Nhân chuyện bếp núc nghĩ về "vùng an toàn"

Viết bởi Cô Đào vào 2021-06-22
Chủ đề:

Untitled.png

Những năm gần đây mình thường nấu ăn và ăn cơm nhà, vì cũng không thích ăn hàng quán nhiều. Thỉnh thoảng có dịp thì kéo nhau ra quán ăn những món khác lạ để đổi vị cũng ngon, nhưng ăn hoài sẽ ngán và tốn tiền. Do đó mình ưu tiên ăn cơm nhà và tự dưng mình thích nấu nướng từ lúc nào chẳng biết.

Vì hoàn cảnh sống nên mình đổi nhà trọ liên tục trong khoảng 5 năm trở lại đây. Căn nhà trọ mình ở lâu nhất là một chung cư mini ở khu Hoàng Hoa Thám, ở đó khoảng 2 năm rưỡi. Rồi đến căn gần đây mình ở với một người bạn trong một căn nhà cũng thoáng đãng, có phòng ngủ riêng, có bếp và phòng khách. Tụi mình ở đó được 2 năm thì cả hai đều lập gia đình và rời khỏi đó.

Có một đặc điểm mà mình rất chú trọng khi đến ở một nơi nào đó, chính là căn bếp. Nơi đó là nơi mình có nhiều cảm hứng để thể hiện tinh thần “nghệ sĩ” trong việc nấu nướng của mình, vì vậy lúc nào mình cũng chăm chút cho nó được đầy đủ, tiện nghi, với đủ loại gia vị và đồ nghề để mình tha hồ “bày”. Và mình cũng để ý thấy, mỗi khi mình thích nghi và quen thuộc với căn bếp của mình, dù đó là ở trọ hay ở nhà, thì trình độ nấu nướng của mình vượt bậc hẳn. Mình thích đứng trong một căn bếp có thể với tay lấy một món đồ mà không cần nhìn thấy nó, xoay người sang trái, sang phải để làm nhiều việc cùng một lúc mà không cảm thấy rụt rè, vướng víu. Đó chính là căn bếp của mình, nơi mình cảm thấy thoải mái, an toàn, vui vẻ, dễ chịu nhất. Cũng là một món mình đã nấu nhiều lần, nhưng nếu đến một căn nhà lạ, mình không quen thuộc với vị trí các món đồ, điều đó dẫn đến quá trình nấu nướng trở nên lóng ngóng, bận bịu, chậm chạp hơn, rồi tự dưng hôm đó mình cảm thấy món ăn của mình kém ngon hơn.

Mình biết, căn bếp là vùng an toàn của mình. Phải là nơi mà mình cảm thấy thoải mái nhất thì công việc mới trôi chảy, toát ra nhiều năng lượng và trở nên dễ dàng hơn. Bởi có thể hiểu được cảm nhận của những thí sinh trong cuộc thi Master Chef khi đứng trước một căn bếp rất hào nhoáng, đầy đủ và phong phú, nhưng họ lại khá lóng ngóng trong những phút đầu tiên, họ chạy qua chạy lại, tìm cái này cái kia, chạy đua với thời gian để làm ra những món ăn hợp ý ban giám khảo, nhưng chính trong sự gấp gáp và thiếu quen thuộc ấy, họ sẽ không thể làm được thứ tốt nhất, như trong căn bếp gia đình.

Nếu bạn là người nấu ăn, thích nấu ăn, bạn sẽ biết cách bài trí cho căn bếp theo ý của mình, phù hợp với mình. Có thể những món đồ không phải là đẹp nhất, không phải là loại xịn nhất, nhưng nó vừa vặn với bạn giúp bạn đủ tự tin thể hiện kỹ năng của mình. Khi có đủ tự tin và quen với vùng an toàn của căn bếp, ta sẽ tiếp tục sáng tạo, khám phá, bày trò thêm nhiều thứ.

Chuyện này làm mình nhớ đến có lần, trong một công ty cũ, người sếp muốn thúc giục mình tạo ra doanh số nhiều hơn nên bảo mình hãy ra khỏi vùng an toàn đi. Lúc đó mình lại cảm thấy thật sự thiếu an toàn khi nghe sếp thúc giục như vậy. Mình đang đi trên một cái đà thuận lợi, không vấp váp, doanh số dù tháng nhiều tháng ít nhưng không đến nỗi tệ, và quan trọng là mình vẫn đang cố gắng. Sự cố gắng của mình thể hiện ở những lần chốt được deal với những khách hàng cực kỳ khó tính, những khách hàng mình phải đeo đuổi dai dẳng cả tháng trời. Nhưng sếp thì muốn nhanh, nhanh và nhanh hơn nữa, trong mắt ông ấy mình vẫn đang chậm như rùa là bởi vì mình còn ở trong vùng an toàn, không dám bứt phá, doanh số cứ đều đều mà không tăng vọt. Có lẽ sếp mong muốn điều gì “hơn thế nữa” ở mình.

Cứ như đang đứng trong một căn bếp nấu nướng rất thoải mái, điệu nghệ, và chuẩn bị sáng tạo, thì thực khách chạy đến đưa cho một menu lạ hoắc và bảo: mày làm cái này đi, đừng nấu những món kinh điển xưa giờ mày vẫn nấu nữa, chán lắm rồi. Điều đó làm mình cảm thấy bất an hơn. Vậy ra, mình đang làm không tốt sao?

Dần dần, mình nhận ra rằng, điều khác biệt ở đây chỉ là “mức độ mong muốn được áp đặt”. Mình có thể làm được 8, rồi từ từ đi đến 9, đến 10, nhưng nếu mức độ mong muốn của người khác là 15, 20 thì mình không thể nào đáp ứng nổi trong một thời gian ngắn, điều mà họ cho rằng đó là nhảy ra khỏi vùng an toàn. Tư duy của những người làm chủ luôn muốn nhân viên của mình như một con ếch đang ở trong nồi nước sôi và buộc nó phải nhảy. Họ luôn muốn đun nóng vùng an toàn của nhân viên để kích thích năng suất làm việc cao hơn, kết quả vượt trội hơn. Nhưng cái việc nhảy ra khỏi vùng an toàn giống như thả con ếch vào nước sôi một cách đột ngột, nó sẽ chết chứ không thể nhảy được.

Khi một người được tạo môi trường thuận lợi, thoải mái để phát triển, theo thời gian cũng sẽ đến lúc họ phát triển tối đa (trừ phi là năng lực của họ không cho phép thôi). Như khi mình đứng trong căn bếp của chính mình, quờ quạng đâu cũng thấy quen thuộc, nấu những món ăn mà mình thành thục, đưa nó lên cấp độ ngon tuyệt, rồi sự sáng tạo, tìm tòi, khám phá, bứt phá cũng sẽ xảy ra.

Muốn nhảy ra khỏi vùng an toàn cũng cần có thời gian. Muốn chạy tăng tốc cũng cần có một quãng đường để tạo gia tốc. Muốn nhảy cao thì cũng phải lấy đà. Không có thứ gì có thể rút ngắn, muốn nhanh, muốn nhiều mà không phải trải qua thời kỳ nung nấu cả.

Tự dưng hôm nay vào bếp nấu nướng, cảm thấy mình nấu ngon, cảm thấy muốn nấu nhiều hơn và học được những món ngon hơn, lạ hơn… mà ở đâu len lỏi ra cái suy tư sâu xa thế này không biết.

Anyway, good things take time, bạn hén.