thứ có thể vừa coi là tài sản vừa coi là tiêu sản thì sao? Ví dụ như xe cộ, máy tính, điện thoại đắt tiền, … Một chiếc xe hơi mua về để cho thuê hoặc chạy hợp đồng sau khi trừ chi phí, khấu hao, thuế mà tạo ra dòng tiền dương, thì hai năm rõ mười là tài sản rồi. Nhưng một chiếc xe hơi mua về để phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc gia đình thì có thể coi là tiêu sản không? Với mình, mình coi nó là một phương tiện hay công cụ, bởi vì nó đáp ứng nhu cầu chính đáng của mình và gia đình, đem lại nhiều giá trị vô hình khác như sự tiện lợi, thoải mái khi di chuyển, những giây phút vui vẻ khi rong ruổi cuối tuần cùng cả nhà… Và mình thấy nó đáng giá, vậy là đủ. Tuy nhiên, suy nghĩ này không áp dụng với những chiếc xe thứ 2, thứ 3,… bởi sự thừa mứa phần lớn là lãng phí. Thêm một ví dụ thực tế nữa về quan điểm của mình về tài sản và tiêu sản: tháng rồi, tụi mình vừa mua một chiếc Macbook Air M1 mới, người yêu của mình đắn đo suốt một thời gian dài do ngại nó sẽ là tiêu sản, vì dù sao thì máy tính cũ của cô ấy tuy đã 5 năm tuổi nhưng vẫn còn dùng tốt. Còn mình, mình nghĩ là với 5 năm thì một máy tính có thể coi là khấu hao trọn vẹn rồi, và vì nó vẫn chưa hỏng hóc gì nên tụi mình hoàn toàn có thể tặng cho ai đó thực sự cần. Chiếc Macbook Air mới có cấu hình tốt hơn, sẽ phù hợp cho nhu cầu viết lách và học tập của người yêu, còn pin thì đủ lâu để thi thoảng tụi mình lại xách máy tính ra cà phê hay góc vườn nào đó để sáng tạo hàng giờ liền. Mình tin là nó sẽ còn đủ tốt cho 5 năm tiếp theo, và nhờ nó, người yêu mình có thể tạo ra nhiều giá trị hơn.