Một cuối tuần nữa lại đến. Hôm nay tụi mình lục lại trong danh sách phim must-watch xem có phim gì hay thì thấy có lưu lại trong to-do list một bộ phim có tên “Children of Heaven” của Iran, sản xuất năm 1997. Phim này được đề cử giải Oscar cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1998.
Là một câu chuyện thật cảm động về tình cảm gia đình, tình cảm anh em và những giá trị đạo đức luôn được răn dạy từ thuở nhỏ, điều giúp cho những đứa trẻ nghèo giữ được nhân cách của chúng dù hoàn cảnh như thế nào đi nữa.
Children of Heaven xoay quanh câu chuyện về đôi giày của hai anh em trong một gia đình nghèo, tên là Ali và Zahra. Đầu bộ phim, Ali mang đôi giày của em gái mình đi sửa, sau đó đi vào tiệm tạp hóa mua đồ và để đôi giày ở bên ngoài. Một người đẩy xe rác đi ngang qua và vô tình cho đôi giày vào xe rác. Và thế là Ali đã vô tình làm mất giày của em mình. Hai anh em quyết định giấu bố mẹ chuyện này, và thỏa thuận rằng mỗi ngày sẽ thay phiên nhau mang một đôi giày (của Ali) để đến trường. Cứ mỗi buổi sáng, Zahra mang đôi giày của anh trai mình để đi học; và đến trưa khi tan học, cô bé chạy thật nhanh về nhà để đưa cho Ali và Ali lại chạy thật nhanh đến lớp để khỏi bị muộn giờ…
Mỗi cảnh phim đều khiến mình cảm thấy xúc động và rút ra bài học thật sâu sắc để sau này tụi mình giáo dục con cái.
Ali là một cậu bé rất thương em, và cũng rất thương cha mẹ, hiểu được hoàn cảnh của gia đình mình khó khăn, nên khi cậu vô tình làm mất đôi giày của em gái, Ali không muốn em gái tiết lộ chuyện đó cho ba mẹ, bởi cậu biết ba mẹ cậu sẽ buồn rầu lắm vì không có tiền để mua lại đôi giày khác cho Zahra. Sau một hồi tìm kiếm và dằn vặt bản thân, Ali nói với em gái hãy mang đôi giày của cậu để đi đến trường. Đến giờ đi học, Ali chờ sẵn ở ngõ hẻm đầu nhà trong đôi dép lê.
Cảnh hai anh em vội vã đổi giày cho nhau để Ali khỏi muộn học là một cảnh đặc trưng của bộ phim. Cả hai anh em luôn phải đến trường trong cảnh chạy thục mạng. Ali thường xuyên bị trễ học và suýt bị mời phụ huynh, nhưng Ali luôn năn nỉ thầy giám thị với những lý do này nọ, để bí mật về việc mất đôi giày không đến tai cha mẹ mình.
Riêng cô em gái Zahra khi phải mang đôi giày hơi rộng của anh trai, và cũng không đẹp như các bạn gái ở trong lớp, cô bé có tâm lý xấu hổ và thường xuyên nhìn xuống giày của mình, cũng như luôn nhìn xuống dưới chân của tất cả mọi người và quan sát những đôi giày của họ. Nhờ đó cô bé đã phát hiện ra “kẻ lấy cắp” đôi giày của mình cũng là một nữ sinh khác học cùng trường.
Hai anh em Ali và Zahra đi theo cô bé ấy đến nhà, và phát hiện ra gia đình của “kẻ cắp” ấy là một gia đình còn khó khăn hơn mình nữa. Cô bé ấy sau giờ học phải đi theo người cha mù để giúp đỡ cho cha trong công việc. Sau khi quan sát thì thái độ của Ali và Zahra thay đổi hẳn, nét mặt của các em thể hiện sự đồng cảm và cả hai lủi thủi trở về nhà.
Lại nói đến cha mẹ của hai anh em. Họ là những người lao động thuê và sống trong một căn hộ cũ kỹ, thường xuyên không đóng kịp tiền thuê nhà hàng tháng. Mẹ của Ali mới sanh em bé, cho nên phải nghỉ ngơi nhiều hơn, do đó cha của Ali phải chăm chỉ làm việc kiếm thêm tiền, ông cũng không để cho những ngưởi chủ đến bắt nạt vợ mình và bảo rằng tất cả những chuyện đó hãy cứ để ông lo, cô chỉ nên ở nhà dưỡng sức và chăm con. Ông có một công việc là đập nhỏ và phân loại những viên đường để pha trà cho các tín hữu ở nhà thờ. Khi Zahra pha trà cho bố, cô thắc mắc vì sao chúng ta không dùng những viên đường đó để pha trà, thì bố Zahra trả lời: chúng là của nhà thờ.
Chỉ với những mẩu đối thoại và qua cuộc sống bộn bề khốn khó của gia đình này, ta có thể thấy họ vẫn giữ được những chân giá trị của cuộc sống. Sự ngay thẳng, chính trực, lòng tự trọng, sự hiếu thảo, sự hòa thuận của hai anh em Ali.
