Mười một giờ đêm. Đầu óc còn quá tỉnh táo để vào giấc ngủ. Mắt mình cứ nhìn vào những ánh sáng le lói trong căn phòng và miên man suy nghĩ. Thấy mình trằn trọc, Eddie vỗ về rồi cũng thức theo. Vậy là cuộc hội thoại giữa những con người luôn trăn trở bắt đầu.
(À mà có lẽ chỉ mỗi mình trăn trở, Eddie thì luôn biết con đường mà anh phải đi như thế nào nên anh đã thôi trăn trở từ lâu rồi. Anh trở thành mentor cho một đứa hay mông lung như mình).
- Vy: Em thực sự thấy nghề UX/UI có tiềm năng trong tương lai, dễ kiếm việc và có thể làm freelance rất tiện để mình có thể sống bất cứ đâu mà vẫn làm việc được. Nhưng em chưa thấy thích thực sự. Học những bài vỡ lòng đầu tiên của Google mà em thấy còn mông lung lắm, chưa biết mình có thực sự thích nó hay không. Nhưng nếu bây giờ không thay đổi thì biết bao giờ mới có thể ổn định…
- Eddie: “Em đừng lựa chọn theo xu thế xã hội, đừng lựa chọn vì cảm thấy nó tiềm năng hay là một nghề hot, một nghề kiếm nhiều tiền. Anh nghĩ vấn đề là phải biết đặt câu hỏi. Thay vì: Em theo nghề đó được không? Thì phải là: Em có thích nó không. Em có giỏi nó không?
Vì nếu em lựa chọn một thứ đang là xu hướng, sau này nó cũng sẽ thoái trào. Hơn nữa mình chỉ nhìn thấy kết quả của những người khác, mình không biết họ phải trải qua những gì, và bản thân mình có dám trải qua những điều đó hay không.”
- Vy: “Vậy thực ra em chưa hiểu gì về UX/UI cả. Em chỉ cảm thấy mình cần thay đổi ngay thời điểm này, và cần phải chọn một công việc gì đó có tương lai hơn.”
- Eddie: “Quá trình em học hỏi tích luỹ là nền tảng để em lựa chọn. Hôm trước em nói muốn học MBA là vì bản thân em đã trải qua nhiều công việc, hiểu được cách vận hành nội bộ công ty như thế nào, sau này em muốn làm ở các vị trí quản lý vậy thì cũng nên học MBA cho biết tổng quan. Sau đó đào sâu hơn và trong quá trình làm việc, thiếu chỗ nào mình học thêm chỗ đó.”
- Vy: “Ừ anh nói đúng. Bản thân em muốn làm một điều gì đó vừa có ý nghĩa, vừa đem lại thu nhập. Chứ không hẳn phải chạy theo xu hướng xã hội. Nhưng trong lòng em vẫn chưa thực sự hạnh phúc với nghề nghiệp mình chọn.
Em thấy là, khi còn trẻ, tụi mình chẳng được định hướng nên chọn ngành gì, nghề gì, chưa đủ hiểu bản thân mình để đưa ra quyết định đúng đắn. Ngày em thi đại học, một nửa lớp em đều chọn ngành tài chính ngân hàng vì khi ấy đó là ngành hot, ai cũng tưởng tượng về việc tốt nghiệp xong sẽ kiếm bộn tiền. Thời điểm đó trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, trước khi các bong bóng bắt đầu vỡ, nên mọi người còn rất hưng phấn, ngành tài chính lúc ấy rất rất hot luôn. Nhưng sau đó, có ai ngờ, 4 năm sau ra trường thì ngân hàng giảm biên chế, cắt giảm lao động rất nhiều sau cuộc khủng hoảng 2008. Những bạn học ngành ngân hàng ngày đó ra trường rồi cũng đi làm đủ các công việc khác nhau, không như trong tưởng tượng của họ 4 năm về trước.”
- Eddie: “Mơ ước là một chuyện, nhưng vấn đề là người ta có kiên trì theo đuổi nó hay không. Vẫn có nhiều người yêu thích học tài chính và đi theo nó đến cùng, bây giờ họ đã trở thành chuyên gia tài chính và phát triển thành công trong giai đoạn này, phải rèn luyện và chờ đợi biết bao năm mới được.
Nên vấn đề là, mình có thực sự thích điều đó hay không.
Nếu mình thực sự thích, thì bất kể nó có đang là xu hướng hay nó là một thứ vô danh chẳng ai biết đến, mình vẫn làm.”
