Suy nghĩ linh tinh sáng thứ 6

Viết bởi Cô Đào vào 2019-07-12
Chủ đề:

Untitled.png

Người đời thường nghĩ, người nghèo thì lo nhiều hơn người giàu.

Không, người nào cũng lo cả. Người giàu thì lo nghĩ, người nghèo thì lo sợ.

Sống ở đời, không lo không được.

Mình mới lướt đọc những bài viết của một chị hot facbook, thuộc kiểu influencer được hàng trăm ngàn người theo dõi. Thấy phong cách sống của chị rất hiện đại, giỏi giang, thành công ngoài xã hội lại chuẩn mẹ hiền vợ đảm, đúng kiểu phụ nữ của thế kỷ 21. Đó là những gì mình thấy qua facebook của chị. Nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn thấy chị có những dòng tự nhắc nhở bản thân và mọi người, để tâm vào những điều quan trọng trong cuộc sống như gia đình, sức khoẻ… vì chị đã từng trải qua bạo bệnh tưởng chết.

Cuộc đời này, người nghèo thì lo cái ăn cái mặc, lo chi phí sinh hoạt hàng ngày, lo cho đủ thôi là mừng, còn dư dả thì mới nghĩ đến bảo vệ sức khoẻ, hoặc đợi nước đến chân rồi mới nhảy. Người khá giả thì lo cho những thứ đó chất lượng hơn và cân bằng hơn. Người giàu thì họ chẳng còn lo nghĩ cho chất lượng cuộc sống phổ thông nữa, mà quan tâm đến sức khoẻ để sống lâu hơn, để được ở lại với những người mình yêu thương, những điều mình yêu thích lâu hơn. Tựu trung lại thì ai cũng phải lo, cứ sống là phải lo.

Hẳn có người sẽ hỏi: không lo được không?

Có những người đã rèn luyện và trải qua nhiều chuyện, họ tập được cho mình lối sống an nhiên, bình thản. Họ xem cuộc đời như một trạm dừng của cõi nhân sinh, họ tin vào đời sau, họ tin vào thiên đàng địa ngục, họ tin vào số mệnh. Cho nên họ cố gắng sống tốt trong chừng mực cho phép, họ không quá lo nghĩ vì họ tin mọi thứ xảy ra đều có nguyên do. Không lo, cũng được. Nhưng khi mọi sự xảy đến theo đúng nhân duyên, quy luật của vũ trụ, của tạo hoá, bạn phải bình tâm đón nhận.

Riêng với bản thân mình, mình cảm thấy, càng lo nghĩ thì đó lại càng là điểm yếu. Chúng ta chỉ cần biết: mình cần gì, cần bao nhiêu là đủ, và khả năng của mình lo được bao nhiêu là đủ. Mình trải qua một vài chuyện, và nhận ra mình càng lo nghĩ cho điều gì đó, mình càng dễ bị lợi dụng, bị dẫn dắt vì chuyện đó, để rồi bị nó chi phối và không cân bằng được cuộc sống. Ví dụ nếu bạn quá lo lắng về công việc, lo nghĩ về việc thăng chức, tăng lương… thì ngược lại bạn càng bị bấp bênh và trục trặc trong công việc. Nếu bạn quá lo lắng về các mối quan hệ, thì các mối quan hệ lại không đi đúng hướng mong đợi. Nếu bạn quá lo lắng về sức khoẻ, luôn suy nghĩ phải làm cách nào đó để ăn được đồ tốt, không hoá chất… biết đâu lại gặp phải người gian dối lừa lọc bán cho bạn những thứ không tốt. Nếu bạn quá lo lắng về tài chính thì sẽ gặp những người bán bảo hiểm làm cho bạn phân tâm và không đưa ra được lựa chọn sáng suốt… Tóm lại, nếu quá lo lắng, thì lại càng dễ bị kích động, bị nôn nóng, bị sai lầm.

Lo lắng, ở một mức độ nào đó thì cần thiết. Nó tạo động lực cho bạn hoạch định về tương lai, nó tạo động lực cho bạn sống tốt mỗi ngày.

Mình đọc nhiều thứ và theo dõi nhiều người có tầm ảnh hưởng đến người khác, thì nhận ra sự lo lắng có tính lây lan. Nhất là những người có sức ảnh hưởng lên người khác (influencer), mọi suy nghĩ của họ khi được viết ra, đều tác động làm người khác thay đổi hành vi. Đó là ưu điểm của họ, tuy nhiên cũng là điểm không tốt của họ. Vì nếu những người không có chính kiến, sẽ dễ bị họ dẫn dắt, nhìn vào những dòng chữ có vẻ mang tính tích cực, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng ẩn bên dưới thật ra làm cho người ta lo lắng hơn, bất an hơn. Bất an và lo lắng vì không thể sống được như họ, không có được cuộc sống chất lượng như họ. Mà nếu sống được như vậy, thì vẫn sẽ tiếp tục theo dõi họ và nhận ra mình vẫn còn nhiều nỗi lo khác nữa…

Vậy nên, việc bạn biết mình là ai, mình cần gì, quan trọng hơn việc bạn được phân loại như thế nào trong xã hội loài người. Vì bạn là ai thì bạn vẫn phải lo nghĩ, phải suy tư. Nhưng nếu bạn biết mình là ai, thì những lo nghĩ suy tư ấy thuộc về chính bạn, mà không bị bất cứ ai, bất cứ điều gì chi phối cả.