Mặc dù tôi và em gái bị đòn roi vì phạm lỗi khá nhiều, nhưng chúng tôi vẫn là những đứa trẻ ngoan.
Đọc những phần trước chắc bạn cũng mường tượng ra chúng tôi phải chịu ăn đòn như thế nào mỗi khi phạm vào “bộ luật” quái chiêu của ba. Trong thời đại này, người ta không cho trẻ con ăn đòn, vì họ dần nhận ra đó là cách giáo dục thiếu văn minh, thiếu nhân đạo, và không hiệu quả. Nhưng có lẽ quay trở về ba chục năm về trước, khi được hỏi thì đến 9 trên 10 đứa trẻ từng bị cha mẹ cho ăn đòn, có thể vài roi vào mông, hay cái bợp tai, hoặc hình phạt quỳ đến mỏi gối.
Tuy vậy, những đứa trẻ bị ăn đòn không phải tất cả đều hư. Có lẽ ở cái thời đó, cha mẹ bận rộn kiếm cơm, những đứa con phải tự ý thức và hiểu chuyện, tự ngoan lên, tự học lấy điều hay. Riêng hai chị em chúng tôi tuy được sinh ra trong gia đình nông dân, nhưng ông ngoại, ông nội tôi đều là bậc nhân sĩ, hưởng nền giáo dục tốt, rồi truyền lại cho ba mẹ tôi. Do vậy ba mẹ tôi cũng đem hết những tinh tuý thừa hưởng từ nền giáo dục của gia đình, của chế độ xưa để truyền dạy cho chúng tôi.
Lên 3 tuổi là tôi đã đọc vanh vách cả trăm câu Kiều (truyện Kiều - Nguyễn Du). Ba tôi thu âm và mượn cái máy cát-xét của ông ngoại, bật lên cho cả nhà nghe. Cả nhà lấy đó làm tự hào và cho rằng tôi là đứa thông minh bậc nhất. Bảy tuổi tôi biết làm thơ, soạn một bài thơ về tình mẹ, miêu tả cảnh đứa con trên lưng ngựa trở về lừng lẫy quê hương gì đó… mà khiến cho ông bác ở quê đọc tấm tắc khen hay, rồi đem bài thơ đó phổ biến cho cả cái thôn ở quê. Đến khi lên đại học tôi có dịp về thăm Quảng Ngãi quê ba tôi, cả xóm đều tới hỏi thăm, có phải con bé làm bài thơ nổi tiếng kia không. Lúc đó tôi chẳng còn nhớ gì, tôi đã trở thành con bé chẳng có tài năng gì nổi bật mất rồi.
Em gái tôi cũng thuộc dạng nghịch ngợm khi còn nhỏ. Bạn đọc qua những câu chuyện tuổi thơ thì cũng thấy nó láu táu như thế nào. Lớn lên nó nghịch hơn tôi, bạn bè nhiều, đi chơi cũng nhiều. Có lần nó đi sinh nhật bạn mà đến 9 giờ tối chưa về, mẹ tôi phải đạp xe khắp nơi đi tìm. Thời đó chẳng có điện thoại, chỉ nghe loáng thoáng nhà bạn nó ở đường ABC nọ, mẹ tôi chạy xuôi dọc con đường để tìm và chở nó về. (9 giờ tối ở cái thời đó, với một đứa trẻ cấp hai là đã khá muộn rồi).
Còn tôi trông cũng khá ngoan hiền, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng cúp học thêm. Học chính thì tôi không dám cúp, nhưng học thêm thì tôi chẳng hứng thú gì mấy. Ngày đó ai cũng “nên” đi học thêm, phần thì vì học chính không đủ, phần thì phải lấy lòng thầy cô giáo. Tôi khi lên cấp hai không được lanh mồm lanh miệng, hoạt bát như những đứa khác trong lớp, tôi cứ khù khờ mà ba tôi lại hay lên lớp phàn nàn, xin đổi chỗ cho tôi, họp phụ huynh hay ý kiến… nên thầy cô không có cảm tình. Tôi có cảm giác bị bắt chẹt, hay bị gọi lên bảng dò bài với những câu hỏi khó, bài kiểm tra 15 phút thì cả lớp hầu như đều biết trước đề, trừ tôi và một vài đứa không đi học thêm. Với áp lực đó, tôi tự nhiên học kém đi dù đã cố gắng thật nhiều. Thế rồi ba mẹ cũng buộc phải gửi tôi đi học thêm. Dù vậy tôi vẫn chẳng thu thập được nhiều kiến thức từ những lớp học thêm cho mấy. Môn gì tôi thích, tôi tự nhiên học giỏi mà không cần thầy cô chỉ bài trước. Môn gì tôi không thích, tôi hời hợt và cảm thấy không thể nhét vào đầu.
