Những ngày này làm tôi rất chán. Những ngày này là những ngày để chúng ta nhìn lại cuộc đời. Tôi đã có 30 năm sống đủ cung bậc màu sắc và tôi nghĩ rằng nó đã đủ, thế nhưng, hai tháng trở lại đây tôi mới biết rằng cuộc sống có nhiều điều hơn thế. Những điều mà tôi chưa khám phá, tôi chưa trải nghiệm qua một chút nào, dù chỉ là trong tưởng tượng.
Kể từ sau tết Nguyên Đán, chia tay người yêu sang Nhật làm việc, tôi lại tiếp tục cuộc sống thường nhật của mình, đi làm, chiều về nấu ăn, tập yoga, đọc sách. Nhưng sự bình thường ấy chỉ kéo dài độ một tháng. Cuối tháng Hai, tình hình dịch bệnh được ban bố rộng rãi ở nhiều nước, mức độ báo động cao. Đầu tháng Ba, chị họ tôi qua đời vì u não, nỗi buồn ập đến gia đình một cách quá choáng ngợp. Sau đó gia đình chúng tôi có đứa cháu đầu lòng, con của Tuyết Ngân, một chuyện vui nhưng lại xảy ra trong lúc tâm trạng của chúng tôi không tốt. Thế rồi sau đó tình hình dịch bệnh diễn biến tồi tệ hơn, chính phủ ban khuyến cáo không ra đường, công ty thì cho ở nhà làm việc. Sự buồn chán lan tận vào trong từng thớ thịt của tôi. Tôi cứ nghĩ mình tràn trề năng lượng, và tôi cứ nghĩ mình đang sống thật lành mạnh với những thói quen tốt. Thế nhưng chỉ vài sự kiện đã kéo tâm trạng tôi đi xuống dần dần, từng nấc thang rất nhỏ đến nỗi tôi không biết mình đang đi xuống. Tôi tưởng mình chỉ bị vài cơn mệt rồi sức bật của tôi sẽ giúp tôi hồi phục trở lại, nhưng quả thực là sức bật của tôi còn kém, sự gan lì của tôi quá ít để có thể đối diện với từng ấy sự kiện xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn.
Tôi dễ tổn thương và dễ giận hờn, đến nỗi chỉ một cuộc nói chuyện bâng quơ với người yêu cũng khiến tôi suy nghĩ quá sâu sắc và nổi cơn giận, rồi khóc, rồi nhắn những lời không được vui gửi cho anh trong đêm khuya muộn. Có lẽ đó là kết quả của một sự buồn, và chán, kéo dài. Và lại cũng không biết điểm kết thúc.
Không biết điểm kết thúc. Đó là điều quan trọng. Chúng ta thường nỗ lực sống vì chúng ta biết nó đưa mình đến đâu. Một tên tội phạm có gan phạm tội vì hắn cũng biết kết quả của việc đó là như thế nào, một là hắn thành công mà hai là hắn thất bại phải ngồi tù, hắn cũng biết sẽ có hai đích đến như thế. Trong một cuốn sách tâm lý học, họ nói rằng: việc không biết cuộc đời đi về đâu, kết quả của mọi thứ trong hiện tại sẽ dẫn đến điều gì, việc không có hi vọng, mới là liều thuốc độc giết chết cuộc sống của con người.
Không biết bên chỗ người yêu tôi ở thì thế nào, cảm giác của anh ra sao. Dù anh là một người hướng nội và cũng ít giao tiếp với ai, nhưng chắc chắn rằng dịch bệnh này cũng sẽ ảnh hưởng phần nào lên tâm trạng của anh, khi bắt buộc phải chôn chân ở nhà nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn.
Hình ảnh từ thành phố Osaka, người yêu gửi cho tôi xem
Đôi bàn tay đã xa nhau hơn hai tháng rồi
Chờ đợi thật đáng ghét nếu như ta không biết mình chờ đợi điều gì. Tôi đã lên kế hoạch một chuyến đi du lịch sang Nhật thăm người yêu, và đó là một điều đáng mong chờ. Hoặc dẫu cho chúng tôi yêu xa nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc khi chờ đợi đến ngày người yêu về thăm tôi. Có những cái mốc dù ngắn hay dài nhưng ta biết rồi cũng sẽ đến. Còn dịch bệnh, vẫn chưa ai biết được khi nào nó kết thúc. Và nó đã làm tan vỡ nhiều kế hoạch.
