Rồi sẽ qua

Viết bởi Cô Đào vào 2021-08-22
Chủ đề:

Untitled.png

Chiều nay mình đứng trên ban công tưới cây rồi dòm xuống con hẻm trước nhà. Một cô chạy xe đạp chở hàng từ ngoài đầu hẻm rồi dừng lại ở nhà phía đối diện để giao những thực phẩm đã được đặt trước. Tiện thể cô hỏi xem những nhà xung quanh có ai cần mua gì không, cô sẽ giao ngay trong chiều hôm nay, trước giờ G. Những tiếng hỏi han xôn xao, người thì đặt mua món này, món nọ, người thì hỏi thăm nhau đã chuẩn bị đủ lương nhu chưa. Mọi người vẫn đứng trong nhà, thông qua những hàng rào sắt để trò chuyện. Mình thấy nhà sát bên cạnh nhà mình, người vợ dặn dò chồng chạy đi mua thêm vài thứ. Giọng ai đó vang lên: cứ như chuẩn bị để ăn tết, có điều nhà ai nấy ở, chẳng tụ tập uống bia như tết được.

Mình chạy xuống nhà dưới, bật bài “Sài Gòn đẹp lắm” lên nghe cho có tâm trạng. Dạo gần đây mình không hiểu rõ tâm trạng của mình là gì. Lúc thì buồn bực, lúc lại hoang mang, có lúc lại an tĩnh, tự tại, và có những lúc vui vẻ tích cực. Nhưng rồi tất cả những cảm xúc cứ trộn đều với nhau và chảy theo dòng chảy của đại dịch Covid. Đây là lần đầu tiên trong hơn 30 năm cuộc đời, mình sống trong một biến cố dữ dội của toàn thế giới. Mình nghe ba mẹ, ông bà kể về thời chiến xưa kia, nhưng rồi cũng chẳng thể mường tượng được sự cơ cực, khó khăn, bi thương của giai đoạn đó như thế nào, cho dù mình đã xem qua nhiều phim ảnh tài liệu về nó.

Ngày mai, lại là một giai đoạn mới của công cuộc chống dịch tại Sài Gòn. Từ cuối tháng 5 đến nay đã có rất nhiều chỉ thị được ban bố. Nào là chỉ thị 15, chỉ thị 16, chỉ thị 12, rồi chỉ thị 16 siết chặt (mà dân tình hay nói vui là 16 plus16 pro max). Ở mỗi giai đoạn, dù mình có cố trấn tĩnh thế nào thì cảm xúc cũng bị chi phối bởi những thông tin, những bài báo và hình ảnh về người dân sinh sống ở Sài Gòn. Nhiều lần mình nằm xem những video trên mạng mà khóc rưng rức. Nhiều lần khác, mình buông câu chửi thề. Cũng nhiều lần, mình quá mệt và quyết định nghỉ không xem tin tức nữa. Nhưng sau cùng sự quan tâm của mình đối với đại cuộc vẫn không thể dừng lại. Chỉ có điều ngày ngày trôi qua, mình học cách trấn tĩnh bản thân và tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát được mà thôi. Những gì vượt ngoài sự kiểm soát của bản thân thì chỉ đọc và xem cho biết.

Vậy là đã trải qua gần 3 tháng bị giam chân trong nhà. Cuối tháng 5, mình vừa dọn về ở với chồng mình bên Tân Phú. Niềm háo hức mong đợi được khám phá nơi sống mới và tưởng tượng về hành trình từ nhà đến công ty xa hơn, kẹt xe khói bụi hơn chưa kịp diễn ra thì sếp mình thông báo: mọi người làm việc ở nhà nhé. Thời điểm đó, dịch bệnh bắt đầu bùng phát lác đác ở một vài quận, chỉ Gò Vấp mới áp dụng chỉ thị 16, còn lại đều áp dụng chỉ thị 15 nhẹ hơn. Mình đã nghĩ, không sao, chắc chỉ giãn cách xã hội chừng 2 tuần thôi, và rất vui vẻ trong thời gian đầu làm việc tại nhà.