Thế nhưng nhờ đi học thêm mà điểm số một vài môn của tôi cải thiện thấy rõ, như môn Văn, tiếng Anh. Mặc dù, tôi có học mấy đâu. Những môn tôi thấy buồn ngủ như Văn, Hoá, thỉnh thoảng tôi trốn, đi lang thang, rồi ghé nhà ngoại đánh một giấc thật ngon, đến giờ tan học thì đạp xe về. Môn tiếng Anh tôi chẳng phải kém, thể hiện rõ ở việc khi lên cấp 3 khi chuyển đến trường tư thục (nơi mà ba tôi nói là thầy cô ở đó được trả lương cao nên họ không thúc ép học sinh đi học thêm), điểm tiếng Anh của tôi luôn từ khá trở lên trong khi tôi chẳng hề phải đi học thêm tí nào.
Ngẫm lại, sự trốn học của tôi cũng không phải hành động của đứa trẻ hư, mà là một đứa trẻ quá nhiều mệt mỏi.
Dù cũng còn nhiều khiếm khuyết như vậy, dù trong mắt ba mẹ tôi thì chúng tôi luôn có những lỗi lầm, chưa đạt tiêu chuẩn 5 sao như ba mẹ mong muốn, nhưng với hàng xóm và người ngoài, họ đều đánh giá chúng tôi là những đứa trẻ ngoan.
Khách đến nhà, tôi và em gái chạy ra chào hỏi, rót nước mời khách. Những ngày tết cũng như thế nhưng chị em tôi sau khi chào hỏi thì trốn vào phòng, không chườn cái mặt ra đợi lì xì như những đứa trẻ nhà khác (mà mẹ tôi bảo như thế là hư). Hai chị em tôi tuy có chút tị nạnh nhưng cũng phân công làm việc nhà và phụ giúp ba mẹ công việc vườn tược trong sức của mình. Đi học chúng tôi không để xảy ra xì-căng-đan nào ghê gớm, những vụ đánh nhau giật đầu xé áo đều không bao giờ có mặt tôi, dù chỉ là đứng xem hưởng ứng. Khi ra đường gặp người lớn chúng tôi dạ thưa lễ phép, chưa hề có một lần cãi cọ láo lếu với người lớn tuổi hơn mình. Những quy tắc cơ bản trong ứng xử, rèn luyện nên nhân phẩm và đạo đức vốn có của một con người, chúng tôi được giáo dục bài bản và không phạm sai lầm.
Những ngày tháng sau này khi lớn lên, tôi đi xa nhà, rồi hoà nhập vào một môi trường mới rất lạ lẫm, đụng độ với đủ thứ văn hoá giáo dục khác nhau. Tôi gặp những kẻ cư xử chẳng ra gì, láo lếu, mất dạy. Tôi cũng gặp những người hiền hoà và yếu thế hơn mình rất nhiều, họ sinh ra những hội chứng tâm lý lạ thường. Những lúc đó tôi tự nhủ, thật may vì dù thế nào đi nữa tuổi thơ tôi đã được giáo dục kỹ càng, sống cân bằng. Tôi có đôi lúc tự ti một chút, cũng có máu kiêu ngạo ngầm trong người, tôi có lúc nổi điên giận dữ, có lúc lại quá yếu ớt để bày tỏ ý kiến. Nhưng ngẫm lại tôi vẫn là một đứa trẻ ngoan. Một đứa trẻ ngoan cũng có lúc phạm sai lầm, mắc lỗi, thất bại, nhưng sau cùng vẫn có cái gì đó bật nó dậy, bảo nó cố gắng, bảo nó phải tiến bộ và quay trở về nhân bản.
Nếu có thể được thay đổi một phần trong tuổi thơ của mình, tôi chỉ mong mình nhận đòn roi ít hơn, để xem nếu không có đòn roi, tôi có trở thành một đứa trẻ tốt hơn nhiều hay không. Tâm hồn tôi có bớt đi nhiều tổn thương gây ảnh hưởng đến tính tình khi lớn lên hay không. Nhưng dù sao đi nữa, những đứa trẻ ngoan có cách của chúng để bước vào thế giới người lớn một cách đàng hoàng, chuẩn mực.