Đây là câu mà mình hay gọi em bé của mình khi con vẫn còn ở trong bụng.
Người ta bảo thai giáo rất quan trọng vì em bé từ 4 tháng tuổi trong bụng mẹ đã dần hoàn thiện các bộ phận và tai bắt đầu phát triển tốt hơn. Em bé đã có thể nghe được những âm thanh từ người mẹ, dù đó là âm thanh dịu dàng, khô cứng hay dữ dội đi nữa.
Lúc mang thai được 4 tháng, mình và chồng sang Nhật và mình đã có 2 tháng trải nghiệm cuộc sống đầy mới mẻ ở Nhật trước khi về Việt Nam chuẩn bị sinh con. Mình biết tất cả những trải nghiệm của mình đều sẽ ảnh hưởng đến con. Thật may mắn và tuyệt vời làm sao, trong những tháng thai kỳ này, mình được trải nghiệm nhiều hoạt động với tất cả các giác quan mà một con người có thể có được. Từ trải nghiệm việc đi máy bay, đi tàu điện, xe buýt, thuyền, đi bộ cũng rất nhiều. Sau đó là đến trải nghiệm về ẩm thực, những món ăn phong phú, lạ miệng khi ở Nhật (mình không chỉ ăn các món Nhật mà còn có cơ hội thưởng thức món Ý, Thái, Hàn, Trung, Ấn Độ nữa). Mình trải qua cảm giác nóng bức, và mát mẻ khi ở Nhật. Mình được đi đến những nơi có phong cảnh nên thơ, những mảng màu xanh mát của cây cỏ, nghe tiếng chim kêu, tiếng thác nước chảy. Mình cũng trải qua quá trình cố gắng nỗ lực trong việc học tiếng Nhật, tiếp thu nền văn hoá xa lạ, bỡ ngỡ với cuộc sống mới, và cuối cùng thì mình cũng đã khóc rất nhiều khi phải xa chồng để trở về Việt Nam. Chừng ấy cảm xúc, chừng ấy trải nghiệm, có lẽ đối với một người mẹ mang thai mà nói, là quá phong phú và đáng trân trọng biết mấy.
Mình cũng cho Mori nghe những bài hát bằng tiếng Anh, thỉnh thoảng có tiếng Nhật nữa. Mình đã tạo một album trên Spotify đặt tên là “Gently and Soft” để mở cho Mori nghe vào những giờ cố định trong ngày. Album có những bài hát với giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm như Papa, Five Hundred Miles, Let It Be, Heal The World, La Vie En Rose, Ave Maria, Fly Me To The Moon…
Thỉnh thoảng vào những buổi tối mình không bận học tiếng Nhật, mình cũng đọc truyện cổ tích cho con nghe. Mình mong muốn sau này con cũng có niềm đam mê đọc sách giống mình và chồng, nhưng điều đó mình cũng không cưỡng cầu mà mong là con sẽ bắt chước hành vi, thói quen của ba mẹ rồi tự tạo nên thói quen cho bản thân.
Mỗi khi Mori cử động trong bụng, mình biết con đã thức giấc nên mình thường gọi con: “Mori ơi, Mori yêu dấu của mẹ ơi”. “Con thức dậy rồi hả?” “Con có khoẻ không?” “Con có đói bụng không?” “Mẹ đang nấu ăn nè, mẹ đang nằm nghỉ nè, mẹ đang học tiếng Nhật nè…”. Mình tâm sự với con những gì xảy ra trong cuộc sống, những hoạt động mà mình đang làm. Mình kể cho con nghe rằng ba mẹ, ông bà và tất cả mọi người đều mong chờ con như thế nào. Khi con cử động mình tập giao tiếp với con bằng cách nhấn vào bụng, con đạp bên trái thì mình nhấn vào giữa bụng để con di chuyển dần theo mình, con đạp bên dưới thì mình nhấn bên trên. Chơi trò vận động với con rất thích, dù con chưa ra đời nhưng mình cảm nhận rõ con có giác quan rất tốt, hai mẹ con cảm nhận và giao tiếp với nhau thông qua những lớp biểu bì.