Chiếc xe đạp mua đầu tháng 7, chạy được đúng 1 tuần thì có lệnh lockdown toàn thành phố

Còn đây là mình tạo dáng với xe đạp trước khi đi mua thực phẩm

Thời gian đầu giãn cách xã hội không quá căng thẳng, mình và chồng còn tranh thủ đi mua thiệt nhiều cây để chăm sóc trong thời gian ở nhà rảnh rỗi. Tụi mình vẫn còn có thể xách xe đi vòng vòng và chở hai con chó đi dạo ở công viên. Đầu tháng 7 tụi mình vừa mua được một chiếc xe đạp để tập thể dục vì ở trong nhà hoài cũng bí bách, thì đùng một cái nghe tin giãn cách xã hội quyết liệt hơn theo chỉ thị 16. Theo chỉ thị này, kể cả muốn đi ra ngoài mua thực phẩm cũng phải đi đúng ngày được quy định trên phiếu. Nhưng ngay chính trong giai đoạn đó, gia đình chồng bàn bạc và khuyên tụi mình tự làm lễ gia tiên theo đúng kế hoạch, để mình được chính thức bước vào nhà chồng. Vậy là cái ngày trước khi áp dụng chỉ thị 16, khi người người đi mua sắm nhu yếu phẩm, thực phẩm để chuẩn bị ở nhà dài hạn, thì tụi mình lại đi mua các lễ vật cho ngày đặc biệt này.

Cái cảm giác hoà lẫn vào dòng người đông đúc để tìm kiếm thứ mình cần mua, vừa nô nức lại vừa lo sợ. Mình biết ai cũng vậy, rất sợ con virus này, rất sợ nhiễm bệnh, rất sợ chết. Nhưng tâm lý con người luôn muốn bản thân có thể làm được điều gì đó một cách chủ động, để cảm thấy mình không bất lực trước đại dịch. Con virus mạnh hơn, hay hệ miễn dịch của họ mạnh hơn, chẳng ai biết được, chỉ thấy rằng những quy định về lockdown khiến họ nhận ra một điều trước mắt: những ngày tháng tới sẽ chẳng có gì mà ăn. Những người cần phải ra đường ngày hôm đó, hẳn là họ phải khoẻ nhất trong nhà mới được cất cử bước ra ngoài đường. Cũng như hai vợ chồng mình, vẫn luôn tin rằng mình có thể chủ động bảo vệ bản thân bằng cách đeo khẩu trang, luôn mang theo nước sát khuẩn, luôn giữ khoảng cách an toàn, và có thể đem về một ít thực phẩm đủ dùng cho 2 tuần giãn cách xã hội.

Lúc chưa lockdown theo chỉ thị 16, mình vẫn còn order bánh về ăn và uống trà thư thái ở ban công

...và vẫn đi chợ mua được ốc bươu về làm món ăn chơi cho 2 vợ chồng

Rồi đợt lockdown mạnh mẽ đầu tiên cũng đến. Tụi mình đã chuẩn bị đầy đủ lương thực. Ba mẹ mình ở quê lo lắng và vì tình hình giá cả ngày một leo thang, nên ba mẹ đã gửi rau củ, thực phẩm đông lạnh cho tụi mình. Nhưng sau 2 lần đi nhận hàng cứu trợ, cảm thấy khó khăn khi cứ nơm nớp lo sợ bị kiểm tra giấy đi đường, nên tụi mình nói ba mẹ đừng gửi nữa.

Mình biết ai cũng trông mong thực hiện hết 15 ngày giãn cách thì mọi thứ sẽ ổn hơn, và ai cũng chịu đựng để chờ đến ngày đó. Nhưng mà ngày đó không đến. Cứ hết 15 ngày này, rồi lại 15 ngày khác trôi qua. Đến giữa tháng 8 thì lại có thông báo một đợt lockdown dữ dội và chặt chẽ hơn sẽ kéo dài cho đến giữa tháng 9. Cứ trước mỗi đợt thông báo chính thức, người dân đã được nghe tin rò rỉ từ đâu chẳng biết, và họ lại đổ xô đi tích trữ lương thực như lần trước đây. Mình tin rằng bản năng sinh tồn khiến cho họ làm vậy chứ không liên quan gì đến ý thức hay dân trí cả. Còn tụi mình thì đã quen dần và luôn đặt mua lương thực đầy ắp tủ trong nhà mỗi khi vơi bớt. Mình cảm thấy hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người. Những khi lướt đọc tin tức, nhìn thấy cảnh rất nhiều người đã bị đẩy đến bước đường cùng, nhiều cảnh thương tâm không làm sao tả nổi, mình và chồng không sao cầm lòng được và đã đóng góp cho một vài quỹ từ thiện đáng tin cậy. Mình nghĩ làm như vậy sẽ giúp tụi mình khuây khoả được phần nào, lòng tụi mình sẽ bình an hơn, yên tâm hơn vì đã chung tay giúp đỡ cho những người khốn khổ hơn. Nhưng những người khốn khổ cứ mọc ra từ đâu không hết. Dịch bệnh càng kéo dài, người khốn khổ lại càng xuất hiện thêm nhiều. Và lòng tụi mình luôn bị xáo động không làm sao yên được.