Trong những ngày khá rảnh rỗi như thế này, ngoài đi làm thì tôi cũng chẳng có hoạt động nào bên ngoài xã hội (dù vốn dĩ tôi cũng thu hẹp dần giao tiếp xã hội trong khoảng một năm nay, phần vì những người bạn chí cốt đều ở xa, phần vì tốn kém), tôi trú ẩn bên trong những hoạt động do chính mình tạo ra, nấu ăn, vẽ, đọc sách, tập đàn… những hoạt động mà không cần đến ai, không cần đi đâu. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn rất nhớ những buổi ngồi thả mình trong một không gian cà phê nhộn nhịp, đầy tiếng người. Hoặc những buổi tôi lang thang đường phố chụp choẹt này nọ. Hoặc thỉnh thoảng tôi hẹn với một người bạn không thân, chỉ để ra ngồi tán gẫu với nhau đôi chút. Dù gì đi nữa, giao tiếp xã hội vẫn cần thiết. Thế mà, hai tháng nay tôi không giao tiếp với ai (ngoài vài câu hỏi thăm cô bạn ở chung nhà mỗi lần hai đứa xuống bếp cùng nấu ăn).
Cũng vì rảnh rỗi nên tôi mới vào bếp thử nấu một vài món
Và còn vẽ tranh, một bức tranh mà tôi nghĩ rằng tôi chưa thể vẽ được, thế mà cũng vẽ được
Tôi cũng dự định sẽ về quê vào dịp nghỉ lễ sắp đến vào cuối tháng Tư, nhưng chẳng biết có thể về được không, những điều mà tôi không thể lên kế hoạch và cũng không chắc được nó sẽ đúng kế hoạch.
Tôi đã có quá nhiều thời gian để suy ngẫm về bản thân, về cuộc đời, nên tôi chẳng cần cái dịch bệnh này để làm việc đó như người ta khuyên bảo. Đây thực sự là một quãng thời gian trầm lắng thật đáng ghét và không cần thiết với tôi. Thì tất nhiên, khi có nhiều thời gian hơn, tôi lại vùi đầu vào mớ sách mua đã lâu chưa đọc, tôi lại lôi những sở thích ra để vọc, vẽ vời này nọ, đàn hát linh tinh, những việc mà chẳng cần dịch bệnh tôi cũng đã làm. Dần dần khi dịch bệnh kéo dài quá lâu, người ta lại khuyên chúng ta nên sống chung với nó cho đến khi nào có vaccine. Nhưng chắc rằng cuộc sống sẽ không còn được tiếp diễn như cũ nữa, không còn nhộn nhịp và đầy phấn khởi, chúng ta phải sống chung với nỗi lo, không chỉ nỗi buồn về tinh thần mà còn nỗi lo về vật chất nữa… Lúc này tôi lại nhận ra tôi không tự tin về khả năng thích nghi của mình cho lắm, dù trước giờ thì có. Bởi, tôi chẳng biết cuộc đời sắp tới sẽ còn có gì kinh khủng hơn xảy ra nữa hay không.
Một bài viết với khá nhiều bi quan và tôi biết rằng sau này khi đọc lại tôi sẽ cảm thấy mình thật yếu đuối ngốc nghếch. Nhưng bên trong mỗi người chúng ta vẫn luôn song hành hai trạng thái, lạc quan và bi quan. Sự bi quan bên trong tôi bị dồn nén dưới áp lực phải sống lạc quan, cho nên hôm nay tôi phải giải phóng nó, phải giãi bày ra, phải phơi hết ra. Một cách lạc quan mà nói, tôi hi vọng cuộc sống của tôi sẽ có thật nhiều thứ để chờ mong, và một trong những điều đó là dịch bệnh này hãy chóng qua. Tôi trầm lắng đã đủ rồi.
13/04/2020