Ali còn là một cậu bé hiểu chuyện và rất cố gắng học hành. Cậu bé được phần thưởng khi nằm trong top 3 đạt điểm cao nhất lớp. Cậu liền đem phần thưởng đó về chia sẻ cho em gái. Cô em gái Zahra cũng là một cô bé có lòng trắc ẩn, thương anh trai, và giữ lời hứa của hai anh em là không méc ba mẹ về chuyện mất đôi giày. Tuy rằng có nhiều lúc cô bé cảm thấy thật khổ sở khi phải mang đôi giày của anh trai, có lúc nó rộng quá nên dễ bị tuột và rớt xuống cống ướt cả. Có những lúc làm bài thi nhưng cô bé phải canh giờ để làm thật nhanh và chạy về cho kịp đổi giày với anh trai. Cả hai anh em đều mong ước ba mẹ có thể mua cho đôi giày mới, và Ali khi có dịp thì liền nói với cha cậu, hãy mua giày cho Zahra, chứ cậu không xin xỏ cho mình, dù đôi giày của cậu cũng đã cũ mòn vì hai anh em thay nhau mang rất nhiều. Ali cũng từ chối những buổi tập đá bóng với bạn hàng xóm, vì sợ giày sẽ bị bẩn, em gái mang đi học sẽ xấu hổ.
Câu chuyện bắt đầu có chút hứng khởi khi Ali chạy về nhà thông báo với em gái rằng cậu sẽ tham gia cuộc thi chạy ở trường, và sẽ cố gắng giành giải ba. Zahra hỏi vì sao chỉ giành giải ba thôi, Ali nói vì giải ba thì được thưởng một đôi giày, còn giải nhất và giải nhì được phần thường gì thì cậu bé không quan tâm cho lắm.
Hai anh em ngày nào cũng chạy tiếp sức từ trường về nhà, rồi từ nhà đến trường như vậy trong cả tháng trời cho nên Ali đã dần dần nhanh nhẹn hơn và có khả năng thắng cao trong cuộc thi chạy.
Vào hôm cả trường thi chạy, các bạn nhỏ khác đều được cha mẹ đến chăm sóc, chụp ảnh và cổ vũ, còn Ali chỉ có một mình thôi, với đôi giày đã mang sắp rách đến nơi. Cậu bé nỗ lực chạy thật nhanh, trên cả quãng đường chạy, cậu bé luôn nhớ về lý do vì sao mình tham gia cuộc thi chạy này. Những lời trách móc của em gái khi cậu làm mất giày của em, những lúc hai anh em luôn hồi hộp chờ đổi giày cho nhau để cậu kịp đến trường… tất cả những điều đó lướt qua trong đầu cậu bé. Đoạn này khiến mình cảm động chảy nước mắt.
Cuối cùng khi gần đến đích, cậu bé vượt trước và dẫn đầu cả đoàn. Nhưng mục tiêu của cậu là giải ba cơ. Thế nên Ali chạy lùi lại vừa đủ để cho 2 người ở trước mình. Nhưng lại có một sự cố xảy ra, một thí sinh khác ở phía sau đã níu áo Ali làm cho cậu té ngã và bị bỏ lại phía sau. Gần đến đích rồi, không thể chịu thua được. Ali dùng hết năng lượng bứt phá và cắm đầu chạy thật nhanh. Cuối cùng cậu đã về đích. Nhưng cậu về nhất. Trong hơi thở hổn hển, Ali hỏi thầy giáo: Có phải con đã về ba không? Nhưng khi biết mình về nhất, gương mặt cậu bé tỏ vẻ thất vọng, vậy là đôi giày không thuộc về mình rồi.
Kết phim cậu bé thất thểu trở về nhà, đối diện với em gái Zahra với đôi mắt buồn rầu. Trong một diễn biến khác, cha của cậu đã kiếm được tiền và mua tặng hai con của mình đôi giày mới, đang trên đường trở về nhà.
Bộ phim mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc. Nhất là những giá trị nhân văn mà dù xã hội giờ đây có thay đổi hiện đại như thế nào, những giá trị đó vẫn luôn còn mãi. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Ali và Zahra là những đứa trẻ dễ thương như vậy đó. Mình luôn ngưỡng mộ những gia đình nào có thể giáo dục nên những đứa trẻ ngoan, hiếu thảo, hiểu chuyện, thương cha mẹ, thương anh chị em, sống có đạo đức, có lòng trắc ẩn, chính trực ngay thẳng, nhất là những gia đình nghèo thì điều đó lại càng quý giá hơn.
Xã hội thực dụng ngày nay đến người lớn còn khó có được những nhân phẩm trên chứ nói gì trẻ em. Cho nên với mình, thì việc giáo dục, trồng người, là rất quan trọng. Xem xong bộ phim mà tụi mình cứ nói với nhau, sau này dù hoàn cảnh có thế nào, cũng ráng nuôi dạy con cái giữ được những giá trị sống nhân văn như vậy, mặc kệ cuộc đời có tham lam vô độ ra sao nhé.