Mình đã bước vào tam cá nguyệt cuối cùng, và đáng tiếc là chỉ số đường huyết bị cao, nên mình phải tập trung để ý chế độ ăn uống nhiều hơn. Những ngày ở Nhật mình có cơ hội đi bộ nhiều, vì đường phố bên ấy thông thoáng, có lối đi riêng dành cho người đi bộ, xe cộ thưa thớt và họ rất tuân thủ luật lệ, không chạy lộn xộn như đường phố nước mình, người đi bộ bên ấy được ưu tiên hàng đầu. Nên khi ở Nhật mình rất thoải mái đi bộ. Còn khi về nhà được nửa tháng, mình không biết phải làm sao để vận động đều đặn được như vậy. Hôm nay mình bắt đầu tập yoga bầu và cảm thấy hiệu quả rõ rệt. Lúc sáng ngủ dậy còn cảm thấy đau lưng, mỏi cơ, mỏi xương khớp. Nhưng sau một bài tập chừng 45 phút, mình thấy cơ thể lấy lại được sự linh hoạt, cảm giác sảng khoái của những ngày xưa khi mình tập yoga đã quay trở lại.
“Mori yêu dấu của mẹ ơi, từ ngày có con, mẹ thấy mình mạnh mẽ hơn, cố gắng hơn và làm tất cả mọi thứ đều hướng về con.”
Sức mạnh của tình mẫu tử thật thiêng liêng mà mình ngày càng cảm nhận rõ ràng. Cũng chính trong lúc mang thai này, mình cảm thấy thương mẹ mình nhiều hơn. Mình hay hỏi mẹ, ngày xưa mẹ có bị thế này, bị thế kia khi mang thai giống con không. Mẹ mình gần như ứa nước mắt mà nói: ngày xưa mẹ khổ quá, lo đi làm lụi cụi suốt thời gian mang thai nên chẳng nhớ cơ thể của mẹ thay đổi như thế nào nữa. Ngay cả khi mình bị chuột rút và cứ phải dùng tay bóp nắn chân lúc ngủ, mẹ cũng chẳng hiểu là mình đang bị gì, mẹ hỏi: bị chuột rút là sao? Ngày xưa mẹ mình đến ăn uống cơ bản còn không đủ thì làm sao cần phải giữ gìn để không bị tiểu đường thai kỳ. Ngày xưa mẹ phải thức dậy từ sáng sớm để làm việc, cơ thể hoạt động quần quật và đến tối mệt quá ngủ thiếp đi, thì những cơn đau lưng nhức mỏi của thai kỳ có là gì đâu.
Bởi vậy mới thấy những bà mẹ thật sự vĩ đại. Đôi lúc mình không hiểu sức mạnh ở đâu để những người mẹ có thể sống như vậy, chiến đấu như vậy, chịu gian khổ như vậy. Nhưng khi bắt đầu mang trong mình một sinh linh bé nhỏ, mình đã hiểu tất cả. Những khổ sở cơ cực đó, họ chịu được hết là vì tình yêu thương con quá mãnh liệt. Và đôi khi mình thấy ai đó lên án một người mẹ vì thương con quá mà mất đi lý trí, không biết cách để giữ chừng mực cái tình cảm đó, thành ra nuông chiều và làm con hư. Bên trong một người mẹ, có cả mạnh mẽ, nhưng cũng có cả yếu đuối như vậy. Mạnh mẽ để chiến đấu vì con, nhưng cũng yếu đuối trước mong cầu của con.
Có con rồi, bạn thấy cuộc đời này khó sống hơn nhiều phải không. Nhưng không vì thế mà làm gục ngã những người mẹ. Ôi những người mẹ vĩ đại và đồng thời cũng đáng thương biết bao nhiêu.
Mori yêu dấu của mẹ, mong rằng sau này lớn lên con sẽ đọc được những dòng này, và đọc hết những trang viết của ba mẹ để hiểu thêm về cuộc đời qua lăng kính của ba mẹ, qua những gì ba mẹ từng trải nghiệm con nhé.