- Vy: “Cũng có những người, khi thấy mọi thứ trở thành xu hướng thì họ sợ. Sợ có nhiều cạnh tranh, sợ nó quá hot thì đến lúc thoái trào mình sẽ không được cơm cháo gì cả, sợ mình sẽ lãng phí thời gian. Vậy thì sao, anh?
Như em, em cũng khá sợ hãi khi tiếp cận những kiến thức về UX/UI, khi vào các group em thấy người ta bắt đầu đi theo nghề này nhiều hơn. Và cũng rất nhiều người giỏi trong nghề này, đã có số má rồi, làm sao mình theo kịp họ?”
- Eddie: “Cũng chính vì nỗi sợ mà nhiều người không làm được gì. Có thể điều mà em thích cũng là điều mà nhiều người khác cũng thích. Càng nhiều người theo đuổi thì con đường đó càng mở rộng, cũng càng nhiều cạnh tranh, và gây ra nhiều khó khăn cho em. Ai cũng nhắm đến cái đích cuối cùng là sự thành công, là tiền bạc và mọi người cùng đua nhau chạy đến đích. Nhưng sẽ có những người cảm thấy quá khó và bỏ cuộc giữa chừng. Lúc này em phải tự hỏi bản thân: mình có thực sự muốn làm nó không?
Mọi công việc đều như vậy, sẽ có những lúc chán nản, khô khan, lặp đi lặp lại, có những cái khó giải hoài không ra. Mình cứ nhìn vào thành quả sáng lạn của người khác mà tưởng con đường này dễ dàng thì không phải đâu. Mà thực ra không nên nhìn vào thành công và những kết quả ngọt ngào để chọn lựa nghề nghiệp. Phải biết rằng trong đó có những ngày tháng vùi đầu nghiên cứu đến mệt mỏi, và cũng có những lúc mình cảm thấy tuyệt vời như giải được một bài toán khó vậy đó. Và thật ra đam mê chính là kiên trì theo đuổi một thứ đến cùng dù đoạn đường không hề dễ dàng.”
- Vy: “Anh làm em nhớ đến bộ phim mới xem, Twenty One Twenty Five, phim bộ Hàn Quốc đang chiếu trên Netflix á. Tuy phim hơi dài dòng nói về tuổi trẻ, nhưng có đoạn này em tâm đắc. Nói về nhân vật nữ chính, có đam mê đấu kiếm từ nhỏ, và cũng là thần đồng đấu kiếm được phát hiện ra tài năng từ lúc nhỏ. Khi cô bé chiến thắng và giành huy chương vàng, được cả nước tán thưởng và báo chí vây quanh, người hâm mộ yêu quý. Ngất ngây với chiến thắng đầu đời, cô bé đã hỏi bố mình: “Nếu lỡ như mai mốt con không giành được huy chương vàng nữa thì sao, mọi người có khen và yêu quý con không?”. Người bố trả lời: “Con thích đấu kiếm hay thích được khen?” - Cô bé đáp: “Con thích cả hai”. Nhưng người bố từ tốn căn dặn con gái rằng: “Sau này sẽ có những lúc con không đạt chiến thắng như hôm nay nữa, mọi người cũng sẽ lãng quên con. Nhưng con hãy tiếp tục làm điều mình muốn, hãy tiếp tục đấu kiếm. Sau này sẽ có lúc con cảm thấy dậm chân tại chỗ, nhưng con hãy nhớ sự nghiệp của con sẽ như bậc thang vậy. Những lúc con thấy dậm chân tại chỗ là khi mình càng phải quyết tâm để bước lên.”
Cuộc trò chuyện cứ miên man để rồi mình nhận ra, cuộc đời mà mình muốn sống là một cuộc đời không theo đuổi tiền bạc mà để tiền bạc tự tìm đến bằng cách tạo ra nhiều giá trị, làm điều gì đó mình cảm thấy ý nghĩa, tốt cho cộng đồng xã hội. Không phải là một nghề nghiệp được ngưỡng vọng, một nghề nghiệp hái ra tiền hay là đón đầu tương lai. Để đi đúng con đường phù hợp, mình phải tự tìm hiểu bản thân để xem mình muốn gì, mình có thực sự muốn hay không và có đủ kiên trì để theo đuổi nó dù đường gập ghềnh hay không.
Đó là một câu hỏi rất khó, bạn ạ.
Ai tìm ra sớm, đó là người may mắn.