Hai em chó nhà mình cũng ngồi buồn ngắm mưa rơi...

Đợt gửi đồ cứu trợ thứ 2 từ ba mẹ mình

Hôm 22/7 tụi mình vẫn chuẩn bị được đầy đủ để làm giỗ cho mẹ chồng mình

Mình còn tranh thủ trồng hành từ gốc hành củ

Và đây là cách mà mọi người chỉ nhau trữ hành trong mùa dịch

Sa tế sả ớt - mình làm để trữ ăn lâu vì mấy cây sả nó sắp héo rồi

Cách đây 2-3 ngày, người dân lại nghe tin rằng, quân đội sẽ ra tay, và shipper cũng chẳng còn được đi giao hàng như trước nữa. Cho nên 2 ngày cuối tuần này, người ta lại sốt sắng đi mua sắm tích trữ, những đoàn thiện nguyện cũng đẩy hết công suất để làm cho trọn phần mình trước khi bị chôn chân không thể ra đường, dù công việc của họ có chính đáng đến cỡ nào. Vợ chồng mình cũng không ngoại lệ, cũng tìm đủ cách để mua cho đầy đủ thực phẩm, thuốc men. Nhưng vì cũng vẫn còn từ những lần mua trước, nên đợt này tụi mình không phải mua thêm nhiều.

Sau nhiều lần trải qua đủ các loại tâm trạng, gồm cả lo lắng cho tương lai sự nghiệp của mình phía trước, lo lắng cho sức khoẻ những người thân trong gia đình, buồn bã và bực dọc vì tình hình xã hội, thương xót cho những mảnh đời bất hạnh, thấp thỏm vì những khoản đầu tư, hạnh phúc và biết ơn vì được sống và có đầy đủ hơn rất nhiều người ngoài kia, an vui vì có chồng mình bên cạnh không còn phải yêu xa như trước… rất rất nhiều cung bậc cảm xúc đã xảy ra cùng một lúc trong suốt 3 tháng nay. Đến giờ, khi cả thành phố chuẩn bị đến giai đoạn tiếp theo của công cuộc chống dịch, căng thẳng hơn, sống còn hơn, mình lại bình tĩnh như chưa bao giờ.

Có lẽ, để một người có được sự bình tĩnh cần thiết, phải cho họ trải qua hết thảy những cung bậc cảm xúc và trải nghiệm hết thảy những điều được mất ở đời này. Mình may mắn chưa trải qua những đau khổ tột cùng, những khốn khó, mất mát quá sức chịu đựng như những đồng bào, anh em, hay như chính chồng mình chịu nỗi đau mất ba và mẹ. Mình phải học cách biết ơn nhiều hơn, mà kể cả dù có trải qua những đau khổ mất mát, con người ta vẫn nên học cách biết ơn, để trân trọng hơn sự sống này, để tâm hồn bình thản hơn, như cách mà chủ nghĩa Khắc kỷ khuyên dạy.

Ngày mai, ngày mốt, và có thể còn nhiều ngày dài hơn nữa trong cơn đại dịch này, mong là mọi người bình an. Còn sống, còn khoẻ mạnh, rồi việc gì cũng có thể giải quyết được.

This too shall pass - rồi mọi chuyện cũng sẽ qua.

Viết cho những ngày vô cùng xáo động trong cuộc đời mình.

Một cuốn sổ tay dành để viết những bài thơ đẹp

Untitled.png

Luôn nuôi dưỡng đức tin của mình, hướng đến những điều tốt đẹp giản dị trong cuộc sống

Untitled.png

Và… cười lên một cái nhé!

Untitled.png